Công bố 67 vụ thử nghiệm hạt nhân trên quần đảo Marshall
- Tổng thống Mỹ hoan nghênh Triều Tiên tạm ngưng thử nghiệm hạt nhân
- Giải mật tài liệu Israel và Nam Phi thử nghiệm hạt nhân năm 1979
- Xung quanh sự kiện CHDCND Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân
Lợi đâu không thấy, chỉ thấy tác hại kinh hoàng! Phó đề đốc hải quân Hoa Kỳ khi đó là ông Ben H.Wyatt đã cho tập hợp cư dân sống ở đảo Bikini ngay dưới gốc dừa và dò hỏi xem người dân có muốn rời khỏi đảo để tá túc ở Hoa Kỳ nhằm dọn đường cho việc thử nghiệm một loại bom nguyên tử mới.
Buổi gặp gỡ này đã được ghi lại trong bộ phim tài liệu mang tựa đề “Bikini – Đảo nguyên tử” được công chiếu vào năm 1946. Người tường thuật trong bộ phim tài liệu đã mô tả đảo Bikini vốn là “một đảo bé xíu, ít biết với phần còn lại của thế giới, còn lúc này thì ai cũng biết”. Người Bikini đồng ý rời đi mà không mảy may biết chuyện gì sắp xảy ra.
Vụ thử nghiệm đầu tiên
Vụ thử nghiệm được bắt đầu vào ngày 1-7-1946 với một quả bom nặng 21 kiloton thả trên bầu trời đảo Bikini - một trong những đảo san hô vòng ở cực Bắc quần đảo Marshall.
Với lời tuyên bố hành động vì “lợi ích của nhân loại”, Hoa Kỳ đã trải thảm 67 vụ thử nghiệm hạt nhân trong suốt 12 năm sau đó tạo ra một tổng lượng năng lượng nổ siêu mạnh hay tương đương với 1,6 quả bom nguyên tử ném xuống thành phố Hiroshima (Nhật Bản).
Năm 1958 tức năm cuối cùng của thử nghiệm hạt nhân trên quần đảo Marshalls, Hoa Kỳ đã khởi động một loạt các vụ nổ gây choáng với tần suất mạnh mẽ. Giữa các tháng 4 và tháng 8-1958, Hoa Kỳ được báo cáo là đã cho nổ 2 quả bom nguyên tử trong một ngày duy nhất, hoặc cho tiến hành các thử nghiệm dồn dập trong các ngày liên tiếp với 33 quả bom nguyên tử được kích nổ, 1/2 trong số các vụ nổ đã được thử nghiệm trên đảo Bikini và đảo láng giềng Enewetak trong không đầy 4 tháng.
Các vụ nổ bom hạt nhân được che đậy bằng những cái tên mã như Butternut, Aspen, Juniper và Rose, những vụ thử nghiệm đã di dời một số dân đảo, trong khi những người khác nằng nặc muốn ở lại. Với những người dân đảo được đi tái định cư, họ đã không thể sống tốt ở những cộng đồng lạ hoắc.
Thước phim tư liệu cho thấy một tàu chiến bị hủy diệt vì dư chấn của vụ nổ bom hạt nhân ở quần đảo Marshall. Ảnh nguồn: News.com.au. |
Hậu quả của các vụ thử nghiệm là dịch bệnh lan tràn, sảy thai, toàn bộ quần đảo Marshall biến thành ma đảo. Những dân đảo di cư phải sống ở những hòn đảo xa lạ và nghiệt ngã khi họ không được trao quyền sử dụng đất.
Trong những thập kỷ nối tiếp sau đó, người dân liên tục nhập viện điều trị vì các chứng bệnh bạch cầu, ung thư tuyến giáp, dạ dày, đại tràng... Với những người đang sống ở Hoa Kỳ ngày hôm nay, những vụ thử bom kinh hoàng ở quần đảo Marshall sẽ chỉ khơi gợi sự giận dữ. Nhưng với người dân đảo Marshalls thì họ đã sống và chết vì những “kẻ thù” trên trời giáng xuống.
Bầu trời đỏ rực
Vụ thử hạt nhân lớn nhất do quân đội Mỹ gây ra đã được mang mã danh Castle Bravo, được tiến hành vào ngày 1-3-1954 bằng một vụ kích nổ trên mặt đất với sức nổ đạt tới 15 megaton (tương đương 1.000 lần sức mạnh quả bom nguyên tử đã dội xuống Hiroshima).
Bụi phóng xạ trôi dạt xa cách đó hàng trăm dặm và dân đảo đã ngỡ ngàng chứng kiến. Buổi sáng đó, chú bé Tony deBrum khi đó mới 9 tuổi đang đánh cá với ông nội, Tony thấy ánh sáng lóe lên từ vụ nổ bom Bravo và cậu không thể nào quên cảnh tượng bầu trời và biển cả rực đỏ khi đó.
Một cột đất khổng lồ kèm sóng biển tung lên trời sau khi diễn ra vụ thử nghiệm bom trên đảo Bikini vào năm 1958. Ảnh nguồn: Rediff . |
Khi trưởng thành, Tony deBrum nắm giữ chức vụ cao nhất trong chính phủ với tư cách của nhà ngoại giao kiêm nhà đàm phán nhằm giúp quần đảo Marshall giành được độc lập và tạo ra Hiệp ước liên kết tự do (CFA) mà Hoa Kỳ sẽ cấp cho mỗi quốc gia quyền tiếp cận đặc biệt với quốc gia khác.
Chiếu theo CFA, người Marshall có thể sinh sống, học tập và làm việc bằng việc miễn thị thực Hoa Kỳ, nhưng không có quyền công dân. Trong khi đó, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục gia tăng sự ảnh hưởng lớn đến quần đảo Marshall, ngoài việc cung cấp sự hỗ trợ trong khi vẫn tuyên bố quyền “từ chối chiến lược” đối với các lực lượng quân sự của các quốc gia khác trong diện tích một nửa triệu dặm vuông của vùng biển Thái Bình Dương nằm giữa Hawaii và Guam.
Hoa Kỳ cũng điều hành một khu căn cứ trị giá nhiều tỷ USD với các chiến lược tên lửa và không gian trên đảo san hô vòng Kwajalein, nơi đây Hoa Kỳ có hợp đồng thuê với quốc đảo Marshall đối với chủ quyền của khu đầm phá lớn nhất thế giới tới năm 2066.
Ông Tony DeBrum tiếp tục trở thành một nhà lãnh đạo được quốc tế công nhận và tôn trọng đối với công lý cho đất nước ông (quốc đảo Marshall) về vấn đề hạt nhân và sau đó là khí hậu, cho đến khi ông qua đời vào năm 2017.
Ông Tony deBrum và những người khác đã không ngừng đeo đuổi việc đòi người Mỹ phải công bằng và thừa nhận quần đảo Marshall, Mỹ phải khắc phục toàn bộ hậu quả, ngay cả khi họ khăng khăng cho rằng đã “bồi thường đầy đủ”. Không nao núng bỏ cuộc, ông Tony deBrum đã phải sử dụng đến câu thần chú của mình: “Không thể đóng cửa nếu hiện thực không bị bóc trần”.
Đồng minh lâu năm và cũng là bạn thân của ông Tony deBrum là một người gốc Mỹ tên là Bill Graham - người đã sống ở quần đảo Marshall trong suốt gần 5 thập kỷ. Bill Graham làm công tác biện hộ công khai nhằm thay mặt cho các nguyên đơn tìm kiếm công lý thông qua Tòa thỉnh cầu hạt nhân (NCT).
Trong suốt 17 năm, NCT đã trao giải thưởng hàng chục triệu USD tiền bồi thường được trích ra từ một quỹ tín thác trị giá 150 triệu USD (do Hoa Kỳ thành lập và chỉ ngừng hoạt động vào năm 2005 do ngân quỹ cạn tiền).
NCT kêu gọi số tiền trị giá 150 triệu USD nhằm bồi thường công bằng cho các cư dân sống trên quần đảo Marshall vì những thiệt hại mà họ phải gánh chịu, nhưng ít nhất 2.000 dân Marshall tuyên bố họ không nhận được xu nào. Vị trí của Mỹ là bồi hoàn cuối cùng và đầy đủ. Hồ sơ từ NCT đã lấy từ một nỗ lực điều tra kéo dài hàng thập kỷ của ông Bill Graham.
Thảm kịch ở 4 đảo san hô vòng
Năm 2017, quốc hội quốc đảo Marshall đã đổi mới nhiều nỗ lực tìm kiếm công lý hạt nhân khi nước này thành lập Ủy ban Hạt nhân quốc gia (NNC) – hội đồng 3 thành viên này đã đảm nhiệm việc phát triển ra một chiến lược nhằm đảm bảo công lý hạt nhân.
Chủ tịch NNC-Rhea Moss-Christian phát biểu với giới truyền thông trong một thư điện tử rằng: “Quý vị không cần phải lặn lội tới Bikini, Rongelap, Enewetak hay Utrik để thấu hiểu sự tàn phá”. Bản thân mẹ ruột của bà Moss-Christian từng có thời gian sống trên đảo san hô vòng Ailuk (phía Bắc đảo Bikini), nơi bà nhớ lại tiếng gầm rú khủng khiếp từ vụ thử bom hạt nhân Castle Bravo ở cách đó hàng trăm dặm.
Đảo san hô vòng Bikini (quần đảo Marshall) trước khi biến thành ma đảo bởi các vụ thử hạt nhân của quân đội Mỹ. Ảnh nguồn: NASA Earth Observatory. |
Năm 1968, Ủy ban Năng lượng nguyên tử Hoa Kỳ (AEC) cùng với Bộ Quốc phòng và nội chính (DODI) và các cơ quan khác đã tiến hành nghiên cứu về khả năng hồi hương của một số cư dân về lại đảo Bikini bất chấp mức độ bức xạ tăng cao.
AEC quyết định cư dân có thể hồi hương và đề xuất các bước để giảm phơi nhiễm trong khi cơ quan này vẫn đề xuất cơ chế giám sát thường niên đối với 2 đồng vị phóng xạ cesium-137 và strontium 90. Một trong những cư dân của đảo khi đó là bé trai 6 tuổi Alson Kelen.
Năm 1974, Kelen và cha mẹ rời đảo san hô vòng Kwajalein sang đảo Bikini, họ sống 4 năm ở đó cho đến khi lại rời đi vì các điều kiện không an toàn. Kelen nhớ lại đã theo dõi 3 con tàu rời đi cùng với các giới chức Mỹ và Marshall, họ mất 3 ngày để cố gắng thuyết phục dân tình cùng rời đi.
Ông Alson Kelen rùng mình nhớ lại: “Họ biết đúng lúc để dời đi do bức xạ quá cao để sinh sống. Tôi cho rằng người Mỹ biết rõ bức xạ không tốt, song họ vẫn muốn chuyển chúng tôi đến đó (đảo Bikini) để xem kỹ hơn các tác động bức xạ lên cơ thể con người”.
Ông Alson Kelen từng làm thị trưởng Biniki và giờ đây ông là một trong những ủy viên của NNC, đã gửi thông điệp cho các nhà lãnh đạo thế giới – những người đang còn tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân – thông điệp có đoạn: “Hãy nhìn chúng tôi đây. Chúng tôi không có quốc gia. Không có đảo”.
Với sự ra đời của các loại vũ khí hạt nhân mới hơn, lớn hơn, ông Kelen cảnh báo: “Trái đất sẽ teo tóp. Bài học chúng tôi là nhãn tiền”.
Một thành viên khác của cộng đồng Bikini là ông Jack Niedenthal - một công dân kép Mỹ - Marshall, người đã làm việc cho người Bikini suốt hơn 30 năm. Hôm nay, ông Niedenthal là thư ký của Bộ Y tế và Con người ở quốc đảo Marshall. Ông Niedenthal lý giải rằng vì người dân Marshall vẫn còn có những vấn đề sức khỏe trực tiếp và gián tiếp liên quan đến các xét nghiệm, nên họ xứng đáng được hưởng dịch vụ chăm sóc y tế tốt nhất thế giới.
Người Marshall cũng xứng đáng góp tiếng nói quan trọng trong các vấn đề thế giới. Ông Kelen nhấn mạnh: “Người dân quốc đảo Marshall đang thực sự tiến lên và ngày một mạnh mẽ hơn”.
Trước một di sản hạt nhân đã gây nhiều đau thương cho con người, xã hội dịch chuyển, gián đoạn văn hóa và hủy hoại môi trường, vấn đề công lý sẽ được thực thi như thế nào? Bà Moss Christian phát biểu: “Công lý sẽ có nhiều dạng khác nhau cho những con người khác nhau, song mẫu số chung thì nó vẫn giúp cho con người cảm thấy được gắn kết với đất đai của họ. Đó là một bức tranh toàn diện về sức khỏe lành mạnh, khả năng kiếm ăn từ đất đai cho dù là để sinh sống hay vì lợi ích kinh tế, cũng như nhằm xác định và định hình diện mạo văn hóa và lối sống phát triển ra sao”.
Đã có nhiều nỗ lực tái di cư người dân Marshall, đáng chú ý là tăng cường di cư sang Hoa Kỳ để theo đuổi một hệ thống chăm sóc y tế, giáo dục và các cơ hội việc làm tốt hơn. Bà Moss Christian cũng nói rằng mặt trái của vấn đề di dân là mất đi bản sắc văn hóa và kiến thức truyền thống, và dân Marshall lại phải phụ thuộc vào Hoa Kỳ mà không phải lúc nào cũng tích cực hay lành mạnh.
Ngày không thể quên
Ngày 1-3-2019 đã diễn ra buổi lễ chính thức nhằm đánh dấu Ngày tưởng niệm các nạn nhân hạt nhân tại thủ đô Majuro (Cộng hòa Marshall) cũng như ở 2 tiểu bang Hawaii và Arkansas, nơi có số đông các cộng đồng dân cư Marshall.
Nữ Tổng thống Hilda Heine: “Tôi muốn nhắc Tổng thống Donald J. Trump rằng nếu muốn nước Mỹ vĩ đại lần nữa, hãy hoàn thành những lời hứa hẹn mà các ông đã nói với người Marshall từ cách đây 71 năm”. |
Phát biểu tại buổi lễ thường niên, Tổng thống Marshall, bà Hilda Heine tuyên bố: “Không như Hoa Kỳ, chúng ta hành động vì đức tin tốt lành. Chúng ta là một trường hợp đạo đức điển hình và chúng ta đang tìm kiếm sự khắc phục tương xứng với những gì mà người Mỹ đã gây ra đối với nhân dân và hải đảo chúng ta”. Bà Heine đã phát biểu điều này ngay lúc đỉnh cao của căng thẳng hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên.
Ngày 1-3-2019, người dân Marshall đã nhớ lại những phí tổn đớn đau của vũ khí hạt nhân thậm chí đã 65 năm trôi qua kể từ sau vụ thử bom hạt nhân Castle Bravo. Những hòn đảo bốc hơi, các miệng hố hạt nhân độc hại, lưu đày, chết chóc và hủy diệt, đó là tất cả những hậu quả của thử nghiệm hạt nhân.
Bà Tổng thống Hilda Heine kết luận: “Tôi muốn nhắc Tổng thống Donald J. Trump rằng nếu muốn nước Mỹ vĩ đại lần nữa, hãy hoàn thành những lời hứa hẹn mà các ông đã nói với người Marshall từ cách đây 71 năm”.