Tranh cãi quanh lễ hội thịt chó ở Quảng Tây, Trung Quốc
Hàng năm, cứ đến 21-6 thì tại thành phố Yulin (Ngọc Lâm), tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc lại diễn ra “lễ hội thịt chó và vải thiều”, kéo dài suốt 10 ngày với hàng chục nghìn con chó bị giết để biến thành món ăn. Và mặc dù lễ hội đã bị dư luận cả trong lẫn ngoài Trung Quốc chỉ trích nhưng nó vẫn thu hút rất đông người…
“Lễ hội thịt chó và vải thiều” ở Ngọc Lâm xuất hiện lần đầu năm 2009, đúng vào ngày Hạ chí. Năm ấy, theo ước tính của Hiệp hội Nhân đạo quốc tế (Humane Society International - viết tắt là HSI), đã có khoảng 10.000 con chó bị làm thịt. Một số phương tiện truyền thông cho biết trước khi giết chó, các lò mổ thường đánh đập rất dã man để con vật “ra mồ hôi” nhằm khử bỏ cái mùi đặc trưng của thịt chó, hoặc luộc cả con chó khi nó vẫn còn sống, giúp cho thịt có vị đậm đà hơn!
Ngay từ đầu tháng 4, các lò mổ ở Ngọc Lâm đã bắt đầu thu gom chó để vỗ béo. Các băng nhóm trộm chó hoạt động ở nhiều vùng trong tỉnh Quảng Tây, thậm chí là sang cả Quảng Đông, Vân Nam rồi khi đã đủ số lượng, thường là một vài xe tải, họ chở đến giao cho thương lái.
Nhưng những năm gần đây, khi chó bắt đầu khan hiếm do sự cảnh giác của người dân và nhất là khi Bộ Nông nghiệp Trung Quốc chính thức tuyên bố: “Chó là bạn đồng hành của con người và không được xem như vật nuôi nên cấm giết mổ, buôn bán vì mục đích thương mại” thì chó được nhập lậu từ các vùng nông thôn ở Lào và Thái Lan, nơi phần lớn người dân theo đạo Phật, xem việc giết và ăn thịt chó là tội lỗi nhưng lại sẵn sàng bán chó lấy tiền hoặc trao đổi những vật dụng trong sinh hoạt hàng ngày như nồi niêu xoong chảo, thau, chậu, thùng chứa nước...
Một thành viên của HSI là Zhu Liang, người đã tận mắt chứng kiến một xe chở chó thịt từ Lào về cho biết: “Hơn 300 con chó dồn sát nhau trong thùng xe. Khi đến điểm giao hàng, tôi thấy 12 con chết vì đói, khát và vì cắn nhau. 8 con khác nằm bẹp ở một góc, mắt đỏ ngầu, nước dãi từ mép chảy ra, tôi nghi nó bị bệnh dại nhưng tài xế nói chẳng hề gì. Dưới bàn tay của đầu bếp, chúng sẽ biến thành món thịt quay vàng ươm, căng tròn và béo nhẫy”.
Phản bác ý kiến này, những lò mổ ở Ngọc Lâm nói rằng chó của họ được cung cấp từ những cơ sở chăn nuôi lai tạo nhưng một báo cáo do Tổ chức Động vật châu Á (Animals Asia Foundation - AAF) công bố cho thấy hầu hết những con chó bị làm thịt hoặc là thú cưng đi lạc, hoặc bị đánh cắp. Khoảng 70% các ngôi làng nông thôn ở hai tỉnh Quảng Tây, Vân Nam thường xuyên xuất hiện những vụ mất chó bí ẩn. Tại một lò mổ, thành viên AAF còn tìm thấy các dây đeo trên cổ của một số những con chó, chứng tỏ nó là vật nuôi trong gia đình.
Những tai tiếng của “lễ hội thịt chó” Ngọc Lâm đã khiến năm 2016, ông Zhen Xiaohe, Phó Chủ tịch Quốc vụ viện Trung Quốc (tương đương như quốc hội ở những nước khác) đề xuất ban hành luật cấm buôn bán thịt chó, và đã được hàng triệu người Trung Quốc bỏ phiếu ủng hộ. Cũng trong năm đó, một bản kiến nghị với 11 triệu chữ ký kêu gọi chấm dứt lễ hội thịt chó ở Ngọc Lâm được trình lên Văn phòng Chính phủ Bắc Kinh.
Các cuộc thăm dò dư luận kéo dài từ 2016 đến 2019 cho thấy phần lớn người Trung Quốc đều không tán thành lễ hội thịt chó, nhưng tại Ngọc Lâm nó vẫn được tổ chức bởi lẽ Ngọc Lâm thuộc khu tự trị của dân tộc Choang (hay còn gọi là Tráng) Quảng Tây, nơi một số quy định mang tính vi mô vẫn do địa phương tự quyết. Tuy nhiên, chính quyền thành phố Ngọc Lâm không thừa nhận về lễ hội, mà chỉ nói rằng “một số nhà hàng và một bộ phận dân cư tự ý tổ chức, tham gia”.
Tháng 3-2020, khi đại dịch COVID-19 hoành hành ở Trung Quốc, lần đầu tiên chính quyền Ngọc Lâm ra lệnh cấm lễ hội thịt chó để đề phòng dịch bệnh lây lan nhưng đến ngày 21-6, lễ hội vẫn tiếp tục mở cửa tuy số người tham dự có ít hơn. Năm 2021 cũng thế, khoảng 3.000 con chó đã bị làm thịt so với hơn 10.000 con hồi năm 2019.
Theo HIS, không chỉ đến dịp 21-6 mà thịt chó vẫn được bán hàng ngày trong các nhà hàng ở Ngọc Lâm và ngày nào cũng có người ăn. Một bài xã luận được Nhân dân Nhật báo đăng tải, nêu quan điểm rằng trong khi các nhà hoạt động xem chó là “động vật đồng hành cùng con người” thì hệ thống luật pháp cũng như công chúng Trung Quốc hiện nay vẫn chưa chính thức thừa nhận “thân phận đặc biệt” ấy. Trong khi lưu ý đến “tính hai mặt” của chó, vừa là bạn đồng hành vừa là thực phẩm, bài xã luận kêu gọi sự kiềm chế trong việc xử lý vấn đề đồng thời tạo ra sự hiểu biết lẫn nhau để đạt được một thỏa hiệp.
Năm 2022, khi chỉ còn một thời gian ngắn là đến “lễ hội thịt chó”, các nhà hàng ở Ngọc Lâm đã thu gom chó và để tránh sự kiểm tra, nhiều nhà hàng làm thịt rồi cho vào tủ cấp đông. Một nhà hoạt động vì động vật ở Trung Quốc cho biết họ chỉ cứu được 1 con chó còn sống tại một nhà hàng. Nó bị xích trước cửa ra vào, ngay bên cạnh một tấm bảng quảng cáo các món thịt chó. Nhiều dấu hiệu cho thấy nó đã từng là một con chó cưng và rất có thể đã bị bắt bởi bọn trộm chó.
Liang Jia, nhà hoạt động vì động vật ở Quảng Tây cho biết: “Các đường phố ở Yulin lúc này tương đối yên tĩnh. Mặc dù bạn có thể thấy vài tiệm thịt chó và lò giết mổ vẫn hoạt động bình thường nhưng chưa rõ tình hình sẽ ra sao vì hiện tại, Chính phủ Trung Quốc đã phần nào nới lỏng các biện pháp nghiêm ngặt nhằm đề phòng COVID-19 tái phát”.
Vài ngày trước khi “lễ hội thịt chó” diễn ra, cảnh sát thành phố Thiểm Tây cùng các nhà hoạt động đã chặn một chiếc xe tải chở chó đến Ngọc Lâm, thu giữ 386 con chó. Chiếc xe tải ấy mang biển số Ngọc Lâm, bị phát hiện trên đường cao tốc cách Ngọc Lâm khoảng 800km. Video và hình ảnh do HIS công bố cho thấy chiếc xe đã bị cảnh sát đưa về trụ sở với những con chó bị nhồi nhét trong những chiếc lồng dưới cái nóng oi bức.
Lin Xiong, một trong những nhà hoạt động có mặt tại hiện trường cho biết: “Thật kinh hoàng khi thấy những con chó trong tình trạng như vậy. Chúng đã phải ở trên xe nhiều ngày. Tất cả đều bị đói và mất nước. Không ít trong số chúng bị những vết thương đã nhiễm trùng. Từ trong lồng sắt, chúng ngước đôi mắt lờ đờ nhìn tôi. Chẳng con nào còn sức để sủa. Nếu không bị cảnh sát chặn lại, chúng sẽ đi thẳng đến các lò mổ ở Ngọc Lâm”.
Một video khác cũng do HIS công bố ngày 18-6, thực hiện tại một chợ chó ở trung tâm thành phố Ngọc Lâm với những quầy hàng chất đầy xác chó. Điểm khác biệt duy nhất là năm nay, dòng chữ “thịt chó” hầu như đã biến mất khỏi các biểu ngữ tại lễ hội mà thay vào đó nó trở thành “thịt ngon”.
Thậm chí có cửa hàng còn quảng cáo “thịt ngon rất an toàn, an toàn hơn nhiều so với cá hồi” với ngụ ý nhắc đến đợt bùng phát COVID-19 gần đây ở Bắc Kinh mà một số nhà khoa học Trung Quốc cho rằng có thể xuất phát từ cá hồi châu Âu nhập khẩu. Một số chủ cửa hàng khác đơn giản bảo vệ lễ hội như một truyền thống với thông điệp: “Đây là phong tục của chúng tôi, không phải việc của bạn”.
Theo cảnh sát Thiểm Tây, những con chó được giải cứu nhiều con vẫn còn đeo vòng cổ. Chúng sẽ chuyển đến cơ sở cách ly trong 21 ngày để chăm sóc thú y. Sau 21 ngày, nếu kẻ buôn chó từ chối nộp tiền phạt – và đó là điều mà họ hiếm khi thực hiện vì số tiền phạt vượt quá lợi nhuận kiếm được từ việc bán chó - những con chó sẽ được đưa đến cơ sở nuôi dưỡng, bảo trợ bởi HSI và nhóm đối tác Vshine.
Một thăm dò của HIS cho thấy 72% dân Trung Quốc không ăn thịt chó và có 64% mong muốn “lễ hội thịt chó” ở Ngọc Lâm không còn tái diễn mặc dù về phương diện kinh tế, nó mang lại nguồn thu đáng kể cho cộng đồng dân cư trong khu vực này bởi lẽ không phải bất kỳ khách du lịch nào đến Ngọc Lâm vào dịp lễ hội cũng là để ăn thịt chó. Nhiều người đến vì tò mò, nhiều người đến để thăm ngôi tháp cổ Zheinbeitai nổi tiếng là lâu đời nhất Trung Quốc hoặc tìm hiểu phong tục, tập quán, văn hóa, sinh hoạt của người dân tộc Choang.
Thống kê cho thấy một số nhà hàng bán thịt chó có thể thu được 25.000 nhân dân tệ (khoảng gần 90 triệu đồng tiền Việt) chỉ trong một ngày lễ hội. Liang Jia, nhà hoạt động vì động vật ở Quảng Tây nói: “Chính quyền Ngọc Lâm nên xem xét điều này một cách nghiêm túc bởi lẽ lễ hội thịt chó Yulin sẽ chỉ mang lại nỗi xấu hổ nếu nó trở thành một sự kiện siêu lan truyền”.
Theo Tiến sĩ Peter Li, chuyên gia của HSI: “Mặc dù thực tế là hầu hết người dân Trung Quốc không ăn thịt chó nhưng các điểm nóng về thịt chó ở miền Nam, chẳng hạn như Ngọc Lâm vẫn tồn tại và hàng nghìn con chó vẫn sẽ tiếp tục chết trong đau đớn. Tôi hy vọng rằng những năm sau nữa, lễ hội tàn ác này sẽ chấm dứt bởi sự cộng tác tích cực giữa cảnh sát và những nhà hoạt động cùng các phương tiện truyền thông vì nếu không có họ, người ăn thịt chó có thể vẫn chưa mường tượng được những gì đang xảy ra…”.