Vụ cướp Ngân hàng Sveriges và “Hội chứng Stockholm”
9 giờ sáng ngày 23/8/1973, Jan-Erik Olsson, là tù nhân vượt ngục 11 ngày trước đó đẩy cửa bước vào Ngân hàng Sveriges, thủ đô Stockholm, Thụy Điển. Sau khi nhìn qua một lượt, Olsson hất chiếc áo khoác đang cầm trên tay để lộ ra khẩu tiểu liên báng gập M3. Theo lời những người chứng kiến, hắn bắn một loạt lên trần nhà rồi hét lớn: “Thưa quý vị, bữa tiệc đã bắt đầu”…
Ngựa quen đường cũ
Ngay sau tiếng súng và tiếng hét của Olsson, một cảnh sát đứng cạnh thang máy định rút khẩu súng ngắn ở thắt lưng thì bị Olsson nã một phát vào đầu gối khiến ông quỵ xuống. Tiếp theo, hắn ra lệnh cho 4 nhân viên ở 4 quầy giao dịch ngồi yên tại chỗ, còn những người khác cùng hơn 30 khách hàng thì hắn xua tay chỉ ra cửa đồng thời cho phép họ mang theo viên cảnh sát bị thương. Bà Stefani, nhân chứng kể lại: “Anh ta bảo tôi nói với cảnh sát rằng có 4 con tin. Nếu họ tấn công, cả 4 con tin sẽ chết”.
Khoảng 15 phút sau, các khu phố xung quanh Ngân hàng Sveriges bị vây kín. Đích thân cảnh sát trưởng Stockholm là ông Erik Hansen gọi vào và người nghe là Olsson. Qua điện thoại, Olsson nêu ra 3 điều kiện: Một là phải giao cho hắn 1 triệu krona (đơn vị tiền tệ Thụy Điển) và 1 triệu USD, hai là cảnh sát phải đưa Gunnar Norgren, hiện đang bị tù vì tội cướp có vũ trang và cũng là đồng phạm với Olsson trong vụ giết một sĩ quan cảnh sát hồi năm 1966 đến, và ba là cung cấp cho hắn một chiếc xe hơi Ford Mustang đổ đầy xăng. Nếu cả 3 điều kiện được đáp ứng, Olsson sẽ thả 2 con tin, chỉ giữ lại 2 để bảo đảm an toàn khi tẩu thoát. Lúc biết chắc cảnh sát không truy đuổi, hắn sẽ thả tiếp 2 người này. Ông Hansen, cảnh sát trưởng Stockholm nói: “Chúng tôi không đồng ý về việc Olsson giữ lại 2 con tin. Tôi bảo với hắn rằng khi tiền và xe đến nơi, cả 4 nhân viên ngân hàng phải được tự do nhưng hắn không chấp nhận”.
Sinh ngày 1/2/1947 tại Trollhattan, Thụy Điển trong một gia đình cha mẹ đều nghiện rượu nặng. Khi Olsson 11 tuổi thì người cha bỏ đi còn mẹ phải điều trị tại Bệnh viện tâm thần Lillhagens. Vì thế Olsson và 2 em gái được một tổ chức xã hội đưa vào trại nuôi dưỡng trẻ có hoàn cảnh khó khăn. 14 tuổi, Olsson giả chữ ký của mẹ trong đơn xin học việc trên tàu Ballade nhưng 1 năm sau, biết mẹ đã bình phục, Olsson bỏ tàu về nhà. Không nghề nghiệp, năm 1963, Olsson cùng người bạn là Harpsund cậy cửa một nhà kính, lấy trộm nho, dưa chuột, cà chua đem bán. Ba tháng sau, Olsson đánh nhau với 2 cảnh sát rồi bỏ trốn khi biết 1 trong 2 người này bị thương.
Đầu năm 1966, Olsson bị bắt và ra tòa vì tội gây thương tích với mức án 3 năm tù giam nhưng đến tháng 6, hắn vượt ngục. Ngày 29/7/1966, hai sĩ quan cảnh sát là Ragnar Sandahl và Lennart Mathiasson trong khi vây bắt những kẻ trộm cửa hàng xe đạp ở Skjutsaregatan thì Sandahl bị Gunnar Norgren bắn chết. Giữa tháng 8, qua nghe lén điện thoại, cảnh sát biết Olsson là đồng phạm với Gunnar trong vụ trộm và giết người tại cửa hàng xe đạp ở Skjutsaregatan khi hắn gọi cho bạn gái, hẹn gặp nhau tại một ngọn đồi ở Grimmaredsskogen. Để Olsson không nghi ngờ, 30 cảnh sát cải trang thành khách du lịch và hướng dẫn viên, trong đó 2 cảnh sát là Bertil Brosved và Ulf Hogenberg tiếp cận Olsson nhưng hắn lập tức nổ súng. Kết quả cảnh sát Ulf Hogenberg trúng đạn vào vai còn Olsson bị bắt.
Ra tòa, Olsson lĩnh án 12 năm nhưng một lần nữa, ngày 4/2/1969 hắn lại trốn khỏi nhà tù Kumla rồi chạy sang quần đảo Canary. Tiếp theo, Olsson đến Frankfurt, Cộng hòa liên bang Đức nhưng bị bắt vì sử dụng hộ chiếu giả. Bị dẫn độ về Thụy Điển rồi đưa vào nhà tù Lingatan, Olsson lại trốn.
Ngày 2/2/1973, một nữ nhân viên tạp vụ tại khách sạn Kur ở Uricehamn nhìn thấy 1 khẩu súng khi dọn phòng nên đã gọi cảnh sát. Tiến hành kiểm tra danh tính người thuê căn phòng này, họ nhận được một cái tên: Kovav. Khi hỏi nhân viên khách sạn Kovav hiện đang ở đâu thì một người chỉ xuống phòng ăn rồi khi bước vào, cảnh sát thấy Kovav lúc ấy đang ung dung ngồi dùng bữa trưa. Một cảnh sát cho biết: “Tôi nhìn Kovav có vẻ quen quen nhưng tôi không nhớ mình đã gặp anh ta ở đâu, hồi nào? Mời anh ta về trụ sở để làm rõ nguồn gốc khẩu súng thì mới hay Kovav chính là Olsson trong lệnh truy nã”.
Tháng 5/1973, Olsson lĩnh 6 năm tù, cộng với án cũ nên tổng cộng hình phạt là 15 năm. Lần này, Olsson bị đưa đến nhà tù Kalmar, nơi giam giữ an ninh nhất Thụy Điển. Ấy vậy mà ngày 12/8/1973, Olsson lại trốn thoát rồi 11 ngày sau, bằng cách ăn trộm chiếc máy ảnh của một khách du lịch, Olsson bán lấy tiền mua khẩu M3 của một băng nhóm xã hội đen để thực hiện vụ cướp Ngân hàng Sveriges.
Những tình cảm lạ lùng
Trở lại vụ cướp, sau khi nêu ra 3 điều kiện với ông Hansen để phóng thích 4 nhân viên, Olsson yêu cầu cả 4 người phải theo hắn xuống căn hầm dùng làm nơi chứa những két sắt. Thấy cô nhân viên Kristin Enmark run rẩy vì lạnh, Olsson lấy áo khoác của mình choàng lên vai cô. Kristin kể: “Hành động ấy khiến tôi rất ngạc nhiên vì theo những gì tôi đã đọc, đã xem trên báo chí, truyền hình thì bọn cướp đều là những kẻ máu lạnh”. Sự ngạc nhiên lại tăng lên khi Olsson lấy một viên đạn từ khẩu súng rồi đưa cho Kristin: “Hãy giữ lấy làm kỷ niệm. Có thể sau này chúng ta sẽ chẳng bao giờ còn gặp lại nhau nữa”.
Với cô nhân viên Birgitta Lundblad, khi cô xin Olsson cho cô điện thoại về nhà vì cô có đứa con trai 2 tuổi thì Olsoon nhanh chóng gật đầu. Tới hồi thấy Birgitta khóc nức nở vì gọi nhiều lần mà chẳng ai nghe máy, Olsoon nói: “Hãy thử nữa đi. Đừng bỏ cuộc”. Một nhân viên khác là Elisabeth Oldgren kể: “Tôi nói với Olsson là tôi mắc phải chứng sợ không gian hẹp thì anh ta cười. Một lát, không biết anh ta tìm đâu ra sợi dây khoảng 10 mét, buộc vào cổ chân tôi rồi cho phép tôi ra ngồi ngoài cửa hầm cùng lời dặn đừng tháo dây ra nhé”. Và mặc dù hoàn toàn có thể thoát thân vì nhiều lúc Olsson chẳng buồn để ý đến cô nhưng theo Elisabeth: “Dẫu Olsson là tội phạm nhưng khi hắn đã tin tôi thì tôi thấy mình không thể phản bội lòng tin ấy”.
Đến trưa, đột ngột Olsson hỏi: “Ai muốn ăn gì nào?” khiến 4 con tin ngơ ngác. Olsson pha trò: “Thích gì thì cứ nói. Tôi sẽ gọi họ đem vào, miễn phí mà các bạn!”. Sven Safstrom, nhân viên nam giới duy nhất trong số 4 con tin nhớ lại: “Tôi biết anh ta không nói đùa nên tôi bảo cho tôi ức gà nhồi pho mai, bánh mì nướng bơ tỏi và nước táo”. Nữ nhân viên Birgitta Lundblad nói: “Trong tình cảnh này, chúng tôi đâu còn lòng dạ nào mà nghĩ đến chuyện ăn uống”. Hình như hiểu được suy nghĩ ấy, Olsson cười: “Cứ ăn no đi, Tôi e rằng các bạn sẽ còn phải ở đây lâu đấy”.
Cuối cùng, khi 4 con tin đã chọn xong món ăn, Olsson điện thoại yêu cầu cảnh sát cho người đem vào với điều kiện “đi một mình, không súng”. Trung sĩ cảnh sát Kruff, người mang thức ăn cho con tin kể: “Tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy cả 4 người đều không có dấu hiệu gì là sợ hãi. Thậm chí khi Birgitta Lundblad đưa tôi 1 tờ giấy, nhờ tôi chuyển cho chồng cô để dặn về chuyện chăm sóc đứa con, Olsson chẳng thèm ngăn cản và cũng chẳng cần nhìn xem tờ giấy viết gì”.
Ngày thứ 2 của vụ cướp, cảnh sát trưởng Hansen đề nghị Olsson cho một bác sĩ vào kiểm tra sức khỏe và tinh thần của 4 con tin thì được hắn đồng ý. Lúc trở ra, bác sĩ này cho biết ông không nhận thấy bất cứ một dấu hiệu nào chứng tỏ 4 con tin sợ hãi hoặc suy sụp tinh thần: “Tôi thấy mối quan hệ giữa con tin và Olsson rất thoải mái. Thậm chí ngay trước mặt tôi, cô Kristin Enmark còn điện thoại cho Văn phòng Thủ tướng Olof Palme, cầu xin thủ tướng chấp thuận 3 yêu cầu của Olsson. Chưa hết, Kristin còn tình nguyện đi theo tên cướp để bảo đảm an toàn cho hắn”.
Ngày thứ 3 rồi thứ 4, việc đàm phán vẫn dậm chân tại chỗ. Lý do ông Hansen đưa ra với Olsson là “nếu muốn có 1 triệu USD thì cảnh sát phải đề nghị với Bộ Tài chính vì nơi này quản lý ngoại tệ, rồi Bộ Tài chính còn phải xin ý kiến chính phủ”. Theo ông Hansen, mục đích của ông chỉ là kéo dài thời gian nhằm chuẩn bị cho cuộc tấn công, giải thoát con tin. Ông nói: “Những hình ảnh chụp từ camera bí mật của cảnh sát Kruff, người mang thức ăn vào tầng hầm giúp chúng tôi xác định được vị trí của con tin…” nhưng theo Kruff, lợi dụng sự sơ hở của Olsson, anh ta đã nói nhỏ với một con tin khi cúi xuống đưa mấy quả táo: “Nếu nghe tiếng súng, hãy nói với mọi người là dồn sát vào những chiếc két sắt”. Kruff kể: “Nghe tôi nói xong, cô nhân viên nhìn tôi với cặp mắt thù địch. Lúc ấy tôi không hiểu vì sao nhưng sau này tôi mới biết các nhà tâm lý học gọi đó là hiện tượng nảy sinh tình cảm giữa nạn nhân và tên tội phạm Olsson!”.
10 giờ tối ngày 18/8, sau gần 6 ngày xảy ra vụ cướp, cảnh sát bắn hơi cay xuống hầm ngân hàng rồi xông vào. Olsson bị bắt mà không hề phản ứng. Khi cảnh sát định đưa 4 con tin ra trước thì Kristin Enmark hét lớn: “Không! Tôi và anh Olsson cùng ra. Không thể để anh ấy ở lại một mình rồi bị giết”. Lúc Kristine và Olsson ra đến cửa hầm, 3 nhân viên còn lại là Birgitta, Safstrom và Elisabeth cùng chạy đến. Cả 3 ôm chặt Olsson rồi nói “chúng tôi sẽ gặp lại anh”. Sự gắn bó dường như phi lý của các con tin với kẻ đã bắt họ khiến cảnh sát bối rối, thậm chí họ còn điều tra xem liệu Kristin có phải là đồng lõa với Olssom trong vụ cướp hay không. Kristin nói: “Tôi không thể giải thích được vì sao tôi lại làm như vậy. Chẳng riêng gì tôi mà cả 3 người kia cũng thế. Không ai ghét Olsson và cũng chẳng ai muốn anh ta bị hại”.
Vài ngày sau, lúc Olsson đã bị đưa vào tù, cảnh sát lại thêm một lần ngạc nhiên khi cả 4 con tin cùng đi thăm hắn. Việc thăm viếng kéo dài mãi đến năm 1980, khi Olsson được tha rồi đổi tên thành Daniel Demuynck. Sau đó hắn chuyển đến sống ở vùng nông thôn cách thủ đô Brussels, Bỉ, 80 km. Lúc còn ở tù, Olsson ghi danh học Khoa báo chí tại Đại học Stockholm dưới hình thức từ xa và đã nhận bằng tốt nghiệp. Cuốn tự truyện do Olsson viết về cuộc đời mình đã trở thành sách bán chạy nhất khi nó được xuất bản năm 2009.
Đầu năm 1975, sau hơn 1 năm rưỡi nghiên cứu những diễn biến tâm lý của 4 con tin cũng như của Olsson trong vụ cướp, các nhà tội phạm học, tâm lý học Thụy Điển thống nhất chọn cụm từ “Hội chứng Stockholm” để nói về hiện tượng Olsson. Rất nhanh chóng, cụm từ này trở nên phổ biến trên toàn thế giới. Theo các chuyên gia, Hội chứng Stockholm phát xuất từ nỗi sợ hãi ban đầu của những người bị bắt vì họ nghĩ sẽ bị tra tấn, đánh đập, ngược đãi và thậm chí còn có thể bị giết. Tuy nhiên sau một thời gian ở cùng tội phạm, họ lại được đối xử tử tế, thậm chí còn là những gần gũi thân mật nên từ đó, họ nảy sinh niềm tin rằng kẻ tội phạm ấy “không phải là người ác”.
Và khi nạn nhân tin rằng thủ phạm “không phải là người ác” thì chính là lúc “Hội chứng Stockholm” bắt đầu xuất hiện…