Vấn nạn bắt cóc trẻ em ở Nigeria

Thứ Năm, 14/03/2024, 13:54

Một loạt vụ bắt cóc trẻ em trong các trường học ở miền Bắc Nigeria chỉ trong khoảng thời gian chưa tới 10 ngày đầu tháng 3 đang làm dấy lên mối lo ngại về vấn nạn bắt cóc tống tiền của thành phần phiến quân có vũ trang nhắm vào đối tượng là trẻ em, học sinh, sinh viên, đe dọa nghiêm trọng nền giáo dục của một quốc gia.

Hàng trăm học sinh bị bắt trong 7 ngày

Ngày 7/3, các tay súng đã tấn công một trường tiểu học ở khu vực Tây Bắc Nigeria, bắt giữ ít nhất 287 học sinh, trong vụ bắt cóc hàng loạt thứ hai ở quốc gia Tây Phi này trong vòng chưa đầy một tuần. Nhà chức trách trước đó cho biết hơn 100 học sinh đã bị bắt làm con tin trong vụ tấn công. Nhưng ông Sani Abdullahi, hiệu trưởng trường học, nói với Thống đốc bang Kaduna Uba Sani khi ông đến thăm thị trấn hôm 7/3 rằng tổng số học sinh mất tích sau khi thống kê là 287 em. “Chúng tôi sẽ đảm bảo rằng mọi trẻ em sẽ quay trở lại. Chúng tôi đang làm việc với các cơ quan an ninh”, Thống đốc nói với dân làng.

Joshua Madami, một thủ lĩnh thanh niên địa phương, cho biết những kẻ tấn công đã xông vào một trường tiểu học do nhà nước quản lý ở thị trấn Kuriga trong quận Chikun ngay sau cuộc họp hội đồng buổi sáng lúc 8 giờ sáng. Chúng bắt gần 200 học sinh làm con tin mà không hề gặp phải sự phản kháng nào. Lực lượng an ninh và một phái đoàn chính phủ đã đến thị trấn vài giờ sau đó khi hoạt động tìm kiếm được mở rộng, trong khi người dân và phụ huynh tập trung chờ đợi tin tức. Musa, Chủ tịch Hội đồng thị trấn cho biết: “Chính phủ đang cố gắng làm mọi cách có thể với các cơ quan an ninh để xem chúng tôi có thể giải cứu các cháu như thế nào”.

Vấn nạn bắt cóc trẻ em ở Nigeria -0
Các học sinh bị bắt cóc đã được giải cứu.

Vụ tấn công xảy ra trong vòng chưa tới 1 tuần sau khi hơn 200 nạn nhân, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, bị những kẻ cực đoan bắt cóc tại một trại tị nạn thuộc bang Borno ở Đông Bắc Nigeria. Phụ nữ, trẻ em và học sinh thường là mục tiêu của các vụ bắt cóc hàng loạt ở khu vực miền Bắc đang xảy ra xung đột của Nigeria, và nhiều nạn nhân chỉ được thả sau khi trả số tiền chuộc khổng lồ. Các nhà quan sát cho rằng cả hai vụ tấn công đều là lời nhắc nhở về cuộc khủng hoảng an ninh ngày càng tồi tệ ở Nigeria, dẫn đến cái chết của hàng trăm người vào năm 2023, theo phân tích của Associated Press.

Ông Bola Tinubu được bầu làm Tổng thống Nigeria vào năm ngoái sau khi hứa chấm dứt bạo lực tại Nigeria. Tuy nhiên, Oluwole Ojewale, nhà nghiên cứu Tây và Trung Phi thuộc Viện Nghiên cứu An ninh châu Phi, cho biết “chưa có sự cải thiện rõ rệt nào về tình hình an ninh” kể từ khi ông Tinubu lên nắm quyền. Phản ứng trước dư luận bức xúc về các vụ tấn công bắt cóc trẻ em, Tổng thống Tinubu đã ngay lập tức ra lệnh cho quân đội vào cuộc. Quả nhiên, kết quả của việc quân đội tham gia là đã giải cứu được hơn 250 trẻ em bị các tay súng bắt cóc từ trường học ở bang Kaduna, Tây Bắc Nigeria.

Tuy nhiên, trong khi mọi người còn chưa an tâm với số trẻ em được giải cứu và vẫn còn rất nhiều em đang bị bắt làm con tin, thì các tay súng lại tiếp tục gây ra thêm vụ bắt cóc mới, với ít nhất 15 học sinh bị bắt làm con tin tại một trường học ở làng Gidan Bakuso, bang Sokoto, phía Tây Bắc Nigeria, trong cuộc đột kích rạng sáng ngày 9/3. Liman Abubakar Bakuso, ông chủ của nhà trường, cho biết các tay súng đã tiến vào khuôn viên trường học và nổ súng, đánh thức và gây hoảng loạn cho học sinh. “Bọn chúng đã bắt cóc 15 học sinh của tôi, lớn nhất 20 và 15 tuổi, nhưng tất cả những học sinh còn lại đều dưới 13 tuổi”, ông Bakuso nói và cho biết thêm rằng “chúng tôi đang trong tình trạng hoảng loạn và đang hết sức cầu nguyện để họ được thả an toàn”.

Như vậy, liên tục ít nhất 3 vụ bắt cóc tại 3 bang ở Tây và Đông Bắc Nigeria trong khoảng thời gian chưa tới 10 ngày là dấu hiệu mất an ninh nghiêm trọng nhất, cho thấy tình trạng bắt cóc trẻ em, học sinh đang bùng phát trở lại ở Nigeria. Đặc biệt, các băng nhóm tội phạm có vũ trang hạng nặng đi xe máy nhắm mục tiêu vào các nạn nhân ở các làng mạc, trường học và dọc đường cao tốc để đòi tiền chuộc.

Vấn nạn bắt cóc trẻ em ở Nigeria -0
Tiến sĩ Fatima Akilu, người sáng lập ngôi trường đặc biệt Lafiya Sarari.

Vấn nạn đe dọa nền giáo dục quốc dân

Khi hai cô con gái của ông bị những kẻ có vũ trang bắt cóc khỏi ký túc xá Trường Cao đẳng Cơ giới Lâm nghiệp Liên bang ở Afaka, bang Kaduna vào tháng 4/2021, Friday Sani đã tình nguyện giao tiền chuộc. Ông mang theo 2 túi chứa đầy những tờ tiền trị giá hơn 40 triệu naira (70.000 bảng Anh), để chuộc 2 cô con gái Victory và Rejoice. Chỉ trong tháng 4 và tháng 5/2021, hơn 70 sinh viên đã bị bắt cóc từ Trường Cao đẳng Cơ giới Lâm nghiệp Liên bang và Đại học Greenfield gần đó. Với chút niềm tin rằng cảnh sát có thể giúp đỡ, một nhóm phụ huynh đã đến gặp những kẻ bắt cóc thông qua một người trung gian và trả tiền để đưa con họ trở về.

Các vụ bắt cóc học sinh tại các trường học ở miền Bắc Nigeria diễn ra phổ biến và trở thành mối lo ngại kể từ năm 2014, khi những kẻ cực đoan Hồi giáo bắt cóc hơn 200 nữ sinh ở làng Chibok, bang Borno. Boko Haram đã nhắm mục tiêu vào các trường học như một phần của chiến dịch tàn bạo ở Đông Bắc Nigeria kể từ năm 2010. Nhóm này đã thực hiện các vụ thảm sát và bắt cóc nhiều lần, bao gồm vụ giết hại 59 nam sinh năm 2014, vụ bắt cóc 276 nữ sinh ở Chibok năm 2014 và 101 nữ sinh ở Dapchi vào năm 2018.

Từ năm 2013 đến 2018, theo Liên Hợp Quốc, Boko Haram đã bắt cóc hơn 1.000 trẻ em, sử dụng chúng làm binh lính, nô lệ gia đình hoặc nô lệ tình dục. Tổ chức Ân xá quốc tế ước tính có 1.436 học sinh và 17 giáo viên đã bị bắt cóc từ tháng 12/2020 đến tháng 10/2021.

Một ngôi trường đặc biệt mang tên Lafiya Sarari được thành lập vào năm 2017 bởi Neem Foundation, một tổ chức từ thiện của Nigeria nhằm giúp đỡ các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi bạo lực. Trường được thiết kế để hỗ trợ và giáo dục cho những người bị chấn thương tâm lý do các vụ bắt cóc. Tiến sĩ Fatima Akilu, nhà tâm lý học đã giúp thành lập trường cho biết: “Những gì chúng tôi làm là một phương pháp học tập dựa trên thông tin về chấn thương. Đó không phải là một chương trình cố định”.

Tiến sĩ Akilu ban đầu hình dung Lafiya Sarari là một mô hình về phục hồi tâm lý, nơi con cái của nạn nhân, thủ phạm và lực lượng an ninh có thể cùng nhau học tập. Nhưng xung đột vũ trang đã làm gián đoạn nền giáo dục, để lại khoảng trống trong học tập cho trẻ em quá lớn, các em không thể theo học các lớp tiểu học truyền thống.

Quá trình tuyển chọn bao gồm việc phỏng vấn các cô gái trong độ tuổi từ 11 đến 14 từ các cộng đồng người tị nạn và trong các trại tị nạn. Nguồn tài trợ cho chương trình thí điểm đang diễn ra dành cho 100 bé gái đến từ Quỹ Catena của Mỹ. Ban đầu, các học sinh học cùng nhau, nhưng khi tiến bộ, họ được phân bổ theo thành tích học tập. Ba mươi học sinh đã vượt qua kỳ thi quốc gia thành công và đang chuẩn bị vào đại học năm nay.

Vấn nạn bắt cóc trẻ em ở Nigeria -0
Các nữ sinh đang trở thành mục tiêu của bọn tội phạm.

Một “ngành” béo bở của bọn tội phạm

Bắt cóc đã trở thành nạn dịch phổ biến ở miền bắc Nigeria. Những tên cướp - những tay súng được trang bị vũ khí hạng nặng, nhiều người trong số họ là người dân tộc Fulanis - đang tiến hành cuộc nổi dậy, giết chóc, bắt cóc và khủng bố các cộng đồng nghèo khó. Tình trạng vô luật pháp phát triển từ nhiều năm xung đột giữa nông dân và người chăn nuôi, do khủng hoảng kinh tế, do cảnh sát không hành động và chính quyền từ chối can thiệp.

Một số chính quyền bang ở Bắc Nigeria đã thực hiện các thỏa thuận hòa bình với các băng nhóm cướp để ngăn chặn bạo lực, nhưng nhiều người coi những thỏa thuận này chỉ đơn giản là khuyến khích tội phạm.

Kể từ vụ bắt cóc các nữ sinh Chibok vào năm 2014, các vụ bắt cóc bởi các nhóm vũ trang đã trở thành một tội phạm có khả năng sinh lời cao, với số tiền chuộc lên tới hàng trăm nghìn bảng Anh. Trẻ em thường là mục tiêu để kiếm tiền chuộc. Các nhóm này gặp phải sự kháng cự tối thiểu tại các trường nội trú và trường đại học và ngày càng trở nên táo bạo hơn, với một số kẻ bắt cóc xây dựng hình ảnh “người nổi tiếng”, đưa ra yêu cầu tiền chuộc trên các đài phát thanh và trả lời phỏng vấn với báo chí.

Sau mỗi vụ bắt cóc, một mạng lưới các nhà đàm phán nổi lên, bao gồm các giáo sĩ, cựu chiến binh và nhân viên lực lượng an ninh. Khi các sinh viên đại học liên bang bị bắt cóc, các gia đình đã tìm đến sự giúp đỡ của ông Sheikh Ahmad Gumi, một giáo sĩ có ảnh hưởng, gây tranh cãi và là kẻ chống đối chính phủ ở Kaduna, có mối liên hệ chặt chẽ với các băng nhóm và đã đóng vai trò trung gian trong một số trường hợp.

Các phụ huynh cho biết Gumi đã cung cấp cho họ thông tin liên lạc của những tên cướp trước đây, những người tự cho là mình biết những kẻ bắt cóc. Một số phụ huynh nghi ngờ những kẻ trung gian đang làm việc với các băng nhóm này, đặc biệt khi nhu cầu tiền chuộc đột ngột tăng cao.

Gumi nói với tờ báo The Guardian rằng mối quan hệ của ông ta với các băng nhóm không có nghĩa là ông ta đồng ý hoặc được hưởng lợi về mặt tài chính từ các vụ bắt cóc. Ông ta nói: “Các bậc cha mẹ đã đến gặp tôi và tôi đã cố gắng kêu gọi bọn cướp”.

“Nhiều người trong số những tên cướp còn rất trẻ và chúng tức giận vì cho rằng mình không có được công lý khi nông dân và một số cộng đồng đang truy lùng mình”. Gumi cho rằng cuộc xung đột giữa nông dân và người chăn nuôi đã đẩy nhiều người Fulanis vào con đường cướp bóc.

Theo Liên hợp quốc, hơn 2.000 trẻ em và thanh thiếu niên đã bị bắt cóc ở Nigeria trong năm 2021. Vụ việc xảy ra ở Zamfara vào tháng 9 với 73 học sinh bị bắt cóc tại một trường trung học; vào tháng 7, 140 học sinh tại trường trung học Bethel Baptist ở bang Kaduna bị bắt cóc, mặc dù 25 em đã trốn thoát.

Peter Hawkins, người đứng đầu Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) ở Nigeria, cho biết tình trạng bất an đang gây ra một cuộc khủng hoảng giáo dục, cản trở những thành tựu đạt được trong việc giữ chân học sinh, đặc biệt là các em gái.

“Có một trường nữ sinh ở Zamfara, nơi 300 nữ sinh bị bắt cóc và hậu quả của việc đó là các bậc phụ huynh khác nói rằng, “chúng tôi sẽ không đưa trẻ đến trường”. Thực sự có một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong giáo dục đang diễn ra và tác động của nó sẽ xảy ra trong vòng 7 đến 10 năm tới đối với Nigeria,” ông Hawkins nói.

An Châu (Tổng hợp)
.
.