Anh: Bùng nổ do thám nhờ luật RIPA

Thứ Năm, 05/01/2017, 15:30
Nước Anh đang "bùng nổ" hoạt động do thám của các cơ quan quyền lực nhà nước đối với công dân nước này nhờ Luật Quy định Quyền hạn điều tra (RIPA), được ban hành từ tháng 7-2016.

Tờ báo Anh The Guardian tiết lộ rằng, luật RIPA cho phép các hội đồng địa phương, từ hội đồng tỉnh đến thành phố, tiến hành 55.000 ngày do thám bí mật trong khoảng thời gian 5 năm. Các hình thức do thám bao gồm gián điệp bí mật nhắm vào đời tư của các cá nhân, bí mật theo dõi ngay cả những người dẫn chó đi dạo hay cho chim bồ câu ăn.

The Guardian dẫn nguồn tài liệu hạn chế lưu hành từ các cơ quan hành chính cho biết đã phát hiện 186 cơ quan công quyền, chiếm 2/3 trong tổng số 283 đơn vị - sử dụng quyền hạn từ luật RIPA để thu thập chứng cứ, thông tin giám sát bằng các hình thức do thám bí mật, thông qua thiết bị nghe lén, camera và cả thám tử tư.

Brian Paddick, nghị sĩ đảng Dân chủ Tự do (LibDem) phản đối sử dụng RIPA để do thám đại trà công dân Anh.

Một số ví dụ tiêu biểu như Hội đồng thị trấn Midlothian đã sử dụng quyền hạn từ luật RIPA để theo dõi những người dẫn chó đi dạo, hay như Hội đồng thị xã Allerdale thu thập chứng cứ để điều tra xem ai đã phạm tội "cho chim bồ câu ăn"(!?) Hội đồng thành phố Wolverhampton sử dụng công cụ do thám bí mật để kiểm tra việc buôn bán đồ chơi nguy hiểm và giám sát đồng hồ xe ôtô; Hội đồng thị trấn Slough do thám bí mật để hỗ trợ một cuộc điều tra một nông trại trồng cây anh túc; và Westminster do thám để kiểm soát việc bán pháo bông cho trẻ em. Trong khi đó, vào năm 2012, Hội đồng thành phố Lancaster sử dụng dự luật RIPA (khi đó mới được Hạ viện thông qua) để theo dõi việc thả chó phóng uế bậy ngoài phố.

Hầu như bất kỳ sinh hoạt nào trong cuộc sống hàng ngày của người dân Anh cũng đều bị theo dõi, giám sát. The Guardian kể một trường hợp, chính quyền quận Bromley, London, sử dụng một đơn vị thu sóng truyền hình CCTV di động để do thám 3 hộ gia đình vì cho rằng họ "quấy rầy, gây náo động và căng thẳng" do tổ chức tiệc tùng trong một khu bãi cỏ công cộng, sử dụng dàn âm thanh công suất lớn, ca hát, hò hét, đập phá đồ đạc và rồ máy xe môtô chạy vòng quanh khuôn viên.

Hội đồng địa phương cũng sử dụng luật RIPA để theo dõi sau khi một người dân than phiền ai đó đã vứt rác trong vườn nhà anh ta. Thế là Hội đồng địa phương này triển khai ngay một chiếc camera theo dõi bí mật để ghi hình kẻ "đổ trộm rác".

Cũng Hội đồng quận Bromley mới đây đã sử dụng luật RIPA để giám sát việc bán rượu có cồn, thuốc lá và pháo bông cho trẻ vị thành niên, cũng như canh chừng những kẻ đổ trộm rác ở các trung tâm tái chế rác. Hội đồng Quận Lincolnshire đã yêu cầu cấp phép do thám nhiều nhất, đến 4.000 ngày, trong một chiến dịch vào năm 2012 để ngăn chặn việc bán rượu có cồn và thuốc lá cho trẻ vị thành niên, đồng thời ngăn chặn việc làm giả và buôn bán nắp ca-pô xe ôtô tại các chợ trời.

Việc sử dụng luật tình báo RIPA để do thám dân chúng một cách tràn lan như hiện nay đang gây bức xúc không chỉ trong những người bị do thám mà cả những nghị sĩ vốn không đồng tình với việc trao quyền do thám một cách bừa bãi như thế.

Brian Paddick, nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ Tự do (LibDem) cho rằng, việc để cho các cơ quan công quyền địa phương sử dụng các biện pháp thu thập thông tin tình báo vốn chỉ dành cho các cơ quan an ninh, tình báo để chống khủng bố chỉ nhằm mục đích lặt vặt như chó phóng uế hay cho bồ câu ăn thì quả thực là kỳ cục. Việc do thám công chúng chỉ nên là giải pháp cuối cùng, cực chẳng đã mới sử dụng đến, dứt khoát không nên dùng một cách tràn lan trong công việc hàng ngày.

Các lãnh đạo chính quyền địa phương giải thích rằng, trên thực tế việc sử dụng các công cụ do thám bí mật theo sự cho phép của luật RIPA không gây ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống công cộng. Họ lập luận rằng, so với những tổn thất mà các nạn nhân của bọn tội phạm phải chịu thì những hoạt động do thám bí mật đó chỉ là "chuyện nhỏ", chẳng đáng lên án hay than phiền. Mark Keal, một ủy viên của Hội đồng Quận Lincolnshire cho biết: "Nếu không có các chứng cứ thu thập được thông qua các phương tiện, biện pháp do thám bí mật này, e rằng sẽ rất khó khăn để buộc tội những kẻ có hành vi lén lút."

Một phát ngôn viên của các cơ quan công quyền nói rằng, kể từ sau những vụ việc theo dõi, giám sát đó, luật RIPA đã có nhiều thay đổi và ngày nay RIPA chỉ có thể được sử dụng nếu có hành động nghi là phạm tội. Việc cho phép sử dụng 55.000 ngày do thám bộc lộ một điều rằng các cơ quan công quyền hiện đang có rất nhiều hoạt động do thám bí mật. Bộ Nội vụ Anh khẳng định, việc cấp phép do thám phải được tiến hành theo một quy trình thủ tục rất khắt khe.

Quyền hạn của RIPA là một công cụ rất quan trọng để các cơ quan chính quyền địa phương xử lý các vấn đề hàng ngày gây tác động đến cuộc sống của nhiều người. Trong luật đã nêu rõ các cơ quan chính quyền chỉ sử dụng các quyền hạn khi thật sự thích hợp và cần thiết.

Để hạn chế việc lạm dụng quyền hạn từ luật RIPA, Nghị sĩ Paddick cho biết một đạo luật mới vừa được Quốc hội thông qua, tên là Luật Quyền hạn điều tra (IPA), là một phiên bản sửa đổi của RIPA, trong đó có những quy định mới nhằm hạn chế bớt những trường hợp lạm dụng luật để do thám những việc vặt vãnh không cần thiết. Việc sử dụng các quyền hạn này sẽ chịu sự giám sát của một Ủy  viên Giám sát Quyền lực điều tra.

Tuy nhiên, hơn cả luật cũ RIPA, bên cạnh những quy định cho phép các cơ quan công quyền địa phương do thám, luật mới IPA còn cho phép thêm những cơ quan khác như quản lý an toàn thực phẩm, quản lý dược,… do thám đại trà công chúng!

An Tôn (theo The Guardian)
.
.