Vàng lậu: Tảng băng chìm nhiều hệ lụy
Theo ước tính, mỗi năm có khoảng 200 tấn vàng chảy vào Việt Nam theo con đường không chính thức, biến thành vàng nguyên liệu trôi nổi, rồi “thay tên đổi họ” thành vàng trang sức. Vấn nạn vàng lậu này được cho một phần là do cơ chế quản lý khiến nguồn cung khan hiếm, dẫn tới chênh lệch giá gây nên.
Vàng lậu “sống khỏe” nhờ chênh lệch giá
Chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước là câu chuyện đã được phân tích mổ xẻ và nhiều ý kiến đề nghị cơ quan quản lý vào cuộc trả lại sự liên thông cho thị trường vàng từ nhiều năm nay. Nhưng, điều lạ là càng ý kiến, khoảng cách chênh lệch không những không giảm mà ngày càng cao. Có những thời điểm trong năm 2022, giá vàng lên đến 74 triệu đồng mỗi lượng, kéo mức giá chênh lệch cao hơn giá vàng thế giới tới gần 20 triệu đồng/lượng. Ở thời điểm hiện nay, mức chênh lệch có phần hạ nhiệt nhưng vẫn “neo” ở mức 13-14 triệu đồng mỗi lượng. Theo các chuyên gia, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới đang củng cố một sự thực về vấn nạn buôn lậu vàng mà trước đến giờ vẫn là câu hỏi của nhiều người.
Các chuyên gia tính toán, mức chênh giữa giá vàng trong nước và thế giới vào khoảng 1 triệu đồng mỗi lượng là hợp lý thì rõ ràng giá vàng trong nước đang một mình một chợ, không liên thông với thị trường thế giới.
“Giá vàng trong nước liên tục chênh lệch cao so với giá vàng trên thế giới do nguồn cung trở nên khan hiếm, trong khi nhu cầu mua vàng vẫn tăng như một tài sản lưu giữ giá trị. Điều này đặt ra nghi vấn phải chăng trước đây, một phần lớn nhu cầu vàng trong nước tăng vẫn thường được đáp ứng thông qua các kênh nhập vàng phi chính thức?”, các chuyên gia VEPR đặt câu hỏi.
Thực tế, thị trường kim loại quý thi thoảng lại nóng lên bởi các vụ buôn lậu được các cơ quan chức năng “khui” ra, với những kỷ lục sau xô đổ kỷ lục trước. Số lượng buôn lậu vàng bị phát hiện có vụ đã lên đến đơn vị yến. Ngoài đường bộ, vàng nhập lậu trái phép còn thông qua cả đường hàng không và đường biển với khối lượng không hề nhỏ. Từng có thời điểm, buôn lậu vàng hoạt động rầm rộ đến mức mỗi năm có tới gần 50 tấn vàng lậu được tuồn vào biên giới.
Cụ thể, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), năm 2003 ước tính có khoảng 10 tấn vàng được nhập khẩu chính thức, trong khi theo Hội đồng Vàng thế giới (WGC), bình quân mỗi năm Việt Nam tiêu thụ khoảng 58-60 tấn vàng. Hay như năm 2014, WGC công bố năm 2014 Việt Nam tiêu thụ hết 69,1 tấn vàng gồm vàng nữ trang và vàng đầu tư. Trong khi đó, giới chuyên môn chỉ đồng tình với con số 12,7 tấn vàng nữ trang. Nhận định về con số 56,4 tấn vàng, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng vấn đề bán vàng ở Việt Nam chỉ có một đơn vị duy nhất có thể nhập khẩu vàng đó là NHNN. Con số mà NHNN nhập vào chắc chắn là chính xác nhưng thực tế nhập khẩu vàng vào Việt Nam lại qua rất nhiều ngõ ngách khác nhau, trong đó có cả buôn lậu.
Để có cái nhìn tổng quát, ông Đinh Nho Bảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam tính toán, trung bình mỗi năm nhu cầu vàng nguyên liệu sản xuất trang sức chiếm 20-30%, còn 70-75% là vàng sản xuất vàng miếng, trong tổng nhu cầu vàng nguyên liệu trên thị trường. Mỗi năm cả nước tiêu thụ 70-100 tấn vàng, nghĩa là nhu cầu vàng trang sức khoảng 20 tấn. Nhu cầu lớn nhưng hiện nay NHNN quy định cấm các doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu nên các doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức phải mua trôi nổi trên thị trường.
Theo chuyên gia vàng quốc tế Huỳnh Trung Khánh, cứ khi nào có chênh lệch khoảng 2% giữa giá vàng trong nước và quốc tế là có hiện tượng nhập/xuất lậu vàng. Như vậy, với những thời điểm giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới lên đến gần 20 triệu đồng mỗi lương, tức mức chênh lệch vào khoảng gần 30%, thì các đối tượng buôn lậu không thể bỏ qua cơ hội béo bở này được. Thậm chí, theo ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch Công ty cổ phần Kinh doanh và Đầu tư vàng Việt Nam, mức chênh lệch chỉ cần 1% vẫn có thể dẫn đến buôn lậu vàng, bởi vàng có giá trị vật chất rất lớn. Chỉ cần mang trót lọt qua biên giới một vài lượng vàng hết sức nhỏ gọn, dễ che giấu - tiền lời có thể nhiều triệu đồng. Lãi suất buôn lậu vàng không kém buôn ma túy.
Mang 1 kg vàng vào nội địa có thể kiếm lời gấp gần 10 lần buôn ma túy. Mà buôn vàng thì dễ hơn và nếu bị bắt thìchịu án thấp hơn nhiều. Hơn nữa, khác với các mặt hàng cũng chủng loại khác như ngoại tệ luôn có seri, vàng buôn lậu, chỉ cần trót lọt qua biên giới, sẽ tự khắc “mất dấu”. Các đối tượng mua vàng lậu sẽ nấu chảy thành vàng nguyên liệu, không để lại chút dấu vết nào, trở thành nguồn vàng nguyên liệu trôi nổi tuồn vào các xưởng chế tác, từ đó sẽ ra đời một sản phẩm vàng mới, có dấu vàng mới, “thoát xác” hoàn toàn khỏi mác vàng lậu, nghiễm nhiên trở thành báu vật của một người nào đó.
Vì nhu cầu thị trường cao, vì lợi nhuận quá cao nên vàng lậu không những có đất sống mà càng phát triển và nó kích thích lòng tham của nhiều người. Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam nhìn nhận nguyên lý tất yếu của thị trường là có cầu thì tất có cung. Các doanh nghiệp thời gian qua không được phép nhập khẩu vàng nguyên liệu nên phải mua hàng trôi nổi trên thị trường hoặc mua vàng miếng SJC để sản xuất nữ trang. Nhưng, mua vàng SJC để sản xuất nữ trang thì đắt nên hàng lậu càng có cơ hội tuồn vào kênh này. “Những vụ án buôn lậu mà cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ và khởi tố chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Mỗi năm, tổng số vàng thu từ các vụ buôn lậu phát hiện được cũng chỉ con số vài trăm kg - nếu so với khoảng chừng 20 tấn vàng lậu được tuồn vào thị trường hằng năm thì con số này rõ ràng là quá nhỏ. Tảng băng chìm bên dưới mới là điều đáng bàn và nó đang trực tiếp tác động tới thị trường trong nước”, một chuyên gia kinh tế nhận định. Theo các chuyên gia, nếu thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới về mức hợp lý, sẽ khắc phục được tình trạng buôn lậu vàng.
Hệ lụy từ vàng lậu
Với nền kinh tế, vàng lậu trốn thuế gây thất thoát ngân sách, tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính, biến thị trường kim loại quý thành một cái chợ bát nháo, gây vàng hóa cả nền kinh tế. Với riêng lĩnh vực tài chính, việc buôn lậu vàng còn có tác động trực tiếp tới giá ngoại tệ, trực tiếp là đồng USD. Công ty Chứng khoán SSI trong một báo cáo đã nhận định đồng USD tăng có thể do chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới đang ở mức rất cao. Tức là, người dân mang vàng buôn lậu bán lấy VND, sau đó dùng VND đổi sang USD để ra nước ngoài mua vàng và tiếp tục buôn lậu. Hiện tượng buôn lậu càng nhiều thì nhu cầu đổi ngoại tệ càng lớn, nhu cầu lớn khiến giá USD tự do tăng cao.
Trước thực tế này, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đã kiến nghị cho phép thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia nhằm tạo ra sự liên thông của giá vàng trong nước với giá vàng quốc tế.
Ngoài ra, hiệp hội này cũng kiến nghị NHNN xem xét cho sản xuất thêm một lượng vàng miếng để cung ứng ra thị trường nhằm cân bằng cung cầu, tránh xảy ra hiện tượng sốt giá vàng khi giá vàng quốc tế tăng mạnh trở lại. Đồng thời đề nghị thống đốc xem xét cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho các doanh nghiệp để sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ...
Không chỉ tác động đến ngoại tệ, buôn lậu vàng đã khẳng định “thị phần” của mình trên thị trường, khi góp phần chi phối giá cả. Bằng chứng cho việc chi phối này, đó là vào tháng 10 năm ngoái, giá vàng nhẫn 9999 và vàng nguyên liệu bắt đầu tăng từ sau vụ triệt phá đường dây buôn lậu gần 200 kg vàng từ Campuchia về Việt Nam. Một số doanh nghiệp kinh doanh vàng cho hay sau khi Cơ quan công an triệt phá đường dây buôn lậu vàng này, các đối tượng buôn vàng lậu đã “án binh bất động”, nguồn cung vàng bị đứt tạm thời, do vậy giá vàng bị đẩy lên.
Trở lại với câu chuyện chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới, các chuyên gia tài chính cho rằng khoảng cách chênh lệch càng lớn thì người mua vàng càng thiệt bởi các doanh nghiệp luôn bảo toàn lợi nhuận bằng cách kéo doãng khoảng cách giữa giá mua và bán, đẩy rủi ro về phía người tiêu dùng. Cộng với việc giá vàng trong nước cao hơn thế giới, người mua sẽ 2 lần chịu thiệt. Nhiều năm qua, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) đã liên tục kiến nghị cho nhập vàngnguyên liệu chính ngạch để sản xuất, gia công vàng trang sức đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân. Bởi nhu cầu mua vàng trang sức là có và nhu cầu mua vàng nhẫn 24K để dành đang gia tăng trong bối cảnh lạm phát, các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản... kém hấp dẫn.
Trước các kiến nghị này, trong một lần trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết diễn biến giá vàng trên thị trường quốc tế rất phức tạp và khó lường, chịu tác động của nhiều yếu tố. Có thời điểm giá vàng tăng rất cao nhưng có lúc lại hạ xuống rất thấp. Với vai trò quản lý nhà nước, NHNN sẽ sẵn sàng điều tiết nếu thấy cần thiết. Tuy nhiên, theo số liệu cập nhật được, người dân không có nhu cầu mua vàng miếng quá nhiều. Do đó, ngân hàng chưa can thiệp, chỉ trong trường hợp cần thiết mới tiến hành nhập khẩu vàng để can thiệp.
Ngày 28/9/2022, Cục Cảnh sát kinh tế Bộ Công an phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ, Công an TP. Hồ Chí Minh và Công an tỉnh Tây Ninh bắt giữ đường dây buôn lậu vàng qua biên giới Việt Nam - Campuchia. Kết quả bước đầu xác định, riêng hai ngày 27 và 28/9/2022, đường dây trên đã nhập lậu 198 kg vàng. Đường dây buôn lậu vàng này được xác định rất lớn, diễn ra trong thời gian dài, liên quan đến nhiều đối tượng, trên nhiều tỉnh, thành phố. Thủ đoạn của các đối tượng thiết lập đường dây khép kín, thu mua ngoại tệ từ Việt Nam chuyển qua Campuchia mua vàng về Việt Nam tiêu thụ.