Betty Pack - Người đàn bà không thể cưỡng lại của MI-6

Thứ Sáu, 06/05/2016, 21:05
Nàng giấu tài liệu mật trong áo ngực, không bao giờ mặc quần lót và mồi chài biết bao đàn ông để giúp nước Anh giành chiến thắng thời chiến. Nàng là Betty Pack - người mà gần như không người đàn ông nào còn sống có thể kháng cự nổi sức quyến rũ.


Vấp ngã đầu đời

Betty Pack dùng tài năng và sắc đẹp của mình để phục vụ nước Anh. Không một bí mật nào mà nàng không thể lấy được từ những người đàn ông nằm bất lực trong vòng tay nàng. Câu chuyện về nữ điệp viên Anh Betty Pack ít người biết tới đã được kể lại trong cuốn tiểu sử mới mang tựa đề The Last Goodnight (Lời chúc ngủ ngon cuối cùng) của tác giả Howard Blum.

Trong bài viết về Betty khi nữ điệp viên này qua đời năm 1963, tạp chí Time đã có những dòng đầy ngưỡng mộ khi nói về cách nàng "sử dụng phòng ngủ như điệp viên Bond dùng khẩu Beretta". Một đồng nghiệp trong cơ quan tình báo Anh MI-6 mô tả Betty có khả năng "khóa" một người đàn ông bằng "ánh mắt xanh như ngọc và nụ cười tỏa sáng".

Vẻ quyến rũ của Betty khiến nàng moi được vô số bí mật từ đàn ông.

Người này nói: "Làm cho một người đàn ông cảm thấy anh ta là toàn bộ vũ trụ của nàng là một mẹo cũ rích của đàn bà nhưng nàng đã nâng nó lên không biết cấp độ thứ mấy nữa". Gặp lại Betty ở độ tuổi 50 sau gần 20 năm chiến tranh kết thúc, đồng nghiệp nam nói trên vẫn thấy sức quyến rũ mạnh mẽ của nàng không hề biến mất.

Là con gái của một sĩ quan thuộc lực lượng lính thủy đánh bộ của Mỹ, sinh ra ở bang Minnesota, Betty có tên khai sinh là Amy Elizabeth Thorpe. Nàng được nuôi nấng trong xã hội thượng lưu ở Washington DC. Betty được nuôi dạy tử tế, phong thái đĩnh đạc và rất thông minh. Nàng có một dáng vẻ cao ráo, mảnh dẻ, không tì vết, tóc vàng nâu và một sắc đẹp mê đắm.

Năm 1930, Betty đột ngột có thai khi mới 19 tuổi và nàng không biết ai là cha đứa bé. Để thoát vụ bê bối chửa hoang, Betty kết hôn với Arthur Pack, một nhà ngoại giao người Anh bảo thủ, gấp đôi tuổi nàng. Cuộc hôn nhân của họ thất bại ngay từ khi bắt đầu, đặc biệt là sau khi Arthur thuyết phục nàng trao con trai Tony cho cha mẹ nuôi sau khi bé chào đời ở London. Điều đáng buồn là cha mẹ nuôi không bao giờ đưa Tony quay về. Cậu bé chết trong chiến tranh Triều Tiên.

Bước chân vào làng tình báo

Rồi Betty trở thành một công dân Anh. Với tư cách là phu nhân một nhà ngoại giao, nàng đột nhiên thấy nước Anh thỏa mãn khao khát máu phiêu lưu trong con người nàng, cả về chính trị và tình ái. Trong số những người tình của nàng có một nhà báo người Anh. Người này đã giới thiệu nàng với ông trùm báo chí Lord Beaverbrook. Sau đó, ông này đã nhắc tới tên nàng với bạn bè trong giới tình báo Anh. Họ nhất trí với nhau rằng Betty có sự kết hợp hoàn hảo của sắc đẹp, trí tuệ và tính cách để trở thành một điệp viên rất hữu dụng.

Gia đình nhà ngoại giao Pack chuyển tới Đại sứ quán Anh ở Madrid (Tây Ban Nha) đúng lúc nội chiến Tây Ban Nha nổ ra. Với lòng dũng cảm và khả năng vô tận, Betty đã điều phối cuộc sơ tán toàn bộ nhân viên đại sứ quán ở Madrid, đưa họ tới cảng San Sebastian và rời đi bằng tàu khu trục.

Các lãnh đạo MI-6 đặc biệt ấn tượng khi Betty một mình vào thành phố Madrid hỗn loạn bởi chiến tranh, thuyết phục Bộ trưởng Ngoại giao Tây Ban Nha cho mình gặp người tình Tây Ban Nha bị chính quyền Cộng hòa giam giữ. Năm 1938, gia đình Pack lại chuyển tới Ba Lan vào đúng thời điểm đất nước này trở thành mục tiêu của Hitler. MI6 đã bí mật sắp xếp cho chồng Betty làm việc ở Ba Lan để nàng có cơ hội thể hiện tài năng kỳ diệu của mình với giới đàn ông ở Warsaw.

Nàng đã không làm MI6 thất vọng. Nàng trở nên thích giao du hơn bao giờ hết và nhanh chóng kết bạn với giới trí thức trẻ Ba Lan ưa cuộc sống gấp gáp. Một trong số đó là một quan chức ngoại giao Ba Lan - người đã nhanh chóng trở thành người tình của nàng. Những cuộc hẹn hò của cặp đôi trên chiếc đi-văng trong căn hộ của vị quan chức ngoại giao nói trên đã cho ra những kết quả mà giới chức Anh mong đợi. Betty biết rằng người Ba Lan đang bí mật thông đồng với kế hoạch của phát xít Đức để thâu tóm Tiệp Khắc.

Betty đã chuyển thông tin này cho đại diện của MI6 tại Đại sứ quán Anh tại Warsaw trong một trận chơi golf. Tại đây, đại diện này đã chính thức tuyển dụng Betty vào tổ chức tình báo Anh. Với 20 bảng Anh mỗi tháng được cấp theo dạng "ngân sách giải trí", Betty được khuyến khích tiếp tục mồi chài vị quan chức Ba Lan để moi thêm thông tin.

Mùa xuân tới, cặp đôi nằm dài trên chiếc chăn trải trên bờ sông Vistula cỏ xanh rì cùng với chai vodka mát lạnh. Về sau Betty kể lại: "Cuộc gặp của chúng tôi rất hiệu quả. Tôi để cho anh ta ân ái khi nào anh ta thích vì điều này đảm bảo thông tin chính trị tôi cần sẽ được anh ta tuôn ra đều đặn".

"Bẫy" mỹ nhân

Trong khi đó, MI-6 rõ ràng không màng tới việc Betty là phu nhân của một quan chức ngoại giao Anh. Họ tiếp tục khuyến khích nàng bắt con cá to hơn bằng thứ mà họ gọi là "cái bẫy đường mật". Nàng ong chúa không cần ai khuyến khích khi mà chồng nàng đang dưỡng bệnh ở Anh do bị đột qụy.   Nàng được lệnh nhắm tới Bá tước Michael Lubienski - trợ lý chính của Ngoại trưởng Ba Lan Jozef Beck.

Betty đã thuyết phục đại sứ Mỹ xếp bá tước này ngồi cạnh nàng trong một bữa tiệc tối. Vị bá tước ngay lập tức tan chảy trước sự quyến rũ của Betty. Ngay ngày hôm sau, anh chàng đã gửi cho Betty một bó hoa hồng rực rỡ. Chàng bá tước đẹp trai đã có vợ tuôn cho Betty mọi thứ mỗi lúc họ gần nhau, kể cả cuộc đàm phán bí mật giữa Ngoại trưởng Ba Lan và Hitler để ngăn chặn chiến tranh.

Ngay khi người tình rời đi, Betty lao vội ra máy đánh chữ và gõ mọi thứ anh ta vừa nói với nàng. Thư mật của Betty được gửi về London theo đường ngoại giao hai lần một tuần. Tác giả Blum viết: "Quy tắc của bẫy là mơn trớn nhưng không bao giờ thô bạo. Khi mục tiêu trở lại giường, bạn sẽ có cơ hội thứ hai. Và những người đàn ông của Betty lúc nào cũng nóng lòng quay trở lại. Và cứ trở lại mãi".

Nhờ nàng, nước Anh đã có lợi thế lớn thời chiến.

Nước Anh gặp may vì những người tình của Betty luôn muốn tìm đến với nàng. Các sử gia thường tranh luận về đóng góp cụ thể của từng điệp viên trong những năm này và Betty cũng không phải ngoại lệ. Tuy nhiên, theo ông William Stephenson, giám đốc tình báo chiến tranh thời Thủ tướng Winston Churchill và chính là người tạo cảm hứng cho tác giả Ian Fleming sáng tạo ra nhân vật James Bond, đã công nhận rằng Betty đã cung cấp thông tin vô giá về cỗ máy mật mã Enigma nổi tiếng của Đức.

Từ bá tước si tình của mình, Betty đã phát hiện ra rằng các nhà toán học Ba Lan làm việc từ một căn cứ ngầm bí mật đã bẻ khóa được Enigma từ lâu trước khi xảy ra chiến tranh. Nàng cũng có thể truyền một lượng lớn thông tin hữu ích về cách sử dụng máy mật mã này.

Betty thậm chí còn dụ dỗ được người tình cho mình đi cùng tới Berlin sau khi anh chàng được cử tới đây để đại diện cho Ba Lan tại đại hội đảng của Hitler năm 1938. Lúc đầu, Lubienski còn ngần ngại vì xét cho cùng Betty là vợ một nhà ngoại giao Anh. Tuy nhiên, để đánh bay sự ngần ngại đó, Betty chỉ cần nhắc người tình về cảm giác thỏa mãn họ sẽ có trên toa tàu ban đêm và để mặc cho trí tưởng tượng của Lubienski làm nốt việc còn lại.

Sau đó, MI-6 đã cử Betty tới Prague (Tiệp Khắc cũ) để nàng và một đồng nghiệp đột nhập vào tổng hành dinh của một lãnh đạo ủng hộ phát xít và đánh cắp giấy tờ về kế hoạch chiếm Trung Âu của người Đức. Betty đã mang tài liệu về Warsaw bằng cách giấu trong áo lót.

Vỏ bọc mới

Khi chiến sự nổ ra, Betty và chồng đã rời Warsaw trong sự tức giận của các gia đình nhân viên đại sứ quán vốn không chịu nổi thói lang chạ của nàng. Tất nhiên, không ai biết nàng là một gián điệp. Lubienski rất chán nản khi hay tin Betty rời đi nhưng Betty đã nói thẳng: "Em không thích những trái tim tan vỡ. Em không mủi lòng chút nào".

Sợ rằng cuộc hôn nhân vụ lợi của Betty sớm kết thúc và nàng sẽ không còn có thể che giấu thân phận trong cái vỏ một phu nhân nhà ngoại giao, MI6 đã bố trí cho vợ chồng nàng tới Chile trong lúc tìm cách tạo danh tính mới cho nàng. Tại nơi ở mới, bà Pack cũng bị xa lánh sau khi vợ một nhà ngoại giao tình cờ nhìn vào phòng thay đồ và phát hiện ra nàng không thèm mặc quần lót.

Điểm đến tiếp theo mà MI-6 giao cho Betty là Washington DC. Betty tới đây vào cuối năm 1940 mà không có chồng đi cùng. Lúc này, vỏ bọc của nàng là vai một nhà báo với mật danh Cynthia. Nhiệm vụ của nàng rất cấp bách vì Anh đang tham chiến, còn Mỹ vẫn trung lập. Ở đây, nàng trở thành người tình của một loạt quan chức ngoại giao đã có vợ.

Đối với nàng, các đối tượng càng thân cận với kẻ thù của Anh càng tốt. Người Mỹ có tư tưởng chống Anh cũng không an toàn trước nàng. Sau khi gặp Betty tại một bữa tiệc cocktail, một thượng nghị sĩ Cộng hòa quyền lực đã bất ngờ thay đổi từ chỗ phản đối giúp Anh tới chỗ ủng hộ nhiệt thành.

Mục tiêu tiếp theo của Betty dễ dàng hơn khi đó là một người từng ngưỡng mộ nàng thời còn bé: Alberto Lais, cựu giám đốc tình báo Italy, là một đô đốc và tùy viên hải quân tại Đại sứ quán Italy. Lais có một bản sao mật mã của hải quân Italy mà người Anh khao khát có. Lais bản thân cũng là một gián điệp chuyên nghiệp nhưng đã nhanh chóng bị cuốn vào mạng nhện của Betty. Khi ở trên giường, anh ta vuốt ve cơ thể của Betty hàng giờ liền.

Sau một tối đặc biệt lãng mạn, Betty đã hỏi xin mật mã, nói rằng để cho một người bạn trong tình báo hải quân Mỹ. Lais chỉ tiết lộ tên viên thư ký trong văn phòng mật mã. Phát hiện ra viên thư ký này là mẫu người khổ hạnh, khó quyến rũ, Betty đã hối lộ anh ta tiền và lấy được mật mã. Hải quân Hoàng gia Anh sau đó đã đè bẹp quân Italy trong trận Cape Matapan.

Chính quyền Vichy Pháp (đối lập với chính quyền Cộng hòa Pháp) là một đồng minh nữa của Đức quốc xã và là cơ hội để Betty thực hiện hành động ngoạn mục nhất. Theo chỉ thị xâm nhập Đại sứ quán Vichy ở Washington từ Thủ tướng Churchill, Betty quen biết tùy viên báo chí Charles Brousse khi đóng giả làm nhà báo.

Không cần phải nói cũng biết họ kết thúc cuộc gặp đầu tiên ở trên giường. Brousse là một nạn nhân đặc biệt của Betty vì nàng thực sự yêu anh ta. Do đó, nàng có thể nhanh chóng thuyết phục anh này trao cho bí mật của chính quyền Vichy. Những bí mật này cho thấy chính quyền Vichy cũng đang tìm kiếm các thông tin về tàu chiến Anh ở các cảng Mỹ để chuyển cho Đức quốc xã, nhằm giúp tàu ngầm Đức đánh úp tàu chiến Anh ở Đại Tây Dương.

Tháng 3/1942, chồng Betty được biết chính phủ Anh rất muốn có thêm mật mã hải quân của chính quyền Vichy. Brousse cảnh báo mật mã này được giấu trong một "thành trì" ở đại sứ quán và cùng Betty lập một kế hoạch thiên tài với tình báo Anh. Brousse đã thuyết phục người gác ca đêm của đại sứ quán để mình vào văn phòng ban đêm vì cần một chốn riêng tư với Betty.

Sau vài đêm mặn nồng trong văn phòng, cặp đôi đánh thuốc mê người gác đại sứ quán và thuê một tên trộm chuyên nghiệp vào phá khóa két an toàn chứa mật mã. Tuy nhiên, khi hắn ta bẻ được khóa két thì trời đã quá tối nên người của MI6 nấp trong bụi cây bên ngoài không thể chụp ảnh hết nhiều trang mật mã. Họ đành phải trả mật mã vào két.

Do đó, họ phải trở lại một đêm khác nhưng không dám đánh thuốc người bảo vệ một lần nữa. Họ đành chờ ông ta ngủ mới hành động. Khi thấy có vẻ như bị người bảo vệ nghi ngờ, Betty đột ngột cởi phăng quần áo và đẩy người tình lên ghế sofa. Người bảo vệ bước vào nhìn thấy cảnh đó đành lắp bắp: "Xin bà ngàn lần thứ lỗi". Và ông ta không làm phiền họ lần nào nữa. Mật mã được sao chép thành công và có tác dụng lớn khi quân Đồng minh đổ bộ vào Bắc Phi cuối năm đó.

Betty tới London, đề nghị được cử đi làm sát thủ ở châu Âu đang bị Đức quốc xã chiếm đóng. Ý định này đã được tình báo Anh cân nhắc nghiêm túc cho đến khi thân phận của Betty bị bại lộ ở Washington. Sau khi chồng chết năm 1945, Betty kết hôn với Brousse và họ sống trong một lâu đài ở Pháp. Betty chết vì ung thư vòm họng năm 1963.

Betty không bao giờ phí thời gian cho những người hoài nghi về phương pháp mỹ nhân kế của nàng. Khi được hỏi về việc này, nàng trả lời: "Không một chút, cấp trên nói rằng kết quả công việc của tôi đã cứu mạng hàng nghìn người Anh và Mỹ… Không thể thắng cuộc chiến bằng các phương pháp được kính trọng".

Minh Nhật (tổng hợp)
.
.