Tràn lan hội nhóm mua bán bảo hiểm xã hội

Thứ Tư, 10/05/2023, 17:00

Lợi dụng tình hình nhiều người lao động bị mất việc làm sau dịch COVID-19, hoạt động mua bán, cầm cố sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) của các đối tượng vẫn tiếp tục tái diễn với các hình thức tinh vi thông qua các hội, nhóm trên mạng xã hội Facebook...

Sôi nổi thị trường mua bán sổ bảo hiểm xã hội

BHXH là một sự đảm bảo cho người lao động lúc về già có được một nguồn thu nhập nhất định để bảo đảm cuộc sống về lâu về dài. Nguồn thu nhập này cũng giúp cho người lao động không là gánh nặng cho con cháu khi bước vào tuổi già cũng như giúp cho an sinh xã hội được giữ vững. Không những thế, BHXH sẽ đảm bảo cho người lao động không may bị ốm đau, tai nạn lao động, thai sản, thất nghiệp, tàn tật, tử tuất... có được một nguồn tài chính nhất định.

Tràn lan hội nhóm mua bán bảo hiểm xã hội -0
Người lao động không nên tham gia mua bán sổ bảo hiểm xã hội (ảnh minh họa).

Do vậy, BHXH được xem là tài sản rất quan trọng khi người lao động không còn khả năng lao động khi bước vào tuổi già. Đặc biệt, BHXH còn được xem là tài sản quý giá, được Nhà nước chứng nhận các chế độ về lâu dài mà người lao động được hưởng.

Theo quy định của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện nay người lao động tham gia BHXH bắt buộc sau 1 năm nghỉ việc, người tham gia BHXH tự nguyện sau 1 năm không tiếp tục đóng BHXH mà chưa đủ 20 năm đóng, mới được rút BHXH một lần. Lợi dụng tâm lý ngại tới cơ quan BHXH làm thủ tục nhận trợ cấp một lần trong khi cần tiền ngay; hoặc bỏ việc, không tìm được việc mới, không có nhu cầu đóng tiếp BHXH của người lao động, các đối tượng mua lại sổ BHXH của người bán với giá thấp, sau đó dùng sổ BHXH này và giấy ủy quyền để nhận tiền trợ cấp một lần từ cơ quan BHXH. Số tiền người bán sổ nhận được sẽ thấp hơn nhiều so với số tiền thực lĩnh từ cơ quan BHXH.

Việc được hưởng số tiền chênh lệch khá lớn từ mua bán và thanh toán sổ BHXH khiến các đối tượng công khai săn tìm sổ BHXH giá rẻ từ người lao động, thậm chí còn ép người lao động bán giá rất thấp trên khắp các diễn đàn.

Chỉ cần lên mạng xã hội gõ cụm từ “mua bán sổ bảo hiểm xã hội” sẽ cho ra hàng loạt các hội nhóm kín, mở mua bán, cầm cố, thanh lý sổ BHXH.

Tràn lan hội nhóm mua bán bảo hiểm xã hội -0
Nhiều hội nhóm thu mua sổ bảo hiểm xã hội.

Đơn cử như nhóm "Mua và cầm sổ bảo hiểm xã hội" thu hút hơn 15.000 thành viên, nhóm "Cần bán, thanh lý sổ bảo hiểm xã hội" có 4.000 người, nhóm “Mua sổ bảo hiểm xã hội” 5.600 thành viên, nhóm “Mua bán xổ bảo hiểm xã hội” 6.700 thành viên...

Hầu hết người mua đều đăng số điện thoại kèm nội dung “Mua tất cả sổ bảo hiểm bị lỗi toàn quốc không rút được tiền, giá cao tận nơi. Sổ mất. Sổ cầm không tiền chuộc. Sổ bị trùng. Nhiều sổ chưa chốt gộp. Sổ sai thông tin ngày tháng sinh. Sổ thiếu tờ rời tờ bìa... giá cao”. Còn người bán là người lao động đã nghỉ việc, cần tiền nên thanh lý sổ BHXH gấp, “giá nào cũng bán”.

Nick N.P.Y rao trên một hội nhóm: “Hot hot hot. Ngay hôm nay. Zalo 03xx. Anh chị kẹt tiền cần thanh lý sổ liên hệ em tư vấn hỗ trợ. Nhận thanh lý (BHXH). Lấy BHXH trước hạn. Ưu tiên sổ chốt tháng 9/2022 trở về. Sổ tham gia trên 24 tháng. Hỗ trợ liền, thủ tục nhanh gọn lẹ, lấy tiền sau 30 phút”.

Thậm chí, có trang lấy logo của BHXH, với mục đích cung cấp mọi dịch vụ liên quan đến sổ BHXH nhưng thực chất là để thu mua sổ. “Hỗ trợ thanh lý sổ BHXH trước hạn, không phí trước. Ưu tiên nghỉ tháng 8/2022, nhận đủ tiền giao sổ. Hỗ trợ tất cả sổ lỗi, nghỉ ngang, trùng, công ty nợ... Inbox để được tư vấn zalo 05xx”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, phần lớn những người rao bán sổ bảo hiểm là công nhân, lao động bị mất việc làm, không có đủ khả năng đóng bảo hiểm tiếp nên tìm cách bán “lúa non” để thu hồi phần nào số tiền đã đóng.

Sau gần một tháng tìm việc chưa thành công, gia đình lại có việc gấp nên anh Nguyễn Phong Lê được bạn bè mách lên hội nhóm rao bán sổ BHXH. Mới đi làm được 10 năm, xác định không làm nhà nước nữa, lại đã mua bảo hiểm nhân thọ cho cả nhà nên anh Lê bán sổ BHXH với giá 120 triệu đồng. Số tiền này so với số tiền rút BHXH, anh sẽ bị thiệt mất vài chục triệu nhưng vì xác định sau có đi làm cũng không đóng BHXH tiếp nên anh quyết định thanh lý.

Do cần tiền gấp, chị Hoàng Thanh Thủy (từng là công nhân may tại một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc) lên mạng tìm nguồn để bán sổ BHXH. Theo chị H, chị đóng bảo hiểm được hơn 3 năm, nếu lĩnh BHXH một lần ít nhất chị sẽ được khoảng 30 triệu đồng, nhưng vì cần việc chị phải bán rẻ gần một nửa số tiền thực lĩnh. Bởi, hỏi ở đâu chị cũng chỉ được báo giá 13- 14 triệu.

Tràn lan hội nhóm mua bán bảo hiểm xã hội -0
Cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam cảnh báo người dân không tiếp tay cho hành vi mua bán sổ bảo hiểm xã hội.

Các đối tượng mua bán sổ bảo hiểm thường thu mua với giá rất rẻ, chỉ bằng 1/2 số tiền thực lĩnh nếu người lao động đi rút bảo hiểm một lần. Nhưng, đa phần vì kẹt tiền nên bắt buộc người lao động phải bán “lúa non”. Bằng thủ tục đơn giản, người bán chỉ cần đến cơ quan công chứng làm giấy ủy quyền cho người mua nhận BHXH một lần sẽ được nhận tiền ngay. Tuy nhiên, số tiền công nhân lao động nhận sẽ thấp hơn nhiều so với số tiền thực lĩnh từ cơ quan BHXH.

Anh N.T (Mê Linh, Hà Nội) bức xúc cho biết: “Có lần kẹt tiền, tôi rao bán sổ của mình thì có người trả 5 triệu, nhưng rẻ quá nên tôi không bán. Sau đó tôi làm hồ sơ trên app thì có thể nhận về gần 18 triệu. Chứng tỏ bên thu mua ăn chênh lệch quá lớn, may là tôi xoay được tiền không bán nữa, chứ nếu không mất hơn chục triệu cho đội cò mua bán”.

Anh N.V.B (Hà Đông, Hà Nội) rao bán sổ của mình nhưng khi được trả giá 30 triệu cho cuốn sổ có thể lĩnh hơn 60 triệu thì anh không bán nữa vì thấy quá chênh lệch.

Tràn lan hội nhóm mua bán bảo hiểm xã hội -0
Sổ bảo hiểm xã hội được rao bán công khai.

Mặc dù rao thu mua dễ dàng trên các hội nhóm, nhưng trên thực tế, việc thu mua sổ BHXH được các đối tượng kiểm tra rất kĩ càng. Liên hệ với một số điện thoại để rao bán sổ BHXH, phóng viên được yêu cầu phải chụp ảnh sổ BHXH muốn bán để kiểm tra thông tin. Theo “đầu nậu” này, thì sổ BHXH phải được check kĩ càng trên trang web của cơ quan BHXH, đúng tên địa chỉ, phải có CCCD và phải nghỉ việc đề phòng bị người bán lừa. Sau khi đạt các yêu cầu thì giao dịch mới có thể được diễn ra.

Cũng theo “đầu nậu” này, sổ BHXH được càng nhiều tiền thì chiết khấu lại càng lớn. Ví dụ sổ từ 4-5 năm, sẽ có giá khoảng 20 triệu đồng, có trường hợp chỉ báo 17-18 triệu đồng người bán cũng phải đồng ý vì đang kẹt tiền. Sau khi kiểm tra thủ tục, trả giá, người mua sổ BHXH sẽ đưa người bán đến các địa điểm để ủy quyền và hoàn tất quá trình thanh toán.

Mua bán sổ bảo hiểm xã hội là hành vi vi phạm pháp luật

Trước tình trạng mua bán sổ BHXH tràn lan trên mạng xã hội, mới đây BHXH Việt Nam đã có công văn (kèm danh sách các đường link dẫn đến các trang/nhóm Facebook lập ra với mục đích mua, thu gom sổ BHXH của người lao động để trục lợi) gửi Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) và đề nghị đơn vị này vào cuộc, hỗ trợ xử lý nghiêm các hoạt động nói trên trên môi trường Internet.

Nhằm góp phần ngăn chặn tình trạng này, BHXH các tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường kiểm soát để phát hiện dấu hiệu trục lợi từ việc thu gom, mua bán sổ BHXH như: Khi tiếp nhận hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng BHXH một lần của người lao động, kiểm soát, đối chiếu dữ liệu trên hệ thống với thông tin trên sổ BHXH và đơn đề nghị, đảm bảo các thông tin của người hưởng thống nhất, kiểm tra tính pháp lý của giấy ủy quyền hoặc hợp đồng ủy quyền.

Cùng với đó, kiểm tra, đối chiếu đảm bảo đủ điều kiện giải quyết hưởng BHXH một lần, các giấy tờ tùy thân của người nhận kết quả giải quyết hưởng BHXH một lần theo đúng quy định hiện hành; đảm bảo trả hồ sơ, trả tiền đúng cho người lao động hoặc người được ủy quyền hợp pháp...

Tràn lan hội nhóm mua bán bảo hiểm xã hội -0
Người bán sổ bảo hiểm xã hội phần lớn là lao động nghèo, cần tiền trang trải cuộc sống.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, sổ BHXH được cấp và giao cho từng người lao động giữ để theo dõi việc đóng, hưởng các chế độ BHXH gắn với nhân thân từng người lao động và là cơ sở để giải quyết các chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, đặc biệt khi đủ điều kiện, người lao động sẽ được hưởng chế độ hưu trí và được cấp thẻ bảo hiểm y tế để an sinh, chăm sóc sức khỏe khi về già.

Do đó, hoạt động mua bán, thu gom sổ BHXH dưới bất kể hình thức nào đều là hành vi trục lợi bất chính và bị xử lý nghiêm.

Qua tình trạng trên, BHXH tiếp tục cảnh báo tới người dân, người lao động cần nêu cao cảnh giác hơn nữa để không bị lôi kéo, xúi giục và tham gia mua bán, cầm cố sổ BHXH để đảm bảo quyền lợi an sinh chính đáng cho bản thân mình, đồng thời kịp thời phát hiện, chủ động tố giác các hành vi vi phạm liên quan tới Cơ quan công an để xử lý theo quy định.

Trong báo cáo của các địa phương gửi Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã phản ánh tình trạng thu gom mua bán, cầm cố sổ BHXH với giá thấp hơn rất nhiều so với giá trị được thanh toán BHXH một lần, dưới hình thức ủy quyền làm thủ tục đề nghị giải quyết hưởng BHXH một lần, khiến lao động mất quyền lợi, dễ sa vào tín dụng đen và nảy sinh tranh chấp, gây mất trật tự xã hội.

Góp ý vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), các địa phương, đơn vị đề xuất bổ sung quy định: “Nghiêm cấm hành vi cầm cố, mua bán sổ BHXH; hành vi mượn hồ sơ, giấy tờ của người khác để tham gia quan hệ lao động và tham gia BHXH”. Các ý kiến cũng đề xuất Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xem xét quy định giảm thời gian chờ nhận BHXH một lần từ 12 tháng sau nghỉ việc xuống còn 3 tháng.

Mai Ngọc
.
.