Vạch trần trò lừa đảo của “Công ty CSE”

Thứ Ba, 14/06/2022, 21:58

Khoảng hai năm trước dự án Owifi của công ty "CSE Singapore" từng làm mưa làm gió tại nhiều tỉnh, thành phố, thu hút được hàng ngàn nhà đầu tư tham gia với hy vọng làm giàu không khó. Tuy nhiên, tất cả chỉ là màn kịch được giấu trong một vỏ bọc tinh vi...

Một vốn bốn lời!?

Đầu năm 2020, anh Phạm Hiệp (nhân viên một doanh nghiệp về Du lịch) được một người bạn rủ tham gia đầu tư vào Dự án Owifi với tương lai hết sức hứa hẹn. Theo chân người bạn đến dự hội thảo của Công ty CSE Singapore  anh Hiệp được một "chuyên gia cao cấp" của công ty tên Cù V.T giới thiệu về cơ hội "có một không hai" cho các nhà đầu tư.

1.jpg -0
Để đánh bóng tên tuổi, gây lòng tin từ các nhà đầu tư, Phan Ngọc Vũ lên "gương mặt trang bìa" của một tạp chí

Theo T., “Công ty CSE” có trụ sở tại Singapore đang phối hợp với Công ty Golden Net triển khai Dự án Owifi - công nghệ 5G mạng di động siêu nhanh, có tốc độ gấp... 100 lần mạng 4G. Với "siêu thiết bị" này, hàng trăm người có thể truy cập đồng thời vào mạng Internet với tốc độ cao, không gián đoạn...

"Công ty em đã test rồi, 200 người cùng truy cập một lúc mà không hề bị gián đoạn. Thậm chí bên em đang có kế hoạch nhập thêm thiết bị mới có thể gấp đôi số người truy cập, tức là 400 người cùng sử dụng một thời điểm" - T. nhấn mạnh.

Nhưng hấp dẫn hơn, mỗi nhà đầu tư chỉ cần sở hữu một bộ Owifi 5G của công ty CSE thì "không cần làm gì cũng có tiền". Cụ thể họ sẽ đầu tư 10.000 USD, tương đương 240 triệu đồng (để nhận một bộ Owifi 5G để phát wifi thu phí) và sau đó sẽ nhận về lãi suất tới 6%/tháng, tương đương với 72%/năm. Lãi sẽ được trả theo ngày.

Bên cạnh hai nguồn thu nhập từ việc thu phí người dùng truy cập vào Wifi và gói đầu tư lãi suất cao 72%/năm, công ty này cũng hứa hẹn về một nguồn thu nhập thứ ba cũng hấp dẫn không kém.

Đó là việc sau khi đã trở thành thành viên công ty (đầu tư thiết bị Owifi) thì mỗi lần mời gọi được một người tham gia lập tức nhận được "hoa hồng" lên tới 5 cấp. Cấp 1 (F1) hưởng ngay 8% hoa hồng, nghĩa là nhà đầu tư mới bỏ ra 240 triệu đồng thì người môi giới sẽ được hưởng 19,2 triệu đồng. Khi F1 rủ được hai người thì môi giới sẽ được ngay 38,4 triệu đồng. Cứ như vậy, lôi kéo được ba F1 môi giới sẽ được ngay 57,6 triệu đồng. Còn với các F2, nhà đầu tư cũng được hưởng ngay hoa hồng theo theo mô hình kim tự tháp lần lượt là 2%, F3 là 1%, F4 là 2%, F5 là 4%.

"Thời buổi này mà cứ sáng mở mắt dậy là có tiền chảy vào tài khoản, thử hỏi tìm đâu cơ hội tốt hơn. Cả ngày anh chị cứ việc đi chơi mà hệ thống vẫn phát triển.

Cuộc sống của em trông lên thì chẳng bằng ai, nhưng trông xuống thì cũng... chẳng ai bằng mình. Em đầu tư bốn thiết bị hết gần 1 tỷ đồng, mỗi tháng chỉ riêng lãi chảy vào tài khoản là 60 triệu đồng. Rồi còn tiền cho thuê wifi, tiền hoa hồng từ F1, F2... Tổng cộng tháng em có vài trăm triệu tiêu.

Vạch trần trò lừa đảo của “Công ty CSE” -0
Buổi hội thảo chia sẻ bí quyết tạo thu nhập trong khi ngủ mà Vũ là diễn giả chính

Mỗi ngày ngủ dậy em không còn phải vội vàng lên cơ quan, công sở mà cứ nhẩn nha ăn sáng, uống cà phê "thoải con gà mái". Trưa rủ bạn bè đối tác đi nhậu. Chiều về đi tập gym, đi bơi. Cuối tuần thì đi đánh Golf hoặc đi du lịch leo núi, tắm biển... thấy cuộc đời sao mà đáng sống" - T. nở nụ cười mãn nguyện.

Sau cái buổi hội thảo ấy, lẽ ra anh Hiệp cũng quên bẵng. Nhưng rồi đại dịch COVID-19 kéo đến khiến công việc tại công ty Du lịch của anh bị ảnh hưởng nặng nề. Thu nhập bị giảm mạnh, rồi vợ anh cũng bị mất việc khiến anh Hiệp phải nghĩ cách xoay tiền. Anh bất giác nhớ lại nụ cười của T.

Sau cuộc gọi của anh Hiệp, T. "đánh" con xe ô tô Mercedes đến tận nhà đưa anh đi uống cà phê tại một quán sang chảnh bậc nhất Hà Nội. "Chỉ sau vài tháng em đã kiếm được tiền tỷ tậu nhà tậu xe. Lẽ ra đợt ấy anh vào tiền cùng em thì giờ cũng ngon lành cành đào rồi. Nhưng em nghĩ giờ cũng chưa muộn đâu anh." - T. vừa vuốt điện thoại Iphone đời mới nhất, vừa nói vẻ tiếc nuối.

Nhìn hình ảnh "bóng sáng" của T., cộng với tâm lý sợ bị mất cơ hội, anh Hiệp vội tất toán hơn hai trăm triệu trong tài khoản tiết kiệm để chuyển cho T. Anh được nhận lại một thiết bị Owifi cùng một tài khoản được quy ra là gần 300 CSE (trị giá quy đổi ở thời điểm đó là 1 CSE ăn 3 USD).

Cũng hy vọng sẽ đổi đời khi đầu tư vào công ty của Singapore, chị Hoài Anh (nhân viên một ngân hàng) cũng tham gia gói mua Owifi. Tuy nhiên, người môi giới yêu cầu chị phải phải mua tiền điện tử Bitcoin để đổi sang tiền ảo CSE. Chị Hoài Anh không biết mua bitcoin thì người môi giới bảo chuyển khoản cho anh ta thì sẽ được nhận lại tiền ảo CSE về trong tài khoản ví điện tử.           

Trong suốt quá trình giao dịch mua bán đều không có bất kỳ hóa đơn, hay một công ty, một cơ quan chức năng nào công nhận và giám sát. Thứ duy nhất nhà đầu tư có được là một "hợp đồng thông minh" có ở trong ví điện tử của CSE.

Sau một thời gian thấy tiền lãi "chảy vào" tài khoản khá đều đặn, các nhà đầu tư như anh Hiệp, chị Hoài Anh đã giới thiệu tiếp thị cho nhiều bạn bè. Đồng thời gom tiền mua thêm mấy gói đầu tư tiếp. Song một ngày đẹp trời bỗng nhiên không truy cập được vào tài khoản. Khi truy cập vào thì không thể rút được tiền ra nữa.

Nhà đầu tư lúc này mới biết mình bị lừa thì đã muộn...

Chiêu "lùa gà" tinh vi

Từ cuối năm 2021, Công an TP Hà Nội nhận được nhiều đơn tố cáo của các nhà đầu tư về việc đầu tư rất nhiều tiền để mua thiết bị Owifi cùng một tài khoản tiền điện tử... song khi muốn chuyển tiền ảo từ ví sang tiền thật thì lại không thực hiện được. Khi hỏi lại những người môi giới cũng như các chuyên gia quản lý của công ty thì đều chỉ nhận được những lời giải thích vòng vo, thậm chí bị hắt hủi, cắt đứt liên lạc.

Vạch trần trò lừa đảo của “Công ty CSE” -0
Vũ giới thiệu thiết bị Owifi công nghệ 5G mà thực chất là lừa đảo

Sau một quá trình điều tra, cuối tháng 5-2022, Công an TP Hà Nội đã làm rõ hành vi vi phạm pháp luật của Phan Ngọc Vũ (sinh năm 1979, thường trú tại phường Tự An, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) và Phan Ngọc Thạch (sinh năm 1991, thường trú tại xã Eatu, TP Buôn Ma Thuột, Đăk Lắk).

Được biết vào năm 2019, Vũ thành lập công ty CSE Singapore hoạt động dưới danh nghĩa kinh doanh về tiền điện tử CSE. Để hoạt động, Vũ đã thuê nhiều đối tượng viết phần mềm các website có chức năng như sàn giao dịch tiền điện tử. Các trang web này sẽ được kết nối hoạt động cùng trang website đầu tư CSE và website csewallet (ví lưu trữ tiền điện tử). Thạch là người trực tiếp quản lý, quản trị các trang web trên.

Đồng thời, Vũ chỉ đạo một nhóm đối tượng khác lôi kéo người tham gia đầu tư tiền điện tử CSE với hình thức quảng cáo dự án tiền điện tử CSE là của công ty CSE Singapore, được cấp phép tại Singapore có công nghệ tiên tiến, đồng tiền điện tử CSE có giá trị cao trên thị trường.

Mỗi người tham gia đầu tư có các gói Owifi 5G hưởng lợi nhuận gửi theo hình thức: 3 tháng, 6 tháng và 12 tháng với mức lãi suất lần lượt là 4%, 5% và 6% trên số tiền đã đầu tư và được cung cấp một thiết bị Owifi SG đã cài đặt tính năng "đào tiền".

Khi người truy cập vào thiết bị Owifi 5G trên sẽ được tính 1 ngàn đồng lượt truy cập/ngày và quy đổi thành mã tiền kỹ thuật số CSE. Tuy nhiên bản chất đây là đồng tiền không có giá trị, giá trị do Vũ quyết định, mục đích để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trong hơn một năm hoạt động bằng phương thức thủ đoạn trên, Vũ, Thạch cùng đồng bọn đã thực hiện hành vi lừa chiếm đoạt của hàng ngàn nhà đầu tư với số tiền lên đến hàng trăm tỉ đồng. Vụ án tiếp tục được phối hợp điều tra mở rộng, truy bắt và xử lý các đối tượng liên quan.

Cũng theo cơ quan công an, sở dĩ ổ nhóm tội phạm trên hoạt động rầm rộ cũng bởi các đối tượng có nhiều chiêu "PR" cho doanh nghiệp rất tinh vi.

Vạch trần trò lừa đảo của “Công ty CSE” -0
Phan Ngọc Vũ được giới thiệu là chuyên gia Fintech.

Khác với những đường dây đầu tư tiền ảo theo kiểu đa cấp thường chỉ tập trung vào các hội thảo để rủ rê gạ gẫm nhà đầu tư - doanh nghiệp này còn tung lên mạng và đăng tải trên một số báo mạng về việc đã ký kết triển khai dự án Owifi 5G ở nhiều tỉnh thành như Bắc Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Thái Nguyên...

Thậm chí đối tượng Phan Ngọc Vũ còn luồn lách để được lên gương mặt trang bìa của một Tạp chí điện tử với bài viết:" Giải pháp dùng Blockchain của CSE30 trong tem chống hàng giả". Với danh xưng là "Chuyên gia Fintech (công nghệ tài chính), sau khi có bài viết này, Vũ đã dùng để gửi link cho các nhà đầu tư, khách hàng, đối tác... để tạo sự tin tưởng cho họ.

Trong các buổi hội thảo do công ty CSE tổ chức, các đối tượng thường xuyên lặp đi lặp lại những câu nói "bất hủ", khiến không ít nhà đầu tư bị mê hoặc như: "Đồng tiền CSE là 1 đề tài blockchain đầu tiên trên thế giới về khoa học, được Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam công nhận", hay "Chỉ cần ngủ cũng có tiền"; "Từ chối thì tiền cũng không chịu"...

Chỉ đến khi mất tiền (hoặc mất rất nhiều tiền) thì các nhà đầu tư mới biết được rằng tiền của họ đã chảy vào túi các đối tượng nhánh trên. Và số tiền họ được trả lãi trong tài khoản cũng chỉ là đồng tiền ảo vô giá trị!

Đánh tráo khái niệm, định lừa cả cơ quan chức năng

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đầu năm 2020, đại diện công ty CSE từng gặp gỡ với lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Ninh và đề xuất được triển khai dự án Owifi. Sau đó, UBND tỉnh yêu cầu CSE phải có đề án và nộp đầy đủ các giấy tờ pháp lý có liên quan cho tỉnh, nhưng đến nay doanh nghiệp này vẫn "bặt vô âm tín".

Trước khi rời đi, Công ty CSE Singapore tặng cho Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Ninh một bộ "Wifi 5G". Sau đó, Sở này đã đem đi để kiểm tra về mặt kỹ thuật và phát hiện bộ Wifi này chỉ là một bộ phát Wifi bình thường, có tên là TPLink EAP225. Theo giấy chứng nhận hợp quy, đây là thiết bị thu phát sóng sử dụng băng tần 2.4 đến 5 GHz, chứ không phải là công nghệ 5G.

Theo một chuyên gia về CNTT, bộ wifi TPLink EAP225 trên thị trường có giá từ 1,5 - 2 triệu đồng. Thiết bị này có 2 băng tần 2.4 và 5 GHz. Còn 5G là chuẩn thế hệ thứ 5 của kết nối không dây. Nhóm đối tượng đánh tráo khái niệm nhằm mục đích khi người dùng tham gia vào thì thấy rằng mạng 5G này chưa có đơn vị nào triển khai và phải đầu tư rất nhiều tiền mới triển khai được. Còn bộ wifi gắn mác 5G của Công ty CSE Singapore tặng cho Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Ninh chỉ dùng được một thời gian ngắn thì bị trục trặc, không thể truy cập.

Yên Chi
.
.