Triệt xóa hàng loạt băng nhóm “tín dụng đen” lãi suất tới 714%/ năm

Thứ Sáu, 25/11/2022, 12:17

Để thu hút người vay, các đối tượng tạo quảng cáo với nội dung ngon ngọt là “hỗ trợ tài chính không cần thế chấp, thủ tục đơn giản, giải ngân sau vài giờ…” đăng trên mạng xã hội. Ngoài ra chúng còn in hàng ngàn tờ rơi phát tại các khu nhà trọ có đông công nhân thuê ở, các khu chợ có nhiều người buôn bán nhỏ.

Khi người vay đồng ý gói trả góp hàng ngày, chúng thu 10% gọi là phí cho vay, giữ lại ngày đầu và ngày cuối kỳ góp rồi chia cả gốc lẫn lãi thành 25 ngày để người vay không bị “ngộp” với mức lãi suất (dao động từ 18,6%-59,5%/tháng (223%-714%/năm).

1. tdd1.jpg -0
Các đối tượng trong 6 băng nhóm “tín dụng đen” vừa bị Công an Thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai triệt phá

Có nạn nhân mất khả năng chi trả, chúng kéo người mang hung khí đến tận nhà hăm dọa, cắt ghép hình ảnh tung lên mạng xã hội và in tờ rơi dán khắp khu vực nạn nhân cư trú hòng triệt đường sinh sống. Trong số các nạn nhân, có người bị người thân ghẻ lạnh, có người không chịu nổi phải bỏ xứ đi tha phương cầu thực ở nơi khác…

Hàng loạt băng nhóm “tín dụng đen” sa lưới

Tháng 8/2022, trinh sát hình sự Công an TP Biên Hòa phát hiện tội phạm hoạt động “tín dụng đen” đang diễn biến hết sức phức tạp. Một đường dây do Trần Công Huấn, sinh năm 2000 tại tỉnh Yên Bái cầm đầu cùng hai đàn em là Phan Thiện Nhân, sinh năm 1997 tại tỉnh Lào Cai và Nguyễn Tiến Thanh, sinh năm 2000 tại tỉnh Yên Bái, cùng tạm trú tại số nhà 177/18B, KP2, phường Tam Hiệp, TP Biên Hòa. Đối tượng cho vay của nhóm này là những công nhân trong các khu công nghiệp và tiểu thương nhỏ ở chợ và không chỉ một mình đứng ra cho vay, mà nhóm của Huấn còn liên kết với vài nhóm khác trên địa bàn.

Quá trình xác minh, trinh sát lần ra hai băng nhóm khác cũng đang hoạt động cho vay nặng lãi với thủ đoạn tương tự. Một nhóm do Bùi Văn Trọng, sinh năm 1999 tại huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình (tạm trú tại nhà không số, phường Tam Hiệp, TP Biên Hòa) cầm đầu. Giúp sức cho Trọng còn có người anh em bà con tên Bùi Công Văn, sinh năm 1997 cùng hai cha con Hoàng Mạnh Cường, sinh năm 1958 và Hoàng Ngọc Khánh, sinh năm 1988 cùng huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình (tạm trú TP Biên Hòa). Băng nhóm còn lại do Quách Văn Thêm, sinh năm 1987 cùng em trai là Quách Công Định, sinh năm 1994 tại huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình (tạm trú TP Biên Hòa) trực tiếp chỉ huy 7 đối tượng khác gồm: Quách Văn Thiêm, sinh năm 1993; Nguyễn Ngọc Nam, sinh năm 1991; Bùi Văn Tuấn sinh năm 2002; Trương Hồng Ngọc, sinh năm 1998; Hoàng Văn Thụ, sinh năm 1989; Nguyễn Văn Đức, sinh năm 1992 và Nguyễn Tiến Thành, sinh năm 1988 thực hiện hoạt động cho vay nặng lãi và thu nợ theo kiểu “xã hội đen”.

Triệt xóa hàng loạt băng nhóm “tín dụng đen” lãi suất tới 714%/ năm -0
Khám xét nơi ở của đối tượng Quách Văn Thêm ở Phường Tam Hiệp, Thành phố Biên Hòa

Tháng 10/2022, trinh sát tiếp tục lần ra dấu vết của 3 băng nhóm khác có sự liên kết thông tin với nhau. Trong 3 băng nhóm này, băng do Mai Tuấn Anh, sinh năm 1995 tại huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình chuyên cho những người buôn bán ở chợ, người buôn bán vặt vay tiền góp theo ngày, còn hai băng do Nguyễn Anh Tuấn, sinh năm 2000 tại huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái và băng Lưu Văn Quyết, sinh năm 1993 tại TP Hà Giang, tỉnh Hà Giang thì chuyên nhắm vào công nhân ở các khu công nghiệp, ngoài ra còn cho vay tiền đứng trả lãi mỗi tuần hoặc 10 ngày/lần.

Tối ngày 28/10/2022, tổ tuần tra 161 của Công an tỉnh Đồng Nai trong lúc tuần tra tại khu vực Công viên 30-4, thuộc Khu phố 4, phường Tân Biên, TP Biên Hòa phát hiện Bùi Văn Trọng và Bùi Công Văn thu tiền vay trả góp hàng ngày của anh Vũ Vương Tuệ, sinh năm 1979, ngụ phường Tân Hòa, TP Biên Hòa. Ngay sau đó, tổ công tác 161 đã bàn giao hai đối tượng này cùng tang vật là 1 cuốn sổ ghi giấy mượn tiền của nhiều người, 7 phong bì niêm phong, bên trong có giấy chứng minh nhân dân của những người vay nợ. Ngay trong đêm, lực lượng của Đội Cảnh sát kinh tế đã được phối hợp với các đội nghiệp vụ khác chia thành 6 tổ công tác đồng loạt ra quân khám xét khẩn cấp nơi ở của các đối tượng.

Tại phòng trọ của Trần Công Huấn ở số 177/18B, KP2, phường Tam Hiệp và nhà không số của Bùi Văn Trọng ở phường Tam Hiệp, TP Biên Hòa, trinh sát thu giữ nhiều sổ sách giấy tờ có nội dung ghi chép họ tên, địa chỉ, số điện thoại của người vay và số tiền họ phải trả góp hàng ngày. Riêng nơi ở của các nhóm đối tượng do Thêm, Anh Tuấn, Quyết, Tuấn Anh cầm đầu, ngoài sổ sách, giấy tờ, rất nhiều tờ rơi quảng cáo, trinh sát còn thu nhiều hung khí và cả súng giả mà các đối tượng sử dụng để hù dọa con nợ nào thiếu tiền góp.

Khủng bố nạn nhân trên mạng để triệt đường sống

Theo cơ quan điều tra, các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn mới trong việc đòi nợ. Nếu nạn nhân mất khả năng trả nợ, cả bọn trực tiếp mang hung khí đến tận nhà hăm dọa. Tên tuổi nạn nhân này cũng sẽ được các đối tượng trong các nhóm này đưa lên nhóm trên mạng xã hội để tất cả biết, nếu người nhà nạn nhân có tài sản thì nhóm khác sẽ cho nạn nhân vay tiếp để trả cho nhóm đầu rồi lùa quân mang hung khí đi đòi nợ. Trường hợp không còn khả năng trả, các đối tượng cho cắt ghép hình ảnh nạn nhân tung lên mạng xã hội zalo, facebook với nội dung bêu xấu rằng đây là đối tượng lừa đảo, giật nợ cần tránh xa, ngoài ra chúng còn cho in trên nhiều tờ giấy A4 nhét vào từng nhà và dán khắp khu vực nạn nhân cư trú.

Triệt xóa hàng loạt băng nhóm “tín dụng đen” lãi suất tới 714%/ năm -0
Thu giữ tờ rơi, hung khí, súng giả tại nơi ở của các đối tượng

Chị T, một nạn nhân cho biết, trước đây chị vay của nhóm Lưu Văn Quyết 3 triệu đồng mua vé về quê ở miền Trung thăm mẹ bệnh nặng với lãi suất thỏa thuận là 18%/tháng. Sau khi trừ 300.000 đồng tiền chúng gọi là phí cho vay, chị nhận được 2,7 triệu đồng, nhưng thực tế chị phải trả tổng cộng 3.240.000 đồng góp trong vòng 25 ngày (129.600 đồng/ngày). Do phải ở quê chăm mẹ, sau một tháng không thể trả góp, khi vào, chúng bắt chị phải ký giao kèo mới với số tiền gốc vay lên gần 4,2 triệu đồng, mỗi ngày chị phải góp gần 170.000 đồng, ngoài ra còn phải nộp 420.000 đồng gọi là phí cho vay lần 2.

Với đồng lương ít ỏi, lại phải trả tiền thuê nhà, chi phí sinh hoạt nên chỉ một thời gian ngắn, số nợ đã tăng lên hơn 20 triệu đồng. Chị đã bán chiếc xe là phương tiện duy nhất đi làm kiếm sống cùng chiếc nhẫn vàng bạn trai tặng nhưng cũng không thể trả hết cả gốc lẫn lãi nên đã bị chúng tung hình lên mạng bêu xấu là lừa đảo. Chúng còn phát cả tờ rơi cho công nhân trong xưởng làm việc và cả ở tận quê xem khiến chị quá xấu hổ mà phải bỏ sang Bình Dương làm thuê mà không dám liên hệ với gia đình, người thân.

Cơ quan điều tra đã làm rõ từ tháng 5/2022 đến lúc bị bắt, nhóm đối tượng Quách Văn Thêm, Nguyễn Anh Tuấn, Lưu Văn Quyết, Mai Tuấn Anh đã cho rất nhiều người vay tiền đứng, tiền góp với lãi suất từ 18,58%-59,52%/tháng, (từ 222,96%-714,24%/năm), thu lợi gần 300 triệu đồng. Theo đó, với số tiền dưới 5 triệu đồng, người vay không cần thế chấp, chỉ cần cung cấp tên, tuổi, địa chỉ, nơi buôn bán, số CMND/CCCD, số điện thoại, tài khoản mạng xã hội. Nếu người vay sau vài ngày mà có tiền trả gốc thì vẫn phải chịu lãi suất và phí cho cả chu kỳ vay.

Thêm, Anh Tuấn, Quyết, Tuấn Anh, Huấn đã lập nhóm trên zalo, facebook để thông tin những trường hợp đã ký giao kèo vay để các nhóm còn lại biết mà tìm người khác, các trường hợp nợ xấu cũng được đưa lên để tất cả cùng né cho vay thêm hoặc nhóm nào liều thì cho vay để trả cho nhóm trước rồi đòi bằng cách cưỡng đoạt tài sản. Ngoài việc sử dụng đám đông mang theo hung khí đến tận nhà nạn nhân hăm dọa, đòi tiền, các đối tượng còn liên thông với nhau cắt ghép hình ảnh nạn nhân tung lên mạng xã hội vu cho họ là lừa đảo nhằm làm mất mặt với gia đình, người thân mà đem trả tiền…

Triệt xóa hàng loạt băng nhóm “tín dụng đen” lãi suất tới 714%/ năm -0
Thu giữ tài liệu có nội dung ghi chép hoạt động cho vay nặng lãi trong cốp xe của một đối tượng

Còn Bùi Văn Trọng từ đầu tháng 6/2022 đến nay đã cho rất nhiều người buôn bán nhỏ ở chợ vay tiền với lãi suất dao động từ 21,05%-52,63%/ tháng (tương ứng với 252,6%- 631,56%/ năm). Chỉ tính trong nửa đầu tháng 10/2022, theo một số nạn nhân, mặc dù đã trả hết gốc và lãi lên đến gần 30%/tháng, nhưng do lãi mẹ đẻ lãi con dẫn đến mất khả năng thanh toán đã bị Trọng cắt ghép hình ảnh tung lên các trang mạng xã hội nói rằng họ lừa đảo, giật nợ khiến cho một số người không dám nhìn người thân, đặc biệt là không còn đường kiếm sống nên đành phải bỏ xứ đi nơi khác.

Trần Công Huấn khai nhận do ăn nhậu, cờ bạc dẫn đến thiếu nợ đám cho vay nặng lãi ở Yên Bái nên đầu tháng 6/2022 đã rủ thêm Thanh, Thiện bỏ vào TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai tìm đường làm ăn trả nợ. Tại đây, Huấn được một người tên Ngọc Anh thuê thực hiện hoạt động cho vay nặng lãi với mức lương 4 triệu đồng/người/tháng và bao ăn ở, ngoài ra còn được hưởng 50% tiền phí đối với mỗi trường hợp cho vay.

Sau đó, Huấn mượn vốn trực tiếp cho những người buôn bán nhỏ ở chợ và công nhân trong các khu công nghiệp vay với số tiền dao động từ 5-30 triệu, trả góp trong vòng 25 ngày với lãi suất dao động từ 20,83% đến 47,62%/ tháng tùy theo từng trường hợp. Cho đến thời điểm bị bắt, Huấn cùng đàn em đã trực tiếp cho 28 người vay và chỉ với riêng 7 nạn nhân đã đến cơ quan Công an trình báo, Huấn đã thu phí và lãi trên 65 triệu đồng.

Đức Cương
.
.