Toàn cảnh vụ Singapore triệt phá đường dây rửa tiền gần 2 tỷ USD

Thứ Ba, 26/09/2023, 12:45

Quy mô đường dây rửa tiền xuyên quốc gia mới bị cảnh sát Singapore triệt phá hồi tháng 8 ngày càng được mở rộng. Theo báo Chanel News Asia, hiện nhà chức trách đảo quốc sư tử đã tịch thu hoặc phong tỏa hơn 2,4 tỷ đôla Singapore (khoảng 1,8 tỷ USD) tài sản và hiện vật, xe cộ có liên quan tới vụ án.

Số tài sản kỷ lục bị thu giữ

Giá trị tài sản bị thu giữ mà cảnh sát Singapore vừa công bố đã tăng hơn gấp đôi so với con số ban đầu là 1 tỷ đôla Singapore (SGD) gồm nhiều ôtô sang trọng, nhà ở, tiền mặt và các tài sản khác. Đây là kết quả của một loạt cuộc đột kích vào nhiều địa điểm trên khắp hòn đảo vào giữa tháng 8 và bắt giữ 10 người nước ngoài trong chiến dịch triệt phá đường dây rửa tiền xuyên quốc gia.

Toàn cảnh vụ Singapore triệt phá đường dây rửa tiền gần 2 tỷ USD -0
Nhiều tiền mặt, siêu xe đã bị cảnh sát Singapore tịch thu, với tổng giá trị lên đến 1,8 tỷ USD. Ảnh: CAN

Cảnh sát Singapore hôm thứ Tư (20/9) cho biết họ đã tiến hành các hoạt động tiếp theo nhằm thu giữ thêm tài sản và ban hành lệnh cấm xử lý. Lượng tài sản này hiện bao gồm các tài khoản ngân hàng với tổng giá trị ước tính hơn 1,127 tỷ SGD và một lượng tiền mặt - bao gồm cả ngoại tệ - lên đến hơn 76 triệu SGD.

Cảnh sát Singapore cũng cho biết họ còn thu giữ được 68 thỏi vàng - tăng vọt so với con số 2 thỏi ở lần tịch thu đầu tiên - cũng như 294 túi xách và 164 đồng hồ xa xỉ từ nơi ở của các nghi phạm, trong đó có một số chiếc đồng hồ mang thương hiệu Rolex và Patek Philippe, cũng như túi xách Hermes, Dior, Chanel và Louis Vuitton.

Bên cạnh đó là 546 món đồ trang sức đắt tiền, tăng so với hơn 270 món trước đó cùng với 204 thiết bị điện tử các loại như máy tính xách tay và điện thoại di động cũng mới được kê biên. Báo Chanel News Asia cho hay, các nhà điều tra còn thu được số tiền điện tử trị giá hơn 38 triệu SGD cùng với hàng trăm chai rượu đắt tiền và nhiều đồ trang trí cao cấp.

Ngoài những thứ đã bị tịch thu, còn có hơn 110 tài sản và 62 phương tiện xe cộ, trong đó có 1 chiếc Rolls Royce và 1 chiếc Bentley - với tổng giá trị ước tính hơn 1,242 tỷ SGD - đã được ban hành lệnh cấm xử lý liên quan đến cuộc điều tra. Con số này cũng tăng lần lượt từ 105 và 50 so với lần tài sản thứ nhất nhà chức trách Singapore công bố số tài sản bị thu giữ.

Như vậy, theo ước tính của cảnh sát đảo quốc sư tử, tổng giá trị tài sản bị tịch thu hoặc ban hành lệnh cấm xử lý trong vụ triệt phá đường dây rửa tiền xuyên quốc gia hiện đã lên tới hơn 2,4 tỷ SGD. Nhưng con số kỷ lục này có thể chưa dừng lại khi các cuộc điều tra vẫn đang diễn ra và nhà chức trách nhiều khả năng còn thu giữ thêm nhiều tài sản nữa.

Chân dung các nghi phạm

10 nghi phạm bị bắt - tất cả đều gốc Trung Quốc nhưng có quốc tịch và hộ chiếu Síp, Thổ Nhĩ Kỳ, Vanuatu, Dominica và Campuchia - cho đến nay vẫn bị từ chối bảo lãnh. Ít nhất hai người trong số họ được cho là đang bị cảnh sát Trung Quốc truy nã.

Toàn cảnh vụ Singapore triệt phá đường dây rửa tiền gần 2 tỷ USD -0
Chân dung phác họa 10 nghi phạm đã bị bắt trong chiến dịch triệt phá đường dây rửa tiền xuyên quốc gia tại Singapre. Ảnh: Reuters

10 người này đã bị bắt hôm thứ Ba tại nơi cư trú của họ ở các khu vực như Sentosa Cove, Tanglin, Orchard, Holland và River Valley. Các cuộc đột kích diễn ra tại một Good Class Bungalows (thường được gọi tắt là GCB, loại biệt thự cao cấp nhất trên thị trường bất động sản ở Singapore) và một số khu chung cư và nhà liền kề. Hơn 400 sĩ quan cảnh sát từ nhiều đơn vị khác nhau đã tham gia vào một trong những chiến dịch chống rửa tiền lớn nhất do chính quyền Singapore thực hiện.

Cảnh sát đảo quốc sư tử cho biết những nghi phạm đã “sa lưới”, gồm 9 người đàn ông và một phụ nữ, trong độ tuổi từ 31 đến 44 - bị cáo buộc liên quan đến rửa tiền và phạm tội giả mạo, cũng như chống lại việc bắt giữ.

Một trong số họ, Su Haijin, quốc tịch Síp, đã nhảy ra khỏi ban công tầng hai của một căn GCB nhằm tẩu thoát khi cảnh sát ập tới. Người đàn ông 40 tuổi này sau đó được tìm thấy đang trốn trong một cái cống gần Công viên Ewart.

Su Haijin khi đó bị gãy xương gót chân, xương đùi và cổ tay và được đưa tới Bệnh viện Đa khoa Changi để phẫu thuật. Phó công tố viên Ng Jean Ting, người đã đề nghị Su được tạm giam thêm 8 ngày với lý do vụ án "tiến hành với tốc độ chậm hơn một chút" do quá trình điều trị vết thương của anh ta cho biết thêm, tài sản bị tịch thu của nghi phạm này và vợ lên tới khoảng 160 triệu SGD.

Theo tờ Straits Times, một trong những “con cá mập” sa lưới trong chiến dịch này còn có Wang Bingang, người sáng lập một trang web cờ bạc bất hợp pháp nổi tiếng cho người chơi Trung Quốc. Ngoài ra, còn 12 người khác được cảnh sát triệu tập để phục vụ công tác điều tra và 8 nghi phạm nữa đang bị cảnh sát truy nã.

Vì sao lại là Singapore?

Singapore, với dân số khoảng 6 triệu người và nền kinh tế phát triển ở mức cao, là một trong những hệ thống tài chính phát triển nhất châu Á. Nước này từ lâu đã thu hút người nước ngoài tìm kiếm một nơi an toàn để gửi tiền.

Toàn cảnh vụ Singapore triệt phá đường dây rửa tiền gần 2 tỷ USD -0
Singapore là trung tâm tài chính hàng đầu châu Á, nên dễ bị bọn tội phạm nhắm đến làm nơi rửa tiền. Ảnh: WSJ

Ngành quản lý tài sản của Singapore do đó đã thu hút dòng vốn mới tương đương 330 tỷ USD vào năm 2021, tăng gần 16% so với năm trước. Vào cuối năm ngoái, khoảng 1.100 văn phòng gia đình đã được thành lập ở Singapore, một phần là do nỗ lực của chính phủ nhằm thu hút người nước ngoài giàu có và quảng bá đất nước này như một trung tâm văn phòng gia đình toàn cầu.

Nhưng sức hấp dẫn của Singapore như một nơi để người giàu đổ tiền đồng nghĩa với việc nước này cũng bị bọn tội phạm rửa tiền nhắm đến như địa bàn hoạt động mới. Chính quyền Singapore lâu nay vẫn kiên định với cách tiếp cận không khoan nhượng đối với tội phạm tài chính.

Vụ triệt phá quy mô “khủng” vừa qua là một minh chứng mạnh mẽ cho hoạt động chống rửa tiền và chống khủng bố của Singapore, đồng thời gửi đi một thông điệp chắc chắn rằng quốc gia này sẽ không ngần ngại ngăn chặn các hoạt động bất hợp pháp trên lãnh thổ của mình. Theo luật pháp Singapore, bất kỳ cá nhân nào bị kết tội rửa tiền đều có thể bị phạt tới 500.000 SGD, phạt tù tới 10 năm hoặc cả hai.

Dù hình phạt khắc nghiệt có thể ngăn chặn tội phạm tài chính nhưng không có quy định chống rửa tiền nào có thể ngăn chặn hoàn toàn tội phạm tài chính. Khi những kẻ tội phạm trở nên tinh vi hơn và tiếp tục khai thác công nghệ để rửa tiền, việc phát hiện càng trở nên khó khăn hơn.

Toàn cảnh vụ Singapore triệt phá đường dây rửa tiền gần 2 tỷ USD -0
Hộ chiếu của nhiều nước thu được từ các nghi phạm. Ảnh: CNA

Rửa tiền thường phức tạp, xảy ra theo từng giai đoạn và thông qua nhiều bên và giao dịch, khiến việc phát hiện trở nên khó khăn, nếu không nói là không thể. Công nghệ mới mà đỉnh cao là tài sản kỹ thuật số, chẳng hạn như tiền điện tử, cung cấp thêm phương tiện hiệu quả cho những kẻ tội phạm.

Luật sư Adam Maniam - Giám đốc giải quyết tranh chấp tại công ty luật Drew và Napier, nơi có lĩnh vực hoạt động bao gồm tội phạm và quy định dịch vụ tài chính - cho biết thêm rằng, các trường hợp rửa tiền khó bị phát hiện chủ yếu vì chúng “phi tập trung” và bọn tội phạm sẽ không dồn hết tiền vào một nơi.

“Chúng sẽ không đầu tư hàng tỷ USD vào cùng một lúc. Chúng sẽ phân bổ nó cho nhiều người khác nhau, những người này sẽ đến nhiều khu vực pháp lý khác nhau, họ sẽ sử dụng các phương tiện khác nhau để nhận được tiền ở nơi họ muốn”, ông Maniam nói.

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn báo Chanel News Asia, hai chuyên gia Terence Lam và Ng Shi Zhen thuộc Viện Kế toán Công chứng Singapore nói rằng, mặc dù đã có các biện pháp kiểm tra nghiêm ngặt nhưng tội phạm tài chính vẫn có thể trốn tránh sự phát hiện bằng cách lợi dụng bản chất con người.

Toàn cảnh vụ Singapore triệt phá đường dây rửa tiền gần 2 tỷ USD -0
Một nghi phạm rửa tiền bị cảnh sát Singapore bắt giữ.  Ảnh: Straits Times

Chẳng hạn, 7 người đã bị buộc tội tại tòa vào ngày 17 tháng 8 vì đã từ bỏ tài khoản ngân hàng hoặc thông tin đăng nhập Singpass, sau đó được các tổ chức lừa đảo sử dụng cho các hoạt động rửa tiền.

Trong một trường hợp khác, một phụ nữ 18 tuổi đã đồng ý với một chương trình đầu tư trực tuyến trên Telegram, chương trình này cung cấp cho cô ít nhất 10.000 SGD để đổi lấy việc sử dụng hai tài khoản ngân hàng của mình. Một trong những tài khoản ngân hàng của cô gái bị phát hiện đã được sử dụng để rửa tiền phạm tội.

Do đó, việc chống rửa tiền cũng đòi hỏi nỗ lực phối hợp của các thành viên trong cộng đồng vì họ có thể vô tình bị cuốn vào một mạng lưới các giao dịch bất hợp pháp.

Đối với nhà chức trách, hiện tại, một nền tảng kỹ thuật số dành cho các tổ chức tài chính để chia sẻ thông tin về các khách hàng hoặc giao dịch đáng ngờ cũng đang được Singapore triển khai. Nền tảng mới, được gọi là “Chia sẻ hợp tác về thông tin và trường hợp rửa tiền/tài trợ khủng bố” (COSMIC), trước tiên sẽ mở cửa cho sáu ngân hàng lớn và sẽ được triển khai theo từng giai đoạn, bắt đầu từ nửa cuối năm 2024.

Lực lượng Đặc nhiệm hành động tài chính, một cơ quan liên chính phủ độc lập, cũng đánh giá rằng Singapore có khuôn khổ pháp lý và thể chế mạnh mẽ để chống rửa tiền và tài trợ khủng bố. Cùng với những nỗ lực liên tiếp được đưa ra nhằm tăng cường kiểm soát hoạt động tài chính, Sinapore đang tiến thêm những bước quan trọng để ngăn chặn bọn tội phạm rửa tiền. Nhưng nói như Phó công tố viên Eric Hu, vẫn sẽ phải mất một chặng đường dài để có thể tránh lặp lại “một trong những vụ rửa tiền nghiêm trọng nhất, nếu không muốn nói là tồi tệ nhất ở Singapore”.

Quang Anh
.
.