Cuộc đời của nữ điệp viên gây “sốc” nước Mỹ và Liên Xô
- Violette Szabo, nữ điệp viên ưu tú của SOE trên đất Pháp
- Những nữ điệp viên nổi tiếng trong lịch sử tình báo Nga
- Nữ điệp viên – Những thách thức nghiệt ngã
Nữ điệp viên nhiều vai diễn
Giới điệp viên Liên Xô gọi Bentley là “umnitsa” (hay “Cô nàng cừ khôi”), trong khi đó FBI lại gọi bà là “Gregory” hay còn có lúc thay vì gọi là “bà” thì họ gọi bằng “ông”. Riêng các “tờ báo lá cải” thì thường xuyên đăng bài về Bentley, ví von bà là “Nữ hoàng điệp viên đỏ”, gốc khai sinh ở tiểu bang Connecticut, Hoa Kỳ). Người Mỹ miệt thị Bentley là “ả điếm”, “kẻ nát rượu”, tên của bà không hề được in vào thời kỳ đó ngay cả trong các hồ sơ phản gián.
Cho đến cuối cuộc đời làm đặc tình viên cho FBI, Bentley ngày càng mê tiền và thiếu kiên nhẫn với các điệp viên – những người chuyên xử lý những thông tin mà Bentley trao. Một trong những tiểu sử viết về “bà đầm điệp viên thép” có dòng ví von: “Theo FBI, Elizabeth Bentley đã có thời gian “mãn kinh” lâu nhất được ghi nhận trong lịch sử”.
Nhiều người viết về Bentley đã thảng thốt rằng: “Liệu Elizabeth Bentley có phải là đàn ông giả trang hay không?”.
Ở Bentley có đầy đủ những phẩm chất mà ít người phụ nữ nào có được: thông minh, can đảm, cảm giác phiêu lưu lãng mạn cùng sự tuyệt vọng cùng cực đã khiến cho bà đi theo con đường mà mình muốn. Học giả viết tiểu sử Kathryn Olmsted cũng thông cảm cho bà Bentley, nhìn nhận nữ điệp viên là người buồn bã và cô đơn, người đã tìm kiếm tình yêu ở những nơi sai lầm như Đảng cộng sản và các bộ máy gián điệp của Liên Xô trong thời gian đó là Bộ Dân ủy Nội vụ (NKVD) và Ủy ban nhân dân về an ninh nhà nước (NKGB).
Điệp viên Elizabeth Bentley ra làm chứng tại tòa vào năm 1948. Ảnh nguồn: Spartacus Education. |
Ngay cả bà Bentley cũng phải thừa nhận rằng cuốn hồi ký của Olmsted viết về mình là mang tính hư cấu, nó đã phá hủy uy tín của bà với tư cách là hối nhân (người ăn năn hối lỗi) công khai, một điệp viên đã nhìn thấy ánh sáng và đưa ra lời làm chứng quan trọng tại các phiên tòa và phiên điều trần trong cái thời gọi là “Thời đại McCarthy”.
Chuyện kể rằng, “Nữ hoàng điệp viên đỏ” bị bắt gặp đang chè chén bên trong một quán bar cùng với một quý ông được tuyên bố là “nhà điều tra của chính phủ Mỹ”, từ đó Bentley lo sợ rằng bề tôi của Stalin sẽ chấm dứt sự nghiệp của mình.
Vì vậy Bentley đã tìm tới FBI và bắt đầu bật mí. Bản thú tội dài 107 trang của Bentley diễn ra vào tháng 11-1945 dưới bí danh Rosetta Stone không chỉ tiết lộ mạng lưới các điệp viên Liên Xô và các kế hoạch của họ mà còn cung cấp nhiều thông tin vô giá về các thông tin của dự án Venona siêu tuyệt mật.
Từ các thông tin của Bentley mà người Mỹ đã buộc tội Alger Hiss (quan chức của Bộ Ngoại giao) vì tội khai man và Julius Rosenberg vì tội làm gián điệp. Một phần trong bản thú tội của Bentley đã hé lộ chi tiết về các kế hoạch hoạt động của Liên Xô ở Mỹ từ cuối thập niên 1930 đến cuối thời kỳ Chiến tranh thế giới lần thứ II (ĐCTGII).
Lưu ý của CIA vào năm 2003 có nhận xét rằng: “Chiến lược gián điệp do Elizabeth Bentley tham gia được xếp hạng là một trong những âm mưu ghê gớm đã được khởi động ngay trên đất Mỹ”.
Kể từ đó, những vụ án gián điệp quan trọng đã được phơi bày ở Mỹ nhưng mức độ tấn công không quy mô cho đến khi các cơ quan tình báo Moscow giành được thế thượng phong của họ ở Mỹ ngay trước và trong kỳ bầu cử tổng thống năm 2016. Cuối thập niên 1940, Bentley đã phản bội Liên Xô khiến họ phải ngừng gần như toàn bộ các hoạt động gián điệp ở Mỹ.
Từ đồng minh thành kẻ thù
Khi Elizabeth Bentley lần đầu tiên bước chân vào văn phòng thực địa FBI ở New Haven (tiểu bang Connecticut) vào tháng 8-1945 và bắt đầu tiết lộ chuyện đời mình, FBI còn không biết phải làm gì với những lời khai của bà. ĐCTGII vừa kết thúc và Liên Xô từng là đồng minh của Mỹ.
Giám đốc FBI - ông J. Edgar Hoover luôn lo âu về Cộng sản đỏ, và Whittaker Chambers (nhằm trong những thành phần đào ngũ từ Liên Xô) đã chuyển giao một số thông tin về các thành viên của Đảng cộng sản Liên Xô đang thâm nhập vào chính phủ Mỹ, nhưng các thông tin này có vẻ đã cũ.
Khi mà cuộc chiến tranh đang tăng cường chống Đức và Nhật, thì mối đe dọa của người Liên Xô không được phía Mỹ xem là ưu tiên hàng đầu. Vì vậy những tiết lộ buổi đầu của điệp viên Bentley đã bị phía Mỹ cân nhắc.
Cựu điệp viên Nga, Igor Gouzenko, người phụ trách giải mật các tài liệu do nữ điệp viên Elizabeth Bentley khai với phía Mỹ, làm lộ sáng mạng lưới gián điệp khổng lồ của Stalin ở nước ngoài. Ảnh nguồn: Montreal Gazate. |
Nhân viên giải mã Igor Gouzenko ngay lúc đầu cũng tỏ ra hoài nghi. Nhưng chỉ trong vài tuần giải mã, Gouzenko đã tạo ra những “cơn địa chấn dữ dội” tới các cơ quan phản gián ở Canada, Anh và Mỹ như là một bằng chứng về vòng gián điệp khổng lồ của Stalin ở nước ngoài.
Giờ đây khi chiến tranh đã kết thúc, có một sự thật đột ngột rằng “Chú Joe” (ám chỉ Joseph Stalin) luôn quan tâm tới các đồng minh của mình, các công nghệ hạt nhân của họ và các tác chiến tình báo, ngoại giao và các chính sách kinh tế của đối phương. Điệp viên Nga phủ sóng khắp nơi.
Đột nhiên vào tháng 10-1945, FBI muốn phỏng vấn Bentley một lần nữa, lần này là tại văn phòng thực địa ở New York, nhưng lần đó nữ điệp viên có vẻ nhút nhát, thăm dò động tĩnh xem FBI hiểu bao nhiêu về mình. Chính sự cẩn thận quá mức của Bentley đã khiến cho người điệp viên Mỹ thực hiện thẩm vấn ngỡ rằng bà mắc chứng tâm thần.
Những người tình
Elizabeth Bentley chào đời năm 1908 tại làng New Milford nằm ở đôi bờ sông Housatonic (Connecticut), một nơi nằm gần biên giới với New York.
Sau khi tốt nghiệp đại học Vassar với tấm bằng về các loại ngôn ngữ lãng mạn, Bentley đã đi dạy tại trường Foxcroft, một nơi nằm ngay trong vùng săn bắn nổi tiếng của tiểu bang Virginia. Sau 2 năm dạy học ở Foxcroft, bà bỏ việc. Cha mẹ lần lượt qua đời. Ở tuổi 25, Bentley trở thành cô gái mồ côi. Rồi thì Bentley sang Ý, học cao học tại Đại học Florence, và tiếp thu sự tự do.
Trong thời gian ở Ý, Bentley nắm lấy ý tưởng rằng Benito Mussolini là vị cứu tinh của nước Ý, và chủ nghĩa phát xít là làn sóng của tương lai. Và một trong các người tình của Bentley – một vị giáo sư hơn cô tận 20 tuổi, người có tên trong danh sách theo dõi của cảnh sát mật Ý – đã chống lại sự cuồng tín của Bentley với Mussolini.
Lúc Bentley quay lại Hoa Kỳ vào thời kỳ đỉnh cao của suy thoái, nạn nghèo đói nhan nhản trên đường phố, và người ta hy vọng rằng chủ nghĩa cộng sản sẽ trả lời cho nỗi thống khổ của nhân dân, điều này đã lôi cuốn Bentley cũng như những người thuộc giới trí thức thời ấy. Bentley ngụ tại nhà của một trong các cán bộ cộng sản và bà đã gia nhập đảng.
Năm 1938 lúc đang làm điệp viên tại văn phòng tuyên truyền của Mussolini ở New York, Bentley đã được giới thiệu để gặp gỡ một người đàn ông tên là “Timmy” và dần dà khám phá ra người thanh niên gốc Nga có tư tưởng Bolshevik.
Timmy có tên thật là Jacob Raison, từng nhiều năm ngồi tù ở Siberia dưới thời Sa hoàng. Rồi ông trốn thoát đến Hoa Kỳ, nhưng sau đó lại quay trở về Nga để tham gia cuộc cách mạng Bolshevik vào năm 1920. Ở Nga, Jacob Raison trở thành một thành viên của Cheka, sau đó đổi tên là OGPU, chính là tiền thân của 2 cơ quan NKVD và KGB.
Giữa thập niên 1920, Jacob Raison đổi họ của mình thành Golos (“giọng nói”). Golos giúp xây dựng đảng cộng sản ở Mỹ và trong thập niên 1930 thì ông trở thành người điều hành mạng lưới gián điệp. Bentley làm việc cho Golos và phải lòng quý ông Nga, nhưng rồi thì Golos phát bệnh xơ cứng động mạch.
Năm 1943, vào thời điểm Golos qua đời vì một cơn đau tim ngay ngày Lễ Tạ Ơn thì ông đã trăn trối việc chuyển toàn bộ mạng lưới điệp viên cho Bentley. Stalin đã tiếp cận họ và muốn những điệp viên phải thuộc về Trung tâm Moscow mới xứng đáng với tài năng của họ.
“Phản bội” Nga, bán bí mật tình báo cho Mỹ
Trong suốt năm 1944, Bentley đã bí mật gặp gỡ với 3 điệp viên với các bí danh ”Bill”, “Jack” và “Al”, những người này đã vỗ về bà chuyển giao các điệp viên của Golos – giờ đang nhúng sâu vào nhiều cơ quan chính phủ khác nhau gồm Bộ Ngân khố Mỹ và quan trọng hơn là Cục tình báo chiến lược (OSS, tiền thân của CIA).
Bà Angeline Nanni, một người tham gia vào công tác phá mã của dự án tuyệt mật Venona của Liên Xô. Ảnh nguồn: Maggie Steber. |
Liên tục từ chối nhưng trước nhiều áp lực, đến cuối năm 1944, Bentley đã giao các điệp viên của mình cho chính quyền Stalin. Golos đã thiết lập nhiều doanh nghiệp khác nhau làm vỏ bọc cho các hoạt động gián điệp.
Tháng 9-1945, Liên Xô nhận thức chính xác rằng họ sớm muộn cũng bị phương Tây cho là kẻ thù, Bentley đã bí mật tiếp kiến với “Al” (một sĩ quan tình báo ưu tú với tên thật là Anatoly Gorsky). Al đã quản lý cái gọi là “Bộ ngũ Cambridge” ở Anh gồm cả điệp viên Kim Philby và đã giám sát sự xâm nhập của Liên Xô đối với các tài liệu bom nguyên tử của Anh.
Hôm đó, Bentley đi ăn trưa với Al. Al ra lệnh cho Bentley nghỉ việc. Cuối cùng Al nói rằng người Liên Xô sẽ thành lập cho bà một doanh nghiệp nhỏ, nó có thể đặt ở Baltimore hoặc ở duyên hải miền Tây, hay cũng có thể đi dạy trường Nga ở Washington. Bentley không phải con ngốc.
Dụ không được, Al đã sa thải bà. Trong cơn say, Bentley tức giận, bà cũng mường tượng đến cảnh người Nga sẽ trả thù những kẻ phản bội. Sau khi một điệp viên FBI khi thẩm vấn đã cho rằng Bentley bị tâm thần, thì ngay sau đó bà đã gặp lại Al. Lần này, Al giúi vào tay Bentley 1 phong bì có số tiền 2000 USD (số tiền khá lớn vào thời đó). Những tuần tiếp đó, Bentley khá lưỡng lự.
Đến ngày 6-11-1945, FBI gọi và Bentley đáp đồng ý. 2 ngày sau đó, các cuộc phỏng vấn đã bắt đầu. Cuối buổi phỏng vấn, Bentley đã ký tên vào bản kê khai dài tới 107 trang. Nhiều tháng sau đó, những người mà Bentley nêu tên đã từ chối, hay phủ nhận sự cáo buộc, và không có đối tượng nào phải ra tòa.
Dự án Venona tuyệt mật
Mãi đến 50 năm sau khi những tài liệu tình báo Liên Xô được giải mật và công bố ra công chúng về dự án tuyệt mật Venona, thì các học giả mới quả quyết rằng mọi thứ mà Bentley cung cấp cho FBI là hoàn toàn đúng đắn, ít nhất là từ ký ức của Bentley và nó thật phi thường.
2 tác giả John Earl Haynes và Harvey Klehr trong cuốn sách viết vào năm 1999 mang tiêu đề “Venona: giải mã hoạt động gián điệp Liên Xô ở Mỹ” đã viết rằng Bentley yêu Jacob Golos say đắm và bà bị tổn thương sâu sắc khi ông qua đời vào cuối năm 1943. Thay chồng, Bentley đã tiếp tục công việc cho đến cuối năm 1944 thì bị KGB “nẫng” tay trên.
Năm 1945, Bentley bị lấy luôn Tập đoàn tàu thủy và dịch vụ Mỹ vốn là tài sản duy nhất mà bà có với Golos. Cuối mùa hè năm 1945, Bentley quyết định đào tẩu. KGB đẩy Bentley ra vì họ muốn có một hệ thống gián điệp an toàn hơn.
Kết thúc cuốn hồi ký của mình, tác giả Kathryn Olmsted viết: “Elizabeth Bentley là mẫu người phụ nữ cực kỳ mạnh mẽ, đã bất chấp pháp luật và các truyền thống. Bà đã lừa dối và thao túng NKGB (lực lượng cảnh sát mật mạnh nhất thế giới). Bentley cũng bắt cả J. Edgar Hoover phải miễn cưỡng ủng hộ cho mình”.
Cuối cùng, bà Bentley chấp nhận cải sang đạo Công giáo, nhưng bà gặp khó khi dạy học tại các trường dòng. Công việc cuối cùng của bà Bentley là dạy ở một trường cải cách dành cho nữ sinh ở Connecticut, mà theo ý bà là “xây dựng nên những công dân gương mẫu” và “đóng góp cho nước Mỹ tốt hơn”.
Nữ điệp viên Elizabeth Bentley tạ thế vì căn bệnh ung thư vào năm 1963, thọ 55 tuổi. Tạp chí Time viết về “Nữ hoàng điệp viên đỏ” với một cụm từ “Người Tân Anh Cát Lợi hay nổi cáu”.