Boko Haram và những vụ bắt cóc tàn bạo

Thứ Ba, 30/03/2021, 14:50
Ngày 15-3-2021, một lần nữa tổ chức khủng bố Boko Haram lại tiến hành bắt cóc nhiều học sinh, phần lớn ở độ tuổi từ 6 đến 11 thuộc trường tiểu học LEA, làng Rema, vùng Birnin Gwari, Nigeria. Trước đó, ngày 26-2-2021, Boko Haram cũng đã bắt cóc 317 nữ sinh tại Trường Trung học Khoa học ở thị trấn Jangebe, bang Zamfara, Tây Bắc Nigeria.

Đây không phải là lần đầu tiên Boko Haram hoạt động theo cách này mà từ 2013, đã có hàng trăm học sinh trở thành con tin trong tay bọn khủng bố và hàng nghìn người khác bị giết chết…

Boko Haram là gì

Là chữ viết tắt của “Tổ chức Nhà nước Hồi giáo Tây Phi”, Boko Haram ra đời năm 2002 do Mohammed Yusuf sáng lập rồi được lãnh đạo bởi Abubakar Shekau từ năm 2009. Đây là nhóm Hồi giáo cực đoan có căn cứ ở Nigeria cùng các chi nhánh ở Cộng hòa Chad, Niger và một phần phía bắc Cameroon. Bên cạnh đó, Boko Haram còn có sự liên kết với Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Chủ trương của Boko Haram là chống lại nền giáo dục phương Tây nên cũng dễ hiểu vì sao mục tiêu tấn công của họ phần lớn là các trường học, chưa kể Abubakar Shekau vẫn đang manh nha thành lập Nhà nước Hồi giáo Caliphate ở Nigeria theo mô hình của IS ở Raqqa, Syria. Theo Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc, Boko Haram là tác giả của những vụ giết hại hàng chục nghìn người, khiến 2,5 triệu dân Tây Phi phải bỏ nhà đi lánh nạn còn Liên Hợp Quốc xếp Boko Haram vào một trong những nhóm khủng bố giết người nhiều nhất thế giới.

Vụ khủng bố đầu tiên của Boko Haram được ghi nhận ngày 6-7-2013. Các tay súng của tổ chức này đã tấn công trường Trung học chính phủ ở Mamudo, bang Yobe, giết chết 42 người. Hầu hết những người thiệt mạng là học sinh cùng một số nhân viên của trường. Đến ngày 29-9-2013, cũng nhóm Boko Haram đột nhập ký túc xá nam sinh thuộc Trường Cao đẳng nông nghiệp Gujba, bang Yobe, giết chết 44 sinh viên và thầy giáo. Gần 1 năm sau, rạng sáng ngày 15-4-2014, nhiều tay súng bất ngờ xông vào Trường nữ trung học Chibok ở thị trấn Chibok, bang Brono, Nigeria, bắt 276 nữ sinh lên những chiếc xe tải đã chờ sẵn rồi biến mất trong những cánh rừng nhiệt đới. Trên đường đi, lợi dụng sự sơ hở của lính canh, 57 nữ sinh nhảy xuống trốn thoát.

Một video do Boko Haram phát hành cho thấy nhiều nữ sinh bị bắt vẫn còn sống.

Sau gần 2 năm bị bắt, tháng 5-2016, nữ sinh Amina Ali được quân đội Nigeria tìm thấy khi cô trốn khỏi trại giam. Theo Amina, trong số những người bị bắt, có 6 người chết vì bệnh tật và suy kiệt. Đến tháng 10-2016, 21 cô gái được trả tự do rồi tháng 5-2017, lại có thêm 82 người nữa được thả. Xuất hiện tại một hội nghị về nhân quyền, những nữ sinh này kể lại chuyện họ bị buộc phải cải sang đạo Hồi, thường xuyên bị cưỡng hiếp rồi bị bán làm nô lệ tình dục cho những tay súng Boko Haram với giá mỗi người là 6 USD. Một số khác bị bán sang các quốc gia láng giềng là Cameroon và Chad. Nhiều nguồn tin ẩn danh cho biết người nhà của nạn nhân đã nộp tiền chuộc cho Boko Haram để con em họ được phóng thích. Quân đội Nigeria xác nhận 4 tiếng trước khi Boko Haram tiến hành vụ bắt cóc, họ đã nhận được tin mật báo nhưng họ giải thích rằng các lực lượng vũ trang đang phải triển khai ở nhiều vùng khác nhau nên không thể nhanh chóng huy động đến Chibok kịp thời. Người phát ngôn của Boko Haram tuyên bố những cuộc tấn công sẽ vẫn tiếp tục nếu chính phủ Nigeria không chấm dứt mọi hành động can thiệp vào nền giáo dục Hồi giáo theo mô hình IS!

Phản ứng của quân đội Nigeria

Ngay sau khi vụ tấn công khủng bố đầu tiên xảy ra ngày 6-7-2013 tại Trường Trung học Mamudo, bang Yobe, quân đội Nigeria đã cắt toàn bộ mạng lưới điện thoại di động ở 3 bang vùng đông bắc nhằm làm gián đoạn sự liên lạc của các phần tử Boko Haram. Tuy nhiên, điều này đã gây ra hiệu ứng ngược cho nền kinh tế cùng các giao tiếp xã hội. Do không có sự trao đổi nhanh chóng giữa người mua và người bán, nhiều hàng hóa, chủ yếu là nông sản, gia súc, gia cầm bị ứ trệ. Người dân than phiền vì họ không kịp thời nắm bắt thông tin gia đình, xã hội cũng như các diễn biến về vụ bắt cóc.

Và không chỉ cắt sóng điện thoại, quân đội Nigeria còn tung ra nhiều cuộc tấn công nhắm vào các căn cứ của Boko Haram ở các bang Yobe và Adamawa. Kết quả là hàng trăm tay súng của tổ chức này bị bắt hoặc bị giết khiến số còn lại phải chạy sâu vào rừng, chưa kể một chiến dịch quân sự của Pháp ở Mali cũng khiến nhữngthành viên Boko Haram Mali                           dạt sang Nigeria rồi gia nhập nhóm Boko Haram bản xứ. Chỉ một thời gian ngắn, khả năng quân sự của Boko Haram tăng lên do nhận được sự huấn luyện và hỗ trợ vật chất của nhóm khủng bố al-Qaeda ở Maghreb và al Qaeda ở bán đảo Arab.

Người dân thị trấn Gamboru Ngala chôn cất những nạn nhân bị Boko Haram tàn sát.

Tháng 2-2014, Boko Haram phản công bằng cách giết chết hơn 100 người đàn ông tại 2 làng Doron Baga và Izghe. Cùng tháng đó, 59 nam sinh bị Boko Haram hành quyết khi họ xông vào Trường Cao đẳng liên bangở đông bắc Nigeria. Bước sang tháng 3, Boko Haram tấn công doanh trại quân đội ở Giwa, giải thoát cho 60 chiến binh bị bắt đồng thời đánh bom ở quận Abuja khiến 88 người chết. Trong những vụ này, các tay súng Boko Haram hành động như chỗ không người, một phần vì sự yếu kém của quân chính phủ.

Ngày 5-5-2014, Abubakar Shekau, thủ lĩnh Boko Haram xuất hiện trong một video đăng trên mạng xã hội, nhận trách nhiệm về những vụ bắt cóc. Shekau tuyên bố: “Đức Allah đã hướng dẫn tôi bán chúng. Tôi sẽ thực hiện chỉ dẫn của ngài. Tôn giáo của tôi cho phép chế độ nô lệ nên tôi sẽ biến chúng thành nô lệ. Lẽ ra chúng không nên theo học các chương trình của bọn phản đạo mà thay vào đó chúng phải học kinh Qran, học luật Sharia và lấy chồng là các chiến binh Hồi giáo…”. Cũng trong ngày này, 11 nữ sinh tuổi từ 9 đến 15 bị bắt cóc tại một ngôi làng phía đông bắc Nigeria cùng 300 cư dân ở thị trấn Gamboru Ngala gần đó bị Boko Haram tàn sát khi lực lượng an ninh Nigeria đến đây để tìm kiếm các học sinh bị bắt cóc.

Được hỗ trợ bằng các cố vấn và công nghệ giám sát tối tân của Mỹ, Israel, Anh, Pháp…, quân đội Nigeria không khó để tìm ra những địa điểm giam giữ tù nhân. Tuy nhiên theo Tham mưu trưởng Bộ Quốc phòng Nigeria, việc giải cứu bằng những cuộc tấn công quân sự bị loại trừ vì lo ngại cho sự an toàn của các nữ sinh trong lúc qua trung gian của một nhà báo, Boko Haram đồng ý thả các nữ sinh để đổi lấy 100 tay súng đang bị giam giữ. Khi tổng thống Nigeria là ông Goodluck Jonathan tham khảo ý kiến các ngoại trưởng Mỹ, Israel, Pháp và Anh ở Paris thì câu trả lời là không nên thực hiện bất cứ nhượng bộ nào với bọn khủng bố, và sử dụng vũ lực là giải pháp cần làm.

Mọi việc rơi vào bế tắc, Boko Haram lại tiếp tục ra tay. Đêm 12 rạng 13-5, Boko Haram phục kích một đoàn xe quân sự gần Chibok, giết chết 12 binh sĩ. Ngày 30-5, một nhóm dân quân vùng Baale, đông bắc Nigeria tìm thấy 2 trong số các nữ sinh bị bắt cóc. Họ bị cưỡng hiếp nhiều lần rồi bị trói vào một thân cây. Giữa tháng 10, có 4 nữ sinh bị bắt cóc trốn thoát từ một trại giam trên đất Cameroon. Họ đi bộ nhiều tuần trong rừng trước khi đến được Nigeria. Theo lời họ, các nữ sinh ngày nào cũng bị hãm hiếp.

Boko Haram – cái gai khó nhổ

Từ đó đến năm 2021, hầu như năm nào cũng xảy ra những vụ bắt cóc. Và không chỉ Boko Haram là thủ phạm mà một số nhóm vũ trang khác cũng tham gia để kiếm tiền chuộc. Tháng 4-2015, một cựu giáo sĩ Anh giáo là Stephen Davis đã liên lạc được với 3 chỉ huy Boko Haram và được họ cung cấp một cuốn băng video nhằm chứng tỏ những người bị bắt vẫn còn sống. Thế nhưng việc thương thuyết để giải cứu họ đã thất bại khi Boko Haram đòi tiền chuộc lên đến hàng triệu USD. Tháng 5-2015, sau khi nghiên cứu cuốn băng video, quân đội Nigeria tổ chức nhiều cuộc hành quân, chiếm được nhiều căn cứ của Boko Haram, giải thoát nhiều phụ nữ nhưng không có một nữ sinh nào trong vụ bắt cóc ở trường Chibok.

Tháng 1-2016, quân đội Nigeria tiếp tục giải thoát cho 1.000 phụ nữ bị Boko Haram giam giữ nhưng vẫn không có ai trong số họ là nữ sinh Chibok. Đến ngày 21-5- 2016, Amir Muhammad Abdullahi, kẻ tự nhận là chỉ huy thứ 2 của Boko Haram đề nghị đầu hàng với điều kiện không bị truy tố. Đổi lại, Amir sẽ thả các tù nhân nhưng hắn cho biết: “Thành thật mà nói, chỉ khoảng 1/3 vẫn còn sống, số còn lại đã tử vì đạo”. Trả lời Amir, quân đội Nigeria yêu cầu hắn phải đầu hàng mà không kèm theo một điều kiện nào. Đến tháng 8, khi thấy Amir vẫn im lặng, quân đội Nigeria tiến hành một cuộc ném bom vào căn cứ của Boko Haram ở rừng Sambisa, giết chết một số chỉ huy và làm bị thương thủ lĩnh Abubakar Shekau nhưng cuộc ném bom cũng đã làm 10 nữ sinh thiệt mạng và làm bị thương 30 người khác.

Được sự hỗ trợ của al-Qaeda, Boko Haram ngày càng trở nên tàn bạo.

Tháng 10-2016, có thêm 21 nữ sinh Chibok được Boko Haram trả tự do sau các cuộc đàm phán giữa nhóm này với chính phủ Nigeria do Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế và chính phủ Thụy Sĩ làm trung gian. Đến ngày 6-5, 82 nữ sinh được thả khi chính phủ Nigeria đồng ý trao đổi 5 thủ lĩnh Boko Haram. Tháng 5-2017, 103 nữ sinh nữa được thả với số tiền chuộc là 3,7 triệu USD. Bước sang năm 2018, quân đội Nigeria ước tính rằng trong số những nữ sinh bị bắt ở Chibok, 13 người đã chết và 112 người còn vẫn mất tích. Giữa tháng 9, Garga, chiến binh Boko Haram bắn tin sẽ trả tự do cho 40 nữ sinh nhưng Ali bị tra tấn và bị giết bởi các thành viên Boko Haram khi họ phát hiện việc này.

Tháng 1-2021, thêm nhiều nữ sinh khác trốn thoát nhưng chưa rõ số lượng. Trên mạng xã hội ở Nigeria xuất hiện nhiều lời phàn nàn về phản ứng chậm chạp của chính phủ. Chủ tịch Hiệp hội sinh viên Hồi giáo Nigeria kêu gọi người Hồi giáo nhịn ăn và cầu nguyện “để tìm kiếm sự can thiệp của đức Allah trong thời điểm bấp bênh này”. Thống đốc bang Borno là ông Kashim Shettima cũng kêu gọi tất cả người Hồi giáo và Cơ đốc giáo ở Nigeria tham gia “ba ngày cầu nguyện và ăn chay”. Cùng lúc, tín đồ Hồi giáo ở Cameroon đề nghị đồng đạo không kết hôn với bất kỳ cô gái nào nếu họ là nữ sinh Nigeria bị bắt cóc. Sheikh Abdulaziz Al al-Sheikh, một trong những lãnh đạo Hồi giáo cao cấp ở Arab Saudi cùng các nhà lãnh đạo Hồi giáo khác trên thế giới lên án Boko Haram đã bôi nhọ đạo Hồi vì đạo Hồi chống bắt cóc và không được phép kết hôn với những cô gái bị bắt cóc. Bên cạnh đó, Canada, Pháp, Israel, Anh, Mỹ và Liên minh châu Âu đều cử chuyên gia cùng nhiều phương tiện kỹ thuật đến Nigeria trong nỗ lực chấm dứt nạn bắt cóc. Tuy nhiên, xem ra Boko Haram chẳng nao núng gì trước những động thái này bởi lẽ chỉ trong 3 tháng đầu năm 2021, họ đã tiến hành 2 vụ bắt cóc mà nạn nhân vẫn là các nữ sinh. Theo nhận định của một số chuyên gia phân tích chính trị, quân đội Nigeria hiện chưa đủ năng lực để tiêu diệt Boko Haram trong bối cảnh người dân đang dần mất niềm tin vào khả năng bảo đảm an ninh của chính quyền…

Vũ Cao (Theo Africa Today)
.
.