54 năm hành trình của “đồ tể Paul Touvier”

Thứ Hai, 11/04/2022, 10:15

Ngày 24-5-1989, Paul Touvier bị bắt khi đang lẩn trốn trong tu viện Dòng thánh Pio X ở thành phố Nice, Pháp. Được mệnh danh là “đồ tể thành phố Lyon”, Paul Touvier đã đưa hơn 100 người Pháp vào phòng hơi ngạt và 7 người Pháp gốc Do Thái bị ông ta bắn chết trong thời gian Đức Quốc xã chiếm đóng nước Pháp. Touvier cũng là công dân Pháp đầu tiên bị tòa án Pháp xét xử vì tội ác chống lại loài người…

Khởi đầu tội ác

Ngày 1-9-1939, Đức Quốc xã xâm lược Ba Lan, mở đầu cho Thế chiến II thì Touvier 24 tuổi, tình nguyện gia nhập Sư đoàn bộ binh số 8, quân đội Pháp. Ngày 10-5-1940, Đức đánh nước Pháp rồi sau trận đụng độ giữa quân Đức và quân Pháp ở Chateau Thierry, Touvier đào ngũ, trốn về Provence với ý định chạy sang Monaco nhưng không đi được.

Ngày 25-6-1940, Đức chiếm nước Pháp, Touvier quay lại thành phố Chambery. Tại đây, Touvier kiếm sống bằng cách mua bán chợ đen những mặt hàng nhu yếu phẩm. Bên cạnh đó, lợi dụng sự khó khăn thiếu thốn, Touvier dùng hàng nhu yếu phẩm để dụ dỗ nhiều phụ nữ đói ăn. Bực bội trước lối sống trăng hoa, thực dụng của con trai, cha Touvier buộc ông ta phải gia nhập Lực lượng dân quân bán vũ trang Milice do người Đức dựng lên với hy vọng kỷ luật quân sự sẽ khiến con mình phải thay đổi.

Và Touvier đã thay đổi nhưng thay đổi theo chiều hướng tệ hại hơn! 2 năm sau, ông ta được Klaus Barbie, chỉ huy lực lượng SS ở Chambery bổ nhiệm làm trưởng phòng tình báo Milice. Đến tháng 1-1944, Touvier trở thành người đứng đầu cơ quan tình báo Milice ở thủ đô Paris. Đây là trường hợp độc nhất vô nhị bởi lẽ chưa hề có một quốc gia nào bị Đức chiếm đóng mà người đứng đầu cơ quan tình báo ở những thành phố lớn lại là người bản xứ. Hồ sơ cá nhân của Touvier lưu trữ tại Bộ chỉ huy SS ở Berlin cho thấy Touvier “là người năng nổ, giao thiệp rộng, có khả năng tổ chức mạng lưới tình báo viên, chỉ điểm viên, hoạt động rất hiệu quả”.

Một trong những “hoạt động hiệu quả” của Touvier là ngày 10-1-1944, Touvier đích thân chỉ huy một nhóm dân quân Milice bắt giữ ông Victor Basch, chủ tịch Liên minh nhân quyền Pháp mặc dù lúc ấy ông Bash đã 80 tuổi, và Liên minh nhân quyền được thành lập từ những năm 1930. Không những thế, Touvier còn bắt cả vợ ông là bà Helene. Dưới sự chỉ đạo của Touvier, ông bà Basch bị Lecussan, chỉ huy dân quân Milice ở vùng Caluire-et-Cuire giết chết. Trên thi thể của hai ông bà, Lecussan để lại một tờ giấy: “Khủng bố chống khủng bố. Người Do Thái luôn phải trả giá”.

tou1.jpg -0
Touvier (trái) lúc là trưởng phòng tình báo Milice và lúc bị bắt.

Ngày 28-6-1944 tại Paris, 15 thành viên của tổ chức kháng chiến Pháp tự do ngụy trang bằng đồng phục của dân quân Milice ám sát France Philippe Henriot, Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền trong Chính phủ Vichy thân Đức ngay tại tòa nhà của Bộ. Nghi ngờ những kẻ ám sát đến từ thành phố Lyon, Tourvier tiến hành các vụ bắt bớ để trả đũa.

Chỉ 1 ngày sau đó, dựa vào mạng lưới chỉ điểm của mình, Touvier bắt 7 người Pháp gốc Do Thái ở Lyon rồi thẩm vấn họ bằng các hình thức tra tấn rất dã man. Và mặc dù không tìm được bất kỳ chứng cứ nào chứng tỏ 7 người này có liên quan đến vụ ám sát nhưng Touvier vẫn tự tay bắn chết họ. Không những thế, Touvier còn chiếm đoạt khá nhiều tài sản của những người Pháp khác bằng cách vu cho họ “có dấu hiệu liên lạc với quân kháng chiến” rồi trục xuất họ ra khỏi nhà. Chưa hết, hơn 100 người Pháp gốc Do Thái ở  Lyon sau khi bị tra tấn dã man nhưng không khai thác được gì về vụ ám sát, Touvier đưa họ đến trại tập trung và ở đây, tất cả đều bị giết trong phòng hơi ngạt.

Chạy trốn

Đầu tháng 7-1944, khi quân Đồng Minh đổ bộ thành công ở Normandy, Pháp, rồi lần lượt giải phóng một số thành phố khỏi tay quân Đức thì Touvier bắt đầu lo sợ cho số phận tay sai của mình. Sau khi hỏi ý kiến của một linh mục Thiên Chúa giáo là Stephane Vautherin, Touvier phóng thích một số tù nhân kháng chiến để tạo niềm tin rằng ông ta ủng hộ lực lượng kháng chiến. Đến đầu tháng 8, cũng với sự gợi ý của linh mục Stephane Vautherin, Touvier thả thêm nhiều tù nhân nữa.

Ngày 25-8-1944, Đồng Minh giải phóng toàn bộ nước Pháp, quân đội Đức ở Pháp một số đầu hàng, số khác tìm đường thoát về Đức nhưng Touvier không chạy theo họ bởi ông ta hy vọng những tù nhân được trả tự do sẽ làm chứng rằng ông ta không có ý định giết hại họ. Tuy vậy, Touvier vẫn gặp linh mục Stephane Vautherin để nhờ giúp đỡ. Thương hại ông ta vì thời điểm ấy, Tovier rất dễ bị những người kháng chiến Pháp trả thù, linh mục Stephane Vautherin cho ông ta trốn dưới sàn nhà thờ.

Tháng 12-1944, lực lượng Pháp tự do ở Lyon sau khi tìm thấy những bằng chứng về tội ác của Touvier, đã ra lệnh bắt giữ ông ta để xét xử. Biết là không thể trốn trong nhà thờ lâu dài, một đêm Touvier lặng lẽ ra khỏi nơi ẩn náu. Trong hành lý của ông ta lúc ấy có 300.000 franc cùng giấy tờ tùy thân của người anh rể là Albert Gaillard.

Đến được thành phố Montpellier dưới cái tên Albert Gaillard, Touvier mua một căn nhà trọ rồi sau đó, viết thư gửi linh mục Stephane Vautherin. Trong thư ông ta cho Stephane Vautherin biết về nơi ở mới của mình đồng thời nhờ báo tin cho gia đình.

Không lâu sau, cha ruột, vợ cùng đứa con trai 6 tuổi và anh chị em - kể cả anh rể của Touvier cùng đến Montpellier. Được một thời gian, Touvier dẫn tất cả sang thị xã Ceignac, tỉnh Charente rồi tiếp theo là thị xã Boutencourt thuộc tỉnh Oise với mục đích xóa dấu vết.

tou2.jpg -0
7 người Pháp gốc Do Thái bị Touvier trực tiếp giết hại.

Tháng 3-1945, cảnh sát Pháp tìm ra nơi ở của gia đình Touvier nhưng không bắt được ông ta vì cái tên Touvier không hề xuất hiện tại những nơi ông ta đã từng cư trú. Tháng 10-1946, tòa án Pháp kết án tử hình vắng mặt Touvier về tội “phản quốc, cộng tác với Đức Quốc xã, thực hiện tội ác chiến tranh”.

Năm 1966, án tử hình vắng mặt của Touvier được hủy bỏ vì đã hết thời hiệu quy định là 20 năm. Năm 1971, Tổng thống Pháp Georges Pompidou ký quyết định ân xá cho Touvier. Quyết định ấy đã gây ra một làn sóng tranh cãi lẫn phản đối, nhất là khi nhiều nhân chứng đưa ra những chứng cứ về tài sản của Touvier mà ông ta lấy được sau khi đưa họ vào trại tập trung hoặc trục xuất họ ra khỏi nhà. Đỉnh điểm là ngày 3-7-1973, nhân chứng Georges Glaeser cùng nhiều thân nhân của những người đã bị Touvier giết hại, đệ đơn kiện Touvier lên Tòa án Lyon với tội danh chống lại loài người. Theo luật hình sự Pháp thì với tội danh này, không có giới hạn về thời hiệu truy tố.

Lưới trời lồng lộng

Về phía Touvier, biết mình bị kết án tử hình, ông ta đến một nhà thờ ở Sainte-Clotilde, Paris. Trong vai người đã mất hết nhà cửa, gia đình bị giết hồi chiến tranh, Touvier được các linh mục ở nhà thờ này cho tá túc. Sau vài tháng, khi các linh mục gợi ý tìm cho Touvier một việc làm nhưng phải ra đồn cảnh sát để xin giấy xác nhận lý lịch nhân thân thì ông ta biến mất.

Đầu năm 1947, Touvier xuất hiện tại tu viện La Source và được người đứng đầu tu viện là linh mục Olphe-Galliard cho tá túc nhưng khoảng 6 tháng, Touvier lại lặng lẽ rời đi vì nghi ngờ mình đang bị theo dõi.  Tháng 8 cùng năm, ở tuổi 32, Touvier bí mật kết hôn với Monique Berthet, 21 tuổi tại một nhà nguyện trên đường Rue Monsieur-le-Prince. Touvier quen Monique lúc trốn tránh ở Paris và khi kết hôn, Monique không hề biết chồng cô là tên tội phạm đang bị cả nước Pháp truy nã.

Năm 1948, Monique sinh con gái đầu lòng, đặt tên là Chantal rồi năm 1950, con trai thứ hai - Pierre ra đời. Do không thích ứng với cuộc sống trong tu viện, Monique đề nghị Touvier đưa gia đình về Chambery, nơi cô có họ hàng, sở hữu nhiều nhà cửa.

Suốt những năm từ 1950 đến 1960, Touvier sống trong ngôi nhà của gia đình Charmettes ở Chambery bằng cái tên giả. Dưới vỏ bọc hiền lành, ngoan đạo, ông ta giành được cảm tình của linh mục Abbe Tissot và linh mục Eugene Morel-Chevillet, cai quản nhà thờ Thánh Tâm. Cứ mỗi lần đánh hơi thấy sự nguy hiểm, chẳng hạn như cảnh sát tiến hành lập thẻ cử tri để chuẩn bị cho đợt bầu cử nghị viên thành phố, qua sự giới thiệu của linh mục Abbe Tissot hoặc linh mục Eugene Morel-Chevillet, Touvier lại vào tu viện Dominican ở Charterhouse de Portes hoặc tu viện Saint-Pierre de Solesmes ở Sarthe để xin… tĩnh tâm (là hình thức cầu nguyện của tín đồ Thiên Chúa giáo, người tĩnh tâm tự giam mình trong phòng riêng để ăn năn hối lỗi về những sai phạm mà mình đã gây ra. Việc tĩnh tâm có thể kéo dài 1 tuần hoặc 1 tháng).

tou3.jpg -0
Hơn 100 người Pháp vào phòng hơi ngạt theo đề nghị của Touvier.

Ngày 27-11-1981, đơn kiện Touvier của các nhân chứng được tòa án chấp thuận và lệnh bắt giữ Touvier được ban hành nhưng vẫn không ai biết ông ta ở đâu. Gần 8 năm sau, trong một lần đi mua sắm, bà Beautrice vốn là dân thượng lưu ở thành phố Lyon trước ngày quân Đức chiếm nước Pháp tình cờ nhìn thấy một bức tượng cổ bằng sứ được bày bán trong một cửa hàng. Bà Bautrice nói: “Sau khi quân Đức chiếm Lyon, dân quân Milice dưới sự chỉ huy của Touvier ập vào nhà tôi rồi trục xuất gia đình tôi. Chúng tôi chỉ được phép mang theo vài bộ quần áo. Khi Lyon được giải phóng, gia đình tôi quay lại chỗ ở cũ thì mới hay tất cả những đồ vật quý giá đều đã biến mất”.

Khéo léo hỏi thăm chủ cửa hàng, bà Beautrice biết rằng người bán bức tượng  cổ sống ở tu viện Wisques vì khi bán bức tượng này, chủ cửa hàng nhận được sự giới thiệu của một linh mục trong tu viện, rằng “đó là người vô gia cư, được tu viện cho ở nhờ”.

Lập tức, bà Beautrice báo tin cho cảnh sát. Với sự đồng ý của Thẩm phán Jean-Pierre Getti, đại tá cảnh sát Recordon ra lệnh nghe lén điện thoại của tu viện Wisques vì đến lúc ấy, vẫn chưa có chứng cứ gì để khẳng định đó là Touvier. Kết quả nghe lén chỉ thu được những cuộc đàm thoại giữa các tu sĩ trong tu viện Wisques với những tu viện khác như Saint-Michel-en-Brenne, Saint-Joseph và trong các cuộc đàm thoại ấy, không ai nhắc đến “người đàn ông vô gia cư được tu viện Wisques cho ở nhờ”.

Ngày 22-3-1989, cảnh sát tiến hành kiểm tra tu viện Wisques nhưng không tìm thấy Touvier. Tiếp tục các biện pháp nghiệp vụ, ngày 23-5 cảnh sát kiểm tra tu viện Saint-Michel-en-Brenne. Tại nơi này, họ tìm thấy một số hành lý nghi ngờ là của Touvier. Đại tá Recordon cho biết sau khi lấy lời khai chớp nhoáng, linh mục quản lý tu viện thú nhận “có một người đàn ông tên Jacques được tu viện cho nhờ tại đây như một hành động từ thiện nhưng ông ta đã sang tu viện Saint-Joseph, thành phốNice”.

Ngày 24-5-1989, Touvier bị bắt tại tu viện Saint-Joseph. Cuộc truy lùng “tên đồ tể thành Lyon” kết thúc sau 54 năm. Bị kết án tù chung thân, Touvier qua đời ngày 17-7-1996 vì ung thư tuyến tiền liệt trong nhà tù Fresnes ở tuổi 81 sau khi đơn xin ân xá của ông ta bị Tổng thống Pháp bác bỏ. Tất cả những tài sản mà Touvier cướp từ những nạn nhân bị ông ta  trục xuất ra khỏi nhà, trong đó có nhiều tác phẩm của những danh họa như Remband, Renoir, Matisse…, những đồ tạo tác Ai Cập bằng vàng cùng đồ trang sức gồm nhẫn, dây chuyền, bông tai, kim cương  hầu như không tìm lại được…

Vũ Cao (Theo War Crimes Records)
.
.