Vụ bắt cóc khép lại sau 46 năm
Frederick Newhall Woods IV cùng hai đồng phạm đã bắt cóc một tài xế cùng 26 đứa trẻ năm 1976 với ý định chôn sống chúng để uy hiếp chính quyền trả tiền chuộc. Sau khi các nạn nhân thoát nạn, cả ba đã bị bắt giữ và phải nhận 27 án tù chung thân chồng lên nhau, không được ân xá. 46 năm đã qua, và giờ Frederick sắp được tự do.
Những kẻ bắt cóc táo tợn
Vào chiều 15-7-1976, tài xế Frank Edward Ray Jr đón 31 học sinh vừa kết thúc chương trình trại hè kéo dài sáu tuần tại trường Dairyland Union. Sau khi 5 em đã xuống xe, ông Frank tiếp tục tăng tốc để đưa những hành khách nhí về nhà trước khi trời tối, tuy nhiên một chiếc xe trắng đột ngột lao ra đường và ông buộc phải giảm tốc để tránh va chạm. Ba người đàn ông bịt mặt nhảy khỏi xe, chĩa súng về phía Ray và ép ông dừng hẳn xe lại. Hai trong số chúng leo lên xe bus, đẩy Frank khỏi ghế tài xế và tự lái xe vào một con mương khô gần đó.
Tiếp theo, chúng dồn tài xế và 26 trẻ em tuổi từ 5 đến 14 vào thùng hai chiếc xe tải, rồi lại tiếp tục lái xe suốt 12 tiếng đồng hồ để chở các nạn nhân đến một khu mỏ bị bỏ hoang. Ông Frank cố gắng trấn an các em nhỏ, nhưng bản thân người đàn ông 55 tuổi này cũng đang vô cùng hoang mang. Người tài xế này không hề biết ông vừa trở thành một trong những nạn nhân của vụ bắt cóc sẽ đi vào lịch sử nước Mỹ về quy mô cũng như độ táo tợn.
Vụ bắt cóc xảy ra vào khoảng 4h15’ chiều và chỉ vài tiếng sau đó nhiều phụ huynh bắt đầu gọi điện phản ánh với thầy Lee Roy Tatom, hiệu trưởng trường Dairyland Union, rằng con của họ vẫn chưa về đến nhà. Đoán rằng xe bus có thể bị hỏng dọc đường, ông Lee cử một số nhân viên kiểm tra các điểm đến của xe cũng như các gara gần đó tuy nhiên chiếc xe vẫn bặt tăm. Đến lúc này, ông Lee bắt đầu lo lắng và tiến hành báo cảnh sát. Phải đến 7h30 tối cùng ngày, một phi công địa phương mới tình cờ nhìn thấy chiếc xe bus đỗ cạnh một đầm lầy. Cảnh sát nhận thấy chiếc xe trống không và dấu vết duy nhất để lại là hai vết lốp gần đó.
Trong những giờ tiếp theo, cảnh sát địa phương và tiểu bang đã lùng sục toàn bộ khu vực này. Hai trực thăng đã tham gia cuộc tìm kiếm lớn nhất trong lịch sử của bang và tuần tra dọc đường cao tốc California. Nhận thấy đây có thể là một vụ bắt cóc tống tiền, các đặc vụ FBI cũng tham gia vào cuộc điều tra và tiến hành phỏng vấn người thân của 27 nạn nhân. Thời gian lại tiếp tục trôi đi, và quá trình điều tra cũng không hề có tiến triển.
Đến lúc này, dư luận bắt đầu lan truyền tin đồn rằng tên sát nhân Zodiac – kẻ đã cướp đi 37 sinh mạng ở California – có thể có liên quan đến vụ án này do chỉ có hắn mới có thể liều lĩnh đến mức bắt cóc hàng chục người giữa ban ngày. Số khác bác bỏ giả thuyết vô căn cứ này và khăng khăng có thể thủ phạm đang bắt chước bộ phim kinh điển “Những đứa trẻ mất tích” – một tác phẩm trinh thám kể về một nhóm cướp bắt cóc một xe bus chở đầy trẻ con, sau đó nhốt các nạn nhân ở một nhà kho bị bỏ hoang hòng đánh lạc hướng cảnh sát địa phương và cướp ngân hàng.
Một vài người suy đoán rằng có thể tài xế Frank chính là kẻ chủ mưu, tuy nhiên các nhà chức trách địa phương cực lực phản đối vì ông Frank là một tài xế tốt bụng, cẩn thận, có trách nhiệm và chưa hề có bất cứ điều tiếng gì. Hơn nữa, ông đã sống ở Chowchilla cả đời, quen thân với cha mẹ của các nạn nhân vậy nên người đàn ông này không thể nào gây án một cách ngu xuẩn như thế. Ngoài ra, ông Frank cũng không hề có liên hệ với các tổ chức khủng bố hoặc gặp bất kì khó khăn gì về kinh tế.
Cảnh sát cũng gạt bỏ lời đồn rằng chỉ có một kẻ chủ mưu vụ việc, vì theo họ, một cá nhân dù có vũ khí cũng khó thể kiểm soát được tận 27 con tin. Các con tin cũng xuất thân từ những gia đình lương thiện, không có mâu thuẫn với ai tại địa phương nên đây không thể là một vụ trả thù tàn độc. Chowchilla là một thị trấn nông nghiệp bé nhỏ có mức thu nhập là 9.000 USD và có rất ít gia đình giàu có, vậy nên đây dường như không phải là một vụ bắt cóc đòi tiền chuộc. Cuối cùng, cơ quan chức năng đi đến kết luận rằng có thể một tổ chức khủng bố đã gây án để thu hút sự chú ý, hoặc để ép chính phủ Mỹ làm theo yêu cầu của chúng.
Khoảng 7h30’ tối ngày 16-7, người bảo vệ của một mỏ đá ở Livermore – một thị trấn cách Chowchilla 160km đã bắt gặp một nhóm người sợ hãi, hoảng loạn và kiệt sức. Sau khi đếm thấy nhóm có 27 người, ông nhận ra đây chính là các nạn nhân và lập tức báo cảnh sát địa phương. Tất cả các con tin đều bình an vô sự, chỉ kiệt sức và thiếu nước.
Vài tiếng sau, một người phụ nữ khác gọi điện cho phu nhân thị trưởng Jim Dumas, buông lời hù dọa: “Lũ trẻ sẽ được thả tự do, nhưng rồi sẽ sớm có những nạn nhân khác. Chuyện này chưa xong đâu.” Lúc này, cách đó hàng trăm km, 27 con người vô tội đang bị giam trong một chiếc xe tải và oxy thì đang cạn dần. Cảnh sát địa phương cũng như FBI đang vô cùng bối rối: họ không tìm được nghi phạm, không xác định được động cơ gây án và không thu được bất kì dấu vết gì có giá trị. Vụ bắt cóc dường như đang đi vào ngõ cụt.
Lời kể của những con tin
Câu chuyện họ kể không có manh mối nào về động cơ phạm tội. Ba kẻ bắt cóc đã đuổi những người bị giam giữ trong khoảng 11 giờ, đến mỏ đá lúc 3h30’ sáng. Trong suốt chuyến đi, những người đàn ông hiếm khi nói chuyện. Tại mỏ đá, những người đàn ông lùi xe tải của họ lên một khe hở rộng trên mặt đất. Họ dùng bạt che kín cả lỗ và mặt sau của những chiếc xe tải, họ ra lệnh cho lũ trẻ xuống lối vào, hỏi tên và tuổi của từng đứa và lấy mỗi đứa một món đồ trang sức hoặc một bộ quần áo khi chúng đi vào lối tối om.
Đường hầm hẹp dẫn xuống một chiếc xe tải cũ kỹ bị chôn vùi dưới mặt đất 6 mét như một phần của dự án bãi rác sau Thế chiến thứ hai, có hai ống thông gió bằng nhựa màu trắng đi ra từ hai bên và lên đến mặt đất. Các tù nhân tìm thấy căn phòng dưới lòng đất chứa đầy nệm, khăn trải giường, Cheerios, khoai tây chiên và nước.
Câu chuyện của cả 27 nạn nhân đều không cung cấp manh mối nào về tung tích những kẻ phạm tội hay động cơ gây án của chúng. Suốt 12 tiếng di chuyển đến mỏ đá bị bỏ hoang, các thủ phạm đều không cởi mặt nạ và không hề nói một câu nào. Các nạn nhân bị ép xuống xe lúc 3h30’ ngày 15-7, sau đó ba kẻ bắt cóc ép hỏi tên từng nạn nhân một, lấy đi đồ trang sức hoặc quần áo của nạn nhân rồi yêu cầu từng người đi xuống một đường hầm rộng khoảng 2m.
Đường hầm này dẫn vào nơi giam giữ con tin mà ba kẻ chủ mưu đã thiết kế: một chiếc xe thùng bị chôn sâu 2m dưới lòng đất, có gắn sẵn hai ống thông hơi và có đủ nước sạch, đồ ăn vặt, chăn nệm cùng với một số nhà vệ sinh. Chiếc hố chôn xe là một bãi rác từ thời Thế chiến II và đã bị người địa phương quên lãng từ lâu.
Tài xế Frank và những đứa trẻ lớn nhất đã chồng những tấm nệm lên nhau để với được đến cửa trên của “nhà tù” xe tải. Họ sớm thất vọng khi nhận ra thủ phạm đã chặn đứng lối thoát bằng những tấm sắt nặng 90kg tuy nhiên sau nhiều tiếng đồng hồ nỗ lực, ông Frank và cậu bé 14 tuổi tên Michael Marshall đã dùng một thanh gỗ dày mà thủ phạm bỏ quên trong xe để nạy cửa, dần dần đẩy những tấm sắt sang một bên và gạt bớt lớp đất đi. Do các con tin đều là trẻ em, chúng dễ dàng lách mình qua khe hở nhỏ này để trốn thoát. Ông Frank cùng Michael đã kiên nhẫn dỗ dành từng đứa trẻ và bế những đứa nhỏ nhất lên lối ra để chúng có thể an toàn thoát thân.
Truy tìm thủ phạm
Cảnh sát sớm đưa Frederick Newhall Woods IV vào tầm ngắm do cậu thanh niên 24 tuổi này là con trai của chủ mỏ đá. Cậu ta có chìa khóa vào mỏ và từng sở hữu vài chiếc xe giống hệt như chiếc xe thùng nhốt các nạn nhân. Frederick và hai người bạn thân thiết của mình là James và Richard Schoenfield đã từng bị bắt vì trộm xe ô tô và phạt án tù treo.
Trong quá trình khám xét một khu đất của cha Frederick, cảnh sát tìm thấy một vài khẩu súng khớp với miêu tả của ông Frank và một lá thư đòi tiền chuộc. Với những bằng chứng này, cảnh sát Chowchilla lập tức phát lệnh truy nã cả ba, nhưng chúng đã nhanh chân bỏ trốn. Frederick bị bắt giữ tại Canada và James bị bắt ở California 2 tuần sau đó, còn Richard đã tự đầu thú ngày 23-7.
Ba thủ phạm thừa nhận chúng muốn đòi món tiền chuộc lên đến 5 triệu USD (tương đương 22,7 triệu USD vào năm 2022) nhưng không thể do… gia đình nạn nhân và báo chí liên tục gọi điện cho cảnh sát địa phương, khiến đường dây điện thoại bị nghẽn. Nản chí, cả ba quyết định về nhà ngủ để sáng mai gọi lại, nhưng đêm hôm đó chúng biết tin các nạn nhân đã thoát nạn.
Kẻ chủ mưu Frederick xuất thân từ gia đình giàu có nhất vùng. Gia tộc Newhall Woods sở hữu một loạt bất động sản có giá trị, nông trại, mỏ dầu và vào những năm 1970, họ đã thu được tới 80 triệu USD (tương đương 370 triệu USD theo tỉ giá 2022) một năm. Nhiều bạn bè của Frederick nhận xét hắn không bao giờ khoe khoang của cải nhưng rất ít nói, lạnh lùng, cư xử xa cách với bạn bè đồng trang lứa.
Frederick ít khi ra ngoài, và chỉ ở nhà để nâng cấp bộ sưu tập xe cổ của hắn. Sau này, hắn hợp tác với hai anh em Richard và James – hai người con của một bác sĩ rất giàu có – để thành lập một công ty buôn bán xe cũ. Frederick còn ước mơ trở thành một nhà sản xuất phim và hắn cũng thành lập một hãng phim vào năm 1972.
Bộ phim hắn yêu thích nhất là “Dirty Harry” – cũng nói về một vụ bắt cóc cực kì liều lĩnh. Cùng lúc này, cả ba đều đang nợ cha mẹ mình một khoản tiền khổng lồ và không thể trả nợ do làm ăn thua lỗ. Chúng cũng chưa thể nhận tài sản thừa kế và đang lâm vào cảnh cùng quẫn. Frederick tính toán rằng nếu chúng học theo phim “Dirty Harry”, cả ba có thể bắt cóc cùng lúc nhiều nạn nhân và số nạn nhân càng nhiều, thì số tiền chuộc chúng nhận được sẽ càng lớn.
Frederick còn tin rằng sau khi nhận tiền chuộc, hắn có thể viết một kịch bản phim dựa theo vụ bắt cóc và dùng món tiền phi pháp kia để đầu tư làm phim, sau đó thu về một khoản lợi nhuận khổng lồ. Năm đó, bang California tuyên bố ngân sách còn dư 5 triệu USD và ba tên bắt cóc quyết định sẽ đòi chính quyền bang dùng khoản tiền đó trả món tiền chuộc “nhỏ nhoi”. Tuy Frederick là người lên ý tưởng, nhưng chính James mới là kẻ đã chọn xe bus chở học sinh làm mục tiêu vì hắn cho rằng trẻ con thì vô hại, không thể chống trả hay chạy trốn, và chính quyền chắc chắn sẽ quý trọng mạng sống của những đứa trẻ hơn là của các nạn nhân trưởng thành.
Cả ba thủ phạm nhanh chóng nhận tội và bị kết án tù chung thân. Nhờ cải tạo tốt và hợp tác với cơ quan điều tra, Richard Schoenfield ra tù năm 2012 sau 35 năm ngồi tù, còn James Schoenfield được trả tự do năm 2015. Riêng Frederick đã bị tước quyền xin ân xá 24 lần do liên tục vi phạm nội quy, chống đối quản giáo, và thậm chí hắn ta còn tự ý điều hành một mỏ vàng và một công ty buôn bán xe ô tô khi đang thụ án mà không hề nộp đơn xin phép chính quyền bang California như luật pháp đã quy định. Thế nhưng, vào đầu tháng 2-2022, lần đầu tiên đơn xin ân xá của hắn đã được thông qua. Nếu như hắn được trả tự do, Frederick sẽ được đoàn tụ với người vợ thứ 3 của mình và sinh sống trong một căn biệt thự chỉ cách nhà tù có 30 phút đi xe mà hắn đã mua khi còn ở trong tù.