Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế:

Triệt phá đường dây sản xuất kính ô tô giả với số lượng lớn

Thứ Tư, 20/12/2023, 14:03

Các nhãn hiệu kính ô tô như: Toyota, Mercedes, Peugeot, Kia, Huyndai, Mazda... đã bị 2 đối tượng ở Thừa Thiên-Huế làm giả một cách tinh vi. Số kính ô tô giả thương hiệu này không chỉ được các đối tượng tiêu thụ tại thị trường Huế mà còn có dấu hiệu bán cho một số cửa hàng chuyên kinh doanh phụ tùng, kính ô tô ở một số tỉnh, thành trong cả nước.

Kính ô tô nhái thương hiệu có giá rẻ hơn từ 50-70%

Thời gian gần đây, một số showroom chuyên bán phụ tùng, kính ô tô thương hiệu nổi tiếng tại khu vực miền Trung nhận được thông tin phản ánh từ khách hàng, giá kính chắn gió ô tô có in logo đúng các nhãn mác thương hiệu nhưng có giá thành rẻ hơn 50-70% so với của hãng. Vì vậy, không ít khách hàng khi đưa xe đến hãng để sửa, thay thế kính ô tô thì yêu cầu mua kính chắn gió bên ngoài đưa vào thay để giảm chi phí.

Một thợ sửa xe của một hãng ô tô có thương hiệu đóng tại TP Huế (Thừa Thiên-Huế) cho biết, mới đây, một khách hàng trú tại tỉnh Hà Tĩnh khi đưa xe đến hãng này để thay kính chắn gió ô tô do bị đá văng vào làm vỡ. Sau khi hãng báo giá tấm kính này có giá gần 21 triệu đồng thì khách hàng này cho biết, đã đi hỏi tại một số cửa hàng bán kính chắn gió ô tô ở TP Huế giá chỉ có giá 9,2 triệu đồng. Khách hàng này cho rằng, dù cùng thương hiệu, nhãn mác nhưng giá hãng cao hơn nhiều nên họ đành ra một garage bên ngoài để thuê thợ thay và trả tiền công.

Triệt phá đường dây sản xuất kính ô tô giả với số lượng lớn -0
Kính ô tô gắn logo của các nhãn hiệu như: Toyota, Mercedes, Peugeot, Kia, Huyndai, Mazda... được các đối tượng sản xuất giả hàng loạt

Theo chia sẻ của người thợ có gần 20 năm trong nghề bảo dưỡng ô tô này, lúc đầu nhìn bằng mắt thường, kính chắn gió ô tô của hãng và kính chắn ô tô do khách hàng mua ở cửa hàng được chụp lại bằng điện thoại thì có đặc điểm tương đồng, có in logo của hãng giống nhau. Tuy nhiên, khi tiếp xúc trực tiếp với tấm kính chắn gió này, người thợ phát hiện tấm kính giá 9,2 triệu đồng là loại kính nhái, được “phù phép” thành kính có nhãn mác của một thương hiệu ô tô nổi tiếng... Không ít khách hàng khi nghe những lời giải thích này đã rất bức xúc vì không ngờ mình mua phải hàng nhái. Ông P.H.P (52 tuổi, trú TP Huế) cho biết: Đợt mưa lũ mới đây, ô tô của tôi không may bị cành cây rơi xuống làm vỡ kính chắn gió. Khi tôi đến hãng hỏi thay thì hãng báo giá gần 16 triệu đồng nhưng khi tôi đến một cửa hàng chuyên bán kính chắn gió ô tô đóng tại thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên-Huế) hỏi mua thì kính chắn gió đó chỉ có giá 7,4 triệu đồng. Lúc này, tôi thắc mắc vì giá cả chênh lệch quá nhiều thì người bán hàng bảo là hàng chính hãng nhưng do tư nhân kinh doanh ít chi phí hơn, lợi nhuận ít nên có giá thành thấp. Vì vậy, sau một lúc chần chừ, cứ nghĩ rằng cùng loại kính nên tôi quyết định mua kính chắn gió có giá 7,4 triệu đồng để thay.

Trước thực tế này, qua công tác nắm tình hình, Đội Phòng ngừa, điều tra án buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả của Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế phát hiện, trên thị trường xuất hiện nguồn kính ô tô có in logo của các thương hiệu xe như: Toyota, KIA, Mazda, Mercedes, Peugeot, Huyndai... nhưng bán rẻ hơn giá của các hãng niêm yết rất nhiều. Nhận thấy vụ việc này có nhiều dấu hiệu bất thường nên cán bộ, chiến sĩ đã tiến hành nắm tình hình, rà soát trên toàn địa bàn tỉnh. Sử dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ và qua công tác trinh sát, phát hiện cơ sở kinh doanh kính ô tô Huế có địa chỉ tại số 13 Nguyễn Tất Thành (phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy) có kinh doanh và phân phối khắp địa bàn tỉnh rất nhiều sản phẩm kính ô tô các hãng được bảo hộ thương hiệu tại Việt Nam với giá thành rẻ hơn giá tại các hãng ô tô từ 50 đến 70%.

Theo Cơ quan công an, qua trao đổi với đại diện một số hãng xe ô tô thì được biết, mỗi hãng sẽ có một công ty độc quyền chuyên phân phối các loại phụ tùng và kính ô tô của hãng. Các công ty này sẽ phân phối cho các showroom trên toàn quốc. Vì vậy, việc cơ sở kinh doanh bán kính của các hãng xe ô tô giá rẻ hơn so với giá của hãng là điều không bình thường. Từ đó, Cơ quan công an tiếp tục xác minh những nghi vấn trên. Qua đó, xác định được, cơ sở kinh doanh kính ô tô do Trần Quốc Lợi (SN 1978) và Trịnh Thị Kim Như (SN  1988, trú tại 16 Dương Thiệu Tước, phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên-Huế) làm chủ, có hoạt động buôn bán các loại kính xe ô tô của rất nhiều hãng xe được bảo hộ thương hiệu tại Việt Nam. Các đối tượng đã thuê 2 kho dùng để chứa các loại kính xe ô tô với sức chứa khoảng trên 3.000 tấm. Tiến hành kiểm tra đột xuất tại kho hàng 148 An Dương Vương (TP Huế), các trinh sát phát hiện nhiều dụng cụ dùng để tẩy xóa, đánh bóng và có 1 máy in laser nghi là dụng cụ để sản xuất kính ô tô giả. Ngoài ra, các trinh sát còn phát hiện đối tượng Trần Quốc Lợi nhập kính từ Trung Quốc về, nhãn hiệu hãng kính ô tô này có ký hiệu là XYG.

Triệt phá đường dây sản xuất kính ô tô giả với số lượng lớn -0
Triệt phá đường dây sản xuất kính ô tô giả với số lượng lớn -1
Hai kho chứa kính ô tô giả các thương hiệu chờ bán ra thị trường.

“Phù phép” kính Trung Quốc thành kính thương hiệu

Từ những chứng cứ thu thập được bước đầu, cho thấy cơ sở kinh doanh kính ô tô của Trần Quốc Lợi và Trịnh Thị Kim Như có dấu hiệu nhập kính từ Trung Quốc có ký hiệu XYG rồi đưa về Việt Nam. Tiếp đó, các đối tượng đã tẩy xóa ký hiệu XYG, rồi in logo các thương hiệu nổi tiếng lên kính để bán ra thị trường. Nhiều khách hàng tin tưởng loại kính này là kính chính hãng nên đã mua sử dụng. Nhận thấy vụ việc có dấu hiệu tội phạm, Đội Phòng ngừa, điều tra án buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả đã báo cáo Ban Chỉ huy Phòng Cảnh sát kinh tế công an tỉnh xác lập chuyên án để đấu tranh làm rõ hành vi, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng.

Qua đấu tranh, các trinh sát đã thu thập tài liệu, chứng cứ và xác định được đối tượng Trần Quốc Lợi và Trịnh Thị Kim Như đã đặt mua kính ô tô từ một công ty ở Trung Quốc. Đồng thời, cũng đặt mua máy khắc laser từ Trung Quốc, sau đó vận chuyển vào Việt Nam bằng đường biển về đến cảng Đà Nẵng. Tiếp đó, các đối tượng hợp đồng với xe tải vận chuyển số hàng hóa này về Huế. Bằng các biện pháp nghiệp vụ sắc bén, Phòng Cảnh sát kinh tế đã làm rõ, kính chắn gió ô tô các đối tượng nhập về khai báo tại cơ quan hải quan là kính chắn gió ô tô dùng cho từng dòng xe cụ thể của các hãng. Theo các trinh sát, sự việc này có thể dễ gây nhầm lẫn cho người mua hàng rằng đây là kính ô tô của hãng. Sau khi vận chuyển kính ô tô về kho tại TP Huế thì đối tượng Trần Quốc Lợi phân công nhiệm vụ trực tiếp cho các đối tượng như: Lên mạng tìm kiếm logo của các hãng xe. Tiếp đó, các đối tượng dùng phần mềm sao chép, thiết kế lại rồi sử dụng máy móc tẩy logo nhãn hiệu XYG và khắc laser các logo đã được thiết kế lên.

Thực hiện đợt cao điểm ra quân tấn công, trấn áp tội phạm dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, ngày 16/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, đơn vị vừa triển khai 3 tổ công tác tổ chức khám xét đồng loạt tại 3 địa điểm: Cửa hàng kinh doanh kính chắn gió ô tô tại 13 Nguyễn Tất Thành (phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy) và 2 kho chứa hàng của cơ sở kinh doanh này tại 148 An Dương Vương và 187 Hùng Vương (TP Huế). Quá trình khám xét, Cơ quan công an đã phát hiện và thu giữ phương tiện các đối tượng sử dụng để làm giả kính ô tô các thương hiệu gồm: 1 bộ máy in laser, 2 bộ máy tính, các dụng cụ dùng để tẩy xóa logo và đánh bóng như: Máy chà kính, dung dịch tẩy kính, dung dịch đánh bóng kính... Bên cạnh đó, Cơ quan công an thu giữ hơn 500 kính xe ô tô các loại đã được các đối tượng in giả logo các nhãn hiệu như: Toyota, Mercedes, Peugeot, KIA, Huyndai, Mazda... Số kính này nếu bán ra thị trường có trị giá trên 1 tỷ đồng. Hiện, toàn bộ tang vật này đã bị Cơ quan công an tạm giữ.

Qua đấu tranh bước đầu, Trần Quốc Lợi và Trịnh Thị Kim Như thừa nhận đã mua kính ô tô nhãn hiệu của Trung Quốc rồi vận chuyển về Việt Nam. Sau đó, trực tiếp sử dụng công cụ, máy móc, dung dịch chuyên dùng để tẩy xóa logo nhãn hiệu Trung Quốc có trên kính, dùng phần mềm để tự thiết kế, sao chép logo của các nhãn hiệu xe ô tô nổi tiếng, rồi sử dụng máy in laser in các logo này lên kính đã được tẩy xóa trước đó. Một nguồn tin cho biết, một tấm kính chắn gió ô tô sau khi được các đối tượng sản xuất, bán ra thị trường thu lãi khoảng từ 3 đến hơn 10 triệu đồng/tấm kính chắn gió tùy theo thương hiệu của từng loại xe. Đây cũng là đường dây sản xuất, mua bán kính giả thương hiệu của các hãng ô tô có quy mô lớn nhất từ trước tới nay được Công an Thừa Thiên-Huế phát hiện. Hiện, Phòng Cảnh sát kinh tế công an tỉnh tiếp tục điều tra mở rộng, làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Triệt phá đường dây sản xuất kính ô tô giả với số lượng lớn -0
Cán bộ Công an lập biên bản đối tượng Trần Quốc Lợi khi phát hiện quả tang số lượng lớn kính ô tô giả.

Theo phân tích của một cán bộ Đội Phòng ngừa, điều tra án buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, kính chắn gió ô tô là một bộ phận rất quan trọng của chiếc xe, ngoài việc ngăn chặn bụi bẩn, nó còn giúp tăng cường độ cứng chắc cho kết cấu xe, cân bằng áp suất bên trong xe, giúp cho người lái được an toàn nếu có tai nạn xảy ra. Sức chịu đựng của kính chắn gió xe ô tô rất cao, nó hỗ trợ cho túi khí trong việc bảo vệ người ngồi trong xe. Ngoài ra, kính chắn gió ô tô còn có tác dụng chống đỡ cho mái che của xe, độ cứng của kính giúp cho khung xe được vững hơn, tránh một sự sụp đổ khi xe bị lật hoặc lăn nhiều vòng. Điều này giúp cho hành khách bên trong xe bớt đi nguy hiểm khi xảy ra tai nạn, hạn chế tối đa việc mắc kẹt trong xe. Ngoài ra, kính chắn gió ô tô còn có tác dụng giảm đến 95% tia cực tím từ mặt trời. Vì vậy, người tiêu dùng cần phải lưu ý khi mua hàng để thay thế và sử dụng.

Hải Lan
.
.