Vụ lừa đảo “vĩ đại” mạo danh khoa học
Sau khi Thế chiến II kết thúc, Tổng thống Argentina là ông Juan Peron đã yêu cầu Quốc hội sửa luật, cho phép những tội phạm chiến tranh Đức Quốc xã được quyền cư trú ở quốc gia này. Trong số những kẻ chạy đến Argentina, có nhà vật lý Ronald Richter và tại đây, ông ta đã thực hiện một vụ lừa đảo “vĩ đại” mạo danh khoa học…
1. Là người Đức gốc Áo, Ronald Richter sinh năm 1909 tại vùng Falkenau an der Eger, nay là Cộng hòa Séc. Năm 1935, ông ta tốt nghiệp Đại học Praha, Đức, chuyên ngành vật lý. 4 năm sau khi Thế chiến II bùng nổ, Richter trình luận án tiến sĩ với đề tài “Phát hiện tia Delta trên trái đất”. Tuy nhiên cái mà ông ta gọi là “phát hiện” thì thật ra nó chỉ là tia X, xuất hiện bởi sự phân rã phóng xạ của các đồng vị phóng xạ có trong đất đá hoặc do sét đánh xuống đất đá.
Kurt Sitte, nghiên cứu sinh cùng thời Richter, sau đó trở thành trợ lý của giáo sư Furth tại Khoa Vật lý thực nghiệm Đại học Praha nhớ lại: “Luận án của Richter được viết ở Viện Vật lý Falkenau Chemiewerke vào thời điểm ông ấy đang nghiên cứu cách đo đếm và kiểm soát nhiệt độ trong lò hồ quang”.
Vẫn theo Kurt Sitte, một hôm Richter khoe với Kurt Sitte về “phát hiện tuyệt vời”. Đó là một bức xạ bí ẩn phát ra từ mặt đất mà Richter đặt tên là “tia Delta”. Nếu làm chủ được tia này, nước Đức sẽ có một nguồn năng lượng khổng lồ vô tận. Kurt Sitte nói: “Richter rất hào hứng. Ông ta cho biết sẽ chọn nó làm luận án tiến sĩ. Cá nhân tôi thì bán tín bán nghi nhưng biết đâu được, có rất nhiều điều trên thế giới này mà khoa học chưa khám phá hết”.
Tuy nhiên khi luận án được trình lên hội đồng phản biện, giáo sư Heinrich Rausch von Traubenberg, người đứng đầu hội đồng cho biết lúc nhận ra sự lập lờ của Richter, ông đã thẳng thừng mời Richter “đi chỗ khác chơi”.
2. Thất bại trong việc lấy học vị tiến sĩ, Richter vào làm tại nhà máy Nautilus, chuyên sản xuất hóa chất chống cháy dùng cho máy bay ném bom. Thời điểm này, nước Đức đã phát động Thế chiến II nên không quân Đức rất quan tâm đến lĩnh vực ấy. Thế nhưng hóa chất khi áp dụng vào thực tế thì không đạt yêu cầu nên dự án phải dừng lại và Richter có nguy cơ phải đi lính. May mắn thay, ông ta được giáo sư Max Steenbeck và giáo sư Manfred von Ardenne ở Viện Nghiên cứu năng lượng Berlin gọi về để cùng tham gia chế tạo máy gia tốc hạt - là thiết bị quan trọng trong việc làm ra bom nguyên tử.
Về sau, lúc vụ lừa đảo mạo danh khoa học của Richter ở Argentina đổ bể, giáo sư Max phân trần: “Tôi không hề biết anh ta bịa đặt trong việc làm luận án tiến sĩ vì như bạn biết đấy, Thế chiến II đang ở giai đoạn khốc liệt nhất. Hitler đã xua quân đánh Liên Xô và người Đức đang cần đến những loại vũ khí mạnh. Vì vậy, khi biết Richter đã tốt nghiệp ngành vật lý Đại học Praha, tôi gọi anh ta vì lúc ấy chúng tôi rất cần có thêm người”.
Đầu năm 1945, một lần nữa Richter lại bị Viện Nghiên cứu năng lượng Berlin mời “đi chỗ khác chơi” vì một số các nhà khoa học trong Viện phản ánh với lãnh đạo rằng “Richter chẳng biết cái quái gì ngoài những lý thuyết mà anh ta đã học trong trường đại học cùng một mớ kiến thức chắp vá”.
Tháng 4-1945, Thế chiến II kết thúc bằng sự đầu hàng của Đức Quốc xã. Và mặc dù người Mỹ đã lập danh sách những khoa học gia Đức cần phải bắt giữ như Von Braun, cha đẻ của tên lửa V1, V2 hay Werner Karl Heisenberg, nhà khoa học từng đoạt giải Nobel, nhân vật chủ chốt trong dự án bom nguyên tử của Hitler; Otto Hahn và Fritz Strassmann, chuyên gia về phân rã hạt nhân…., mà không có tên Richter nhưng ông ta vẫn trốn sang Anh quốc rồi nhờ vào tấm bằng kỹ sư vật lý, ông ta xin được việc trong một công ty sản xuất chất nổ công nghiệp.
Tại London, Richter quen Kurt Tank, kỹ sư hàng không người Đức, cũng sang Anh khi Thế chiến II kết thúc. Trong các cuộc nói chuyện, Richter khoe khoang về thời gian làm việc tại Viện Nghiên cứu năng lượng Berlin rồi “nổ” rằng ông ta “đã phát minh cách tạo ra năng lượng khổng lồ bằng phương pháp phản ứng tổng hợp hạt nhân và điều này có nghĩa nhân loại sẽ có những nguồn điện phục vụ đời sống sinh hoạt và sản xuất gần như không giới hạn”. Chưa hết, Richter còn cho Kurt Tank đọc luận án tiến sĩ của ông ta với lời khẳng định: “Hội đồng phản biện đã thẩm định nhưng vì Mỹ và Đồng minh liên tục ném bom Berlin nên lễ trao học vị phải tạm dừng”.
Sau 6 tháng ở công ty sản xuất chất nổ công nghiệp, tưởng là đã yên ổn nhưng một hôm, Richter lo lắng khi nghe thông tin từ một người bạn, rằng cảnh sát Anh sẽ xác minh tất cả những người Đức đến làm việc ở công ty sau ngày Đức Quốc xã đầu hàng. Tìm Kurt Tank để hỏi ý kiến thì mới hay ông này đã chạy sang Argentina. Sợ bị trục xuất về Đức, Richter bỏ việc rồi chọn cách buôn bán hàng rong ở một số những khu chợ tự phát để vừa kiếm sống, vừa tránh được sự kiểm tra.
Một hôm, khi đang lang thang ở chợ trời Brick Lane, London, Richter tình cờ gặp lại một người cũng đã từng làm việc ở nhà máy sản xuất chất nổ công nghiệp. Người này nói có một lá thư của kỹ sư Kurt Tank gửi cho Richter nhưng chẳng ai biết ông ta ở đâu nên thư vẫn để ở nhà máy.
Hôm sau, Richter đến nhà máy. Nội dung bức thư cho biết Kurt Tank đã nhập tịch Argentina với cái tên mới là Pedro Matthies. Theo Kurt, trong một lần được gặp Tổng thống Argentina là Juan Peron, Kurt đã giới thiệu về việc “tạo ra năng lượng khổng lồ bằng phương pháp phản ứng tổng hợp hạt nhân” với tổng thống và tổng thống tỏ ra đặc biệt quan tâm. Vì thế Kurt viết thư mời Richter đến Argentina để tham gia một dự án do Ủy ban Năng lượng nguyên tử quốc gia Argentina trực tiếp điều hành.
Mừng hơn bắt được vàng nhưng để tránh bị nghi ngờ vì thời điểm ấy, cảnh sát Anh đặc biệt chú ý đến những người Đức sinh sống ở Anh xin hộ chiếu đi Argentina nên thay vì đi thẳng Argentina, Richter lên tàu đến Uruguay rồi từ đó mới vào thủ đô Buenos Aires.
Sau gần 1 tuần lênh đênh trên biển cộng với 2 ngày ngồi xe khách, Richter đặt chân đến Buenos Aires rồi được August Siebrecht, cựu điệp viên của Cơ quan Tình báo quân đội Đức Quốc xã đón tiếp. Sau đó, August Siebrecht đưa Richter đến Cordoba, nơi Kurt Tank đang làm việc cho một tập đoàn hàng không, chuyên về phát triển động cơ máy bay.
Trong cuộc gặp gỡ này, ngoài công việc sẽ dành cho Ricter tại Ủy ban Năng lượng nguyên tử quốc gia Argentina, Kurt còn đề nghị Richter giúp mình về việc sử dụng năng lượng hạt nhân làm nhiên liệu cho máy bay. Theo Kurt: “Richter cam đoan với tôi thay vì phải đổ hàng tấn xăng cho mỗi lần cất cánh thì với phát minh của ông ta, chỉ cần 1 bình chứa 1 lít năng lượng hạt nhân là đủ (?!)”.
3. Hai tháng sau ngày Richter đến Buenos Aires, Ủy ban Năng lượng nguyên tử quốc gia Argentina sắp xếp một buổi gặp gỡ giữa Tổng thống Juan Peron với Richter. Trong buổi gặp này, Tổng thống Peron cho biết Argentina đã nhập lậu được một máy gia tốc hạt từ Nga. Theo quan điểm của Peron, ông hoàn toàn ủng hộ một kế hoạch gọi là “Argentina mới” bằng cách nâng cao sản lượng sắt thép để từ đó, chế tạo ra những loại máy móc dùng trong công nghiệp và nông nghiệp, đồng thời cung cấp cho đất nước một nguồn năng lượng rẻ tiền mà không phải phụ thuộc vào dầu mỏ. Vì thế, Peron mong muốn dự án sớm được tiến hành bởi theo niềm tin của ông, bất kỳ việc nào do những nhà khoa học Đức Quốc xã thực hiện đều nhất định thành công!
Đáp lời, Richter cho biết việc tạo ra năng lượng hạt nhân là “việc trong tầm tay”. Ông ta “nổ”: “ Nếu Thế chiến II kết thúc chậm hơn 6 tháng thì cục diện nước Đức sẽ thay đổi với phát minh của tôi. Tuy nhiên điều tôi còn phân vân là khi tạo ra nguồn năng lượng mới, tôi sẽ trở thành mục tiêu săn đuổi của người Mỹ…”.
Và thế là chỉ vài ngày sau đó, Richter được chấp thuận cho nhập tịch Argentina. Theo yêu cầu của ông ta, Ủy ban Năng lượng nguyên tử quốc gia Argentina nhận được một số tiền tương đương 300 triệu USD (khoảng 3,7 tỷ USD hiện tại), là kinh phí cho việc nghiên cứu. Tiến hành tìm kiếm nhiều vị trí khác nhau, cuối cùng Richter chọn đảo Huemul trên hồ Nahuel Huapi ở Patagonia là nơi đặt lò phản ứng.
Cuối năm 1949, công trình bắt đầu được xây dựng bởi các kỹ sư quân sự và được bảo mật ở mức cao nhất. Các bức tường bao quanh khu vực này cao 3m, dày 1m, che phủ nhà máy phát điện, lò phản ứng, máy quang phổ, các thiết bị nghiên cứu phản ứng nhiệt hạch, nhà máy sản xuất nước nặng… Nhằm tránh những con mắt tò mò, việc bảo vệ an ninh do một trung đoàn biệt động quân đảm nhiệm.
4. Tháng 3-1951, Chính phủ Argentina đưa ra một thông báo đầy ấn tượng: “Ngày 16-2-1951, Trung tâm Năng lượng nguyên tử Huemul đã thực hiện thành công phản ứng nhiệt hạch trong điều kiện có kiểm soát. Kỹ sư vật lý Ronald Richter, tác giả công trình đã được trao tặng Huân chương Peronist, phần thưởng cao quý nhất của chế độ đồng thời nhận bằng Tiến sĩ danh dự của Đại học Buenos Aires”.
Tuy nhiên, nhiều năm trôi qua nhưng không hề thấy bất kỳ một ứng dụng nào của Tiến sĩ Richter được đưa vào thực tế. Một số các bộ trưởng phụ trách năng lượng, công nghiệp nặng, xây dựng…, đặt dấu hỏi thì câu trả lời của Richter luôn luôn là “Quý vị không phải là nhà khoa học nên quý vị không đủ tư cách để chất vấn tôi”.
Cuối cùng, khi lòng kiên nhẫn đã đến mức giới hạn, cộng với sức ép của Quốc hội, tháng 3-1962 Tổng thống Peron ký quyết định thành lập ủy ban giám sát công trình nghiên cứu của Richter, dẫn đầu bởi 2 nhà vật lý hạt nhân từng được đào tạo ở Anh và Mỹ là Jose Balseiro và Mario Bancora.
Chỉ mất chưa đầy 1 tháng, ủy ban giám sát đã nêu ra sự thật tàn khốc: “Không hề có bất kỳ một phản ứng hạt nhân nào. Không có bất kỳ một thiết bị nào trên đảo Huemul có khả năng thực hiện điều đó. Không có cơ sở khoa học để chứng minh những tuyên bố của Ronald Richter là sự thật. Cái gọi là phản ứng nhiệt hạch của Richter chỉ là những thí nghiệm cơ bản nên nhiệt độ thực tế đạt được thấp hơn nhiều so với nhiệt độ cần thiết để tạo ra phản ứng nhiệt hạch thật sự”.
Bỗng nhiên trở thành trò cười cho thế giới, Tổng thống Peron lập tức ra lệnh đóng cửa Trung tâm Năng lượng nguyên tử đảo Huemul đồng thời sa thải Richter. Hệ quả là trò lừa đảo mạo danh khoa học của Richter đã khiến ngành năng lượng hạt nhân Argentina bị trì hoãn hàng thập kỷ. Mãi đến năm 1974, Argentina mới có lò phản ứng đầu tiên.
Bị sa thải, Richter lui về một căn nhà nhỏ ở ngoại ô Buenos Aires vì ngôi biệt thự Peron cấp cho ông ta bị thu hồi cùng với việc cắt toàn bộ lương và trợ cấp. Khi Tổng thống Peron bị lật đổ vào năm 1974, Richter bị bắt để điều tra về khoản tiền đã cấp cho ông ta trong công trình nghiên cứu nhưng ủy ban phụ trách điều tra không lấy lại được được một xu nào. Có tin nói rằng Richter đã chuyển 60 triệu USD về Tây Đức.
Richter mất năm 1991 trong cô độc. Tiễn ông đến nghĩa trang chỉ có 4 nhân viên của dịch vụ tang lễ miễn phí dành cho những người không ai thân thích. Nhà khoa học Jose Balseiro nói: “Trên thế giới có hàng trăm triệu bác sĩ, kỹ sư nhưng khoa học hạt nhân chỉ có vài chục nghìn người. Vì thế vụ lừa đảo của Rihter xứng đáng được gọi là… “vĩ đại!”.