Vụ bạo hành trẻ ở Mái ấm Hoa Hồng: Chủ cơ sở vô đạo đức, chính quyền tắc trách

Thứ Hai, 09/09/2024, 11:16

Sau khi tổng hợp tin tố giác từ quần chúng nhân dân và một số clip trên mạng xã hội về việc bảo mẫu Mái ấm Hoa Hồng (có trụ sở ở số L52 Tô Ký, phường Trung Mỹ Tây, Quận 12, TP Hồ Chí Minh) đánh đập, ngược đãi trẻ em, sáng ngày 4/9/2024, Công an phường Trung Mỹ Tây phối hợp cùng UBND phường đã tiến hành kiểm tra đối với cơ sở này. Tại buổi làm việc, cơ quan Công an đã mời một số người của cơ sở này (trong đó có bà Giáp Thị Sông Hương là chủ cơ sở) về trụ sở làm việc vì có liên quan đến hành vi bạo hành trẻ em.

1. Mái ấm Hoa Hồng được thành lập theo Quyết định số 917/GPHĐ ngày 7/7/2023 của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận 12 do bà Giáp Thị Sông Hương, sinh năm 1974, trú 94/1053D đường số 20, phường 6, quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh làm chủ và cũng là người đại diện pháp luật. Chức năng được cấp phép của Mái ấm Hoa Hồng là trợ giúp xã hội, nuôi dưỡng các trẻ em cơ nhỡ, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi, sống lang thang không thu phí, với quy mô chăm sóc được cấp phép là không quá 39 trẻ. Mái ấm này thường mở cửa từ 8h - 20h hàng ngày, để nhà hảo tâm đến thăm trẻ em và đóng góp từ thiện.

1. b_ gi_p th_ s_ng huong.jpg -0
Bà Giáp Thị Sông Hương, chủ Mái ấm Hoa Hồng.

Tại thời điểm kiểm tra, ghi nhận Mái ấm Hoa Hồng có tổng cộng 86 trẻ em (vượt so với quy định trong giấy phép là 47 trẻ). Tại phòng 101 có 15 trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi, phòng 202 có 37 trẻ từ 1 tuổi đến khoảng 3 tuổi, 31 trẻ đi học bên ngoài mầm non Sóc Bông, 3 trẻ đang nằm bệnh viện và 15 người là nhân viên phục vụ và bảo mẫu. Sau buổi làm việc, Cơ quan Công an đã mời chủ mái ấm là bà Giáp Thị Sông Hương và bảo mẫu tên Nguyễn Thị Ngọc Cẩm về trụ sở công an phường làm việc. Còn bảo mẫu Tuyền, Huyền, Ba là những người có liên quan đến hành vi bạo hành trẻ em thì không có mặt tại mái ấm.

Để đảm bảo an toàn cho trẻ được chăm sóc, nuôi dưỡng, các đơn vị chức năng đã tổ chức đưa 86 trẻ về các cơ sở bảo trợ thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng theo quy định. Trong số này, có 32 trẻ được đưa vào Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình, 36 trẻ vào Làng Thiếu niên Thủ Đức, 15 trẻ vào Làng trẻ em Gò Vấp, 2 trẻ được gia đình tiếp nhận và một trẻ đang nằm Bệnh viện Nhi đồng điều trị bệnh viêm phổi.

Vụ bạo hành trẻ ở Mái ấm Hoa Hồng: Chủ cơ sở vô đạo đức, chính quyền tắc trách -0
Bảo mẫu Nguyễn Thị Ngọc Cẩm.

Sau khi lấy lời khai ban đầu đối với những người có liên quan và chủ cơ sở Mái ấm Hoa Hồng, đến sáng 5/9, cơ quan Công an đã ra quyết định tạm giữ bà Giáp Thị Sông Hương, Nguyễn Thị Ngọc Cẩm cùng một số bảo mẫu và nhân viên mái ấm để tiếp tục củng cố hồ sơ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, ngoài ra còn ra thông báo truy tìm bảo mẫu xuất hiện trong clip hành hạ các trẻ em mà báo chí phản ánh.

2. Là chủ cơ sở, người đại diện pháp luật và cũng là người thực hiện những việc làm nhân ái, cứu giúp những hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ, lẽ ra bà Hương phải là người đầu tiên mẫu mực, chuẩn chỉnh về hành vi, đạo đức để làm gương trong việc hướng dẫn những người khác đang làm việc trong cơ sở phải yêu thương con trẻ như chính con mình dứt ruột đẻ ra. Bà Hương chắc chắn cũng đã hiểu việc bảo vệ trẻ em, nhất là các nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt luôn được các ngành, các cấp quan tâm và có nhiều chính sách nhằm góp phần hỗ trợ, tạo điều kiện giúp các em được sống, được phát triển trong một môi trường thật sự an toàn và lành mạnh. Cùng với đó, bà Hương còn phải làm tốt công tác quản lý để kịp thời phát hiện, điều chỉnh những hành vi chưa đúng mực của những người làm việc trong cơ sở, nhưng thực tế bà đã buông lỏng quản lý, cố tình làm ngơ để cho những nhân viên và bảo mẫu bạo hành, ngược đãi trẻ nhỏ.

Còn nhớ trong một chương trình “Những câu chuyện truyền cảm hứng” phát trên Đài truyền hình Vĩnh Long, bà Hương đã kể lại quá trình nhận nuôi trẻ mồ côi, đồng thời có nhiều clip bà thể hiện sự yêu thương, chăm sóc đối với trẻ mồ côi và hứa sẽ làm công việc này cho đến khi không còn sức lực. Tuy nhiên khi biết vụ việc xảy ra tại cơ sở của mình là hết sức nghiêm trọng, xét về hành vi, mức độ bạo hành; nó không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn, sức khỏe, tính mạng và nhiều nguy cơ tiềm ẩn khác đối với trẻ, nhưng thực tế bà đã không làm đúng những gì đã nói trên phương tiện truyền thông, không nhận ra những điều sai trái của mình.

Cụ thể là khi làm việc với cơ quan Công an, bà Hương mặc dù đã xác nhận có sự việc bảo mẫu dùng tay đánh, mắng trẻ, nhưng lại cho rằng chỉ là hành động bột phát nhất thời chứ không phải cố ý và cũng đánh nhẹ chứ không gây ra tổn thương gì cho trẻ. Ngoài ra, bà Hương cũng cho rằng trong số trẻ dôi dư so với quy định trong giấy phép thì có một số là con của công nhân và những người lao động gửi chăm sóc theo giờ hành chính.

Vụ bạo hành trẻ ở Mái ấm Hoa Hồng: Chủ cơ sở vô đạo đức, chính quyền tắc trách -0
Cơ quan chức năng kiểm tra đối với Mái ấm Hoa Hồng.

Đối với chính quyền địa phương, trong ngày 4/9/2024, UBND quận 12 đã có quyết định rút giấy phép đối với cơ sở Hoa Hồng, đồng thời có báo cáo kết quả xử lý vụ việc trong đó có đoạn: "Đối chiếu Quyết định thành lập số 917/GPHĐ ngày 7/7/2023 của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận 12, Mái ấm Hoa Hồng có quy mô cho phép tiếp nhận chăm sóc tối đa là 39 trẻ, tuy nhiên, Mái ấm Hoa Hồng đã vi phạm quy định tiếp nhận, chăm sóc là 86 trẻ (vượt 47 trẻ)". 

Từ thời điểm thành lập cho đến nay, UBND quận 12 đã chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra Mái ấm Hoa Hồng 2 lần. Theo đó, lần đầu vào tháng 11/2023 và lần thứ 2 vào tháng 4/2024. Ủy ban MTTQ quận 12 cũng thực hiện giám sát tại mái ấm này vào tháng 7/2024. Đồng thời, UBND phường thực hiện kiểm tra thường xuyên tại cơ sở.

Đem nội dung trong báo cáo xử lý đối chiếu với tình tiết của vụ việc có thể khẳng định rằng: Chính quyền đã thiếu tinh thần trách nhiệm, không thực hiện việc giám sát đối với cấp dưới để buông lỏng công tác kiểm tra, kiểm soát. Đặc biệt là ngành Lao động, Thương binh & Xã hội địa phương đã buông lỏng quản lý, thờ ơ, qua loa trong việc thực hiện quy trình kiểm tra, kiểm soát định kỳ và đột xuất nên mới để tình trạng cấp phép cho cơ sở được nuôi dạy 39 cháu nhưng thực tế chủ cơ sở đã tiếp nhận đến 86 cháu mà không nắm được.

Cũng chính vì sự thờ ơ, buông lỏng nên không thể nắm bắt được tình hình để kịp thời chấn chỉnh hoạt động của các cơ sở, trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi đóng trên địa bàn. Việc để chủ cơ tiếp nhận gần gấp 3 lần so với năng lực thực tế đã dẫn đến tình trạng không đảm bảo điều kiện về diện tích nơi ăn chốn ở cho các cháu nhỏ, không đảm bảo vệ sinh, không đảm bảo về chăm sóc y tế, giáo dục.

Vụ bạo hành trẻ ở Mái ấm Hoa Hồng: Chủ cơ sở vô đạo đức, chính quyền tắc trách -0
Vụ bạo hành trẻ ở Mái ấm Hoa Hồng: Chủ cơ sở vô đạo đức, chính quyền tắc trách -0
Hình ảnh ghi lại cảnh bảo mẫu đánh đập, ngược đãi các cháu nhỏ.

Một vấn đề nữa đó là vào chiều 4/9/2024, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh đã tổ chức họp báo, cung cấp thông tin liên quan đến vụ bạo hành trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng. Tại buổi họp báo này, ông Nguyễn Tăng Minh, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh đã đánh giá vụ bạo hành tại Mái ấm Hoa Hồng "có tính chất, mức độ vi phạm nghiêm trọng đến quyền trẻ em"; "vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng". Sở sẽ tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở bảo trợ xã hội công lập lẫn ngoài công lập để bảo đảm an toàn cho trẻ em đang được nuôi dưỡng tại đây. Ngoài ra, ông Nguyễn Tăng Minh cũng đánh giá UBND quận 12 đã buông lỏng quản lý nên mới dẫn đến sự việc đau lòng tại Mái ấm Hoa Hồng.

Tuy đánh giá này là hết sức chính xác, nhưng thực tế chính quyền địa phương khi xử lý vụ việc đã không xác định được cán bộ nào phải chịu trách nhiệm chính, cũng chưa xác định được ban, ngành nào tại địa phương buông lỏng quản lý, thiếu tinh thần trách nhiệm trong công tác kiểm tra, kiểm soát để kịp thời xử lý đối với cơ sở hoạt động xã hội chưa đảm bảo quy định của pháp luật…

Và một điều đáng nói nữa là vụ việc xảy ra tại cơ sở này chắc chắn không chỉ mới diễn ra hay chỉ diễn ra một lần. Vậy tại sao phải đến khi người dân tố giác cùng đoạn video clip được đưa ra, mọi sự mới được phơi bày? Người ta hoàn toàn có thể đặt câu hỏi, vậy thì vai trò của các tổ chức, đoàn thể, chính quyền địa phương đang “bận việc” ở đâu?

Nguyễn Gia
.
.