Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (bài cuối)
Trước thực trạng các cơ sở hoạt động không đúng phạm vi, vượt quá phạm vi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; quảng cáo các nội dung liên quan đến lĩnh vực phẫu thuật, tạo hình, thẩm mỹ, khám bệnh, chữa bệnh không đúng quy định về quảng cáo; vượt quá khả năng chuyên môn và quảng cáo khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép… các cơ quan chức năng trên địa bàn đã tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm minh đối với các cơ sở vi phạm.
Khởi tố các đối tượng ở thẩm mỹ viện Gangwhoo
Ngày 10/3/2025, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 7 đối tượng, gồm: Hai vợ chồng Đào Thị Thùy Dương (sinh năm 1997) ở phường Phúc Lợi và chồng là Trần Tuấn Phương (sinh năm 1990) ở huyện Thanh Trì, Thành phố Hà Nội; Vũ Cẩm Vân (sinh năm 1996) ở huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên; Lê Văn Đức (sinh năm 1996) ở huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa; Lê Cao Cường (sinh năm 1997), Trương Triệu Đức (sinh năm 1997) và Dương Đức Mạnh (sinh năm 1995) đều ở tỉnh Thái Nguyên để điều tra làm rõ các hành vi vi phạm liên quan đến vụ án “Lừa dối khách hàng” xảy ra tại Thẩm mỹ viện Gangwhoo, có địa chỉ tại số 11 Hoàng Văn Thụ, phường Ba Đình, thành phố Thanh Hóa.

Theo kết quả điều tra ban đầu: Thẩm mỹ viện Gangwhoo đăng ký kinh doanh hoạt động từ ngày 24/10/2023 do Đào Thị Thùy Dương cùng chồng là Trần Tuấn Phương đứng ra làm chủ góp 70% cổ phần. Sau đó giao cho Vũ Cẩm Vân trực tiếp quản lý cơ sở, nhân sự cũng như điều hành hoạt động của cơ sở (Vân đóng góp 7% cổ phần) và Lê Văn Đức (là quản lý cơ sở sau Vân) là người không có chuyên môn về thẩm mỹ nhưng mặc quần áo bác sĩ đứng ra tư vấn cho khách hàng sử dụng các dịch vụ không được phép.
Ngoài ra, vợ chồng Dương và Phương còn “chỉ đạo” các đối tượng: Lê Cao Cường, Trương Triệu Đức, Dương Đức Mạnh thông qua mạng xã hội Facebook chạy quảng cáo tiếp cận khách hàng với các dịch vụ làm đẹp như: Điều trị thâm quầng mắt, giảm béo toàn thân, nâng mũi, tăng kích thước dương vật... bằng máy công nghệ cao, cam kết không tiêm chích, không phẫu thuật xâm lấn. Khi khách hàng đến cơ sở để thực hiện các gói làm đẹp thì được nhân viên tư vấn các gói dịch vụ có chất lượng tốt hơn, sử dụng công nghệ cao hơn và cam kết, bảo hành trong thời hạn từ 7 đến 20 năm, nếu không khỏi thì sẽ được hoàn lại tiền.
Sau khi được khách hàng tin tưởng đăng ký sử dụng dịch vụ và chuyển đủ tiền thì được nhân viên của thẩm mỹ viện tiến hành các bước như: Làm sạch, massage, ủ tê, lấy máu để tách huyết tương, tách tế bào gốc để tiêm vào các bộ phận trên cơ sở nhằm tăng hiệu quả điều trị nhưng thực tế là chỉ giả vờ cắm kim nhưng không lấy máu hoặc lấy máu không sử dụng như cam kết với khách hàng mà vứt bỏ vào thùng rác.
Ngoài ra, các đối tượng còn giả danh làm bác sĩ để thực hiện các dịch vụ như: Trị sẹo, giảm cân, làm đầy hốc mắt, tăng kích thước dương vật bằng việc tiêm nước muối, tiêm chất làm đẹp da (Mayso) vào vùng điều trị hoặc chiếu tia sóng các máy bằng máy chạy laser CO2… Đây là những dịch vụ thẩm mỹ xâm lấn phải được cơ quan thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động (Quy định tại điểm 2, Điều 37, Nghị định 109/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ).
Do Thẩm mỹ viện Gangwhoo không có giấy phép hoạt động, bác sĩ không có chứng chỉ giấy phép hành nghề, không được đào tạo để thực hiện các máy móc thiết bị trên nên một số khách hàng sau khi làm các dịch vụ tại cơ sở thẩm mỹ này đã xảy ra tác dụng phụ bị méo miệng, sái hàm. Khi khách hàng đòi quyền lợi thì không được thẩm mỹ viện Gangwhoo giải quyết như cam kết, do đó nhiều nạn nhân đã gửi đơn tố cáo đến cơ quan Công an.
Tăng cường chấn chỉnh hoạt động y dược tư nhân
Ngày 15/7/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-UBND về việc tăng cường quản lý hoạt động hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Quá trình triển khai thực hiện, Sở Y tế và Công an tỉnh Thanh Hóa đã thường xuyên phối hợp kiểm tra, phát hiện và xử lý nhiều cơ sở vi phạm cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh “chui”, chủ yếu là các cơ sở cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh về răng, dịch vụ thẩm mỹ, spa hoạt động trá hình (sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người bằng phẫu thuật, thủ thuật, tiêm, chích, bơm, đốt...) gây ảnh hưởng đến sức khỏe và thiệt hại về kinh tế của người sử dụng dịch vụ.


Qua các cuộc thanh tra, kiểm tra, đã phát hiện nhiều hành vi vi phạm như: Vi phạm trong thực hiện các quy định của pháp luật khám chữa bệnh; vi phạm việc chấp hành các quy định của pháp luật trong kinh doanh dược, mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe và trang thiết bị y tế... Cơ quan chức năng đã xử phạt 42 cơ sở vi phạm với tổng số tiền 573.050.000 đồng, tước quyền sử dụng Chứng chỉ hành nghề có thời hạn đối với 10 cá nhân, đình chỉ hoạt động có thời hạn đối với 9 cơ sở.
Trong đó, đã xử phạt hành chính nhiều cơ sở cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh như: Cơ sở “Incheon Healthcare” có địa chỉ tại số 15 Nguyễn Cẩn, phường Điện Biên, thành phố Thanh Hóa bị xử phạt 45 triệu đồng; cơ sở “EMC Healthcare” có địa chỉ tại số 4 Bùi Khắc Nhất, phường Đông Hương, thành phố Thanh Hóa bị xử phạt 45 triệu đồng; Phòng khám đa khoa Hà Thanh ở phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn bị xử phạt 90 triệu đồng; Công ty TNHH Thẩm mỹ Kang Clinic ở TP.Thanh Hóa bị xử phạt 70 triệu đồng về hành vi quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh khi chưa có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh hoặc chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh như ...
Nhằm chấn chỉnh thực trạng trên, ngày 28/02/2025, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tiếp tục ban hành Công văn số 2519 yêu cầu Sở Y tế và các Sở, ngành, đơn vị liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở hành nghề y dược tư nhân; xử lý vi phạm đối với các cơ sở cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trá hình.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố có các biện pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý theo đặc thù từng địa bàn; thường xuyên tổ chức rà soát, thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ quy định, điều kiện về hành nghề y, dược tư nhân, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; quyết liệt tập trung giải quyết dứt điểm những cơ sở hành nghề y, dược không phép (đặc biệt lưu ý phòng khám răng hàm mặt, các cơ sở cung cấp dịch vụ thẩm mỹ, spa). Đồng thời, chủ động phối hợp và đề xuất với Sở Y tế hỗ trợ về chuyên môn, nghiệp vụ; phối hợp xử lý, kiến nghị xử lý các trường hợp vi phạm.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao kiến thức của người dân khi có nhu cầu sử dụng dịch vụ phẫu thuật, tạo hình, thẩm mỹ hãy đến các cơ sở khám chữa bệnh đã được cấp phép hoạt động. Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu trên địa bàn quản lý có cơ sở hành nghề y dược tư nhân không phép hoạt động; các cơ sở cung cấp các dịch vụ thẩm mỹ, spa thực hiện các dịch vụ trái quy định.
Cẩn trọng khi mua bán, sử dụng dịch vụ
Ngày nay, việc sử dụng mạng xã hội Facebook để tìm kiếm, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ không còn xa lạ đối với người sử dụng Facebook. Để tránh không bị lừa đảo khi mua sắm, sử dụng dịch vụ online, người dùng cần cẩn trọng, thật sự cảnh giác trước khi mua sắm, sử dụng dịch vụ online và tất cả các thông tin từ nguồn không chính thống.
Trước khi tìm hiểu về sản phẩm, dịch vụ cần sử dụng, đang được quảng cáo bởi một trang Facebook (fanpage), người dùng cần tìm hiểu về fanpage đó trước, đánh giá khả năng là fanpage lừa đảo. Trong đó phải đánh giá một số thông tin của fanpage, như: Thời gian tạo lập; thời gian đổi tên fanpage; nội dung quảng cáo fanpage đang chạy. Qua đó có thể đánh giá được: fanpage có thời gian hoạt động bao lâu trong lĩnh vực kinh doanh online; trước đó kinh doanh lĩnh vực gì; các quảng cáo có lượt thích, bình luận, chia sẻ như thế nào. Nếu fanpage mới tạo lập hoặc mới đổi tên nhưng có nhiều lượt “thích”, “theo dõi”, các quảng cáo đều có lượt thích, bình luận, chia sẻ tương tự nhau, thì rất có thể fanpage sử dụng dịch vụ tăng lượt “thích”, “theo dõi”, vì vậy, các bình luận, đánh giá về sản phẩm không đáng tin cậy.
Nếu trên fanpage không có địa chỉ cụ thể, không để lại số điện thoại liên hệ thì những trang đó không đáng tin cậy; nếu fanpage có số điện thoại, website thì kiểm tra kỹ thông tin số điện thoại, website đó bằng các ứng dụng chặn cuộc gọi rác, lừa đảo; website thì chúng ta nhập tên vào địa chỉ website “whois.inet.vn” để kiểm tra xem có khớp với thông tin đã đưa hay không.
Nhắn tin trực tiếp cho người quản trị, hoặc nhân viên tư vấn fanpage yêu cầu cho xem các giấy tờ hợp pháp, hợp đồng mua bán, giấy phép kinh doanh, giấy phép lưu hành… dùng các website khác nhau kiểm tra chéo để xem các thông tin trùng khớp với nhau không về các thông tin như: mã số doanh nghiệp; CCCD của Giám đốc doanh nghiệp; nơi cấp phép hoạt động; tên sản phẩm được phép lưu hành; nơi cấp phép lưu hành… Nếu các thông tin trên đều trùng khớp, hợp lý chúng ta tiếp tục hỏi các chính sách như đổi trả, bảo hành, xuất hóa đơn giá trị gia tăng… Yêu cầu được kiểm tra hàng trước khi thanh toán đối với các sản phẩm, dịch vụ thanh toán trả sau; còn các loại hình thanh toán trước hay phải đặt cọc thì chúng ta yêu cầu số tài khoản đúng tên công ty hoặc tên giám đốc, không tùy tiện chuyển khoản cho tài khoản cá nhân khác để tránh tiền mất, tật mang.