Con gái trùm mật vụ Quốc xã làm việc cho Tình báo Đức

Thứ Ba, 28/08/2018, 20:51
Tờ nhật báo Bild có số lượng phát hành lớn nhất nước Đức, với trụ sở đặt tại thủ đô Berlin vừa đăng tải nguồn tin, cho biết cô con gái “rượu” của tên trùm mật vụ phát xít Heinrich Himmler từng làm việc cho Cơ quan Tình báo Đối ngoại Đức (BND) trong thời Chiến tranh Lạnh.

Sự kiện đáng hổ thẹn này đã tạo nên một làn sóng phẫn nộ trên khắp châu Âu, nhất là trong cộng đồng người Do Thái từng là nạn nhận của học thuyết diệt chủng (Holocaust) do Himmler khởi xướng.

Người cung cấp thông tin gây chấn động công luận là ông Bodo Hechelhammer, đương kim Trưởng Ban Lịch sử trực thuộc BND. Theo đó ông B. Hechelhammer đã thừa nhận, rằng tài liệu lưu trữ cho thấy nữ nhân viên thư ký Gudrun Burwitz (1929-2018), đã làm việc tại tòa nhà trụ sở chính của BND ở thị trấn Pullach, ngoại vi thành phố Munich dưới một cái tên giả trong giai đoạn từ năm 1961-1963, rồi bị sa thải do kế hoạch sắp xếp lại biên chế nội bộ.

G. Burwitz chào đời ngày 8-8-1929 với tên khai sinh đầy đủ là Gudrun Margarete Elfriede Emma Anna Himmler, cũng là cô con gái duy nhất của H. Himmler (1900-1945) với người vợ chính thức Margarete Boden Himmler (1893-1967). Hồi nhỏ Gudrun thường được cha âu yếm gọi bằng biệt danh “Puppi” (cô bé búp bê).

Còn thống chế H. Himmler - Bộ trưởng Bộ Nội vụ của đế chế đệ tam, đồng thời cũng là viên tư lệnh tối cao của lực lượng hiến binh tinh nhuệ Schutzstaffel (SS), tổ chức mật vụ quốc xã khét tiếng trong việc thanh trừng người Do Thái ở Đức và những vùng bị quân phát xít chiếm đóng tại châu Âu.

Himmler chính là kẻ chủ mưu sát hại 6 triệu người Do Thái trong Thế chiến II. Sau khi Đức quốc xã bại trận đầu tháng 5-1945, Himmler cố tình cải trang tìm đường lẩn trốn thì bị bắt đưa về sở chỉ huy Tập đoàn quân số 2 của Anh, đồn trú tại thị xã Luneburg phía tây bắc nước Đức.

Bức ảnh cuối cùng của bà G. Burwitz lúc sinh thời, người từng “sát cánh” bên cha trong các sự kiện tuyên truyền cho chủ nghĩa phát xít (ảnh nhỏ).

Đột nhiên đến ngày 23-5 khi đang chờ thẩm vấn xác định chính xác danh tính, hắn liền tự vẫn bằng cách nuốt một viên thuốc độc xyanua giấu sẵn trong miệng, rồi ngã xuống sàn và chết ngay trong vòng 15 phút sau đó.

Về phần cô con gái “rượu” Gudrun Himmler sau khi lấy chồng là Wulf Dieter Burwitz, vốn là thành viên tích cực của đảng Dân chủ Quốc gia (NPD), một tổ chức cực hữu quá khích ở Đức đã đổi tên thành Gudrun Burwitz. Sau Thế chiến II bản thân G. Burwitz vẫn một mực trung thành với ý thức hệ quốc xã, cũng như liên tục tìm mọi cách biện minh cho các hành động cuồng sát của cha mình trong quá khứ.

Theo các chuyên gia phân tích am hiểu, có khả năng G. Burwitz được tướng Reinhard Gehlen (1902-1979), Giám đốc đầu tiên của BND đích thân tuyển dụng, hòng quy tụ những phần tử có quá khứ mật thiết với giới chóp bu phát xít cho một mưu đồ nào đó… Do vậy con gái của trùm mật vụ quốc xã mới dễ bề lọt qua những vòng tuyển chọn khắt khe, thường được áp dụng đối với bất cứ tổ chức tình báo tầm cỡ quốc gia nào.

Nhân đây cũng cần nói thêm về nhân vật R. Gehlen, viên sĩ quan sừng sỏ từng đứng đầu Tổ chức Tình báo quốc phòng FHO của quân đội Đức quốc xã ở mặt trận phía đông, chuyên nhiệm công tác tập trung phân tích tình hình Liên Xô và các nước Đông Âu trong thời gian trước và trong Thế chiến II.

Lối vào trụ sở BND ở Pullach - nơi con gái trùm mật vụ SS từng làm việc.

Sau khi chiến tranh chấm dứt, với kinh nghiệm “đầy mình” R. Gehlen liền được Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA) bổ nhiệm đứng đầu tổ chức Gehlen Org - đơn vị tình báo mới thành lập tại các vùng đất Đức thuộc sự cai quản của quân đội Mỹ trong giai đoạn từ năm 1946-1956. Đến đầu tháng 4-1956, CIA chính thức bàn giao Tổ chức Gehlen Org cho Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức, để xúc tiến thành lập BND dưới thời vị Thủ tướng đầu tiên Konrad Adenauer (1876-1967), khiến Thiếu tướng R. Gehlen nghiễm nhiên trở thành Giám đốc BND cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1968.

Đồng thời sau khi về hưu R. Gehlen vẫn mang quân hàm trung tướng dự bị, trở thành sĩ quan cao cấp nhất trong lực lượng dự bị của quân đội Tây Đức hồi đó. Lúc sinh thời, viên tướng tình báo R. Gehlen được giới phản gián phương Tây “tâng bốc lên tận mây xanh”, như là “một trong những nhà lãnh đạo tình báo huyền thoại nhất trong thời Chiến tranh Lạnh”.

Trở lại với trường hợp cô con gái của trùm mật vụ phát xít G. Burwitz. Nhà báo điều tra nổi tiếng người Đức gốc Do Thái Peter Finkelgrun từng đi sâu tìm hiểu, rồi phát giác ra việc G. Burwitz thường xuyên chu cấp hỗ trợ tài chính cho một tội phạm chiến tranh trong thời gian đương sự lẩn trốn. Đó chính là Anton Malloth (1912-2002), tên đao phủ khét tiếng tại trại tập trung Theresienstadt trong Thế chiến II cũng là kẻ từng bị truy nã gắt gao.

Sau hơn nửa thế kỷ trốn tránh pháp luật, cuối cùng A. Malloth đã bị bắt giữ và đưa ra tòa xét xử trong năm 2001. Hắn bị kết án tù chung thân vì trong giai đoạn từ tháng 6-1940 đến tháng 5-1945, đã tự tay tra tấn đến chết ít nhất 100 tù nhân, trong đó gồm cả người cha của ký giả P. Finkelgrun trại tập trung Theresienstadt.

Riêng bà G. Burwitz đã chết vì tuổi già ở độ tuổi 88, vào cuối tháng 5 vừa qua tại nhà riêng ở thành phố Munich.

Quang Long (theo Sovershenno Skretno)
.
.