Cuộc đua khốc liệt chinh phục Mặt trăng
- Nga – Mỹ ganh nhau vị trí.. xả rác vũ trụ nhiều nhất thế giới
- Người máy thay thế phi hành gia vũ trụ
- Phi hành gia có thể sử dụng nước từ Mặt Trăng
Một phần của cuộc đua vũ trang biến thành cuộc chạy đua vũ trụ. Hai quốc gia chuyển mục tiêu lên Mặt trăng và tận dụng điều này để mở rộng ảnh hưởng ra bên ngoài bầu khí quyển của trái đất.
Trong cuộc chạy đua chinh phục Mặt trăng, ở giai đoạn đầu Liên Xô luôn “vượt mặt” Mỹ, nhưng đến giai đoạn đưa người lên hành tinh gần nhất với trái đất thì Liên Xô lại “hụt hơi”, không đưa lên được nhà phi hành nào dù là chỉ bay vòng quanh nó. Bí ẩn này mãi đến gần đây mới được vén màn.
Chương trình tuyệt mật
Từ năm 1959, Liên Xô đã đi đầu trong cuộc chạy đua lên Mặt trăng. Thiết bị kỹ thuật đầu tiên được đưa lên Mặt trăng là tàu thăm dò Luna 2. Con tàu này đã chạm bề mặt Mặt trăng vào ngày 14-9-1959. Còn những tấm ảnh đầu tiên trên thế giới chụp được mặt tối của Mặt trăng, bề mặt mà con người trên trái đất không bao giờ nhìn thấy, do tàu thăm dò Luna 3 của Liên Xô thực hiện vào ngày 7-10-1959.
Giáo sư Vladimir Chelome. |
Luna 9 cũng là tàu thăm dò đầu tiên hạ cánh xuống Mặt trăng ngày 3-2-1966 và cú hạ cánh này chứng minh rằng, tàu đổ bộ không lún chìm vào lớp bụi dày che phủ bề mặt Mặt trăng như người ta từng phỏng đoán. Vệ tinh nhân tạo đầu tiên bay quanh mặt trăng cũng do Liên Xô thực hiện với tàu Luna 10- phóng ngày 31-3-1966. Chiếc xe tự hành đầu tiên chạy trên mặt trăng ngày 17-11-1970 cũng của Liên Xô- chiếc Lunokhod 1.
Thế nhưng trước đó, ngày 24-12-1968, người đầu tiên đặt chân lên Mặt trăng là một phi hành gia người Mỹ- Neil Armstrong, chỉ huy tàu Apollo 11. Trước sau có tổng cộng 12 phi hành gia Mỹ lên tới Mặt trăng. Trong khi đó, không một nhà du hành vũ trụ nào của Liên Xô được đưa lên đó. Đây liệu có phải là vấn đề chiến lược của cường quốc Liên Xô mà thực lực lúc đó không hề thua kém Mỹ?
Sau thành công của các chuyến bay Vostok rồi Voskhod (với việc đưa người phụ nữ đầu tiên lên không gian - nữ phi hành gia Valentina Tereshkova, và người đầu tiên bước ra ngoài không gian - phi hành gia Alexei Leonov), Liên Xô mới đặt vấn đề tổ chức các chuyến bay thám hiểm và đưa người lên Mặt trăng.
20 năm sau khi người Mỹ đặt chân lên Mặt trăng, Liên Xô mới chính thức thừa nhận mình có một chương trình đưa người lên Mặt trăng (gọi tắt theo tiếng Anh là MMP) từ năm 1960 nhưng được giữ bí mật tuyệt đối.
Thông tin này được đăng lần đầu tiên trên nhật báo Izvestia ngày 18-8-1998. Người đầu tiên đề xuất chương trình MMP là tổng công trình sư huyền thoại trong lĩnh vực vũ trụ-hàng không của Liên Xô- Sergei Korolev. Ông là người đưa ra ý tưởng thiết kế một tên lửa đẩy cực mạnh có khả năng đưa người lên Mặt trăng, thậm chí lên sao Hỏa vào cuối thập niên 1950. Việc thiết kế một loạt tên lửa đó – có tên N-1 và sau đó N-2 – bắt đầu trước khi Tổng thống Mỹ John F. Kennedy công bố chương trình Apollo.
Nữ phi hành gia Valentina Tereshkova trò chuyện với tổng công trình sư tên lửa huyền thoại của Liên Xô Sergei Korolev trước chuyến bay đầu tiên vào không gian. |
Năm 1962, chính phủ Liên Xô khởi động việc sản xuất tên lửa N-1. Ở giai đoạn đầu, tên lửa N-1 được thiết kế để đưa những con tàu vũ trụ nặng 40-50 tấn lên quỹ đạo trái đất. Giai đoạn kế tiếp, N-1 sẽ được cải tiến thành N-2 nâng sức đẩy lên 70-80 tấn đưa tàu vũ trụ lên quỹ đạo Mặt trăng rồi đưa người lên mặt trăng vào năm 1967. Tuy nhiên, ngay trong giai đoạn đầu, việc sản xuất tên lửa N-1 đã gặp nhiều trở ngại.
Đầu tiên là Lực lượng tên lửa chiến lược (SSF), đơn vị nắm giữ quyền phân bổ ngân sách của chương trình MMP. Cho rằng MMP không có lợi ích quân sự và chỉ nhằm mục tiêu chính trị, lãnh đạo SSF tỏ ra không mấy quan tâm đến “chương trình viễn tưởng đưa người lên Mặt trăng” và vận động cấp trên tập trung ngân sách vào việc chế tạo các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Chương trình MMP vì vậy lâm vào tình trạng luôn thiếu vốn ngân sách.
Giáo sư Valentin Glushko, kiến trúc sư trưởng bộ phận sản xuất động cơ tên lửa, thì bất đồng với Korolev về việc dùng nhiên liệu gì cho tên lửa N-1. Korolev muốn dùng nhiên liệu lỏng cực lạnh như khí ôxy lỏng nhưng Glushko lại muốn dùng nhiên liệu rắn. Cần biết rằng, Valentin Glushko là chuyên gia hàng đầu của Liên Xô về bộ phận máy của tên lửa vào thời kỳ đó.
Ông muốn sử dụng loại nhiên liệu năng lượng cao để phóng tên lửa N1, nhưng giáo sư Korolev, do muốn giảm tối đa thiệt hại cho con người và môi trường nếu chẳng may tên lửa N1 gặp tai nạn trên mặt đất lại muốn sử dụng loại nhiên liệu không độc hại. Một ủy ban đặc biệt được thành lập năm 1962 để giải quyết cuộc xung đột này. Kết quả Korolev thắng, vì không giải quyết được bất đồng về mặt kỹ thuật nên Glushko thôi không cộng tác với nhóm của giáo sư Korolev.
Lần này, tổng công trình sư phải nhờ đến nhà thiết kế động cơ máy bay Nikolai Kuznetsov chế tạo động cơ dùng nhiên liệu lỏng. Nhưng Nikolai Kuznetsov không có kinh nghiệm chế tạo động cơ tên lửa loại lớn. Ông này chỉ chuyên chế tạo những động cơ nhỏ vì vậy tên lửa N-1 có đến 30 động cơ ở tầng 1, 8 động cơ ở tầng 2 và 4 động cơ ở tầng 3. Khai hỏa đồng loạt tất cả những động cơ này là một việc hết sức khó khăn.
Không nắm rõ được những bất đồng về kỹ thuật bên trong nội bộ các nhà khoa học hàng đầu Liên Xô, Tổng Bí thư Nikita Khrushchev tỏ ra sốt ruột về tiến trình triển khai cuộc chạy đua với chương trình Apollo của Mỹ nên liên tục chỉ trích và tạo áp lực. Trong tình thế thời gian lẫn kinh phí đều hạn hẹp, 4 cuộc phóng tên lửa N-1 từ tháng 2-1969 đến tháng 11-1972 đều thất bại thảm hại.
“Lắm thầy nhiều ma”?
Một nguyên nhân khác khiến chương trình đưa người lên Mặt trăng của Liên Xô cứ mãi “ì ạch” là do xung quanh tổng công trình sư Korolev có vài nhân vật “phá bĩnh”. Như trên đã đề cập, nhiệm vụ đưa người lên Mặt trăng được giao cho nhóm của giáo sư Sergei Korolev, còn nhiệm vụ thực hiện các chuyến bay thám hiểm Mặt trăng được giao cho nhóm của giáo sư Vladimir Chelomey.
Cùng tham gia chương trình MMP nhưng Chelomey lại là một đối thủ giấu mặt. Kỹ sư hàng không Sergei Khrutchev, con trai nhà lãnh đạo Nikita Khrutchev, làm việc cho Chelomey ở phòng thiết kế tên lửa UR-500 (sau này gọi là Proton). Sergei Khrutchev thường “tâu” với cha mình rằng, nên dùng tên lửa UR-500 hơn dùng N-1.
Lá cờ Mỹ trên Mặt trăng, chứng tích của người chiến thắng trong cuộc đua. |
Để làm đẹp lòng lãnh đạo, Vladimir Chelomey cũng ủng hộ phương án này. Nhưng tên lửa UR-500 cũng không hơn gì N-1. Từ tháng 3-1967 đến tháng 10-1970, Phòng thiết kế tên lửa đã phóng thử tổng cộng 22 lần nhưng chỉ có một lần duy nhất vào tháng 8-1969 là thành công.
Giáo sư Vassily Pavlovitch Mishin, viện sĩ Viện hàn lâm không gian của Liên Xô, trong cuốn sách có tựa đề “Tại sao chúng ta không đặt chân lên mặt trăng?” ấn hành tại Pháp vào năm 1995, đã nhận định: “Chính việc để hai chương trình thám hiểm và đưa người lên Mặt trăng của giáo sư Korolev và giáo sư Chelomey phát triển song song với nhau đã khiến cho các cố gắng của chúng ta bị phân tán, từ tài chính cho đến trí lực và nguồn lực. Có đến 500 xí nghiệp, nhà máy và cơ quan chính phủ cùng tham gia thực hiện hai chương trình này.
Với nhiều lý do khác nhau, nhiều nhà máy đã không giao đúng hợp đồng các loại nguyên vật liệu, phụ tùng cần thiết để phục vụ cho công tác chế tạo các tên lửa đẩy và cả tàu đổ bộ. Việc quản lý khoản kinh phí khổng lồ lên đến 2,9 tỉ rúp phục vụ cho chương trình thám hiểm và đưa người lên Mặt trăng lại do nhiều cơ quan chính phủ khác nhau đảm nhận như Ủy ban Khoa học không gian, Ủy ban Công nghiệp và Quốc phòng... Trong khi đó, khoản kinh phí 120 tỉ USD dành cho chương trình Apollo chỉ được giao cho một mình Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) quản lý và sử dụng”.
Cũng cần nói thêm, trong cuộc đua chinh phục Mặt trăng của Liên Xô có hai sự kiện gây ảnh hưởng rất lớn. Thứ nhất, đó là sự kiện Nikita Khrushchev bị hạ bệ năm 1964. Theo một số nhà phân tích, sự kiện này lại mang ảnh hưởng tích cực đối với chương trình MMP. Ông Khrushchev lúc đương thời không kiên trì trong chỉ đạo thực hiện, có lúc tuyên bố “từ bỏ kế hoạch đưa người lên Mặt trăng” (tháng 10-1963) nhưng sau khi Tổng thống John F. Kennedy công bố chương trình Apollo thì ông Nikita Khrutschev lại đổi ý, hối thúc cuộc đua tiếp tục tăng tốc.
Thời Tổng Bí thư Leonid Brejnev, giáo sư Korolev được hỗ trợ tối đa. Mọi hy vọng đưa người lên Mặt trăng lúc đó của Liên Xô đều dồn vào chương trình N1-L3 của giáo sư Korolev. Một biến cố nghiêm trọng xảy ra vào tháng 4-1966: giáo sư Korolev đã qua đời trong một ca phẫu thuật khối u cột sống. Giáo sư Vassily Mishin, lúc đó đang là phụ tá cho giáo sư Korolev được giao nhiệm vụ điều hành chương trình N1-L3.
Sau một loạt thất bại của tên lửa N-1, Mishin bị mất uy tín và phải nhường chức cho Valentin Glushko. Có nhiều tài liệu chỉ ra rằng, vấn đề ngân sách hạn hẹp mà Chính phủ Liên Xô dành cho chương trình MMP cũng góp phần làm cho chương trình này dở dang. Theo tiết lộ của báo Pravda, Mỹ đã chi 25 tỉ USD cho chương trình Apollo trong khi chương trình MMP chỉ được cấp 4,5 tỉ rúp!
Trong khi đó, chương trình chinh phục Mặt trăng mang tên Apollo của Mỹ, với mục tiêu chính là đưa người lên Mặt trăng trước thập niên 70, đã bước vào giai đoạn quan trọng: thử nghiệm các mô hình tàu đổ bộ (LEM). Vào ngày 25-11-1968, 3 phi hành gia người Mỹ là Borman, Lowell và Andrew đã có mặt trên quỹ đạo Mặt trăng với phi thuyền Apollo 10.
Biết rằng đã “hụt hơi” trong cuộc đua với Mỹ nên Liên Xô quyết định đình hoãn các chương trình thám hiểm và đưa người lên Mặt trăng của mình để bắt tay triển khai chương trình chế tạo các trạm không gian đầu tiên có người điều khiển và làm việc. Chương trình này đã mở ra một kỷ nguyên mới trong nghiên cứu không gian của con người.
Vào ngày 21-7-1969, khi cả nước Mỹ và thế giới ngây ngất theo dõi qua truyền hình cảnh phi hành gia Neil Amstrong đặt những bước chân đầu tiên xuống Mặt trăng thì chương trình phóng các không trạm thế hệ Salyut của Liên Xô ra ngoài không gian bắt đầu khởi động để đón nhận các nhà khoa học lên làm việc và nghiên cứu. Từ năm 1971-1986, các tên lửa đẩy Proton đã lần lượt đưa đến 7 không trạm Salyut lên không gian. Liên Xô đã tiến một bước dài và qua mặt cả Mỹ trong việc thực hiện các chuyến nghiên cứu dài ngày của con người vào không gian.
Rất may là Mỹ đã về đích trên đường trường chinh phục Mặt trăng và Liên Xô đã chuyển hướng thành công trong công cuộc nghiên cứu không gian, chứ nếu không, rất có thể cả hai đối thủ sẽ tiến hành những cuộc thử nghiệm hạt nhân trên hành tinh này. Theo tiết lộ của tờ “the New York Post”, vào năm 1958, nhà vật lý người Mỹ Leonard Reiffel đã được giao trách nhiệm chủ trì dự án mang mã hiệu A119 có mục tiêu kích nổ một đầu đạn hạt nhân trên Mặt trăng.
Nhưng sau hơn một năm cân nhắc, các nhà lãnh đạo Mỹ đã chuyển sang hướng đưa con người vào không gian, thay vì vũ khí. Trong khi đó, Liên Xô cũng nung nấu dự án E-4 bao gồm một cuộc tấn công mặt trăng bằng tên lửa hạt nhân. Nhưng chương trình này cũng đối mặt với những rủi ro và khó khăn tương tự dự án bí mật của Mỹ nên sớm bị dẹp bỏ.