Vụ trộm 100 triệu Euro ở bảo tàng Đức
Sự chú ý của công chúng Đức trong thời gian gần đây đổ dồn vào một phiên tòa diễn ra tại bang Dresden. Đứng trước vành móng ngựa là năm tên trộm đã lấy đi số trang sức trị giá 113 triệu Euro từ một trong những viện bảo tàng cổ nhất thế giới. Phi vụ táo tợn diễn ra trong vòng chưa đầy một tiếng vào ngày 25/11/2019. Và điểm đặc biệt hơn nữa là cả năm tên trộm đều là thành viên một gia đình “đạo chích” có tiếng ở Berlin.
Những tên trộm táo tợn
Viện bảo tàng Grunes Gewolbe (“Hầm Xanh”) là điểm đến du lịch nổi tiếng ở thành phố Dresden, Đức. Bảo tàng được thành lập vào năm 1723 bởi August II, tuyển hầu xứ Sachsen (thuộc Đế chế La Mã Thần thánh), vua Ba Lan và Đại Vương công Litva. Cái tên kỳ lạ của bảo tàng đến từ những cây cột nhà được sơn màu xanh malachite. Grunes Gewolbe nằm trong số những bảo tàng lâu đời nhất thế giới - nó chỉ thua viện bảo tàng Kunstkamera ở St. Petersburg, Nga và bảo tàng Vatican.
Sau khi bảo tàng được trùng tu trong những năm hậu Thế chiến II, Grunes Gewolbe có hai phòng trưng bày chính: “Hầm Xanh cũ” được bố trí y hệt như thời điểm bảo tàng mới được thành lập, và “Hầm Xanh mới” có bộ sưu tầm các hiện vật hiện đại hơn.
Danh tính và khuôn mặt những tên “đạo chích” Grunes Gewolbe được tòa án Đức giữ bí mật, nhưng một số tờ báo đã điều tra ra được tên của 3 trong số 6 kẻ bị đưa ra tòa: Rabieh Remmo, Wissam Remmo, Bashir Remmo. Trong số 3 đối tượng còn lại thì 2 là anh em sinh đôi mới có 20 tuổi vào thời điểm gây án, còn kẻ thứ 6 thì được trắng án do có bằng chứng ngoại phạm. Các bị cáo bị kết án từ 4 năm 4 tháng đến 6 năm tù.
Đại gia đình Remmo di cư từ Lebanon đến Tây Berlin vào những năm 1980. Dư luận Đức lần đầu tiên quan tâm đến cái tên “Remmo” khi một thành viên trong dòng họ giết chết một ông chủ nhà hàng ở Berlin trong khi cả hai tranh cãi về vấn đề tiền bảo kê. Đến nay ước tính tổ chức tội phạm của gia đình Remmo có khoảng 500 thành viên, trong đó phần lớn là họ hàng của nhau. Chúng hoạt động trong đủ những lĩnh vực khác nhau: ăn cắp, bảo kê, mại dâm, rửa tiền, v.v... Danh tiếng của chúng nổi tiếng đến mức đài truyền hình DW từng làm cả một series phim dài tập về gia đình Remmo.
Vào ngày 27/3/2017, hai tên trộm đã đột nhập vào viện bảo tàng Bode ở Berlin rồi lấy đi đồng xu vàng trị giá 100 triệu dollar Canada. Đây là đồng xu kỷ niệm được Kho bạc Canada đúc vào năm 2007. Trên thế giới chỉ có 6 đồng xu như vậy, mỗi đồng nặng 100 kg. Hai tên trộm nhân lúc tảng sáng đã phá cửa sổ và lấy thang leo vào phòng trưng bày. Sau gần một năm điều tra, cảnh sát Berlin bắt được hai anh em Ahmed Remmo và Wayci Remmo. Cảnh sát không tìm thấy đồng vàng, nhưng tìm ra bụi vàng từ đồng xu và những mảnh tủ kính vỡ trên người và trong nhà của hai anh em. Nhiều khả năng hai tên trộm họ Remmo đã nấu chảy đồng xu ra thành từng thỏi để bán.
Vậy bọn trộm họ Remmo đã thực hiện vụ cướp ở Grunes Gewolbe như thế nào? Gần một tuần trước khi xảy ra vụ trộm, một đối tượng đột nhập vào trạm biến áp ở dưới chân cầu Augustus tại thành phố Dresden. Điều kỳ lạ là hắn ta không lấy đi bất kỳ thứ gì cả. Cảnh sát không mảy may nghi ngờ gì mà sớm kết thúc việc truy tìm kẻ đột nhập.
Thế rồi vào lúc 5 giờ sáng ngày 25/11/2019, hai tên trộm cắt cửa sổ bảo tàng Grunes Gewolbe để xâm nhập. Trước hết chúng chọn chỗ cửa sổ khuất góc quay của camera an ninh. Sau đó chúng dùng kìm thủy lực để cắt song sắt cửa sổ dày 42,75 cm. Điều đáng nói là chúng sử dụng loại kìm thủy lực mà thợ cứu hỏa chuyên dùng để cắt các loại cửa để cứu người. Đây là thiết bị chuyên dụng không bao giờ bán cho người tiêu dùng bình thường.
Cùng lúc đó một quả bom bất ngờ phát nổ trước cửa trạm biến áp dưới chân cầu Augustus. Quả bom tự chế được làm từ nồi áp suất đổ đầy dầu diesel. Tuy thô sơ nhưng quả bom vẫn đủ sức phá tung cánh cửa trạm biến áp và làm hỏng thiết bị bên trong. Đèn đường ở khu vực xung quanh trạm đồng loạt mất điện, trong đó có viện bảo tàng Grunes Gewolbe.
Sau khi đột nhập vào viện bảo tàng, hai tên trộm nhanh chóng tìm đến khu trưng bày trang sức và dùng búa tạ đập vỡ những hòm kính bảo vệ. Một cái hộp kính như vậy có thể cần đến 5 đến 6 phát búa mới vỡ. Lũ trộm còn cẩn thận rải cát xuống sàn nhà để gây khó cảnh sát trong việc dùng mảnh kính vỡ làm bằng chứng điều tra. Rabieh Remmo, một trong hai tên trộm, khai trước tòa: “Chúng tôi không biết là trang sức được buộc xuống bàn bằng dây nylon rất chắc. Chúng tôi phải nghiến răng lấy hết sức dùng kìm cắt mới lấy trang sức ra được. Nếu không thì chúng tôi đã “cuỗm” đi được nhiều đồ hơn rồi”.
Khi đó trong bảo tàng chỉ có hai nhân viên bảo vệ đang trực phòng camera. Họ theo dõi bọn trộm phá tủ kính nhưng không làm gì được vì theo quy định bảo vệ không được trang bị vũ khí không nên đối đầu trực tiếp với tội phạm. Họ chỉ còn biết cách gọi cảnh sát. (Hai nhân viên bảo vệ sau đó còn bị điều tra do nghi ngờ là đồng phạm của kẻ trộm, nhưng cảnh sát không tìm ra bất cứ bằng chứng liên đới nào).
Hai tên trộm kịp tẩu thoát trước khi cảnh sát đến hiện trường. Chúng lấy đi 21 cổ vật từ thế kỷ 18-19 và từng được sở hữu bởi vua August II và người kế vị ông là vua August III. Trong số cổ vật bị lấy cắp có kiếm, ghim cài áo, vòng cổ, vương miện, cúc áo và hai cái cầu vai đính kim cương. Có tổng cộng 4.300 viên kim cương và các loại đá quý khác được đính vào đồ bị đánh cắp. Chúng có giá trị tổng cộng lên tới khoảng 113 triệu euro.
Hai tên trộm nhảy lên một chiếc xe wagon hiệu Audi đã chờ sẵn ở đằng sau viện bảo tàng. Chúng chạy xe hơn mười dặm đến một bãi đậu xe, rồi chuyển sang một chiếc ôtô Mercedes. Bọn trộm còn không quên đốt luôn chiếc Audi. Ngọn lửa sau đó lan ra những ôtô khác trong bãi đậu, khiến cho 60 xe bị hư hỏng hoàn toàn (tổng trị giá hơn nửa triệu euro) và suýt nữa giết chết một người phụ nữ khi đó đang trong bãi đậu xe.
Lần theo dấu vết
Không lâu sau khi vụ trộm ở bảo tàng Grunes Gewolbe xảy ra, sở cảnh sát Berlin ra quyết định thành lập tổ điều tra “Epaulet” để tìm ra những tên đạo trích. Ngay từ những bước đi đầu tiên tổ điều tra đã gặp phải ngõ cụt. Họ tìm thấy chiếc xe Mercedes của bọn trộm bị thiêu rụi ở giữa một cánh đồng cách Berlin 63km. Chưa hết, những kẻ tội phạm còn rất cẩn thận trong việc không để lại bất kỳ dấu vết nào ở hiện trường, cho dù là vân tay hay DNA.
Đầu mối đầu tiên là chiếc kìm cộng lực trong tay hai tên trộm. Cảnh sát biết rằng thứ thiết bị này người thường không thể mua được, vậy thì bọn đạo chích chỉ còn cách đi ăn trộm. Họ phát hiện ra rằng ba tháng trước khi vụ trộm ở bảo tàng xảy ra, một thành viên họ Remmo mang tên Wissam Remmo đã đột nhập vào nhà máy sản xuất thiết bị thủy lực. Wissam bị cảnh sát bắt hai ngày sau đó và chịu án tù hai năm rưỡi, nhưng y không khai là đã tẩu tán số đồ ăn trộm đi đâu.
Dựa trên giả định rằng gia tộc Remmo là kẻ đứng sau vụ trộm, Epaulet bắt đầu theo dõi những đối tượng có liên quan đến tổ chức tội phạm này. Một thanh tra giấu tên tham gia cuộc điều tra này tiết lộ với phóng viên tờ Die Welt: “Ngoài việc theo dõi trực tiếp, chúng tôi còn theo dõi hoạt động thông tin liên lạc của các đối tượng tình nghi. Chúng tôi lần được hơn trăm cuộc gọi từ một vài số điện thoại được đăng ký bằng tên giả. Cuối cùng chúng tôi cũng tìm được kẻ đã bán SIM “rác” cho những tên trộm”.
Bước tiếp theo trong cuộc điều tra là xác định thành viên nào trong dòng họ Remmo đã tham gia vụ trộm. Cảnh sát “khoanh vùng” các anh em ruột của Wissam Remmo vào diện đặc biệt chú ý. Họ đóng giả làm nhân viên nhà nước điều tra dân số để tiếp cận với bà mẹ của Wissam Remmo. Bà cụ cho biết các con của bà đã rời khỏi nơi cư trú từ vài tháng nay. Từ lời kể của người mẹ, cảnh sát cũng khớp nối được một số sự việc với diễn tiến thời gian của âm mưu ăn trộm.
Cảnh sát Berlin chỉ giăng lưới sau khi đã nắm đủ bằng chứng trong tay. Gần một năm sau khi vụ trộm xảy ra, gần 1.700 sỹ quan cảnh sát đồng loạt đột kích vào các căn hộ, gara, quán cà phê và một số cơ sở kinh doanh khác có liên quan đến gia đình Remmo. Họ bắt được 3 đối tượng tình nghi, trong đó có 2 kẻ đột nhập vào bảo tàng. 3 đối tượng còn lại bị bắt trong vòng hai tháng sau đó.
Cảnh sát cũng thu hồi lại được đa số cổ vật bị ăn trộm. Bọn trộm mới chỉ kịp tẩu tán một viên kim cương, một ghim cài áo và một cái cầu vai. Một số cổ vật khác thì bị hư hỏng do ôxy hóa.
Các đối tượng tình nghi ban đầu chối đây đẩy mọi tội danh của chúng. Phải đến 10 tháng sau khi việc thẩm vấn bắt đầu thì Rabieh Remmo mới bất ngờ nhận tội để được hưởng khoan hồng. Còn lại có 3 đối tượng nhận tội, 1 đưa ra được bằng chứng ngoại phạm, và kẻ cuối cùng một mực chối tội. Tuy vậy những kẻ thú tội cũng chỉ chịu nhận tội ăn trộm. Chúng khai rằng mọi việc lên kế hoạch cho vụ trộm đều do những kẻ khác đề ra. Hiện tòa án Đức còn giữ bí mật danh tính những kẻ “chủ mưu” kia.
Giáo sư tội phạm học Mahmoud Jaraba, người đã có nhiều năm nghiên cứu về mafia tại Đức, nhận xét: “Tội phạm tổ chức quanh gia đình như họ Remmo coi “luật im lặng” như lẽ sống của mình. Từ tay lính mới đến ông trùm, bất kỳ ai bị bắt thì cũng không bao giờ hợp tác với cảnh sát... Tôi cảm thấy ngạc nhiên vì những tên trộm nhận tội để hưởng khoan hồng. Có khả năng còn có các thành viên khác trong họ Remmo liên quan đến vụ trộm bảo tàng, và những kẻ bị bắt chịu nhận tội để bảo về “lớp trên” của mình”.
Ngoài án tù, các bị cáo còn phải bồi thường 89 triệu euro cho các cổ vật đang bị mất tích và thiệt hại vật chất mà chúng đã gây ra cho bảo tàng. Chưa hết, Rabieh Remmo và Wissam Remmo còn phải chịu thêm một án tù khác do khi chúng thực hiện vụ trộm, hai tên này đang bị quản thúc tại gia để chờ ngày ra tòa xét xử vì một vụ án khác không liên quan.
Bà Barbara Slowik, Giám đốc Sở Cảnh sát Berlin, phát biểu tổng kết cuộc điều tra vụ trộm Grunes Gewolbe: “Qua vụ trộm này chúng tôi đã tìm ra được một số lỗ hổng trong chính bộ máy của mình... Vấn đề cơ bản là lực lượng cảnh sát Berlin đang bị dàn ra quá mỏng và thiếu nhân lực điều tra chuyên môn... Sở cảnh sát Berlin đang lên kế hoạch bổ sung nhân sự trong thời gian sớm nhất để có thể đủ sức đối đầu với những thủ đoạn ngày càng tinh vi của tội phạm có tổ chức”.