Xanh mặt vì “tích xanh”
Hiện nay, mạng xã hội Facebook đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của nhiều người. Đặc biệt, dấu tích xanh trên Facebook là một biểu tượng quan trọng, thể hiện sự xác thực của các tài khoản cá nhân, doanh nghiệp hoặc tổ chức có tầm ảnh hưởng.
Tuy nhiên, đi kèm với nhu cầu tăng cao, nhiều dịch vụ làm tích xanh giả mạo cũng xuất hiện, khiến người dùng dễ rơi vào bẫy lừa đảo.
Nhan nhản dịch vụ làm tích xanh
Dấu tích xanh trên Facebook là một dấu hiệu cho thấy tài khoản đã được Facebook xác minh và đảm bảo là tài khoản chính thức của cá nhân, doanh nghiệp, hoặc tổ chức công chúng. Việc có dấu tích xanh giúp tăng uy tín, tăng sự tương tác và đặc biệt bảo vệ tài khoản khỏi việc bị giả mạo. Điều này đặc biệt quan trọng với các người nổi tiếng, doanh nghiệp lớn, hay các tổ chức truyền thông.
Nắm bắt được nhu cầu đó, dịch vụ “hỗ trợ tích xanh” mọc lên như nấm sau mưa. Chỉ cần lên mạng xã hội Facbook gõ từ khóa “hỗ trợ tích xanh” sẽ cho ra hàng loạt các tài khoản nhận làm tích xanh. Sở dĩ lượng cung nhiều cũng là bởi lượng cầu không hề ít. Nhiều người muốn “nâng tầm” trang cá nhân của mình lên với những mục đích khác nhau. Có người muốn nâng uy tín trang cá nhân để bán hàng, số khác là những nghệ sĩ muốn làm tích xanh để đánh bóng tên tuổi.
Để mục sở thị dịch vụ đặc biệt này, chúng tôi có kết nối với một tài khoản có tên “Kỹ sư mạng xã hội”, người này tự giới thiệu tên Ngô Ngọc H, từng là một kỹ sư công nghệ thông tin. Sau khi nhận thấy nhiều người có nhu cầu làm tích xanh nên đã bỏ việc của một công ty lương 20 triệu để chuyển sang công việc hỗ trợ nâng cấp Facebook.
“Khoảng 3 năm nay tôi làm tích xanh cho hàng nghìn người, trong đó có cả các ca sĩ nổi tiếng, những người bán hàng online. Phải nói là nhu cầu người muốn xác minh tài khoản chính chủ ngày càng nhiều, hơn nữa nhiều người có mục đích bán hàng, tăng uy tín cho trang Facebook cá nhân cũng rất muốn nâng cấp”, anh H tiết lộ.
Tuy nhiên, theo anh H, mức giá để mỗi cá nhân làm tích xanh là không hề nhỏ. Trung bình người có nhu cầu phải bỏ ra khoảng 90 triệu đồng, với các doanh nghiệp thì giá còn cao hơn, khoảng 120 triệu đồng. Còn đối với những cá nhân có đủ điều kiện như: Nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng trong xã hội, nhiều lượt follow thì có mức giá thấp hơn, khoảng 30 đến 50 triệu đồng.
Theo khảo sát của phóng viên, giá để làm tích xanh cũng khác nhau, như trên trang web: Like68xxx thì đưa ra giá khá mềm, cụ thể giá xác minh tài khoản cá nhân chính chủ là 10 triệu đồng cho người đã đủ điều kiện: được lên báo 5 lần, nhiều lượt người theo dõi. Nếu như chưa đủ một trong các điều kiện trên, người dùng phải mất thêm phí “mua” điều kiện. Cụ thể, nếu tài khoản cá nhân chưa đủ điều kiện về số lượng bài báo viết về mình thì sẽ được hỗ trợ. Có nhiều kiểu “luồn lách” để khách hàng mua “tích xanh” được lên báo.
Tương tự, nếu người dùng chưa được nhiều người biết đến thì sẽ phải mua lượt theo dõi ảo với giá 550.000 đồng tương ứng với 10.000 người theo dõi. “Còn đối với các fanpage có nhu cầu lên tích xanh, giá của dịch vụ này sẽ dao động từ 100 đến 200 triệu đồng tùy thuộc vào khả năng của fanpage đó đã đáp ứng được điều kiện mà Facebook đưa ra hay chưa”, một nhân viên của website này cho biết thêm.
Theo như những người làm dịch vụ nâng tích xanh, người có nhu cầu xác minh tài khoản cần phải cung cấp chứng minh thư nhân dân, bằng lái xe để đảm bảo thông tin tài khoản là chính chủ. Sau khi tài khoản được xác minh với biểu tượng tích xanh, người dùng sẽ được hỗ trợ gói bảo mật, khóa thông tin, bật mã bảo vệ 2 lớp để đảm bảo không bị hack mất tài khoản.
Cẩn trọng với dịch vụ giả mạo
Trên mạng xã hội, chúng ta dễ dàng nhận ra dấu tích xanh xuất hiện trên tài khoản mạng xã hội của các ngôi sao, hay những người có ảnh hưởng lớn trong xã hội. Nhiều người sẵn sàng bỏ ra cả chục triệu, thậm chí cả trăm triệu để sử dụng dịch vụ mua tích xanh. Khi ấy họ cho rằng mình sở hữu tích xanh đồng nghĩa với việc mình là người có danh tiếng. Việc được trở nên nổi tiếng, giúp họ thỏa mãn cảm giác là được cộng đồng quan tâm, nâng cao tự tin khi danh tiếng của họ được xác nhận.
Anh Nguyễn Lương Hòa, một kỹ sư công nghệ thông tin cho hay, những người kinh doanh online rất mong muốn tài khoản của mình được cấp tích xanh bởi nó có lợi ích cực lớn như: Tăng uy tín của thương hiệu sản phẩm, tỷ lệ tiếp cận khách hàng tiềm năng cao, hay hơn nữa là chiến dịch quảng cáo sẽ được phê duyệt nhanh hơn.
Tuy nhiên anh Hòa cho rằng, sẽ rất nguy hiểm nếu như những tài khoản sở hữu tích xanh đưa ra những việc không đúng sự thật, hoặc có những quan điểm sai trái. Chính vì vậy, mỗi cá nhân trước tiên cần “định vị” chính xác bản thân mình, quan tâm, đầu tư những nội dung có giá trị, rồi mới tận dụng mạng xã hội như bước cuối cùng để quảng bá thương hiệu cá nhân tới mọi người. Đôi khi, biểu tượng tích xanh này cũng khiến rất nhiều bạn trẻ lầm tưởng và “sống ảo” trên mạng xã hội. Điều này dẫn đến các chiêu trò câu view để tăng tương tác, thu hút người xem bằng hành vi lạ, “độc hại” cho cộng đồng.
Nhiều đối tượng đã lợi dụng nhu cầu của người dùng để lừa đảo qua các dịch vụ làm tích xanh giả mạo. Các dịch vụ này thường cam kết làm tích xanh nhanh chóng, không cần thông qua quy trình xác minh phức tạp của Facebook, nhưng yêu cầu người dùng phải trả phí từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng.
Tuy nhiên, các dịch vụ này không có khả năng làm tích xanh thực sự. Thông qua nhiều hình thức khác nhau, từ giả mạo giấy tờ cho đến hack tài khoản, những kẻ lừa đảo thậm chí có thể yêu cầu người dùng cung cấp thông tin cá nhân nhạy cảm, như mật khẩu Facebook hay giấy tờ tùy thân.
“Khi đã có thông tin đăng nhập tài khoản Facebook của khách hàng, các đối tượng này chiếm đoạt quyền quản lý tài khoản và nghiên cứu các tin nhắn cũ của họ đã nhắn với bạn bè trước đó để bắt chước lại văn phong, cách nói chuyện rồi nhắn tin cho bạn bè trong danh sách bạn bè của nạn nhân để mượn tiền.Tinh vi hơn, chúng dùng công nghệ để giả mạo hình ảnh chủ sở hữu Facebook trong các cuộc gọi với nạn nhân, mở tài khoản ngân hàng trùng tên với chủ tài khoản Facebook để tạo niềm tin với nạn nhân và đề nghị chuyển tiền vào các tài khoản này”, anh Hòa cho hay.
Mới đây, ngày 17/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trần Huy Đạt (SN 2007, trú tại xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Công an huyện Kiến Xương nhận được tin báo của người dân tại xã Bình Nguyên, huyện Kiến Xương về việc bị một đối tượng lừa bán tài khoản Facebook tích xanh, chiếm đoạt 3,5 triệu đồng.
Qua xác minh điều tra, Công an huyện Kiến Xương đã bắt giữ Trần Huy Đạt là đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo trên. Quá trình điều tra xác định khoảng tháng 6-2024, nhận thấy trên mạng xã hội có nhiều người muốn mua tài khoản Facebook tích xanh, lấy lại mật khẩu tài khoản Facebook, TikTok, nên Đạt đã kết nối với các cá nhân có nhu cầu để trao đổi, giao dịch nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Sau khi bị hại tin tưởng chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng, Đạt chặn liên lạc và không thực hiện nhiệm vụ như đã cam kết; số tiền chiếm đoạt sử dụng vào mục đích cá nhân. Công an huyện Kiến Xương đang tiếp tục củng cố hồ sơ để xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.
Trước đó vào tháng 8/2023, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Bình Thạnh (TP Hồ Chí Minh) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can Phan Văn Trí (19 tuổi, quê Gia Lai) để điều tra về tội “sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”. Theo đó, nhóm đối tượng trên do Phan Văn Trí cầm đầu. Trí đã lợi dụng nhu cầu của một số người, đặc biệt là những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội (ca sĩ, diễn viên), đối tượng quảng cáo trên mạng xã hội về việc có khả năng làm dịch vụ “tích xanh” cho tài khoản Facebook.
Khi có khách đặt làm “tích xanh”, các đối tượng yêu cầu khách hàng phải cung cấp thông tin như tên đăng nhập, mật khẩu, địa chỉ email, hình ảnh giấy tờ tùy thân (chứng minh nhân dân, căn cước công dân, bằng lái xe…). Khi có thông tin đăng nhập tài khoản Facebook của khách hàng, các đối tượng đã nhắn tin cho bạn bè trong danh bạ Facebook của nạn nhân để mượn tiền.
Tại Cơ quan Công an, Phan Văn Trí thừa nhận với thủ đoạn trên, Trí cùng đồng bọn chiếm đoạt tài khoản Facebook của một người để nhắn tin mượn và chiếm đoạt tiền của các nạn nhân với tổng số tiền hơn 200 triệu đồng. Qua điều tra ban đầu, Công an đã xác định có khoảng hơn 20 người là nạn nhân của nhóm này.
Vào tháng 3/2022, Công an huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cũng đã bắt giữ đối tượng Nguyễn Văn Mạnh (SN 1999, ở xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) về hành vi “sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.
Cụ thể, Mạnh chủ động làm quen với chị N. là chủ một cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ tại TP. Hồ Chí Minh và hứa hẹn giúp lên “tick xanh”, tăng tương tác cho tài khoản Facebook cá nhân, fanpage kinh doanh của chị N. Sau khi chị N. chuyển số tiền 15 triệu đồng cho Mạnh để được giúp lên “tick xanh” thì Mạnh chiếm đoạt sử dụng và không thực hiện các thỏa thuận.
Ngoài chị N, Mạnh còn lừa đảo nhiều bị hại khác với thủ đoạn tương tự. Bên cạnh đó, Mạnh còn tạo nhiều tài khoản Facebook ảo, chạy quảng cáo về dịch vụ bẻ khóa iCloud với mục đích chiếm đoạt các khoản tiền cọc bẻ khóa từ nhiều người có nhu cầu trên mạng xã hội.
Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo, người dân cần thận trọng, cảnh giác trước những trang Facebook giả mạo các cục nghiệp vụ thuộc Bộ Công an. Tuyệt đối không nghe theo, không liên hệ với các website, fanpage, tài khoản mạng xã hội quảng cáo dịch vụ "tiếp nhận hồ sơ", "hỗ trợ lấy lại tiền bị treo", "thu hồi tiền lừa đảo"... trên không gian mạng; không chuyển tiền cho các đối tượng trên để được hướng dẫn, làm hồ sơ thu hồi tiền.
Theo đó, những ngày qua xuất hiện nhiều trang Facebook mạo danh các cục nghiệp vụ thuộc Bộ Công an đăng tải nhiều video, bài viết có nội dung cảnh báo về phương thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đồng thời, các trang này lồng ghép quảng cáo về các dịch vụ, như: "Tiếp nhận hồ sơ", "hỗ trợ lấy lại tiền bị treo", "thu hồi tiền lừa đảo"... với cam kết chỉ thu tiền sau khi người dân đã lấy lại tiền lừa đảo.
Đáng chú ý, các trang Facebook này được nhà cung cấp dịch vụ xác thực tích xanh để tăng uy tín, nhằm đánh lừa người dân.
Nhiều người do nhầm lẫn, nghĩ các trang ghi thông tin Bộ Công an, lại được xác thực tích xanh, là trang uy tín nên đã liên hệ để nhờ hỗ trợ. Lúc này, các đối tượng hướng dẫn nạn nhân chuyển tiền để hỗ trợ. Nhiều nạn nhân đã bị lừa, nay lại tiếp tục “sập bẫy” các đối tượng lừa đảo và chuyển tiền.
Công an thành phố Hà Nội đề nghị người dân thận trọng, cảnh giác trước những trang Facebook giả mạo này. Tuyệt đối không nghe theo, không liên hệ với các website, fanpage, tài khoản mạng xã hội quảng cáo dịch vụ "tiếp nhận hồ sơ", "hỗ trợ lấy lại tiền bị treo", "thu hồi tiền lừa đảo"... trên không gian mạng; không chuyển tiền cho các đối tượng trên để được hướng dẫn, làm hồ sơ thu hồi tiền.