Vỡ mộng xuất ngoại mong đổi đời
Thời gian qua, cơ quan chức năng nhiều tỉnh, thành liên tục cảnh báo về việc nhiều tổ chức, cá nhân có hành vi lừa đảo làm thủ tục, giấy tờ xuất cảnh đưa người sang Canada làm việc với thu nhập cao. Thực tế, nhiều người đã mất tiền tỷ vì doanh nghiệp rởm sử dụng các chiêu trò, mánh lới giả dối để chiếm đoạt tiền…
Mất hàng tỷ đồng vẫn không thể đi
Ông Nguyễn Văn Thanh (sinh năm 1973, thường trú phường 25, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) cho biết thời gian trước ông nghe theo lời quảng cáo hấp dẫn của bà Hải Phương “Chăm Sóc Da”, có kênh TikTok: https://tiktok.com/@vieclamdinhcu nên đã liên hệ tư vấn đến Công ty TNHH Đông Nghi IGC (tại số 32/5C4 đường Xuân Thới Sơn 22, xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh). Tại đây ông đã ký hợp đồng với bà Nguyễn Thị Xuân Lâm (sinh năm 1983) - giám đốc công ty, tư vấn dịch vụ visa lao động Canada đảm bảo ra visa 100%.
“Tôi đã chọn gói ra visa 2 năm không có LMIA (Labour Market Impact Assessment - văn bản đánh giá tình trạng việc thuê lao động nước ngoài có ảnh hưởng như thế nào đến tình hình lao động trong nước) và ký hợp đồng với Công ty Đông Nghi IGC vào ngày 29/1/2024, đóng tiền theo tiến độ từng đợt. Vì tin lời bà Lâm cam kết ra visa lao động 100%, tôi đã thanh toán tổng số tiền 2 đợt là 182 triệu đồng, chuyển khoản vào tài khoản của bà Lâm...”, ông Thanh kể.
Đến ngày 14/6, ông Thanh cùng những người có hợp đồng gói dịch vụ giống ông đã đến công ty gặp bà Lâm thì bà này tư vấn giải thích cho ông Thanh và mọi người là muốn đi nhanh thì phải bỏ thêm gần 200 triệu đồng nữa để mua LMIA, sẽ giúp đi Canada nhanh hơn. Mọi người đã đóng gói hợp đồng như ông Thanh tham gia với số tiền ít sẽ phải chờ rất lâu vì do Chính phủ Canada xét theo dạng nhân đạo.
Cho tới thời điểm hiện tại, mặc dù hợp đồng của ông Thanh đã hết hạn nhưng phát hiện Công ty Đông Nghi IGC không có chức năng làm được visa lao động như được cam kết trong hợp đồng, gian dối trong việc quảng cáo đăng hình ảnh visa giả và bà Lâm đã làm giả mạo giấy tờ như hợp đồng lao động của công ty ở Canada và giấy phép LMIA giả mạo vì tập đoàn công ty tuyển dụng ông Thanh và một số người khác là tập đoàn IRCCMC ở Canada do bà Lâm cung cấp không tồn tại...
Đáng nói, khi ông Thanh và mọi người quá hạn hợp đồng kéo đến Công ty Đông Nghi IGC để yêu cầu hoàn trả tiền thì bà Lâm đã trốn tránh, không giải quyết cũng như chặn hết mọi liên lạc. Hiện tại bà Lâm đã cho toàn bộ nhân viên công ty nghỉ việc và không trả lương cho họ, gấp rút thanh lý tài sản tại công ty bàn giao trụ sở công ty thuê.
Tương tự trường hợp ông Thanh là trường hợp bà Nguyễn Thị Hường (sinh năm 1984, ngụ ở phường Dĩ An, TP Dĩ An, Bình Dương) cũng đã tới Công ty Đông Nghi IGC ký hợp đồng vào ngày 15/11/2023 và đã thanh toán đủ 3 đợt vào tài khoản bà Lâm 280 triệu đồng.
“Theo đúng hợp đồng dịch vụ đã ký thì ngày 15/6/2024 đến hạn bà Lâm phải đảm bảo ra visa lao động cho tôi. Nếu không thì bà Lâm phải hoàn trả 100% số tiền tôi đã đóng nhưng đến nay đã quá hạn hợp đồng và tôi không được bà Lâm trả tiền như đã cam kết...”, bà Hường bức xúc.
Đáng nói, bà Hường còn phát hiện bà Lâm đã đăng ký cho bà và nhiều người cùng đợt là visa du lịch (visa visitor) chứ không phải visa lao động như hợp đồng đã ký. “Bà Lâm ngày càng lộ rõ dấu hiệu lừa đảo, cung cấp giấy tờ giả mạo cho nhiều ứng viên tại Công ty Đông Nghi IGC, sai phạm hợp đồng, sử dụng tiền của chúng tôi đóng làm visa không đúng mục đích”, bà Hường nhận định.
Cùng thanh toán 2 đợt với số tiền tổng cộng 266,5 triệu đồng, bà Trần Thị Thanh Tuyền (sinh năm 1986, ngụ phường Ninh Sơn, TP Tây Ninh) và chị Lê Thúy Liên (sinh năm 1990, ngụ huyện Mỏ Cày Bắc, Bến Tre) đều được bà Lâm đảm bảo rằng thời hạn từ lúc làm hồ sơ từ 6-8 tháng sẽ được dán visa đi lao động Canada. Nếu không, phía Công ty Đông Nghi IGC sẽ hoàn tiền 100%. Tuy nhiên, bà Tuyền và chị Liên đều chịu chung “cái kết” như các trường hợp kể trên...
Tương tự, bà Phạm Thị Kim Huệ (sinh năm 1980, ngụ huyện Bố Trạch, Quảng Bình) cũng tới Công ty Đông Nghi IGC nghe tư vấn chương trình tuyển công nhân đi lao động Canada. Sau khi xem xét, vì điều kiện kinh tế tài chính khó khăn, bà Huệ đã chọn gói dịch vụ: “Giá 310 triệu đồng cam kết ra visa lao động 2 năm có chủ công ty Canada bao ăn ở và gói này không có LMIA...” với vị trí nhân viên dán nhãn trái cây... Do đó, từ ngày 27/2/2024, bằng nhiều cách gom tiền, vay mượn, bà Huệ đã chuyển khoản vào tài khoản bà Lâm 3 đợt với tổng số tiền là 201 triệu đồng.
Ông Phí Huấn (sinh năm 1974, ngụ phường Rạch Dừa, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cũng đã thanh toán tiền phí, chuyển khoản cho bà Lâm tổng số tiền là 156,5 triệu đồng (chuyển 2 lần vào ngày 12/4 và ngày 15/4/2024)...
Theo tìm hiểu, các trường hợp kể trên đều bị Công ty Đông Nghi IGC không làm đúng với những điều đã cam kết và quá hạn hợp đồng mà họ vẫn chưa được đi lao động Canada và các loại giấy tờ từ phía công ty bà Lâm cung cấp cho những người kể trên là hợp đồng lao động của công ty Canada và giấy phép LMIA đều giả mạo. Trong đó, LMIA giả được cắt ghép dán thông tin của họ vào đó nhưng vẫn lộ rõ những chi tiết hình ảnh cắt ghép, sai thông tin số tiền hoặc chính tả.
Thêm vào đó, visa mà công ty đưa ra cho những người làm hồ sơ là đã được chỉnh sửa Photoshop, trên hồ sơ họ đã đi lăn tay ở VFS Global (tổ chức chuyên cung cấp các dịch vụ liên quan đến việc xin thị thực và nhập cảnh) thì không phải làm theo diện visa work permit/worker (visa lao động) mà lại là visa visitor (visa du lịch), hoàn toàn không đúng với hợp đồng đã ký...
Theo những nạn nhân kể trên, cho đến nay, có khoảng 60 người đã ký hợp đồng đi lao động ở Canada và chuyển tiền vào tài khoản cá nhân hoặc bằng tiền mặt cho bà Lâm không đúng mục đích thanh toán các phí dịch vụ làm visa. Các nạn nhân đều mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xử lý hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bà Lâm.
Ngày 10/7, chúng tôi tìm đến trụ sở Công ty Đông Nghi IGC ở huyện Hóc Môn thì công ty khóa cửa và hoàn toàn không có hoạt động gì. Trong khi đó, bà Lâm đã cắt hết mọi liên lạc, không có mặt ở nơi cư trú. Hiện nay, một số người đã gửi đơn tố cáo vụ việc đến Cơ quan công an và các cơ quan chức năng của TP Hồ Chí Minh.
Cân nhắc với lựa chọn
Liên quan đến vấn đề này, thời gian qua, không ít người đã xuất ngoại nhưng thực tế họ bị lừa - nhiều người dù đã bỏ ra tiền tỷ và đối mặt với muôn vàn khó khăn ở nơi đất khách quê người nhưng phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” vì không dám nói cho gia đình biết sự thật và nhiều lý do khác...
Anh Đ.L.H, quê ở một tỉnh miền Bắc, qua một trung tâm môi giới, đã bỏ ra chi phí 1,5 tỷ đồng (diện giấy phép lao động 2 năm) để được làm thủ tục đưa sang Canada làm “việc nhẹ lương cao” với mức lương được hứa hẹn rất cao từ 25 đô-30 đô/giờ, thời gian làm từ 8 đến 10 giờ/ngày, công việc “full” các tuần... Tuy nhiên, khi sang đến nơi, anh H. gần như bị bỏ rơi và công việc cũng như thu nhập khác xa với những điều được hứa hẹn từ trước. Vì thế, có người chỉ dẫn, anh H. đành đánh liều trốn ra ngoài đi làm ở một nông trại vùng ngoại ô thành phố Québec với thu nhập chỉ đủ ăn uống và trả các khoản phí cho bản thân. Tại đây, thời gian qua, anh H. phải sinh sống trong một nhà kho nhếch nhác, các điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, chỗ ngủ tạm bợ tại một góc nhà kho... Điều nguy hại hơn với anh H. là do anh trốn ra ngoài làm việc bất hợp pháp, nếu bị phát hiện, anh có thể phải đối diện với những chế tài nặng nề của nhà chức trách nước sở tại.
Mới đây, ngày 3/7, trang tin địa phương Nanaimo News Now (nanaimonewsnow.com, Canada) có thông tin về một nhóm 16 người đàn ông Việt Nam đã được chuyển đi khỏi thành phố Port Alberni ở đảo Vancouver vào cuối tuần trước, sau khi các cơ quan chức năng nước này phát hiện họ đang sống trong điều kiện tồi tệ.
Nhóm người lao động này cho biết họ đã phải trả 30.000 USD để đến Canada làm việc cho một nhà máy thuộc Tập đoàn San. Họ sang Canada vì tin vào lời hứa sẽ được trả lương 30 USD/giờ và được hỗ trợ chỗ ở. Tuy nhiên, thực tế họ chỉ được trả lương 18 USD/giờ và cũng không được trả tiền làm thêm giờ.
Giống như trường hợp của anh Đ.L.H, 16 người này đã bị nhồi nhét phải ở chung với hơn hai chục người đàn ông khác trong một trailer (xe moóc, toa moóc) xe và không có nước sinh hoạt. Để có chỗ ở, mỗi người phải trả 350 USD/tháng cho một giường ngủ trong một phòng chung, nước uống cũng rất thiếu thốn..
Trong vụ việc này, ông Raz Hanif, Giám đốc kỹ thuật của Tập đoàn San nói: ông không biết nhóm công nhân đến Canada bằng cách nào và không có thỏa thuận về cung cấp chỗ ở hay những điều kiện tương tự cho nhóm công nhân. Vị lãnh đạo của San đổ lỗi cho bên tư vấn lao động nhập cư, đơn vị sắp xếp sự chuyển giao lao động này...
Theo ông Nguyễn Quốc Vũ, chủ kênh TikTok Ricky Review in Canada - người đang sinh sống và làm việc tại Canada, luật pháp Canada quy định người sử dụng lao động bị kết tội tuyển dụng người không có giấy phép lao động là rất nghiêm trọng. Cụ thể, người sử dụng lao động nếu bị kết tội sẽ bị phạt tới 10.000 USD hoặc 6 tháng tù, hoặc cả hai. Nếu số lao động bất hợp pháp nhiều thì người sử dụng lao động có thể nhận bản án với mức phạt lên tới 50.000 USD hoặc phạt tù tới 2 năm hoặc cả hai.
Cũng theo ông Nguyễn Quốc Vũ, những trường hợp bị lừa như anh H. kể trên là khá nhiều tại Canada. Lý do là vì trong những năm gần đây, thị trường lao động Canada rất sôi động. Các dự báo cho thấy từ năm 2024-2026, Canada dự kiến nhập cư nửa triệu lao động nước ngoài mỗi năm để phục vụ cho thị trường lao động trong nước.
Nhu cầu tuyển dụng nhiều dẫn tới tình trạng cạnh tranh gay gắt tại Canada. Ước tính, số vị trí làm việc không thể lấp đầy lên tới hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu vị trí tại một số bang như Ontario, British Columbia, Alberta... Tuy thiếu lao động nhưng các nhà tuyển dụng tại Canada chỉ tuyển chọn những ai có giấy tờ hợp pháp hoặc thường trú nhân, quốc tịch Canada để không mắc phải các rắc rối về pháp lý cho doanh nghiệp của họ.
“Tôi nghĩ, mọi người nên cân nhắc và tìm hiểu kỹ nếu muốn sang Canada tìm việc làm. Lời khuyên chân thành của tôi là không nên đi Canada để kiếm tiền. Các gia đình muốn tìm kiếm cơ hội cho con em học tập hoặc đầu tư định cư theo đề cử của tỉnh, bang thì mới nên đến Canada”, ông Nguyễn Quốc Vũ nhắn nhủ.
Để tránh bị lừa khi muốn sang Canada làm việc, ông Nguyễn Quốc Vũ cho biết, quy trình tuyển dụng lao động nước ngoài tại Canada rất chặt chẽ. Các thông tin tuyển dụng đều được đăng công khai trên website của các nhà tuyển dụng dưới sự giám sát nghiêm ngặt của chính phủ. Đa số các yêu cầu tuyển dụng đều đòi hỏi ứng viên có trình độ tiếng Anh cơ bản (IELTS từ 5.0 trở lên) bên cạnh những yêu cầu khác về năng lực, trình độ và cả nhân thân. Bất kể ai cũng phải phỏng vấn trực tiếp với nhà tuyển dụng để có được job offer (đề nghị làm việc), từ đó mới có thể xin được giấy phép lao động. Đặc biệt, phải có thư mời làm việc hợp lệ từ nhà tuyển dụng Canada... Nói như vậy để thấy những dịch vụ xuất khẩu lao động nào không làm theo những bước như vậy là có dấu hiệu lừa đảo.