977 ngày trong tay cướp biển Somali: Kết thúc trong bí mật

Thứ Sáu, 21/10/2016, 08:20
2 ngày sau khi Moore được tự do, một số tờ báo ở Mogadishu, Somalia loan tin: Dhuxul, Ahmed Dirie cùng Ali Duulaay, những kẻ chủ mưu bắt cóc Moore trong khi chia tiền chuộc tại nhà Nuur Jareer - cũng là một trùm cướp biển - đã xảy ra mâu thuẫn…


Những đòn khủng bố tinh thần

Trận đòn trút lên người ngư phủ Tambara càng lúc càng dữ dội đến mức ông không còn kêu la được nữa. Thân thể ông thõng xuống như cái bao gạo, mặc cho những cú đấm, cú đá, những ngọn roi liên tục quất vào. Ngồi xổm dưới đất, Ali Duulaay - kẻ tổ chức vụ bắt cóc Moore vừa hút thuốc, vừa dùng cái que gạt đi gạt lại mấy con kiến bò gần ngón chân trong lúc Garfanji đứng xem với vẻ thích thú.

Ali Duulaay khi ấy khoảng 40 tuổi, da đen bóng, mặt lấm tấm mụn trứng cá. Lúc điếu thuốc lá đã gần tàn, gã bước đến gần Tambara: "Thôi nào ông bạn Do Thái, ông có biết hút thuốc không?"

Moore ở sân bay Mogadishu lúc đã được tự do.

Nói dứt lời, Ali Duulaay cắm đầu điếu thuốc vẫn đang cháy đỏ vào môi Tambara. Mặc dù có lẽ đã gần bất tỉnh nhưng theo phản xạ, Tambara vẫn nhếch mép, cố đẩy điếu thuốc ra khỏi miệng. Bakayle - tên cướp biển biết tiếng Anh khá nhất, nói như chế giễu: "Hy vọng là sau bài học này, chúng tao sẽ nhận được 50 triệu USD từ gia đình mày!".

Cuối cùng bọn cướp biển hạ Tambara xuống đất. Moore kể: "Tôi đoán chúng bày ra cái trò tra tấn lão ngư phủ nhằm khủng bố tinh thần tôi". Khẽ đỡ Tambara nằm gối đầu lên cánh tay mình, Moore mở nắp chai nước đầy những cặn bẩn, đổ từng hớp nhỏ vào miệng ông lão: "Cố lên bạn già. Đừng gục ngã". Tưởng thế là xong, nhưng bất ngờ Garfanji quay sang Moore: "Rất nhiều người trong chúng tôi muốn biết vì sao họ vẫn chưa có 20 triệu USD?". Moore đáp: "Đó là một số tiền rất lớn và gia đình tôi chưa chắc đã xoay sở được".

Garfanji quắc mắt nhìn Moore trừng trừng rồi dịch lại câu trả lời của Moore cho đám cướp biển nghe. Một số tên la lối gì đó bằng thổ ngữ và nện báng súng xuống đất. Mustaf Mohammed Sheikh, tên chỉ huy một nhóm cướp biển mà nhà quay phim Ashwin và Moore đã phỏng vấn ở thị trấn Galkacyo gằn giọng: "Mày nói dối. Tao đã kiểm tra tài khoản ngân hàng của mày. Tao biết mày có bao nhiêu tiền. Nếu mày không chịu nhả 20 triệu USD ra, tao sẽ bán mày cho Al-Shabaab. Chỉ cần hai tiếng alô, họ sẽ đến đây ngay lập tức".

Al-Shabaab là tên gọi của một nhóm các tay súng Hồi giáo cực đoan thuộc tổ chức khủng bố "Phong trào thanh niên chiến đấu - Harakat al-Shabaab al-Mujahideen", căn cứ chính đặt tại Đông Phi và vùng hoạt động chủ yếu là ở Somalia. Năm 2012, nhóm này đã cam kết trung thành với Al-Qaeda. Moore kể tiếp: "Nghe Sheikh nói, tôi biết họ đã đột nhập vào thẻ tín dụng của tôi nên tôi trả lời: "Nếu ông đã kiểm tra thì ông thừa biết tôi không có đến 1 triệu…".

Cuộc tra tấn tinh thần lại tiếp diễn khi Garfanji gọi một tên cướp biển mang máy quay video đến. Trong lúc gã điều chỉnh chân máy thì vài tên cướp biển khác đi vòng ra sau lưng Moore, tay cầm súng chống tăng và tiểu liên AK. Mặt mũi tên nào tên nấy đều che kín bằng những tấm vải quàng xung quanh đầu. Một tên giật phắt chiếc chăn màu hồng trên đầu Moore mà anh dùng để che nắng như cố ý để khuôn mặt Moore lộ rõ trên băng video. Garfanji đứng sau camera, quát lớn: "Hãy nói với chính phủ và gia đình của mày đi".

Moore nói rất ngắn, rằng anh không được khỏe lắm và mong mọi người hãy cố mang anh về nhưng anh không hề đả động đến khoản tiền chuộc 20 triệu USD. Vài ngày sau, một đoạn trong băng video được Garfanji sao chép ra, gửi đến địa chỉ email của nhà quay phim gốc Ấn Độ Ashwin kèm theo lời chào bán toàn bộ cuốn băng với giá 2.000USD nhưng Ashwin từ chối.

Không những thế, Ashwin còn đưa đoạn phim ngắn ấy lên một kênh truyền hình để cả thế giới biết Moore còn sống. Moore kể: "Sau này, lúc đã được tự do, tôi mới biết tôi là người rất nổi tiếng. Mẹ tôi mỗi ngày nhận được không dưới 50 cuộc điện thoại, gọi đến để chúc mọi điều tốt lành cho tôi".

Cuối năm 2012, 11 tháng sau khi bị bắt, Moore bị chuyển đến nhiều nhà tù nằm quanh thị trấn Galkacyo. Kể từ đó, anh không bao giờ gặp tại Tambara và tên trùm cướp biển Garfanji một lần nào nữa (Tambara cùng người bạn chài của ông là Marc đã được gia đình trả tiền chuộc và được phóng thích).

Gã cướp biển chỉ huy việc giam giữ Moore lúc này là Dhuxul, khoảng 40 tuổi, béo phì, mắt híp, đầu gần như trọc lóc. Gã có một chân giả bằng gỗ nên bước đi khập khiễng, hậu quả của vụ chạm súng với lính Mỹ khi họ đổ quân xuống cứu những phi công trên chiếc trực thăng Black Hawk bị bắn rơi ở Mogadishu năm 1993.

Theo lệnh Dhuxul, đêm nào Moore cũng bị xích. Anh kể: "Ngay khi kết thúc bữa ăn tối với đậu nành luộc, tôi phải lên giường nằm. Một tên cướp biển đứng phía dưới tấm nệm trói chặt hai chân tôi bằng một sợi xích xe đạp và một cái ống khóa. Nếu gã không thích tôi vì một chuyện nào đó, gã sẽ buộc sợi xích thật chặt - mà thường thì gã luôn không thích tôi. Tôi phải chịu đựng khổ hình này trong suốt 18 tháng. Rất nhiều lần, bọn cướp biển vào phòng, xúm quanh tôi, phun khói lá "khat" vào mặt tôi rồi cười rống lên. Chúng gọi tôi là con lạc đà đang cố băng qua sa mạc".

Một xuồng cao tốc của bọn cướp biển Somalia rời tàu mẹ lên đường tìm mồi.

Năm 2013 trôi qua trong sự dằn vặt của những cơn đói triền miên cùng những hành hạ về thể xác lẫn tinh thần. Moore thường xuyên bị một gã cướp biển tên là Madobe đánh đập, kể cả khi anh xin đi tiểu. Ngón đòn thích thú nhất của gã là thúc cùi chỏ vào mặt Moore - đôi khi trúng mắt khiến anh gần như mù trong 2, 3 ngày.

Moore kể: "Không chịu nổi nữa, tôi phản ứng với Dhuxul. Ngay trưa hôm ấy, ông ta đặt trước mặt tôi một khay cơm với thịt dê luộc rồi gọi Madobe vào. Trước mặt tôi, Dhuxul túm chặt hai tay Madobe, kéo quặt về phía sau rồi đánh liên tiếp vào đầu gã bằng một khúc gỗ ngắn. Vừa đánh, Dhuxul vừa hỏi tôi: "Ok Michael?". Tôi gật đầu nhưng trong lòng tôi, tôi chẳng cảm thấy thích thú gì khi người đánh tôi lại bị trừng phạt bằng cách bị đánh".

Tự do

Sáng ngày 23-9-2014, một ngày bình thường như tất cả những ngày khác, Moore tỉnh giấc khi mặt mời mới hừng đông. Anh đợi tên cướp biển có nhiệm vụ canh gác anh vào mở xích cho anh. Trong đầu anh đã mường tượng ra bữa ăn sáng là bát đậu nành luộc nguội ngắt.

Moore hiện tại (ảnh chụp ở Afghanistan).

7 giờ, cánh cửa kêu lên ken két nhưng kẻ bước vào lại là Dhuxul. Đưa cho Moore chiếc điện thoại vệ tinh và khi vừa cầm lên, anh đã nghe giọng nói miền Nam với những âm sắc khá nặng của nhà đàm phán: "Bạn có khỏe không?”.

Moore chỉ mới kịp trả lời: "Vâng, tôi khỏe" thì Dhuxul đã giật lại điện thoại. Moore kể: "Tôi có cảm tưởng như cuộc gọi ấy nhằm xác định là tôi vẫn còn sống".

Đến trưa, lúc Moore đang ở trong nhà vệ sinh thì anh nghe tiếng xe hơi chạy vào sân. Giây lát, có tiếng báng súng đập lên cánh cửa và tiếng gọi lớn: "Michael, ra ngay". Lúc ấy, anh chỉ nghĩ rằng mình lại bị chuyển đến một nơi nào đó nữa.

Moore bước ra, nheo mắt một lát để quen với ánh sáng chói chang. Anh thấy một chiếc Land Rover, bên cạnh là 3 gã đàn ông Somalia mà anh chưa từng gặp lần nào. Một gã trong bọn xách chiếc túi bằng nhựa trong suốt, đựng đầy những tờ 100USD, bó thành từng bó. Gã nói: "Anh được tự do".

Tim Moore thắt lại. Anh đã nghe câu này nhiều lần suốt gần 3 năm tù đày. Nó là trò đùa của bọn cướp biển nhưng là sự tra tấn tinh thần khủng khiếp nhất đối với anh, khiến anh như con cá trong vũng lầy, cố vùng vẫy mà chẳng thoát được. Hình như nhận ra điều đó, gã cầm túi tiền nói tiếp: "Anh lấy quần áo đi. Chúng tôi đưa anh ra sân bay".

Quần áo của Moore chỉ là 2 bộ bẩn thỉu, rách nát và tấm chăn đắp hôi hám. Xe chuyển bánh, một gã lấy ra chiếc điện thoại vệ tinh, bấm phím rồi đưa cho Moore. Anh kể: "Tôi vẫn nghĩ là nhà đàm phán nhưng thật bất ngờ: Đó là mẹ tôi. Bà hỏi: "Moore, con đang ở đâu?". Moore đáp: "Con không biết. Con đang trên xe".

Giọng nói tiếp theo là của nhà đàm phán. Ông cho Moore biết anh sẽ được đưa đến một khách sạn để tắm rửa và mua mấy bộ quần áo rồi ra sân bay: "Phi công lái máy bay tên là Derek. Anh ấy đang chờ anh".

Sân bay quốc tế Yusuf Abdullahi nằm ở phía đông bắc của thị trấn Galkacyo. Trên đường lăn, một chiếc máy bay nhỏ, loại một động cơ cánh quạt đã đỗ sẵn, máy vẫn đang nổ. Moore nhìn thấy một người đàn ông đeo kính đen, đứng cạnh đuôi máy bay. Lúc Moore từ trên xe bước xuống, ông ta chìa bàn tay ra: "Chào anh. Tôi là Derek. Chúng ta lên đường nhé. Tôi sẽ đưa anh đến Mogadishu rồi từ đó, anh sẽ theo một chiếc C.130 của Mỹ bay đi Nairobi, Kenya".

Moore cùng Derek bước vào khoang lái. Một người lính Somali đứng trên đường lăn yêu cầu máy bay dừng lại trong nửa giờ. Derek hỏi: "Để làm gì?". Người lính đáp: "Có vài nhà báo muốn chụp hình và phỏng vấn các anh".

Kéo cánh cửa kính lên, Moore hét lớn: "Không". Anh không còn muốn ở lại đất nước này thêm một giây nào nữa trong lúc Derek nói qua radio: "Tháp Yusuf. Đây là BA 170, chỉ có 2 người. Chúng tôi xin phép cất cánh".

Một phút trôi qua, tất cả vẫn im lặng. Derek lẩm bẩm: "Đôi khi họ vẫn không trả lời dù họ đồng ý".

Derek tăng ga, chiếc máy bay lướt nhanh trên đường băng. Đến lúc ấy mới nghe giọng nói của nhân viên kiểm soát trên tháp không lưu Yusuf: "BA 170. Đây là tháp Yusuf. Các anh được phép lên đường. Chúc thượng lộ bình an"…

Michael Scott Moore sinh năm 1969 tại Los Angeles, bang California, Mỹ. Năm 1991, ông tốt nghiệp cao học tại Đại học San Diego, bang California với luận văn về Văn học Đức. Sau đó ông chuyển đến Brelin, Đức, sinh sống và làm việc cho tờ Tạp chí Tấm gương. Những tác phẩm nổi tiếng của ông đã xuất bản gồm "Không có điều gì cả", "Vị ngọt của máu" cùng hàng trăm bài báo viết về nạn hải tặc ở Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương.

Cho đến nay, vẫn không rõ những người Mỹ và Đức đàm phán với nhóm cướp biển Somalia gồm những ai, cũng như số tiền chuộc Moore là bao nhiêu, do ai chi trả nhưng người ta ước lượng nó từ 1,6 đến 2 triệu USD.

2 ngày sau khi Moore được tự do, một số tờ báo ở Mogadishu, Somalia loan tin: Dhuxul, Ahmed Dirie cùng Ali Duulaay, những kẻ chủ mưu bắt cóc Moore trong khi chia tiền chuộc tại nhà Nuur Jareer - cũng là một trùm cướp biển - đã xảy ra mâu thuẫn.

Kết quả Ali Duulaay và Ahmed Dirie bị Dhuxul bắn chết nhưng trước đó, Ahmed Dirie đã kịp bắn bị thương Nuur Jareer. Được Dhuxul đưa đi cấp cứu nhưng mấy ngày sau, Nuur Jareer cũng chết vì vết thương quá nặng.

Cao Trí (theo History - Michael Scott Moore - Three years as a hostage)
.
.