“Tiền mất, tật mang” vì tin vào những combo làm đẹp trên mạng xã hội

Thứ Năm, 02/05/2024, 07:10

Làm đẹp là nhu cầu lớn của nhiều người, đặc biệt là chị em phụ nữ. Tuy nhiên, đã có nhiều người do nhẹ dạ, thiếu hiểu biết đã mất hàng chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu và không ít trong số đó phải gánh hậu quả nặng nề về sức khỏe khi tin vào những “combo” làm đẹp trọn gói trên mạng xã hội.

Từ mất tiền oan vì các combo làm đẹp

Để tiếp cận với khách hàng dễ dàng hơn, rất nhiều cơ sở spa đã quảng cáo các gói combo làm đẹp vô cùng hấp dẫn. Chỉ cần lên mạng xã hội gõ từ khóa “combo làm đẹp” hoặc “gói làm đẹp” là có thể cho ra hàng loạt những bài quảng cáo vô cùng hấp dẫn. Các cơ sở này tìm cách thuyết phục khách hàng mua các gói làm đẹp “trọn đời” bằng các loại “thẻ lâu năm”, “thẻ VIP” hoặc cùng “mua chung”,... để được hưởng những ưu đãi khủng giảm giá từ 30-50%. Đã không ít chị em nhẹ dạ cả tin chi ra cả chục triệu đồng để rồi phải ngậm trái đắng.

“Tiền mất, tật mang” vì tin vào những combo làm đẹp trên mạng xã hội -0
Bệnh nhân 24 tuổi tới khám tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội trong tình trạng vùng mặt dưới sưng nề.

Chị Trần Thị H (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, khoảng 3 năm nay chị là khách hàng quen thuộc của một spa chăm sóc sắc đẹp khá lớn trên đường Nguyễn Lương Bằng (quận Đống Đa, Hà Nội). Tại cơ sở này có rất nhiều gói làm đẹp như massage, tắm trắng, phun môi, thêu mày,... Chị H. thường mua gói massage body (dịch vụ chăm sóc cơ thể), mỗi gói gồm 20 lần massage với giá 7 triệu đồng sau khi được giảm giá 30%. Chị H cho biết: “Tôi rất hài lòng với chất lượng và thái độ phục vụ của nhân viên ở đây. Vì thế, khi dùng hết gói cũ, cuối năm 2023, tôi mua gói massage body tiếp theo. Tuy nhiên, khi dùng đến buổi thứ 4 thì nhân viên của quán spa thông báo tạm thời đóng cửa ít ngày để nâng cấp hệ thống máy móc. Đến thời điểm hiện tại, sau gần 5 tháng, quán spa vẫn chưa hề mở lại, bên ngoài các biển bảng cũng không còn. Nhiều lần tôi gọi điện thoại đến hotline của spa để hỏi thì đều không liên lạc được”.

Cùng chung cảnh ngộ, chị Lê Thu N (Nam Từ Liêm, Hà Nội), cũng vô cùng bức xúc về việc một cơ sở thẩm mỹ trên địa bàn quận Thanh Xuân dụ dỗ chị mua gói dịch vụ làm đẹp tổng hợp giá 20 triệu đồng (được làm thẻ VIP), trong đó phun môi được bảo hành trọn đời và được chăm sóc trẻ hóa da mặt 20 buổi. Sau khi mua gói làm đẹp này, khách hàng mang thai nên đăng ký bảo lưu và tạm dừng sử dụng, khi quay lại thì cơ sở đã "lặn mất tăm". “Tôi thực sự không hiểu họ làm ăn kiểu gì, cũng không biết kêu ai khi trở lại thì họ đã không còn hoạt động. Thậm chí, trên fanpage của spa đó cũng không còn gì luôn”, chị N bức xúc.

Tại một diễn đàn chuyên về spa có khá nhiều khách hàng đăng bài bóc phốt những cơ sở bán combo làm đẹp nhưng sau đó lại “lặn mất”. Chị Lê Thu Hoài (quận Nam Từ Liêm) chia sẻ bức xúc lên diễn đàn: Cách đây không lâu chị có nộp tiền mua gói dịch vụ trị sẹo giá 15 triệu đồng tại cơ sở thẩm mỹ trên đường Xuân Thủy (Cầu Giấy). Khi mua thẻ, cơ sở này cam kết hoàn tiền gấp đôi nếu khách không trị được sẹo. Tuy nhiên, sau 3 lần trị sẹo không có tiến triển, chị Hoài tạm nghỉ một thời gian và đến đầu năm 2024 quay lại thì cơ sở đã đóng cửa. Vào trang Facebook của cơ sở có thông báo đã chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh.

Chị Hoài bức xúc: “Khi họ tiếp cận với khách hàng, các cơ sở thường rất nhiệt tình chu đáo và dùng chiêu trò khuyến mại như tặng buổi trải nghiệm chăm sóc da miễn phí rồi mời khách mua thẻ lâu năm với giá trị cả chục triệu. Sau khi biết mình bị lừa tôi cũng có lên các diễn đàn thì được biết rất nhiều người bị lừa như mình. Các cơ sở này chỉ hoạt động một thời gian ngắn rồi “âm thầm phá sản” hoặc chuyển trụ sở đến nơi khác. Đây là thủ đoạn moi tiền khách hàng mà không ít người mắc bẫy, nhưng phần lớn phải ngậm "trái đắng" vì không đủ bằng chứng tố giác đối tượng vi phạm”.

“Tiền mất, tật mang” vì tin vào những combo làm đẹp trên mạng xã hội -0
Nhiều khách hàng lên các hội nhóm tố bị lừa từ các gói dịch vụ làm đẹp.

Chia sẻ về vấn đề này, luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng văn phòng Luật Intelia cho biết: Thực tế đã có nhiều vụ việc khi đã xảy ra sự cố thì khách hàng mới đưa thông tin ra dư luận, lúc đó các cơ sở làm đẹp đã kịp thời xóa dấu vết. Để liên hệ với các cơ sở hoặc tìm đủ bằng chứng buộc tội những đơn vị này rất khó khăn, vì thế đa phần khách hàng phải chịu mất tiền mà không có cách nào lấy lại được. “Phần lớn khách hàng không đưa ra được bằng chứng cho thấy các cơ sở có dấu hiệu lừa đảo, vì đây là thỏa thuận giữa người mua và người bán, nên không đủ bằng chứng xác lập vi phạm. Vì thế, khách hàng cần cẩn trọng khi tiếp cận các dịch vụ, đừng để mất tiền rồi mới tìm hiểu, khi đó thì đã quá muộn", luật sư Hòe cho biết.

Đến những hậu quả về sức khỏe

Việc không tìm hiểu những cơ sở làm đẹp sau đó xuống tiền để mua các gói combo dịch vụ không chỉ khiến khách hàng mất tiền oan mà còn chịu hậu quả nặng nề về sức khỏe. Theo thống kê của Bệnh viện Da liễu Trung ương, mỗi tháng bệnh viện tiếp nhận hàng trăm ca tai biến do làm đẹp không an toàn tại các cơ sở thẩm mỹ không được cấp phép. Mới đây, một bệnh nhân nữ 23 tuổi, đến khám trong tình trạng toàn bộ vùng da mặt, cổ bị thâm sạm, tổn thương. Bệnh nhân này đã chi cả chục triệu đồng để trị nám, tàn nhang tại spa bằng phương pháp lăn kim, lột da và dùng cả thuốc bôi, thuốc uống. Sau mỗi lần thực hiện, làn da bị bỏng rát, bong tróc, loang lổ nhưng cô gái vẫn cố tiếp tục theo liệu trình cả năm trời. Chỉ đến khi các tổn thương không thể lành, cô gái mới tìm đến bệnh viện. Theo lời của bệnh nhân, chỉ vì tin theo quảng cáo trên mạng xã hội, chị đã quyết định mua “combo làm đẹp” có giá 40 triệu đồng. Do không tìm hiểu kỹ mà đã đặt niềm tin không đúng chỗ nên đã phải chịu hậu quả nặng nề.

Bác sĩ Nguyễn Quang Minh - Phó trưởng Khoa Nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, nhu cầu làm thẩm mỹ trong cộng đồng tăng lên nhiều, thông qua mạng lưới truyền thông trên mạng xã hội hoặc các đơn vị quảng cáo, marketing, người dân có thể thấy rằng dịch vụ thẩm mỹ rất đa dạng với những lời hứa hẹn mang lại kết quả như trong mơ.

“Thời gian qua cũng đã ghi nhận những trường hợp tai biến nhiều liên quan đến các thủ thuật thẩm mỹ tưởng là đơn giản nhưng vô tình gây nên rất nhiều vụ tai biến cho bệnh nhân. Khi bệnh nhân đến với chúng tôi, qua đánh giá thấy đây là những tai biến nặng nề và điều trị muộn. Chúng tôi từng tiếp nhận rất nhiều biến chứng về filler (chất làm đầy) với các mức độ như hoại tử mô da, tắc mạch có diễn tiến, thậm chí có trường hợp vào viện khi một bên thị lực đã bị ảnh hưởng, gây mù mắt... Ngoài ra, còn thủ thuật tiêm độn tổ chức mô vô tình gây nhiễm khuẩn, gây sưng nề tím đỏ, áp xe, chảy mủ, dịch. Thêm nữa, có cả những biến chứng khi tiêm meso vốn được quảng cáo là tiêm để căng bóng, để trẻ hóa da nhưng lại gây ra các nốt sần, viêm nhiễm, chảy mủ, áp xe kéo dài tạo thành các ổ hoại tử, nhiễm khuẩn viêm da... Tiêm tan mỡ cũng gây dị ứng... Cấy tóc áp xe nhiễm khuẩn cũng đều có”, BS Quang Minh cho biết.

“Tiền mất, tật mang” vì tin vào những combo làm đẹp trên mạng xã hội -0
Bệnh nhân nữ (37 tuổi) sau khi tiêm filler vùng mũi, má tại một cơ sở của người quen.

ThS. BS Tạ Thị Hà Phương - Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng (Bệnh viện Da liễu Trung ương) cho biết, các bác sĩ vừa tiếp nhận một bệnh nhân nữ (37 tuổi), sau khi tiêm filler vùng mũi, má 4 ngày trước tại một cơ sở người quen. Một giờ ngay sau tiêm, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng đau vùng tiêm kèm dấu hiệu thiểu dưỡng xung quanh vùng cánh mũi, sống mũi, lan ra quanh miệng bên trái và một phần vùng trán. Sau đó, bệnh nhân tự tiêm thuốc tan tại spa, tình trạng này không được cải thiện mà còn xuất hiện thêm mụn nước xung quanh vị trí tiêm.

Theo BS Phương, bệnh nhân đã đến khám tại Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng (Bệnh viện Da liễu Trung ương) sau khi các biểu hiện nặng lên, được chẩn đoán biến chứng tắc mạch sau tiêm filler do tiêm không đúng kỹ thuật bởi người không có chuyên môn. Đây là biến chứng hay gặp gần đây với những người tiêm filler ở cơ sở không uy tín. Các bác sĩ tại khoa đã điều trị kháng sinh, chăm sóc tại chỗ cùng hỗ trợ tâm lý cho người bệnh. Tuy nhiên, người bệnh vẫn có thể gặp những di chứng về thể chất hoặc tinh thần.

Ngày 25/4, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội thông tin các bác sĩ của Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ tiếp nhận một bệnh nhân 24 tuổi (ở Hà Nội) tới khám trong tình trạng toàn bộ môi và vùng mặt dưới sưng nề, do cắt môi trái tim tại một spa. Vùng môi của bệnh nhân biến dạng, mất cân đối, chảy nhiều mủ trắng bẩn, viêm nhiễm rất nặng.

Bác sĩ Hoàng Hồng - Phụ trách Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, cho hay: “Bệnh nhân trong tình trạng nhiễm trùng rất nặng. Chúng tôi nghĩ nhiều đến tụ cầu đa kháng, tuy nhiên cần chờ kết quả xét nghiệm chính xác. Vấn đề thẩm mỹ không còn đặt lên hàng đầu, mà trước mắt phải giải quyết vấn đề nhiễm trùng cho bệnh nhân”.

Bệnh nhân cho biết, trước đó 3 ngày có đi cắt môi trái tim tại một spa thông qua một quảng cáo trên mạng xã hội Facebook. Thấy hình ảnh quảng cáo rất đẹp, người chủ spa còn đăng những bức hình có mặt tại một bệnh viện để “chứng minh” sự uy tín, nên cô đã tin tưởng và liên hệ với spa. Phí dịch vụ cắt môi trái tim là 14 triệu đồng, nhưng spa cho biết ưu đãi cho khách hàng 50%, chỉ còn 7 triệu đồng. Bệnh nhân cho hay khi đã đặt tiền và đến spa làm phẫu thuật, chị rất ngạc nhiên khi biết spa được đặt tại một căn hộ chung cư, mọi dịch vụ đều thực hiện tại đó. Tới khi phẫu thuật xong, thấy vùng môi bắt đầu sưng nề, viêm nhiễm đau đớn, bệnh nhân tìm hiểu lại và “tá hỏa” khi biết chủ spa mới chỉ học xong THPT, không có chuyên môn phẫu thuật thẩm mỹ. Bác sĩ Hồng phân tích: “Những người không học ngành y mà cũng cầm dao kéo can thiệp như vậy rất nguy hiểm, vì họ không biết cách làm thế nào để đảm bảo dụng cụ vô khuẩn, hay áp dụng kỹ thuật thế nào để tránh nhiễm trùng”.

Theo bác sĩ Hồng, thời gian gần đây, Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) liên tục tiếp nhận các trường hợp biến chứng do thực hiện tiểu phẫu, phẫu thuật thẩm mỹ tại các cơ sở spa. Có những ngày, các bác sĩ tại khoa tiếp nhận vài ca cắt mí hỏng hoặc các ca tai biến sau tiêm filler, hoại tử da sau khi hút mỡ bụng... Điểm chung của các trường hợp này là đều thực hiện tại các spa, người thực hiện không phải các bác sĩ phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, thậm chí không học ngành y, mới chỉ học hết cấp 3.

Bác sĩ Hoàng Hồng khuyến cáo chị em phụ nữ khi đi làm đẹp phải tìm hiểu rất kỹ, không nên tin vào những clip quảng cáo tràn lan trên mạng hay chỉ dựa vào lời mách, kinh nghiệm của người khác. Trường hợp muốn thực hiện những tiểu phẫu, phẫu thuật, can thiệp thẩm mỹ, chị em cần tìm đến các địa chỉ uy tín, được cấp phép, là các bệnh viện/phòng khám y khoa. Theo quy định, spa không được làm các biện pháp can thiệp chảy máu.

Bảo Phương
.
.