Tội phạm có tổ chức và vấn nạn rác lậu

Thứ Hai, 29/11/2021, 14:22

Một trong những vấn đề được bàn luận tại hội thảo về biến đổi khí hậu COP26 là kết thúc ngay việc xuất khẩu phế liệu. Từ nhiều thập niên trở lại đây, rác thải từ các nước giàu thay vì được xử lý thì bị “xuất khẩu” sang các nước nghèo.

Ảnh hưởng của số rác thải này đối với môi trường và sức khỏe người dân các quốc gia đang phát triển khó có thể kể hết. Nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam đã nghiêm cấm việc xuất nhập khẩu phế liệu, và các tổ chức quốc tế đang cố đưa quy định này lên tầm toàn cầu.

Vấn đề trên tuy vậy còn có một mặt trái khác. Nhiều băng nhóm tội phạm có tổ chức đã và đang lợi dụng “lỗ hổng” từ quy định cấm nhập khẩu rác để kiếm lời. Chúng cấu kết với các đối tượng nước ngoài để nhập lậu phế thải, để lại những “núi rác” cho người dân địa phương tự xử lý. Các cơ quan chức năng một số nước hiện tìm mọi cách để ngăn chặn hành vi buôn lậu rác thải, nhưng không có vẻ gì “cuộc chiến” này sẽ “sớm im tiếng súng”.

Những lợi ích kinh tế

Interpol đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo về xu hướng buôn lậu rác thải từ Mỹ và Châu Âu đến các nước Đông Nam Á. Ở một số nơi, vấn nạn này nghiêm trọng đến mức dẫn đến bất ổn xã hội. Pulau Indah nằm trong số những hòn đảo đẹp nhất Malaysia, vậy mà chỉ trong vài năm đã gần như bị “chôn vùi” bởi hàng tấn rác lậu. Người dân trên đảo nhiều lần xuống đường biểu tình kêu gọi chính phủ giải quyết vấn đề.

Mọi chuyện bắt đầu khi Trung Quốc thắt chặt các biện pháp hạn chế nhập khẩu phế thải nhựa. Ngành công nghiệp tái chế nhựa toàn cầu giống như bị “đóng băng” chỉ sau một đêm. Hiện nay tất cả các nhà máy tái chế chỉ có thể tái sử dụng được một phần năm lượng rác thải nhựa tạo ra mỗi năm. Phần còn lại được vứt ra các bãi phế liệu trên đất liền hay biển, hoặc được tiêu hủy bằng lò đốt.

Các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Philippine nhận ra cơ hội này nên đã ngay lập tức tìm cách mở rộng ngành tái chế rác thải nhựa của họ. Nhưng nhà máy chưa xây xong mà rác thải họ nhập vào đã chất thành núi rồi. Trước tình trạng đó, chính phủ nước họ buộc phải theo bước Trung Quốc mà hạn chế nhập khẩu phế thải. Thế nhưng khi nhà nước ra lệnh cấm thì các băng nhóm tội phạm lại nhảy vào.

Heng Kiah Chun là một chuyên gia tại chi nhánh Malaysia của tổ chức Greenpeace đã trả lời tờ Financial Times như sau: “Chúng tôi tìm thấy rác từ Mỹ, Anh, Đức, New Zealand, v.v…chất đống bên vệ đường nông thôn Malaysia. Chỉ có những băng nhóm tội phạm có tổ chức chuyên nghiệp mới có thể đưa rác từ nước ngoài về Malaysia như thế!”. Cảng Klang của Malaysia, một trong những hải cảng thương mại lớn thứ hai Đông Nam Á, hiện là “điểm nóng” của các băng đảng chuyên nhập lậu rác. Những băng nhóm này không những có nhân lực mà có cả “quan hệ” để làm giả giấy tờ nhập khẩu.

Kilicat Tsokvik, cố vấn cấp cao của Interpol, viết trên tờ LA Times rằng: “Việc các nhóm tội phạm nhảy vào lĩnh vực phế liệu không có gì lạ cả. Từ trước đến nay các bãi rác, cơ sở tái chế rác thải ít nhiều đều có quan hệ với các băng đảng. Điều đáng chú ý tại thời điểm này là việc tội phạm không nhập lậu rác để tái chế. Chúng nhập lậu rác chỉ để vứt đi ngay tại nước mình!”.

Quy trình tái chế rác thải hiện nay rất phức tạp và tốn nhiều nguồn lực. Tuy không ít các công ty, chính quyền địa phương ở Mỹ và Châu  Âu ra cam kết tái chế rác thải nhựa, nhưng trong lòng họ không muốn chi tiền cho việc này. Họ thuê các tổ chức tội phạm  bí mật chở rác thải đi nơi khác, vừa đảm bảo được “cam kết” vừa chẳng tốn nhiều tiền. Số rác thải này tất nhiên là bị đổ đống tại các nước nhập, gây ra hậu quả khôn lường đối với sức khỏe và môi trường. 

Tội phạm có tổ chức và vấn nạn rác lậu -0
Hằng ngày có cả trăm tấn rác thải nhập lậu bị thu giữ như thế này.

Điểm nóng

Đông Nam Á vẫn là khu vực có tình trạng nhập lậu rác nghiêm trọng nhất. Nhưng trong thời gian gần đây, các băng nhóm tội phạm đã mở rộng thị trường sang Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan, Bulgaria và các nước Đông Âu khác. Cảnh sát Romania vừa mới triệt phá một đường dây nhập lậu rác từ Tây Âu sang nước này. Chúng đứng đằng sau nhiều công ty kinh doanh hợp pháp lẫn phi pháp, trong đó có một trong các doanh nghiệp xi măng lớn nhất đất nước.

Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng sẽ trở thành “thủ đô” của rác thải trong tương lai gần. Luật pháp Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề xuất nhập rác rất lỏng lẻo. Trong khi đó chính quyền các cấp ít khi “sờ gáy” những cơ sở tái chế phế liệu bất hợp pháp vì để muốn người nghèo có việc làm. Mới đây, một công ty ở Bỉ đã “gửi nhầm” 13 công-ten-nơ chứa toàn rác thải nhựa đến cảng Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ. Hành động này vi phạm nghiêm trọng Hiệp định Basel về buôn bán phế liệu quốc tế, nhưng chính quyền thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ đến nay vẫn chưa giải quyết xong vụ việc, để hàng tấn rác thải “nằm ỳ” ở cảng.

Cuộc chiến không khoan nhượng

Việc nhập lậu rác thải được thực hiện theo một quy trình chẳng khác gì buôn bán ma túy cả. Những băng đảng tội phạm cũng làm giả giấy tờ, rửa tiền, cho hàng hóa đi qua nhiều cảng nhằm đánh lạc hướng cơ quan chức năng. Cứ như hiện thời chỉ có hải quan và các tổ chức phi chính phủ tham gia điều tra thì vấn đề này khó giải quyết được.

Kilicat Tsokvik đưa ra nhận xét như sau: “Đã đến lúc các cơ quan điều tra hình sự cấp quốc gia và quốc tế vào cuộc. Chỉ có họ mới đủ khả năng và quyền hành để “lột trần” những đường dây vận chuyển rác lậu xuyên biên giới. Đồng thời các nước nên tự đặt câu hỏi rằng liệu nguồn lợi từ việc nhập khẩu rác có bằng với thiệt hại về sức khỏe và môi trường không?”.

Tuy vậy, vấn đề chưa thể giải quyết ổn thoả nếu như chỉ có sự tham gia của các nước đang chịu ảnh hưởng. Mỹ và Châu  Âu là những nước tạo ra nhiều rác thải nhất trên thế giới. Rác thải nhập lậu phần lớn đến từ các quốc gia này, nhưng hiện nay chính phủ các nước này vẫn còn “ngoảnh mặt làm ngơ”.

Lê Công Hội (Tổng hợp)
.
.