“Tín dụng đen” bủa vây công nhân ngày cận Tết

Thứ Hai, 05/02/2024, 18:14

Dịp cuối năm là lúc “tín dụng đen” bắt đầu đẩy mạnh quảng cáo, đối tượng nhắm đến là những người có thu nhập thấp, cụ thể là các khu vực có nhiều công nhân, lao động phổ thông. Dù quảng cáo rất hấp dẫn với thông tin “lãi suất thấp”, “dễ vay” nhưng thực chất nhiều người phải chịu lãi suất “tín dụng đen” đến nghìn phần trăm/năm với nhiều loại phí chồng chéo khiến họ khó thoát khỏi vòng xoáy nợ nần.

Nhắm vào đối tượng công nhân

Khoảng 1 tuần trở lại đây, anh Lê Văn Đ. (Phủ Lý, Hà Nam, hiện đang là công nhân cho một công ty chuyên về may mặc tại khu công nghiệp Vĩnh Tuy) buộc phải sang ở nhờ nhà bạn vì bị siết nợ. Anh cho hay, khoảng 20 ngày trước có vay số tiền 20 triệu đồng, lãi suất lên đến 10 nghìn đồng/triệu/ngày để lấy tiền trang trải viện phí cho con. Sau khi trả được 2 tuần lãi và số tiền gốc 5 triệu đồng, đến ngày thứ 15, anh Đ. không thể lo trả được. Anh cũng không thể quay trở về phòng trọ vì chủ nợ cho người tìm anh đe dọa, đòi cả tiền gốc và lãi vay mà anh đã ký vào giấy nợ.

Anh Đ. chia sẻ: “Hôm đó, vì cần số tiền 20 triệu để gửi về trang trải viện phí cho con, lương tháng thì chưa được lĩnh nên tôi đành phải tìm đến “tín dụng đen”. Vẫn biết là lãi suất rất cao nhưng không có cách nào khác đành nhắm mắt làm liều. Lương công nhân của tôi ở đây cũng chỉ hơn 7 triệu, trừ tiền ăn, tiền trọ, tháng cũng bỏ ra được 3 triệu gửi về cho vợ con. Bây giờ rơi vào cảnh nợ nần không biết phải làm thế nào, kể cả bỏ về quê thì cũng không thoát được với chủ nợ”.

“Tín dụng đen” bủa vây công nhân ngày cận tết -0
Đối tượng Trần Văn Thao tại cơ quan điều tra.

Theo phản ánh của nhiều công nhân thì ở khu công nghiệp, khu nhà trọ nào cũng có một số người cho vay “nóng”, thế chấp bằng giấy đăng ký xe hoặc căn cước công dân. Tuy nhiên, lãi sẽ tính theo ngày, dao động từ 4-10 nghìn đồng/triệu/ngày. Tại các khu nhà trọ, khu công nghiệp, không chỉ có những đối tượng cho vay “nóng”, hiện nay còn xuất hiện rất nhiều app cho vay tiêu dùng. Thực chất, đây là “tín dụng đen” núp bóng, đã không ít người sập bẫy và phải gánh thêm một khoản tiền lãi vay lớn. Các đối tượng mời gọi khách hàng đăng ký vay với lời quảng cáo đầy thu hút như “vay tiền với thủ tục đơn giản, không cần giấy tờ”, “vay tiền giải ngân trong 1 phút”... Theo đó, khách hàng chỉ cần làm các thủ tục đơn giản là đã có thể đăng ký vay tiền. Người vay phải thanh toán số tiền gốc ban đầu trong khoảng thời gian ngắn, tiền lãi sẽ được các đối tượng cắt ngay khi giải ngân. Nếu “con nợ” không thanh toán được tiền gốc như cam kết, số tiền sẽ được nhân lên 1.570-2.190%/năm.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) từng nhiều lần cảnh báo người vay về việc mô hình cho vay trực tuyến đang xuất hiện nhiều biến tướng; trong đó một số công ty tư vấn hợp tác với các đơn vị kinh doanh dịch vụ cầm đồ, lãi suất cho vay cũng ở mức “cắt cổ” chứ không như quảng cáo; đồng thời khuyến cáo người vay cần tìm hiểu kỹ về lãi suất, quy trình phê duyệt, giải ngân và thủ tục cung cấp khoản vay.

Như trường hợp chị Nguyễn Thị H. ở khu trọ gần khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Võng La (Đông Anh) cũng đang phải bù đầu với số tiền vay “tín dụng đen” qua app. Chị H. cho hay, do đang gặp khó khăn về tài chính, cần tiền về quê, được mời gọi bằng những tờ rơi, các ứng dụng cho vay quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội nên chị đã tìm đến dịch vụ này. “Họ mời cho vay hấp dẫn lắm, như vay vốn mùa Tết từ 20 triệu đồng, lãi suất chỉ 1%/tháng, không thẩm định người thân, không giới hạn khoản vay nên tôi đã quyết định vay 20 triệu đồng. Thế nhưng, khi quyết định vay, họ lại có rất nhiều điều khoản lạ, cộng vào cũng khoảng 7 nghìn đồng/triệu/ngày. Sau 1 tuần không trả lãi đúng hạn là họ gọi điện liên tục, nói nếu không trả sẽ vào báo với công ty, phương án cuối cùng sẽ xử lý theo luật của họ”, chị H. buồn bã chia sẻ.

Các đối tượng không chỉ sử dụng chiêu trò vay tiêu dùng qua app với mục đích “cho vay nặng lãi” mà còn để thực hiện hành vi lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản như: Yêu cầu thanh toán phí hồ sơ hoặc bảo hiểm khoản vay; Dụ dỗ vay tiền trên nhiều app, từ đó tạo ra nhiều khoản vay; Đăng ký vay nhưng không nhận được tiền mà vẫn mắc nợ.

“Tín dụng đen” bủa vây công nhân ngày cận tết -0
Chị Nguyễn Thị H. chịu nhiều áp lực vì vay “tín dụng đen” qua app.

Qua tìm hiểu của phóng viên, các đối tượng lừa đảo sẽ yêu cầu người vay thanh toán phí hồ sơ hoặc bảo hiểm khoản vay, chúng sẽ yêu cầu khách hàng chuyển trước một khoản tiền để nộp phí hồ sơ hoặc bảo hiểm khoản vay. Tuy nhiên, ngay sau khi đóng phí, các đối tượng lừa đảo sẽ chiếm đoạt số tiền này và chặn mọi liên lạc trong khi khách hàng chưa nhận được giải ngân. Hoặc, một chiêu bài khác mà không ít người đã “sập bẫy” như lừa khách hàng đăng ký vay nhưng không giải ngân tiền vay mà vẫn mắc nợ, các đối tượng lừa đảo tung ra các lời mời gọi hấp dẫn, các chương trình vay hấp dẫn để thu hút khách hàng. Sau khi cung cấp các thông tin và hoàn thành đăng ký khoản vay, khách hàng sẽ không nhận được bất cứ khoản tiền nào từ bên cho vay, thế nhưng trên hệ thống quản lý đã có xác nhận về việc đăng ký vay. Khi đến hạn, các đối tượng sẽ thực hiện nhắc nợ, thậm chí là đe dọa khách hàng phải trả nợ.

Theo tìm hiểu, điều kiện vay của các app khá đơn giản, chỉ cần có căn cước công dân, trong độ tuổi lao động, sau đó điền thông tin theo hướng dẫn và gửi số tài khoản là được giải ngân. Nhưng, các app này lại ràng buộc bằng việc truy cập danh bạ của người vay. Nếu người vay có ý định bùng nợ, họ sẽ gọi điện hoặc gửi tin nhắn khủng bố những người trong danh bạ điện thoại của người vay. Bên cho vay cũng có thể biết thông tin về vị trí và địa chỉ của người vay.

Thông thường, hợp đồng được duyệt rất nhanh, khách hàng có thể nhận được tiền chỉ trong vòng 1 tiếng. Với điều kiện cho vay dễ dàng như vậy, nhiều người đã lao đầu vào vay để rồi dở khóc dở mếu bởi kèm theo đó là lãi suất cho vay cao ngất.

Cần hết sức cảnh giác

Tình trạng công nhân sa vào “tín dụng đen”, rơi vào bẫy nợ nần đang là vấn đề nhức nhối. “Tín dụng đen” núp dưới vỏ bọc công ty dịch vụ tài chính, cơ sở cầm đồ và bằng phương thức, thủ đoạn phát dán tờ rơi, lập các website, app ứng dụng trên điện thoại, sử dụng mạng xã hội đăng tin quảng cáo cho vay tiền.

Thậm chí, các đối tượng này còn trực tiếp đi chào mời cho vay ngay cổng một số công ty nhỏ lẻ không nằm trong các khu công nghiệp. Về hình thức cho vay cũng rất đa dạng, từ vay theo bảo hiểm y tế công ty cấp, vay theo hợp đồng tín dụng cũ, vay theo giấy đăng ký xe chính chủ, hóa đơn điện chính chủ, cho đến vay theo sao kê tài khoản lương... chỉ cần làm thêm vài bước xác minh, thu thập giấy tờ là công nhân đã có tiền. Để tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng, các đối tượng cho vay thường lách luật bằng cách làm những hợp đồng mua bán xe, hàng hóa trả góp với mức lãi suất vào dạng “khủng”. Người vay khi cần tiền buộc phải làm theo những gì mà các đối tượng cho vay sắp sẵn.

Thời gian qua, Cơ quan công an liên tục triệt phá nhiều đường dây cho vay nặng lãi thông qua các app. Đơn cử, cuối năm 2023, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội đã phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an và các đơn vị nghiệp vụ triệt phá đường dây cho vay nặng lãi qua app và đòi nợ thuê.

“Tín dụng đen” bủa vây công nhân ngày cận tết -0
Đối tượng Nguyễn Quang Vũ và Zhang Min (Mẫn) tại cơ quan Công an.

Cơ quan công an đã xác định được các đối tượng cầm đầu, quản lý, điều hành đường dây; trong đó có đối tượng là người nước ngoài. Cụ thể, qua đấu tranh khai thác và phân loại các đối tượng, Cơ quan công an đã làm rõ và xác định được người điều hành chính hệ thống cho vay, đòi nợ tại Việt Nam là Nguyễn Quang Vũ, sinh năm 1987, trú tại phường Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội. Còn Zhang Min (Mẫn), sinh năm 1986, người Trung Quốc là đối tượng quản lý phụ trách toàn bộ hệ thống đòi nợ tại Việt Nam.

Tại Cơ quan công an, Nguyễn Quang Vũ khai nhận: Để hợp thức hóa việc cho vay lãi nặng và đòi nợ, các đối tượng thành lập công ty cầm đồ, lập 3 app cho vay là “cashvn,” “vaynhanhpro” và “ovay”. Đến thời điểm hiện tại, số lượng khách hàng vay qua hệ thống 3 app trên khoảng gần 1 triệu người. Mỗi tháng, số tiền các đối tượng giải ngân cho vay khoảng 100 tỷ đồng.

Hay, vụ việc gần đây nhất là ngày 12/1/2024, Công an TP Tam Kỳ (Quảng Nam) thi hành lệnh bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Trần Văn Thao (sinh năm 1993, quê huyện Kim Sơn, Ninh Bình; trú phường An Sơn, TP Tam Kỳ), Trần Quốc Cường (sinh năm 2003, quê huyện Yên Khánh, Ninh Bình; trú phường An Phú, TP Tam Kỳ), Ngô Quốc Đông (sinh năm 1992, quê huyện Yên Khánh, Ninh Bình; trú phường An Sơn, TP Tam Kỳ) về hành vi “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”. Quá trình điều tra ban đầu xác định, bằng thủ đoạn rải tờ rơi cho vay trả góp kèm theo số điện thoại tại các chợ, khu công nghiệp, khu dân cư (từ 0h-4h hằng ngày), từ đầu năm 2023 đến khi bị bắt giữ, đường dây hoạt động “cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” do Trần Văn Thao cầm đầu đã cho hàng trăm người dân trên địa bàn TP Tam Kỳ và các huyện lân cận vay số tiền hơn 1 tỷ đồng, với lãi suất cho vay là 365%/năm (cao gấp 18,25 lần lãi suất Bộ luật Dân sự quy định); thu lợi bất chính gần 500 triệu đồng. Hiện, vụ việc đang được Công an TP Tam Kỳ tiếp tục điều tra, làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Tại khoản 1, Điều 468, Bộ luật Dân sự 2015 quy định lãi suất cho vay sẽ do các bên thỏa thuận, theo đó:

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực”.

Như vậy, theo quy định trên, lãi suất cho vay tối đa là 20% trên 1 năm, nếu cho vay vượt quá mức lãi suất này, bên cho vay có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.

Cụ thể, người nào cho vay với lãi suất cao hơn mức tối đa từ 5 lần trở lên, thu lợi bất chính từ 30 đến dưới 100 triệu đồng hoặc trước đó đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Trường hợp phạm tội mà thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng trở lên thì bị phạt tiền từ 200 triệu đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Luật sư Nguyễn Đức Hùng - Phó Giám đốc Hãng Luật TGS

Bảo Phương
.
.