Trung tâm nghiên cứu quân sự tuyệt mật Porton Down
Các nhà khoa học ở Porton Down nằm trong số những chuyên gia quân sự đầu tiên trên thế giới tạo ra những vũ khí sinh học và hóa học nguy hiểm chết người. Ngày nay, mục tiêu hàng đầu của họ là hỗ trợ quân đội, đồng thời tham gia cuộc chiến chống khủng bố.
Một trung tâm nguy hiểm ra đời để chống lại người Đức
Hồi tháng 3-1988, có ít nhất 5.000 người Kurd - bao gồm cả phụ nữ và trẻ em - bị giết chết và khoảng 10.000 người khác bị thương tại thị trấn Halahbja trong vùng người Kurd ở miền bắc Iraq sau khi quân đội của tổng thống Saddam Hussein tấn công bằng khí sarin và mù tạt từ trên không.
Quân đội Hussein cũng từng sử dụng sarin trong cuộc chiến tranh Iran - Iraq. Gần đây hơn, có bằng chứng (do các nhà khoa học Porton Down thu thập) cho thấy khí độc sarin được sử dụng để chống lại dân thường ở Syria. Porton Down hiện nay - cũng được gọi là Phòng thí nghiệm Công nghệ và Khoa học Quốc phòng - có ngân sách 500 triệu bảng Anh/năm và sử dụng hơn 3.000 nhà khoa học.
Nhà khoa học Michael Mosley với 2 mặt nạ phòng hơi độc đầu tiên ở Porton Down. |
Trung tâm Porton Down, đặt tại một vùng quê yên tĩnh có phần thơ mộng của nước Anh. Được thành lập cách đây 100 năm nhằm phản ứng lại những cuộc tấn công bằng khí độc chlorine của quân đội Đức năm 1951 trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Khi người lính hít phải chlorine, khí độc phản ứng với nước trong phổi sinh ra hydrochloric acid, gây ngạt thở và tử vong; nhưng điều kinh khủng nhất là sự tàn phá đau đớn bên trong cơ thể. Lúc đó, Bộ trưởng Chiến tranh Anh, Lord Kitchener quyết định nhanh chóng thành lập một phòng thí nghiệm vũ khí hóa học bí mật để đáp trả lại quân đội Đức.
Ban đầu, phòng thí nghiệm được gọi là Cơ sở Nghiên cứu thí nghiệm đặt tại Porton. Các nhà khoa học ở Porton mau chóng vào cuộc phát triển và thử nghiệm những vũ khí hóa học mới tại trung tâm rộng gần 3.000 hecta. Họ sản xuất những chiếc hộp chứa đầy khí độc được phóng thích bằng thiết bị hẹn giờ và người lính Anh tương đối an toàn với điều kiện gió không đổi chiều.
Một kỹ thuật viên ở Porton Down, tháng 10-1968. |
Các nhà khoa học ở Porton cũng chế tạo những viên đạn chứa khí độc để bắn vào mục tiêu. Kết quả của cuộc chiến tranh khí độc là hàng trăm ngàn binh lính và cả dân thường bị giết chết. Đó là lý do mà Chiến tranh thế giới lần thứ nhất cũng được gọi là "cuộc chiến tranh của nhà hóa học".
Kinh hoàng trước những gì đã xảy ra, các cường quốc trên thế giới ngồi lại với nhau để ký kết Nghị định thư Geneva vào năm 1925 trong đó ngăn cấm sử dụng vũ khí hóa học. Trong thời Chiến tranh lạnh vào thập niên 1950, các nhà khoa học ở Porton Down phát triển 2 loại tác nhân hóa học mới. Thứ nhất là khí CS (cũng được gọi là hơi cay) không gây chết người và được sử dụng để kiểm soát các đám đông tại nhiều nơi trên thế giới. Khí CS không nguy hiểm nhưng khí độc thứ 2 chắc chắn gây chết người - đó là tác nhân thần kinh Venomous Agent X hay VX.
Cũng giống như các tác nhân thần kinh khác như là khí sarin (được người Đức phát triển đầu tiên trong thập niên 1930), VX nhanh chóng gây co giật, liệt và cuối cùng là cái chết đau đớn cho nạn nhân.
Mạng người rẻ như bèo
Những binh lính và quân nhân Anh không ý thức được mức độ nguy hiểm nên tự nguyện tham gia hàng loạt những cuộc thí nghiệm tại Porton Down với hy vọng kiếm thêm tiền. Họ không ngờ bị thử nghiệm với khí độc sarin, bệnh than (anthrax) và thậm chí Cái chết Đen (bệnh dịch hạch).
Nạn nhân Ronald Maddison. |
Mặc dù bị chính quyền biến thành "vật thí nghiệm", song 21.000 quân nhân Anh trong 50 năm, từ năm 1939 đến 1989 chỉ được trả một số tiền ít ỏi, một ngày nghỉ phép hay thậm chí chỉ một vé tháng đi xe buýt miễn phí! Cuối cùng đến năm 2008, chính quyền Anh mới chính thức xin lỗi các nạn nhân và trả tiền bồi thường cho 670 người.
Nhà sử học Ulf Schmidt - chuyên gia hàng đầu về lịch sử hiện đại tại Đại học Kent (Anh) - tiết lộ sự thật ghê tởm về những cuộc thí nghiệm ở Porton Down cùng với những hậu quả đối với nạn nhân trong cuốn sách xuất bản năm 2015: "Khoa học bí mật: Một thế kỷ chiến tranh khí độc và Những cuộc thí nghiệm nơi con người".
Bên trong một phòng thí nghiệm ở Porton Down. |
Theo cuốn sách của Ulf Schmidt, kỹ sư Không quân Hoàng gia Anh (RAF) Ronald Maddison chỉ mới 20 tuổi khi ký tên chấp nhận tham gia một trong hàng trăm cuộc thí nghiệm ở Porton Down vào tháng 5-1953. Sau khi bảo đảm không nguy hiểm đến tính mạng, Maddison được dẫn vào phòng gas cùng với 5 đối tượng tình nguyện khác. Họ được cho khoác vào người chiếc áo rộng thùng thình, đội nón len và mặt nạ phòng hơi độc. Các nhà khoa học nhỏ 12 giọt chất lỏng gì đó vào 2 lớp vải được gắn bên trong phần cẳng tay. Chỉ vài giờ sau đó, người tình nguyện vô phúc Maddison đã chết vì bị hít sarin - tác nhân thần kinh cực độc mà hiện nay Liên Hiệp Quốc (LHQ) xếp vào loại vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD).
Tài xế lái xe cấp cứu Alfred Thornhill, chỉ mới 19 tuổi lúc đó, kể lại với tư cách nhân chứng về cái chết thê thảm của kỹ sư không quân Ronald Madison trong một cuộc điều tra sau này: "Trước đây, tôi chưa bao giờ chứng kiến bất cứ cái chết nào khủng khiếp như thế. Anh ta như bị điện giật, toàn thân co rúm lại, từ miệng anh ta trào thứ gì đó gớm ghiếc trông như là trứng ếch. Tôi nhìn thấy chân anh ta nâng lên trên chiếc giường và da bắt đầu chuyển sang xanh tái".
Tham gia cuộc thí nghiệm dẫn đến tử vong, Maddison chỉ được trả 15 shilling cùng với 3 ngày nghỉ phép. Maddison dự tính sẽ sử dụng số tiền này để mua nhẫn đính hôn cho bạn gái. Cuối cùng, chính quyền Anh đồng ý mở một cuộc điều tra về cái chết của Maddison vào nửa thế kỷ sau khi xảy ra sự cố. Năm 2004, cuộc điều tra kết luận Maddison "bị giết chết một cách bất hợp pháp" bởi chính quyền Anh, và 2 năm sau đó gia đình nạn nhân nhận được khoản tiền bồi thường nhân mạng là 100.000 bảng Anh.
Những người tình nguyện tham gia thí nghiệm ở Porton Down. |
Trong một thí nghiệm thực hiện vào tháng 3-1943, 6 quân nhân tiếp xúc với khí nitrogen trong vòng 1 giờ/ngày và kéo dài trong 5 ngày liên tục. Cuối cùng, tất cả 6 người này buộc phải rời khỏi cuộc thí nghiệm do bị những vết bỏng hóa chất nơi vùng dưới cánh tay, hạ bộ và da đầu. Sau này, binh sĩ 20 tuổi Harry Hogg - một người trong nhóm tham gia thí nghiệm hơi độc cũng kể lại trải nghiệm khủng khiếp của mình.
Tuy nhiên, một báo cáo năm 1944 của Porton Down vẫn nhấn mạnh rằng, phần lớn những người tham gia thí nghiệm vẫn an toàn. Tháng 2-1995, chính khách Công đảng Anh Rachel Squire yêu cầu Bộ Quốc phòng mở cuộc điều tra về trường hợp của Harry Hogg nhưng ban lãnh đạo Porton Down cố phủ nhận việc binh sĩ này có tham gia thí nghiệm. Phi công Richard Skinner, 19 tuổi, đến Porton Down vào giữa năm 1972 tình nguyện thí nghiệm với chất gì đó mà anh mô tả là "liều gây tê nhẹ".
Thực ra, Skinner được tiêm loại thuốc mới gọi là T3436 được thiết kế nhằm làm vô hiệu hóa hoạt động não bộ. Ngày nay, Skinner khẳng định cuộc thí nghiệm biến đổi tâm trí về cơ bản đã làm thay đổi hẳn tính cách của anh. Đó là chưa kể hàng ngàn quân nhân Anh bị đưa vào những phòng được bơm hơi độc chết người trong một loạt những cuộc thí nghiệm tại Porton Down để test trang phục bảo vệ.
Bệnh than cũng được thí nghiệm tại Porton Down cùng với những loại bệnh lây truyền qua đường tình dục khác và bệnh dịch hạch với mục đích điều tra về hậu quả của chiến tranh sinh học. Các nhà khoa học Porton Down triển khai Chiến dịch Cauldron vào năm 1952 để thí nghiệm sử dụng bệnh dịch hạch làm vũ khí. Cuộc thí nghiệm diễn trên ra trên chiếc tàu hải quân HMS Ben Lomond.
Trung tâm Porton Down hiện nay. |
Nhưng một sự cố đã xảy ra khi mầm bệnh lan sang một chiếc tàu đánh cá - với 18 người có mặt trên đó - nằm trong khu vực thí nghiệm. Thay vì cảnh báo 18 ngư dân phải chữa bệnh, các nhà khoa học nhận được lệnh từ cấp trên chỉ âm thầm theo dõi chiếc tàu trên hành trình đến Iceland để… giám sát những gì sẽ diễn ra sau đó!
Thật không tin nổi là tàu đánh cá neo đậu vài hôm ở Blackpool, miền bắc nước Anh mà các nhà khoa học không hề quan tâm đến sự an toàn của mọi người dân xung quanh. Nếu bất cứ ngư dân nào ngã bệnh, các nhà khoa học được ra lệnh phải chẩn đoán là bị viêm phổi. Thật may mắn, không một ngư dân nào hay người dân được báo cáo mắc bệnh. Sau đó, ban lãnh đạo Porton Down ra lệnh cho nhóm nhà khoa học liên quan đến Chiến dịch Cauldron đốt sạch mọi biên bản giao tiếp của họ.
Hàng ngàn người dân London cũng rơi vào nguy cơ từ cuộc thí nghiệm bí mật của Porton Down. Ngày 26-7-1963, một virus độc hại được các nhà khoa học "thả" vào mạng lưới tàu điện ngầm London. Virus Bacillus globigii (BG) sau đó được chứng minh là gây nhiễm độc cho thực phẩm, nhiễm trùng mắt và thậm chí tử vong do nhiễm trùng máu. Tuy nhiên, không một người dân đi tàu điện ngầm nào được cảnh báo hay được tiếp xúc sau đó bởi vì giới chức chính quyền Anh quyết định rằng để duy trì an ninh quốc gia thì cuộc thí nghiệm như thế cần được giữ trong bí mật tuyệt đối.