“Cuộc chiến 30 năm” của một người lính Nhật

Thứ Ba, 02/08/2016, 09:00
Một binh sĩ Nhật Bản vẫn tiếp tục chiến đấu suốt 30 năm sau khi Chiến tranh Thế giới thứ hai đã kết thúc, khi phát xít Nhật đã đầu hàng. Lý do cực đơn giản nhưng gần như không tưởng trong thời hiện đại: Anh ta không biết chiến tranh đã chấm dứt!

Người đó là Hiroo Onoda, lúc đầu làm việc trong một công ty thương mại Trung Quốc. Khi 20 tuổi và bị gọi vào quân ngũ, Hiroo Onoda ngay lập tức bỏ việc và về Nhật Bản để huấn luyện. Trong thời gian huấn luyện, anh được chọn đi tập huấn ở trường Nakano với tư cách là một nhân viên tình báo quân đội. 

Trong khóa tập huấn tình báo quân đội đặc biệt này, Onoda được dạy các phương pháp đặc biệt về thu thập thông tin tình báo và cách thực hiện một cuộc chiến du kích. Anh được đào tạo để thâm nhập phía sau hàng ngũ kẻ thù. Cùng với một nhóm binh sĩ nhỏ, Onoda được lệnh phải khiến cho cuộc sống của kẻ thù của Nhật Bản khốn khổ và trong quá trình đó thì thu thập thông tin tình báo.

Ngày 26-12-1944, Onoda được cử tới đảo Lubang ở Philippines. Lệnh mà anh nhận được rất đơn giản: “Anh tuyệt đối bị cấm tự tử. Có thể mất 3 năm, có thể mất 5 năm nhưng cho dù chuyện gì xảy ra, chúng tôi sẽ trở lại với anh. Cho đến khi đó, chừng nào anh còn một người lính, chúng tôi sẽ tiếp tục dẫn dắt anh. Anh có thể phải sống bằng dừa. Và nếu xảy ra trường hợp đó, hãy ăn dừa mà sống. Trong bất kỳ trường hợp nào anh cũng không được từ bỏ mạng sống”.

Onoda khi còn là một anh lính trẻ (ảnh trái) và khi về già.

Sau đó, Onoda đã kết nối với các binh sĩ Nhật đã có mặt trên đảo Lubang cùng hoạt động. Không lâu sau hòn đảo này bị lực lượng đối phương đè bẹp. Nguyên nhân là các binh sĩ Nhật đến đảo trước Onoda từ chối hoàn thành một phần mệnh lệnh mà Onoda được giao là phá cảng, sân bay cùng một số cơ sở vật chất. Điều này khiến quân Đồng minh dễ dàng chiếm đảo Lubang, đổ bộ ngày 28-2-1945. Không lâu sau khi hòn đảo bị chiếm, các binh sĩ Nhật còn lại chia thành nhóm nhỏ 3 hoặc 4 người và lui vào hoạt động trong rừng rậm.

Phần lớn các nhóm này đã bị giết chết sau đó. Nhóm của Onoda gồm có Yuichi Akatsu, Siochi Shimada và Kinshichi Kozuka vẫn tồn tại. Họ tiếp tục sử dụng các chiến thuật chiến tranh du kích để gây khó khăn cho những người mà họ vẫn coi là kẻ thù ở mức tối đa có thể. Trong quá trình đó, họ đã phân chia khẩu phần ăn và đạn dược nghiêm ngặt. Ngoài một phần gạo nhỏ, họ có chuối, dừa và thức ăn lấy từ rừng rậm và các lần đột kích các nông trại địa phương khi có thời cơ.

Niềm tin che mất lý trí

Tháng 10-1945, sau khi giết một con bò trong nông trại gần đó làm thức ăn, họ tình cờ nhìn thấy một tờ rơi của người dân đảo, trong đó có thông điệp gửi cho họ nói: “Chiến tranh đã kết thúc ngày 15-8. Hãy xuống núi”.

Những người trong nhóm của Onoda đã bàn bạc về tờ rơi này rất kỹ, nhưng cuối cùng nhận định rằng đó có thể là chiến dịch tuyên truyền của quân Đồng minh nhằm khiến họ phải ra đầu hàng. Họ cảm thấy không thể nào có chuyện quân Nhật lại thua trận nhanh như thế từ khi họ được triển khai tới đảo Lubang.

Cuối cùng, khi gần hết năm đó, người dân trên đảo đã chán ngấy việc bị bắn và đột kích nên đã dùng một chiếc máy bay Boeing B-17 để thả tờ rơi khắp rừng. Những tờ rơi này có lệnh đầu hàng từ Tướng Yamashita. Những thành viên của nhóm Onoda một lần nữa xem xét kỹ tờ rơi để xác định tính xác thực. Họ thấy những lời lẽ trên tờ rơi nói về cách họ sẽ bị đưa trả về Nhật là đáng nghi, phần lớn là vì những lời đó nói như thể là quân Nhật đã bại trận – một điều mà họ không thể nghĩ tới và là một vấn đề lớn khiến họ không thể chấp nhận chiến tranh đã kết thúc.

Nếu quân Nhật thắng, họ sẽ tới và đón các binh sĩ ở đảo Lubang về. Và vì với họ, quân Nhật không thể thua trận nên chiến tranh vẫn phải tiếp diễn. Vì thế họ một lần nữa cho rằng quân Đồng minh đã chán các chiến thuật du kích thành công của họ và đang tìm cách lừa họ ra đầu hàng.

Khi điều này không có hiệu quả, ngày càng nhiều tờ rơi được thả xuống cùng báo chí từ Nhật, ảnh và thư từ gia đình các binh sĩ. Rồi các phái đoàn được cử đến Lubang từ Nhật, đi vào rừng, dùng loa phóng thanh cầu xin các binh sĩ đầu hàng. Trong mỗi trường hợp, nhóm của Onoda đều thấy có gì đó khả nghi khiến họ tin rằng đây là một trò lừa tinh vi của binh sĩ Đồng minh?

Bìa cuốn tự truyện của Onoda.

Nhiều năm trôi qua, bốn người lính Nhật vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ gây rối cho kẻ thù từ trong rừng mỗi khi có cơ hội và thu thập thông tin tình báo ở mức tốt nhất có thể. Có lúc, khi nhìn thấy hầu hết mọi người đều mặc thường phục, họ bắt đầu nghĩ rằng đây cũng là trò lừa của lực lượng Đồng minh để lừa lính du kích Nhật mất cảnh giác. 

Họ nghĩ đến điều đó mỗi khi nhằm vào “dân thường” bắn. Mỗi lần như vậy, họ lại bị săn tìm. Dần dần, họ nghĩ rằng tất cả đều là kẻ thù, thậm chí cả những người Nhật thường xuyên đến và cố tìm họ, đưa họ về nhà. Đối với Onoda và nhóm của anh ta, những người này chắc chắn là tù binh bị bắt vào rừng để lừa họ ra khỏi nơi an toàn là rừng rậm.

Sau 5 năm ở rừng, một thành viên nhóm là Akatsu đã quyết định đầu hàng nhưng không nói cho ba người còn lại. Anh ta đã tách nhóm và sau 6 tháng sống một mình trong rừng, anh ta đã đầu hàng những người mà anh ta nghĩ là quân Đồng minh năm 1949. Sau sự việc này, nhóm của Onoda ngày càng cẩn trọng và đi sâu vào rừng hơn, mạo hiểm ít hơn vì họ xem việc Akatsu rời đi là một mối đe dọa an ninh. Họ nghĩ: “Chuyện gì sẽ xảy ra nếu anh ta bị bắt?”.

Khoảng 5 năm sau nữa, một thành viên trong nhóm là Shimada đã bị giết chết trong một cuộc đụng độ trên bờ biển Gontin. Giờ chỉ còn hai người, Onoda và Kozuka.

Trong 17 năm nữa, hai người vẫn sống trong rừng, thu thập tin tình báo càng nhiều càng tốt và tấn công “kẻ thù” bất kỳ khi nào có thể. Chỉ có điều, những tin tức ấy chẳng bao giờ được gửi đi. Và làm gì có cách nào để gửi đi? Chỉ có điều, họ vẫn tin rằng cuối cùng quân Nhật Bản sẽ phái thêm lính tới và họ sẽ huấn luyện tân binh chiến tranh du kích, sử dụng thông tin tình báo để tái chiếm đảo Lubang. Mệnh lệnh mà họ nhận được khi đến Lubang là ở nguyên vị trí, làm công việc của mình cho đến khi cấp trên tới và đưa họ đi.

Tháng 10-1972, sau 27 năm lẩn trốn, Kozuka bị giết khi đụng độ với một nhân viên tuần tra Philippines. Phía Nhật Bản từ lâu đã cho rằng cả hai người còn lại đã chết. Chính quyền Nhật Bản không nghĩ họ có thể sống lâu như thế trong rừng. Chỉ đến khi nhìn thấy xác Kozuka, họ bắt đầu nghĩ có thể Onoda vẫn còn sống cho dù anh này bị tuyên bố đã chết từ lâu.

Về với thế giới

Người Nhật cử một đội đi tìm kiếm Onoda trong rừng. Không may, Onoda có kỹ năng lẩn trốn quá giỏi với kinh nghiệm 27 năm. Họ không thể tìm thấy anh ta. Và Onoda lại tiếp tục sứ mệnh. Cuối cùng, năm 1974, một sinh viên đại học tên là Nario Suzuki quyết định chu du thế giới.

Trong số những điều anh sinh viên liệt kê cần phải làm trong hành trình có mục là tìm Onoda. Cậu tới đảo Lubang, đi bộ xuyên rừng tìm dấu hiệu của Onoda. Đáng ngạc nhiên là khi hàng nghìn người trong 29 năm đã không thể tìm được Onoda thì cậu sinh viên này lại thành công. Cậu tìm thấy nơi trú ẩn của Onoda và cả Onoda vẫn còn sống.

Sau đó, Suzuki đã cố thuyết phục Onoda về nhà với mình. Onoda từ chối. Ông ta vẫn khăng khăng cấp trên sẽ quay lại tìm mình cho dù chuyện gì xảy ra đi chăng nữa. Ông ta sẽ không đầu hàng cũng như không tin chiến tranh đã kết thúc cho đến khi cấp trên tới và ra lệnh cho ông ta.

Suốt chừng ấy năm, Onoda đã giết chết 30 người Philippines và làm bị thương hơn 100 người, phá hủy nhiều vụ mùa của người dân địa phương trong gần 30 năm. Suzuki sau đó về Nhật Bản với thông tin chấn động là đã tìm ra Onoda. Thiếu tá Taniguchi nay đã nghỉ hưu và làm việc trong hiệu sách đã được đưa gấp tới Lubang để gặp Onoda, bảo ông rằng Nhật Bản đã thua trận và ông sẽ bỏ vũ khí, đầu hàng người Philippines.

Sau khi sống trong rừng làm những việc được cho là để giúp người Nhật, nay biết rằng mình đã lãng phí 30 năm cuộc đời, đã giết hại những người dân vô tội, ông Onoda đã bị một đòn giáng mạnh. Ông tâm sự sau này: “Đột nhiên mọi thứ đen ngòm. Một cơn bão gầm rú trong tôi. Tôi cảm thấy như một kẻ ngốc vì đã quá căng thẳng và cẩn trọng ở đây. Tồi tệ hơn thế, tôi đã làm gì trong suốt những năm đó? Cơn bão dần qua đi và lần đầu tiên tôi đã hiểu: 30 năm làm lính du kích cho quân Nhật đã chấm dứt đột ngột. Đây là kết thúc”.

Một buổi lễ kỳ lạ sau đó đã diễn ra. Ngày 10-3-1975, khi ở tuổi 62, ông Onoda vẫn mặc quân phục, ra khỏi rừng và hạ kiếm trước Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos. Tổng thống Marcos đã xá tội cho ông Onoda vì ông này không biết chiến tranh đã kết thúc.

Khi về Nhật Bản, Onoda được coi như một anh hùng. Và người ta đã tính toán và  bồi thường cho ông trong suốt 30 phục vụ trong… rừng. Cuộc sống ở Nhật Bản giờ khác xa thời ông còn trẻ và ông không hề thích. Nhiều giá trị đạo đức truyền thống mà ông tôn thờ như chủ nghĩa yêu nước đã gần như không còn tồn tại. Ông coi Nhật Bản là nước đang khúm núm trước toàn thế giới, mất sự tự hào và ý thức bản thân. Vì thế, Onoda đã tới Brazil, dùng lương để mua một nông trại ở đó và kết hôn.

Sau này, Onoda đã ra một cuốn tự truyện tiêu đề “No Surrender, My Thirty-Year War” (Không đầu hàng, cuộc chiến 30 năm của tôi). Trong đó, ông đã mô tả chi tiết cuộc sống lính du kích của mình.

Sau khi đọc tin về một thiếu niên Nhật Bản giết cha mẹ năm 1980, ông Onoda đã trở nên chán nản hơn về tình trạng của đất nước và thanh niên Nhật Bản. Năm 1984, ông quay về Nhật Bản, thành lập một trường học tự nhiên dành cho thanh niên. Tại đây, ông dạy học viên các kỹ năng sinh tồn và dạy họ trở thành công dân Nhật Bản tốt hơn, độc lập hơn.

Tháng 5-1996, ông Onoda trở lại Philippiness, tới hòn đảo Lubang nơi ông từng sống 30 năm. Ông tặng 10.000 USD cho các trường học ở đây. Hiroo Onoda mất ngày 16-1-2014 do bị suy tim.

Nhật Minh (tổng hợp)
.
.