Chương trình “Tìm và diệt” tuyệt mật của chính quyền Mỹ
Ký giả người Pháp Alex Jordanov là phóng viên nước ngoài duy nhất được mời tham gia vào nhóm điều tra quốc tế của tờ The Washington Post, nhật báo lâu đời nhất và phổ biến tại Mỹ.
Dưới đây là bài viết của A. Jordanov sau 2 năm dày công điều tra về chương trình mang mật danh “Greystone” (Đá xám), chính thức khởi sự công cuộc chống khủng bố quy mô toàn cầu sau các vụ tấn công nước Mỹ ngày 11-9-2001.
Thế giới vô hình
Gần một triệu người đang sống trong “thế giới vô hình” được các cơ quan mật vụ Mỹ lập ra, sau “vụ không tặc thế kỷ” do tổ chức khủng bố quốc tế Al-Qaeda thực hiện. Chức năng của cái thế giới vô hình ấy ra sao, hoạt động với kinh phí bao nhiêu là điều chúng ta không thể hiểu được, bởi việc truy cập vào các thông tin dạng này đều bị nghiêm cấm.
Vào ngày 26-9-2002, một người đàn ông trung niên ra làm chứng trước Ủy ban Điều tra của Quốc hội Mỹ về vụ khủng bố 11-9. Ông ta dõng dạc nói với các nghị sĩ bằng những lời sau: “Tôi muốn tất cả công dân Hoa Kỳ nhìn thẳng vào mắt tôi, cả tôi cũng nhìn vào mắt họ với lời đáp từ tôi là Joseph Cofer Black, chỉ huy các chiến dịch mật của Cục Tình báo Trung ương (CIA) muốn nói với mọi người, rằng tất cả những điều các bạn cần biết là có TRƯỚC 11-9 và SAU 11-9. Sau 11-9 các quy định lẫn luật pháp không còn hợp lệ!
Tổng thống G. Bush trong một buổi họp báo ở Trung tâm chống khủng bố quốc gia (NCTC). |
Trong ngày 11-9 ngay sau khi được tin báo về “vụ khủng bố của thế kỷ”, Tổng thống George W. Bush đã triệu tập phiên họp đặc biệt của Hội đồng An ninh quốc gia (NSC), diễn ra tại khu hầm ngầm bí mật bên dưới Nhà Trắng. Cố vấn cho tổng thống về các vấn đề khủng bố Richard A. Clark nhớ lại: “Tổng thống nói với tôi rằng ông có thể sử dụng mọi thứ khi cần. Quả đúng vậy. Mỗi lần tôi đến trụ sở Nghị viện trên đồi Capitol mọi người lại hỏi: “Ngài cần gì? Đây là tấm séc để trống cho ngài!”.
Cũng ngày hôm đó dưới hầm ngầm trong Tòa Bạch ốc, Chính phủ Mỹ đã bật đèn xanh cho một chương trình đại quy mô, mãi tới thời gian gần đây nhóm ký giả điều tra của The Washington Post mới tiếp cận được, cho thấy mức độ bao trùm khổng lồ của chương trình “Greystone”.
Chưa đầy một tuần sau vụ hủy hoại Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) ở New York, Tổng thống G. Bush đã chấp bút ký tại Phòng Bầu dục trong Nhà Trắng một văn bản chấp thuận, chính thức mở màn chương trình mang mật danh “Greystone”, hay còn được gọi theo một tên khác là “Tìm và diệt”.
Tổng thống giao cho CIA trọng trách chỉ đạo chương trình chứ không phải bên quân đội. Đến ngày 26-9-2001 sĩ quan cao cấp Gary Schroen chỉ huy một nhóm gồm 8 nhân viên CIA nhảy dù xuống miền Bắc Afghanistan. “Chúng tôi phân phát các phong bì chứa hàng chục nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn USD cho giới tù trưởng địa phương. Chỉ vài tuần sau Taliban đã bị quét sạch ra khỏi Kabul”, G. Schroen hồ hởi kể.
Cũng trong thời gian này John E. McLaughlin, nhân vật số 2 của CIA nhận được điện thoại từ viên sếp George Tenet, đúng vào lúc đang ngồi trong Phòng Các chiến dịch đường không. “John, anh sẽ ra lệnh chứ?”, Giám đốc CIA G. Tenet hỏi. J. McLaughlin liền nhìn lên màn hình khổ lớn treo trước mặt và thấy một chiếc xe hơi băng ngang sa mạc Yemen... Chỉ vài giây sau, một trong những thủ lĩnh của Al-Qaeda là Seikh Ali đã bị máy bay không người lái Predator tiêu diệt, qua hệ thống điều khiển cách xa cả 9.000km. “Xong rồi, thưa ngài Tenet”, J. McLaughlin báo cáo trước khi dập máy.
Trong 2 năm lăn lộn cùng Dana Priscilla và các đồng nghiệp của cô ở tờ The Washington Post, chúng tôi đã khám phá ra một “thế giới vô hình” với những bí mật cực lớn, đầy rẫy sự phức tạp đến nỗi không thể biết được hoàn toàn các cách vận hành cùng nguồn kinh phí chu cấp. Chúng tôi chỉ biết gọi nôm na theo lối phân loại phổ biến là “bí mật Mỹ quốc”. Đội quân vô hình này đông tới 900.000 người, tản mát trên 17.000 địa chỉ khác nhau trên toàn bộ lãnh thổ Hoa Kỳ! Trong đó gồm 1.300 cơ quan nhà nước và 3.666 công ty tư nhân làm việc theo hợp đồng với Chính phủ Liên bang.
Nhà báo điều tra A. Jordanov tại văn phòng làm việc ở Paris. |
Với lý do chống khủng bố, chính quyền trung ương đã lập ra Bộ Nội an (DHS) sánh vai thực hiện nhiệm vụ cùng với 17 tổ chức liên bang trọng yếu khác như Cục Điều tra Liên bang (FBI); CIA; Cục Tình báo Quốc phòng (DIA); Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA); Cục Tình báo Quốc gia (DNI); Cục Bài trừ ma túy (DEA); Phòng Thí nghiệm Quốc gia (ATF); Cục Di trú và Nhập tịch (INS)... thậm chí cả Cơ quan Hàng không vũ trụ (NASA) nữa. Khu nhà phức hợp quy tụ tất cả các cơ quan trọng yếu này đã đi vào hoạt động, trở thành trụ sở hành chính lớn nhất thế giới vượt cả diện tích của Lầu Năm Góc hiện nay. Rồi mỗi tiểu bang lại có một trung tâm hỗn hợp, có nhiệm vụ thu thập và phân phối mọi thông tin trao đổi giữa các cơ quan liên bang.
Bí mật Mỹ quốc
Không ai có thể đoán chắc chi phí cho “bí mật Mỹ quốc” hao tốn đến mức nào. Tỉ như ngân sách của NSA được liệt vào hạng bí mật quốc gia, chỉ có tổng thống và vài vị dân biểu chấp thuận duyệt chi là biết được con số cụ thể. Hiển nhiên là kinh phí “bí mật Mỹ quốc” luôn vượt sức tưởng tượng của mọi người.
Đơn giản như mỗi ngày chương trình “tìm diệt” phải nghe lén hơn 1,7 tỉ cuộc điện đàm khác nhau. Phạm trù nghe trộm còn bao trùm qua cả tin nhắn điện thoại, thư điện tử, trang web cũng như tất cả các hình thức truyền thông khác được cho là đáng ngờ... chưa biết từ ai!
“Thế giới vô hình” còn vươn những chiếc vòi bạch tuộc bí ẩn ra nước ngoài. Nhóm phóng viên chúng tôi bí mật điều tra căn cứ Guantanamo và té ngửa ra rằng, không phải hết thảy những kẻ bị bắt giữ thuộc dạng “con tin có giá trị” ở Iraq, hoặc những nơi khác trong vùng Trung Đông đều bị đưa về đây. Một số biến mất, không biết ở đâu!
“Do cần phải phân loại và tách biệt những tù nhân đáng giá, người ta đã quyết định xây các nhà tù bí mật ở ngoại quốc. Một điều chưa từng xảy ra xưa nay”, luật sư John A. Rizzo, cựu cố vấn pháp lý của CIA cho biết. Nhóm ký giả đã phát hiện ra 24 tụ điểm giam cầm thuộc hệ thống nhà tù của CIA, nằm rải rác ở các nước khác nhau như Thái Lan, Ba Lan, Ai Cập, Jordan... Đổi lại, các quốc gia này sẽ được tiếp cận mạng lưới chia sẻ thông tin trực thuộc CIA.
Đương nhiên ngành công nghiệp quân sự không thể đứng bên ngoài chiến dịch “Tìm và diệt”. Các tập đoàn tên tuổi quen thuộc như Lockheed, Grumman, General Dynamics... đều có mặt. Đơn cử như Hãng General Atomics chuyên sản xuất máy bay không người lái là một ví dụ điển hình. Hãng đã giới thiệu cho chương trình 21 kiểu phi cơ do thám khác nhau, với kiểu nhỏ nhất có kích thước ngang một con ong chúa.
Trong năm 2001 CIA mới chỉ có 6 chiếc máy bay dạng Predator, 10 năm sau con số này là 6.000 chiếc! Lợi nhuận tương ứng cùng thời kỳ của General Atomics cũng tăng vọt, từ 330 triệu USD của năm 2001 lên 4,2 tỉ USD trong năm 2011.
Ngoài ra mọi thành tựu công nghệ tiên tiến nhất đều được ưu tiên áp dụng vào chương trình “Tìm và diệt”, bao gồm cả thiết bị cảm ứng nhiệt có thể tự động lấy dấu vân tay từ khoảng cách xa 50m, mà nghi phạm không hề hay biết; hoặc công nghệ nhận dạng có thể định vị kẻ bị tình nghi từ trên không gian, đồng thời xác định tâm trạng và cảm xúc của đương sự.
Thay lời kết, xin mượn lời Tướng 4 sao Michael Hayden, người từng giữ chức Giám đốc NSA từ năm 1999-2005 và lãnh đạo CIA từ năm 2006-2009: “Trọn 4 thập niên hoạt động trong cộng đồng tình báo Mỹ, nhưng tôi không dám khẳng định đã biết hết tất cả các chương trình, cũng như những chiến dịch bí mật được tiến hành từ trước tới nay”.