Cơn thịnh nộ của người Do Thái sau Thế chiến II
- Túi tiền và ảnh hưởng của người Do Thái ở Mỹ
- Vụ thảm sát gần 6 vạn người Do Thái ở Chisinau
- Chuyện cảm động về 300 người Do Thái thoát khỏi “lưỡi hái” Phát xít Đức
Vì thế, gạt sang một bên Công ước Geneva về vấn đề tù binh đã được các quốc gia ký kết năm 1929, người Do Thái không quên nỗi đau mà họ phải gánh chịu và tìm cách đáp lại, cầm đầu bởi nhà văn Do Thái Abba Kovner…
Sự hình thành của tổ chức FPO
Ngày 24-6-1941, thành phố Vilnius, Liva, bị quân đội Đức Quốc xã chiếm đóng rồi chỉ hơn 1 tháng sau đó, nhiều “ghetto” (khu tập trung người Do Thái) được lập ra.
Trong những ghetto ấy, người Do Thái buộc phải khâu lên cánh tay áo một mảnh vải màu vàng có in hình ngôi sao 6 cánh (hay còn gọi là ngôi sao David theo kinh Cựu ước), và bị đối xử như súc vật. Khẩu phần hàng ngày của họ chỉ là 400 gam cháo lúa mạch nấu loãng với củ cải và muối. Nếu đau ốm, họ không được phép đi bệnh viện. Trẻ em phải bỏ học, người lớn không có việc làm.
Trước lúc Thế chiến II nổ ra, người Do Thái đã là một thành phần trong xã hội Litva. Nhiều người Do Thái lấy vợ, lấy chồng Litva nên khi các ghetto ra đời, một số thanh niên Litva đã mạo hiểm che giấu người Do Thái bằng cách giúp họ trốn khỏi ghetto rồi đưa họ vào rừng, bí mật tiếp tế lương thực cho họ.
Tuy nhiên, nó chỉ mang tính giai đoạn bởi lẽ ngoài việc thức ăn ngày càng khan hiếm, những người trốn tránh còn phải chịu sự truy lùng liên tục của Cơ quan mật vụ Đức Quốc xã Gestapo. Một số khi bị bắt, do bị tra tấn dã man, họ phải khai ra những người Litva đã giúp đỡ họ, dẫn đến ân nhân của họ bị xử bắn hàng loạt.
Vì thế, ngày 21-1-1942, 3 trong số những người Do Thái trốn khỏi ghetto là nhà văn Abba Kovner, Josef Glazman, và Yitzhak Wittenberg quyết định thành lập một tổ chức kháng chiến, lấy tên là Fareynikte Partizaner Organizatsye (viết tắt là FPO).
Nhóm Nakam lúc mới hình thành (nhà văn Abba Kovner đứng giữa). |
Đây là tổ chức kháng chiến đầu tiên của người Do Thái ra đời ở châu Âu trong Thế chiến II. Mục tiêu của FPO là cứu người Do Thái ra khỏi các ghetto càng nhiều càng tốt, đồng thời tiến hành phá hoại các ngành công nghiệp quân sự Đức ở Litva, thành lập các nhóm kháng chiến trong những ghetto, ám sát các sĩ quan mật vụ, sĩ quan quân đội Đức Quốc xã. Tuy nhiên, do không được phe Đồng minh yểm trợ vũ khí, đạn dược, chất nổ nên hoạt động của FPO hầu như không đáng kể.
Trong gần 2 năm kể từ lúc ra đời, FPO chỉ cứu được hơn 100 người Do Thái, giết chết 18 sĩ quan, binh lính Đức và làm bị thương 6 người. Vũ khi thu được vỏn vẹn vài chục khẩu tiểu liên Stern, súng ngắn Luger và 1 trung liên MG. Khi Hồng quân Liên xô tiến vào Litva, tháng 7-1944, FPO nhanh chóng gia nhập rồi cùng Hồng quân giải phóng Litva.
Trả thù
Tháng 5-1945, chiến tranh kết thúc bằng sự đầu hàng của Đức Quốc xã. Tuy nhiên, với nhà văn Abba Kovner, người sáng lập FPO, ông không thể nào quên được cái chết của hàng triệu đồng bào ông trong phòng hơi ngạt ở những trại tập trung. Và mặc dù Công ước Geneve ký năm 1929 đã quy định rất rõ về vấn đề tù, hàng binh:
“… Bảo đảm sự an toàn tính mạng, danh dự, phẩm giá của tù binh và hàng binh. Không được phép dùng vũ lực để truy bức về tinh thần và thể xác. Không được phép dùng nhục hình cùng các lời nói xúc phạm đến nhân phẩm người bị bắt hoặc xúc phạm niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng hoặc lý tưởng của người bị bắt. Không được dùng tù binh, hàng binh làm con tin hoặc bia đỡ đạn, hoặc lao động khổ sai. Tù binh, hàng binh phải được bảo đảm về các sinh hoạt tối thiểu như điều kiện giam giữ, vệ sinh, lương thực, thuốc men… tùy theo điều kiện cho phép của các bên tham chiến và tình hình chiến trường…” nhưng Abba Kovner phớt lờ công ước này bởi lẽ theo ông, Tòa án xét xử tội phạm chiến tranh Nuremberg đã để lọt rất nhiều những kẻ sát nhân trong hàng ngũ Đức Quốc xã.
“Máu trả máu”, cùng với 50 người Do Thái cực đoan, chủ yếu là những du kích FPO trước kia, Abba Kovner thành lập một tổ chức bí mật gọi là “Nakam” - tiếng Do Thái nghĩa là “Trả thù” với khẩu hiệu: “Dam Yehudi Nakam” (Người Do Thái sẽ trả thù bằng máu). Trong nửa cuối của năm 1945, nhóm Nakam chia nhau đi Tây Đức, Tây Ban Nha, Argentina cùng một số quốc gia Nam Mỹ - nơi các phần tử Phát xít Đức chạy trốn và ẩn náu dưới vỏ bọc thường dân - để “thực thi công lý”.
Tại thành phố Hamburg và thành phố Bremen, Tây Đức, 2 thành viên Nakam lần lượt bắn chết Heinrich Obersdorf, cựu trung úy trại tập trung Auschwitz cùng 6 cựu lính SS. Tại thành phố Barcelona, Tây Ban Nha, 3 thành viên Nakam giết Wilhelm Erfurt, cựu sĩ quan mật vụ Gestapo cùng 5 người trong gia đình ông ta bằng cách ngụy tạo một tai nạn ôtô.
Trung úy Mỹ Rogers (bên trái) và Erich Pinkau, Cảnh sát hình sự Đức kiểm tra chỗ Leipke Distel giấu thạch tín trong lò bánh mì Konsum. |
Tại thành phố Santa Fe, Argentina, một sáng người dân phát hiện 3 xác người nằm úp sấp dưới một mương nước. Kết quả điều tra của cảnh sát cho thấy họ đều là cựu sĩ quan quân đội Đức Quốc xã. Tại thành phố Gracias a Dios, Argentina, 3 thành viên Nakam trả thù bằng cách treo cổ 1 cựu sĩ quan mật vụ Gestapo.
Không chỉ dừng lại ở những vụ giết người nhỏ lẻ, Abba Kovner còn vạch ra kế hoạch trả thù tập thể mà ông gọi là “Kế hoạch A”.
Theo đó, các thành viên Nakam sẽ đầu độc nguồn nước sinh hoạt tại 4 thành phố lớn ở Tây Đức là Nuremberg, Munich, Hamburg và Frankfurt, giết chết 6 triệu dân Đức - bằng số người Do Thái chết trong các trại tập trung Đức Quốc xã. Kế hoạch A có sự tham gia của Chaim Weizmann - người sau này sẽ trở thành tổng thống đầu tiên của Nhà nước Israel.
Nhiệm vụ của Chaim Weizmann khi ấy là tìm cách thuyết phục nhà hóa học Ephraim Katzir chế tạo ra chất độc có sức hủy diệt hàng loạt (nhưng lúc trở thành tổng thống Nhà nước Israel, việc Chaim Weizmann tham gia “Kế hoạch A” không được nguồn tin chính thức nào xác nhận).
Ngày 21-12-1945, tình báo Anh Quốc phát hiện âm mưu đầu độc nguồn nước ở 4 thành phố lớn thuộc Tây Đức của nhóm Nakam nên đã bắt giữ Abba Kovner. Ông bị giam 2 tháng tại một nhà tù ở Ai Cập và bị buộc phải chấm dứt mọi hoạt động trả thù. Vai trò lãnh đạo của Abba Kovner kết thúc từ đó nhưng những thành viên Nakam còn lại, dưới sự lãnh đạo của Salomon Morel vẫn không từ bỏ ý định.
Do “Kế hoạch A” chẳng còn có thể thực hiện được nữa nên họ chuyển sang “kế hoạch B”: Bí mật trộn chất thạch tín (asen) vào bánh mì hàng ngày vẫn được cung cấp cho các tù, hàng binh Đức Quốc xã ở hai trại giam trong vùng Dachau và Nuremberg.
Là người Do Thái sống ở Ba Lan, tham gia tổ chức kháng chiến Ba Lan tự do, tất cả gia đình Salomon Morel đều đã chết trong phòng hơi ngạt ở trại tập trung Dachau nên Morel vô cùng căm thù nước Đức. Sau khi Ba Lan giải phóng, Morel được giao nhiệm vụ chỉ huy của một trại giam tù, hàng binh Đức Quốc xã.
Một tù binh Đức Quốc xã kể lại với nhà báo Jonathan Sack, tác giả cuốn sách: “Mắt trả mắt, răng trả răng” về Morel như sau: “Đêm đầu tiên ở trại giam Swietochlowice, lúc 22 giờ, một người đàn ông đi bộ vào buồng giam sĩ quan Đức Quốc xã. Ông ấy nói bằng tiếng Đức: “Tên tôi là Morel. Tôi là người Do Thái. Mẹ tôi, cha tôi, gia đình tôi đã chết dưới tay quý vị. Khi biết được tin ấy, tôi đã thề rằng nếu tôi còn sống, tôi sẽ lấy lại sự công bằng và bây giờ là lúc quý vị phải trả giá cho những gì quý vị đã gây ra...” nhưng vì là chỉ huy của trại giam Swietochlowice nên Morel không thể trực tiếp trả thù, mà ông nhắm mắt làm ngơ cho các thành viên Nakam ra tay.
Trên tờ The New York Times xuất bản tại Mỹ ngày 23-4-1946, có một bài báo cho biết “2.283 tù binh chiến tranh Đức Quốc xã ở trại Swietochlowice đã bị đầu độc bằng thạch tín trộn lẫn trong bánh mì, và 207 người đang trong tình trạng nguy kịch”. Một thành viên Nakam tuyên bố họ đã tiêu diệt từ 3.000 đến 4.000 kẻ thù mặc dù con số chính xác của các nạn nhân vẫn chưa được công bố.
Người chỉ huy kế hoạch trả thù bằng bánh mì trộn thạch tín là thợ làm bánh Leipke Distel, thành viên của Nakam. Với tay nghề cao, Leipke Distel dễ dàng xin vào làm việc tại lò bánh mì Konsum Genossenscheaftsbackeirei, nơi được chỉ định cung cấp bánh mì cho các trại giam tù binh ở vùng Nuremberg.
Hàng ngày, trong khâu trộn bột, Distel bí mật cho vào một lượng thạch tín nhưng nó không đủ mạnh để giết chết người ăn ngay lập tức, mà nó từ từ tích lũy trong cơ thể. Theo tính toán của một số nhà hóa học làm việc cho Nakam, phải mất từ 4 đến 6 tháng, chất thạch tín mới phát huy tác dụng nên cái chết của những tù binh Đức Quốc xã sẽ được cho là do bệnh lý, chẳng ai nghi ngờ.
Không chỉ giết tù binh bằng thạch tín, Salomon Morel còn cho phép các điều tra viên ở trại giam Swietochlowice tra tấn tù binh khi hỏi cung. Theo một thống kê chưa đầy đủ, đã có khoảng 2.000 tù binh chết vì nhục hình. Phương pháp ưa thích nhất của Morel là để các điều tra viên dìm tù binh trần truồng vào những thùng nước lạnh trong môi trường khắc nghiệt của mùa đông để họ chết từ từ.
Công lý không thể là tội ác
Ngày 14-5-1948, Nhà nước Israel ra đời. 8 tháng sau, Cơ quan tình báo Mossad được thành lập. Một bộ phận trong Mossad có nhiệm vụ truy lùng và bắt giữ những tội phạm chiến tranh Đức Quốc xã đang lẩn trốn để đưa về Israel xét xử nên vài trò của Nakam dần dà trở nên mờ nhạt.
“Thành tích” cuối cùng của Nakam là tháng 12-1953, họ giết đại tá SS Muller ở Argentina dưới cái tên Steiner - lúc ấy đang là chủ một cửa hàng đại lý cho hãng sản xuất ôtô Opel, Đức. Vụ giết người nhanh chóng gây nên một làn sóng phẫn nộ ở Argentina và tổ chức Nakam cũng bắt đầu được giới truyền thông để mắt đến. Hệ quả là các thành viên Nakam ở nước ngoài lần lượt trở về Israel và trong nhiều thập kỷ, không ai hé môi tiết lộ về công việc của mình.
Lò bánh mì Komsum, nơi cung cấp suất ăn cho tù binh Đức Quốc xã. |
Năm 1990, sau khi Liên Xô tan rã, bức tường Berlin ngăn chia Tây Đức và Đông Đức sụp đổ, trước sức ép của dư luận, một ủy ban điều tra chung về những hoạt động của Nakam được thành lập với sự tham gia của Mỹ, Đức, Ba Lan. Tiến hành tìm hiểu về những tù binh bị bệnh hàng loạt tại trại giam Swietochlowice, Ủy ban này phát hiện việc đầu độc bằng bánh mì trộn thạch tín, cũng như việc tra tấn tù binh cho đến chết. Lo sợ bị truy tố, Solomon Morel tung tin rằng mình đã đi khỏi Israel. Và mặc dù phía Ba Lan chính thức yêu cầu Israel cho dẫn độ Morel vì những tội ác ông ta gây ra, đều xảy ra trên đất Ba Lan nhưng Israel từ chối.
Năm 1996, Viện Công tố Ba Lan ban hành cáo trạng, buộc tội Morel là thủ phạm gây ra tội ác chiến tranh, tội ác chống nhân loại. Năm 1998, một lần nữa Ba Lan lại yêu cầu Israel cho phép dẫn độ Morel. Trong một công hàm trả lời Bộ Tư pháp Ba Lan, phía Israel cho rằng đã hết thời hiệu truy tố.
Liên tiếp trong các năm 2004, 2005, Ba Lan vẫn kiên trì yêu cầu dẫn độ Morel dựa vào chứng cứ của hàng trăm tù binh ở trại Swietochlowice may mắn sống sót nhưng vẫn bị Israel từ chối với lý do Morel nay đã già yếu, ốm đau và không còn cư trú trên lãnh thổ Israel. Vụ việc chỉ khép lại khi Morel qua đời vào ngày 14-2-2007 tại Tel Aviv, Israel.
Sau cái chết của Morel, trưởng công tố Ba Lan là Ewa Koj đã phát biểu trong một lễ tưởng niệm những người đã chết dưới tay Morel: “Nên có một biện pháp để xét xử tội phạm chiến tranh cho dù họ đang ở Đức, Israel hoặc ở bất kỳ quốc gia nào khác…” nhưng với các thành viên Nakam thì: “Morel là một trong những nạn nhân của chính sách tiêu diệt người Do Thái dưới thời Đức Quốc xã. Ông đã mất đi toàn bộ gia đình mình nên sự cuồng nộ của ông trong việc chống lại người Đức là điều dễ hiểu…”.