Vì sao kẻ đánh bom khủng bố Manchester Arena lọt lưới MI-5?

Thứ Tư, 08/03/2023, 20:32

Tối 22/5/2017, Salman Ramadan Abedi, là phần tử Hồi giáo cực đoan đã kích nổ một một quả bom tự chế vào lúc hàng nghìn người đang rời khỏi nhà hát Manchester Arena, Anh, sau buổi hòa nhạc của ca sĩ người Mỹ Ariana Grande. hậu quả là 22 người chết, trong đó có cả Abedi và 1.017 người bị thương. Điều đáng nói là 7 năm trước đó, Cơ quan tình báo Anh quốc MI.5 đã biết về Abedi nhưng lại để xổng hắn…

Vụ đánh bom tự sát

22 giờ 15 phút ngày 22/5/2017, khi buổi biểu diễn của ngôi sao nhạc Pop người Mỹ Ariana Grande tại sân khấu Manchester Aena chuẩn bị kết thúc, một khán giả ra sớm đã báo cho nhân viên bảo vệ rằng ông nhìn thấy một gã giống người Trung Đông, mặc quần áo đen, vai khoác ba lô, bộ dạng rất khả nghi nhưng nhân viên bảo vệ từ chối can thiệp vì e rằng việc kiểm tra có thể bị xem là phân biệt chủng tộc. Tuy nhiên, nhân viên này vẫn dùng bộ đàm gọi cho bộ phận kiểm soát an ninh nhưng không ai nghe máy bởi lẽ thay vì phải có mặt tại lối ra vào nhà hát 30 phút trước khi buổi diễn kết thúc thì 2 sĩ quan an ninh lại đi mua thịt nướng ở một nhà hàng cách đó 16km.

Vì sao kẻ đánh bom khủng bố Manchester Arena lọt lưới MI-5? -0
Hình ảnh Abedi được camera an ninh ghi lại 15 phút trước khi xảy ra vụ đánh bom tự sát.

22 giờ 31 phút, khi dòng người đang đổ ra cửa nhà hát Manchester Aena thì một tiếng nổ khủng khiếp vang lên. Kẻ đánh bom chính là gã mặc áo đen đã được một khán giả phát hiện. Quả bom chứa đầy đinh ốc, bù-lon, mảnh thép bắn ra trong bán kính 20m. Trong số 14.200 người tham gia buổi ca nhạc, 22 người, kể cả kẻ đánh bom chết ngay tại chỗ, 1.017 người bị thương cùng hàng trăm người khác gặp phải những sang chấn tâm lý. Cảnh sát Manchester tuyên bố đây là vụ khủng bố đẫm máu nhất ở Vương quốc Anh kể từ sau vụ đánh bom xảy ra ở London ngày 7/7/ 2005.

Vài giờ sau thảm kịch, phát biểu trên hệ thống phát thanh, truyền hình Anh quốc, Thủ tướng Theresa May nói rằng sự đe dọa khủng bố đối với nước Anh đã được nâng lên mức “nguy cấp”, là mức cao nhất. Cũng ngay sau đó, quân đội Anh kích hoạt chiến dịch Tempere, vốn chỉ được áp dụng trong những trường hợp ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh quốc gia, cho phép 5.000 binh sĩ phối hợp cùng lực lượng cảnh sát tiến hành các biện pháp cần thiết để bảo vệ những khu vực trọng điểm. Không những thế, buổi lễ đổi gác ở cung điện Bukingham, là nơi ở của Nữ hoàng Anh cùng các thành viên hoàng gia cũng bị hủy bỏ mặc dù nó là truyền thống có từ hàng trăm năm nay.

Ngày 23/5, một ngày sau vụ đánh bom khủng bố, Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) thông qua trang mạng Nashir Telegram đã lên tiếng nhận trách nhiệm. Kết quả kiểm tra tấm thẻ tín dụng tìm thấy trong tử thi của kẻ đánh bom cho thấy hắn là Salman Ramadan Abedi, 22 tuổi, người Anh gốc Lybia, theo đạo Hồi.

Từ lâu, nhân vật này đã nằm trong hồ sơ của Cơ quan tình báo Anh quốc MI.5 bởi lẽ 5 năm trước ngày xảy ra vụ khủng bố, một số thành viên thuộc cộng đồng người Anh gốc Lybia ở Manchester đã điện thoại đến đường dây nóng của MI.5 để cảnh báo về quan điểm cực đoan của Abedi, cũng như hiện tượng “thánh chiến” đang có khuynh hướng xuất hiện trong cộng đồng. Vẫn trên đường dây nóng, 5 nhà lãnh đạo cộng đồng cho biết Abedi đã bị cấm đến các nhà thờ Hồi giáo ở Manchester nhưng những thông tin ấy chỉ được xem xét một cách hời hợt, và Abedi cũng không được MI.5 đưa vào chương trình ngăn chặn.

Vì sao kẻ đánh bom khủng bố Manchester Arena lọt lưới MI-5? -0
Bên ngoài nhà hát Manchester Aena sau vụ nổ.

Abedi – kẻ đánh bom tự sát

Sinh ra trong một gia đình Hồi giáo ở Lybia, năm 12 tuổi Abedi cùng 2 anh em trai và 1 em gái theo cha mẹ sang Anh rồi định cư ở phía nam thành phố Manchester. Trong thời gian học tại Cao đẳng công nghệ Wellacre, Abedi đã từng xúc phạm một giáo viên người Anh khi ông này hỏi sinh viên nghĩ gì về những phần tử Hồi giáo đánh bom tự sát, vì theo những gì Abedi nói với bạn bè: “Đánh bom tự sát là nghĩa vụ cao cả của tín đồ Hồi giáo”.

Tháng 6/2014, trong kỳ nghỉ hè, Abedi và em trai là Ismail quay về Libya. Tại đây, Abedi tham gia một nhóm “thánh chiến” rồi bị thương trong trận Ajdabiya. Do tưởng nhầm Abedi và Ismail là nạn nhân chiến tranh nên cả hai được tàu Hải quân Hoàng gia Anh HMS Enterprise cứu sống cùng 110 công dân Anh.

Trở lại nước Anh, Abedi vẫn giữ liên lạc với Lữ đoàn IS Batta ở Lybia. Khi một người bạn thân của hắn là Abdul Wahab Hafidah, kẻ có cùng khuynh hướng cực đoan như hắn bị đâm chết trong vụ ẩu đả với một băng nhóm đường phố Manchester, Abedi thề sẽ trả thù bọn “ngoại giáo” và chuyện này đã được MI.5 ghi nhận.

Tháng 9/2014, Abedi ghi danh vào trường Đại học Salford, ngành Quản trị kinh doanh. Thời gian ấy, MI.5 biết hắn nghiện rượu, nghiện cần sa, thường bỏ học để đi làm cho một tiệm bánh nhưng vẫn nhận tiền trợ cấp dành cho sinh viên, có những quan hệ với một số thành phần Hồi giáo cực đoan ở Lybia nhưng MI.5 chỉ liệt Abedi vào danh sách “những kẻ phạm tội nhỏ” và “chưa bao giờ bị xem là có quan điểm cực đoan”.

Có lẽ vì những nhận định ấy nên đầu tháng 5/2017, khi Abedi sang Lybia để được Lữ đoàn Battar huấn luyện cách chế tạo bom, MI.5 cũng chẳng điều tra về chuyến đi mặc dù Cơ quan tình báo Cộng hòa Liên bang Đức đã trao đổi với MI.5 những thông tin về việc trên đường từ Lybia trở lại nước Anh, Abedi đã quá cảnh sân bay Dusseldorf, Đức với dự định sẽ gặp một số phần tử Hồi giáo cực đoan ở Đức.

Chưa hết, ông Gerard Collomb, Bộ trưởng Nội vụ Pháp cho biết lực lượng an ninh Lybia cũng ghi nhận sự có mặt của em trai và cha Abedi tại Lybia vào thời điểm hắn từ Anh đến quốc gia này. Vẫn theo ông Gerard Collomb, 15 phút trước khi xảy ra vụ đánh bom khủng bố sân khấu Manchester Aena, an ninh Lybia thu được một cuộc điện thoại giữa Abedi và em trai, nội dung chỉ là vài câu thăm hỏi và hẹn sẽ gặp lại nhau “trong một ngày tươi sáng”.

Một sĩ quan MI.5 cho biết sau khi ghi nhận các thông tin tình báo, anh đã lưu ý cấp trên rằng “có những điều gì đó về Abedi có thể đã bị bỏ qua…” nhưng cảnh báo ấy đã không được các nhà lãnh đạo của MI.5 để tâm và dĩ nhiên, nó cũng không được chuyển cho bộ phận chống khủng bố.

Ngày 18/5/2017, Abedi trở lại thành phố Manchester. Trong 4 ngày tiếp theo, hắn bắt tay vào việc chế tạo quả bom bằng cách nhờ anh trai là Hashem mua giúp một số hóa chất. Để có tính sát thương cao nhất, hắn nhét vào ba lô nhiều đinh ốc, bù-lon, các mảnh kim loại. Kết quả điều tra của MI.5 sau này cho thấy ngày 21, Abedi mua vé vào xem buổi ca nhạc tại nhà hát Manchester Aena nhưng đó chỉ là đòn nghi binh vì thực tế hắn không hề bước chân vào nhà hát. Tấm vé chỉ là vỏ bọc của Abedi trong trường hợp bị kiểm tra.

Một sĩ quan MI.5 nói: “Từ năm 2010 đến ngày xảy ra vụ đánh bom, đã có 20 tin tình báo trực tiếp liên quan đến Abedi được MI.5 ghi nhận, trong đó khi thu được chiếc điện thoại của Abdalraouf Abdallah, kẻ chịu trách nhiệm tuyển mộ chiến binh thánh chiến cho IS ở Anh, có 1.300 tin nhắn với Abedi lưu trong bộ nhớ. Nếu MI.5 xem việc Abedi trở về từ Libya 4 ngày trước vụ đánh bom là cực kỳ quan trọng thì chúng tôi có thể đã tìm thấy thiết bị nổ tự chế của hắn ta giấu trong chiếc xe hơi hiệu Nissan ở Manchester và vụ khủng bố đã bị ngăn chặn”.

Vì sao kẻ đánh bom khủng bố Manchester Arena lọt lưới MI-5? -0
Mặc dù đã thu được ảnh Abedi với khẩu đại liên chụp ở Lybia từ điện thoại của Abdalraouf Abdallah nhưng MI.5 vẫn không lưu tâm đến hắn.

Cơ hội bị bỏ lỡ

Ngày 23/5, một ngày sau khi xảy ra vụ đánh bom khủng bố, MI.5 tiến hành khám xét nơi cư trú của Abedi tại Fallowfield và họ đã phải dùng chất nổ để phá cửa nhằm đề phòng một quả bom khác được hắn dùng làm bẫy. Một số vật liệu tìm được trong nhà chứng tỏ Abedi chế tạo bom tại đây.

Các đoạn phim từ camera an ninh cho thấy 15 phút trước khi buổi ca nhạc kết thúc, Abedi đi ngang lối ra vào với chiếc ba lô trên lưng rồi 15 phút sau, lúc đám đông khán giả nối đuôi nhau ra cửa, hắn mới quay trở lại. Thêm 1 phút nữa, Abedi kích nổ quả bom. Xác Abedi bị sức mạnh của vụ nổ đẩy qua cửa, lọt vào bên trong nhà hát. Thẻ tín dụng của Abedi thu được trong cái ví ở túi quần sau đã giúp MI.5 xác định nhân thân của hắn bằng công nghệ nhận dạng vân tay, khuôn mặt.

Cũng trong ngày 23/5, MI.5 bắt Ismail, em ruột của Abedi tại Chorlton-cum-Hardy, phía nam Manchester vì nghi ngờ liên quan đến vụ khủng bố trong lúc tại Lybia, Hashem, anh trai và cha của Abedi là Ramadan cũng bị cơ quan an ninh quốc gia này bắt giữ. Ngay hôm sau, danh tính của Abedi và các thông tin khác vẫn đang bảo mật bị rò rỉ trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Một trong những cấp chỉ huy của MI.5 cho rằng bức ảnh hiện trường về Abedi và quả bom ba lô được tờ The New York Times đăng tải ngày 24/5 “đã gây bất lợi cho cuộc điều tra”.

Ngày 25/5, MI.5 cho biết họ đã ngừng trao đổi thông tin về vụ đánh bom khủng bố với các cơ quan tình báo Mỹ. Thủ tướng Theresa May nói bà sẽ đặt vấn đề rõ ràng với Tổng thống Trump về việc “thông tin tình báo đã chia sẻ phải được đảm bảo an toàn” trong lúc ông Trump mô tả vụ rò rỉ cho các phương tiện truyền thông là “vô cùng đáng lo ngại” đồng thời “cam kết sẽ tiến hành một cuộc điều tra đầy đủ” nhưng theo Dean Baquet, biên tập viên The New York Times, những động thái đó chỉ nhằm che đậy sự yếu kém trong lĩnh vực xử lý thông tin tình báo.

Dean Baquet nói: “Chúng ta đang sống trong một thế giới với nhiều thể loại báo chí khác nhau và tài liệu này không được xếp vào mức bảo mật cao nhất nên không thể cho rằng chúng tôi đã làm lộ nó”. Bên cạnh đó, ông còn dẫn chứng bằng việc BBC đã công bố một đoạn băng ghi âm bí mật của MI.5, trong đó Mostafa Graf, kẻ đứng đầu Nhà thờ Hồi giáo Didsbury nơi Abedi và gia đình thường xuyên lui tới, đã kêu gọi vũ trang thánh chiến 10 ngày trước khi Abedi mua vé buổi hòa nhạc.

Ngày 20/8/2020, Hashem, anh trai Abedi ra tòa với các tội danh giết người, cố ý giết người và đồng lõa trong vụ đánh bom khủng bố. Hashem bị bắt ở Libya và bị dẫn độ sang Anh. Kết quả mức án dành cho hắn là tù chung thân và chỉ được xem xét giảm án sau 55 năm thụ hình! Đây là thời hạn tối thiểu dài nhất từng được tòa án Anh tuyên phạt. Theo phía công tố, việc đánh bom khủng bố được Abedi thực hiện với sự trợ giúp của Hashem. Bên cạnh đó, một số quan chức MI.5 cũng bị sa thải.

4 năm sau vụ khủng bố, ngày 17/6/2021, thẩm phán tòa án tối cao Anh quốc John Saunders công bố một báo cáo 200 trang, cho thấy: “Một số cơ hội đã bị MI.5 bỏ lỡ để thay đổi những gì xảy ra đêm hôm ấy…”, và: “Lẽ ra các cơ quan phụ trách an ninh phải làm nhiều hơn nhằm ngăn chặn vụ đánh bom…”. Gần đây nhất, ngày 2/3/2023, ông John Saunders đưa ra bản báo cáo cuối cùng về vụ khủng bố, dẫn đến lời xin lỗi hiếm hoi từ ông Ken McCallum, Tổng giám đốc MI.5: “Rất tiếc rằng MI.5 đã không thu thập đủ thông tin tình báo để ngăn chặn thảm kịch khủng khiếp. Nếu chúng tôi nắm bắt được cơ hội mong manh, rất nhiều người có thể sẽ không trải qua những mất mát và chấn thương kinh hoàng. Tôi vô cùng xin lỗi vì MI.5 đã không làm gì được”…

Trong một diễn biến có liên quan, ngày 5/3/2023, Ủy ban an ninh tình báo Quốc hội Anh đề nghị các cơ quan an ninh “bảo đảm sẽ nhanh chóng chia sẻ những thông tin tình báo theo yêu cầu của các nghị sĩ vì họ không nhận được sự hợp tác khi họ cần…”, trong lúc Andrew Roussos, cha của nạn nhân Saffie Roussos, 8 tuổi, là một trong số 22 người thiệt mạng nói rằng lời xin lỗi từ MI.5 là quá muộn. Ông cho biết sẽ cùng các luật sư xem xét hành động pháp lý chống lại MI.5…

Vũ Cao (Theo Global News)
.
.