Cuộc giải cứu nghẹt thở

Thứ Ba, 15/08/2017, 14:22
14 giờ 20 phút ngày 2-6-1995, đại úy Scott Francis O'Grady, lái chiếc máy bay phản lực tiêm kích F16 thuộc Không đoàn chiến thuật 555, Mỹ, cùng đại úy Bob Wright lái một chiếc F16 khác, cất cánh từ sân bay Avinoa, Italia trong một phi vụ tuần tra thường lệ trên khu vực cấm bay thuộc vùng trời Banja Luka, Bosnia-Herzegovina.

Đến 15 giờ, rada trên chiếc F16 của Scott Francis O'Grady phát tín hiệu cảnh báo tên lửa nhưng do trời có khá nhiều mây mù nên  Scott Francis O'Grady không thể nhìn thấy để lẩn tránh. Kết quả là một quả tên lửa đất đối không 2K12 Kub do Liên Xô trước đây  chế tạo,  khai hỏa bởi lực lượng phòng không Serb, đã bắn trúng mục tiêu…

BÀI I: BỊ BẮN RƠI

Giây phút định mệnh

Quả tên lửa 2K12 Kub thứ nhất được bắn đi bởi lực lượng phòng không Serb, nổ tung ở khoảng cách giữa hai chiếc F16 của đại úy Scott Francis O'Grady và đại úy Bob Wright. Chưa kịp phản ứng thì quả thứ hai bắn trúng chiếc F16 do O'Grady điều khiển khiến nó gãy lìa làm đôi. Đại úy Bob Wright nhớ lại: "Một quả cầu lửa bùng lên. Tôi nói như hét vào microphone nhưng không thấy O'Grady trả lời. Tôi cũng chẳng kịp nhìn xem anh ấy có nhảy dù được không vì tôi phải lượn ra xa để thoát khỏi vùng nguy hiểm".

O'Grady trong buồng lái chiếc F16.

Ngay khi quả tên lửa chạm vào chiếc F16 rồi phát nổ, hệ thống ghế phóng khẩn cấp lập tức kích hoạt, đẩy O'Grady lên cao. Khi vừa hết tầm, chiếc ghế tự động rơi ra trong lúc O'Grady kéo chốt mở dù.

Sau này, khi đã được cứu thoát, O'Grady  kể lại giây phút ấy: "Từ khoảng 600 bộ (200m), tôi thấy dưới chân mình là một con đường, quanh co uốn lượn qua những triền núi. Trên đường, một chiếc xe tải chở một nhóm lính Serb, có lẽ họ đã nhìn thấy chiếc máy bay trúng tên lửa nên họ lùng bắt phi công. Lợi dụng những đám mây, tôi lái dù về hướng ngược lại rồi tiếp đất. Sau đó tôi nhanh chóng lấy túi cứu sinh, máy truyền tin, đèn phát tín hiệu rồi lẩn vào rừng. Nằm trong một bụi cây rậm, tôi nghe lính Serb gọi phi công ra hàng bằng tiếng Anh, kèm theo đó là từng tràng tiểu liên AK bắn hú họa".

Lẩn trốn đến xẩm tối, dựa vào chiếc địa bàn, O'Grady di chuyển về hướng tây nam, nơi có những vị trí của quân đội NATO trấn đóng. Anh kể: "Đi là đi liều  bởi lẽ ở những vùng chiến sự trên lãnh thổ Bosnia Herzegovina, theo các cấp chỉ huy phổ biến thì 2 đến 6 triệu quả mìn đã được người Serb cài đặt". Và mặc dù có thiết bị định vị toàn cầu, máy truyền tin tần số ngắn nhưng O'Grady không dám sử dụng vì anh sợ người Serb sẽ dò ra vị trí của anh.

Trong 2 ngày tiếp theo, thức ăn chủ yếu của O'Grady là những con kiến vàng cùng những con bọ xít. Anh nói: "Kiến có vị chua như giấm còn bọ xít rất hôi nhưng nó đã cung cấp cho tôi chút năng lượng cần thiết. Khi đêm xuống, tấm bản đồ bay bằng nylon thay cho tấm mền, giúp tôi giữ ấm vùng ngực. Cũng may lúc đó mới là đầu mùa hè, điều kiện tự nhiên chưa đến nỗi khắc nghiệt lắm".

Ngay sau khi tin tức về chiếc F16 của đại úy O'Grady bị bắn rơi, Bộ Tư lệnh NATO ở Cộng hòa Liên bang Đức đã huy động nhiều phương tiện tìm kiếm - kể cả vệ tinh với hy vọng sẽ nhận được tín hiệu cấp cứu của O'Grady.

Thiếu tá McDonnel, chỉ huy chiếc máy bay C130 trinh sát điện tử nhớ lại: "Chúng tôi chia nhau bay trên vùng trời Banja Luka gần như 24/24 giờ. Các sĩ quan mã thám tai nghe úp chặt vào đầu, cố ghi lại những tín hiệu dù là yếu nhất. Ở cửa hông máy bay, sĩ quan thám không căng mắt nhìn xuống dưới với hy vọng sẽ thấy tấm pan nô màu da cam - là một tấm vải - dấu hiệu cấp cứu - của O'Grady trải ra đâu đó trên mặt đất. Davis Holm, chuyên gia phân tích hình ảnh vệ tinh nói thêm: "Vệ tinh Lockyeys 11 có thể chụp xuyên qua những đám mây hoặc những cơn mưa, cả ban ngày lẫn ban đêm nhưng vẫn không ghi nhận được gì".

Theo đại úy O'Grady, không dưới 3 lần anh ta nhìn thấy chiếc C130 bay qua và 1 trong 3 lần ấy, O'Grady đã liều mạng phát tín hiệu liên lạc trong 9 giây nhưng cả chiếc C130 lẫn vệ tinh, chẳng có chiếc nào trả lời. Chỉ duy nhất Cơ quan tình báo Không quân Mỹ thu được một cuộc điện đàm của phía Serb, nội dung lính biên phòng Serb đã phát hiện chiếc dù của O' Grady được chôn lấp khá kỹ lưỡng nhưng chưa tìm thấy phi công.

Điều này tạo ra một hy vọng mơ hồ, rằng O'Grady có thể vẫn đang ẩn náu đâu đó trong rừng nhưng về phía Bộ Quốc phòng Mỹ, mặc dù kế hoạch giải cứu O'Grady đã được vạch ra, vẫn có ý kiến cho rằng bức điện của quân Serb chỉ là cái bẫy để dụ thêm quân Mỹ, quân NATO vào, còn O'Grady thì đã bị bắt.

Bối cảnh cuộc chiến Bosnia - Herzegovina

Là nước cộng hòa thuộc Liên bang Nam Tư cũ, diện tích 51.139 km2, chiếm 1/5 diện tích Liên bang Nam Tư, dân số gần nửa triệu người, Bosnia Herzegovina gồm 3 nhóm dân tộc chính là Bosnia, Serb và Croatia. Trong đó nhóm Bosnia  có số dân đông nhất.

NgườI Bosnia và Croatia trong một trại tập trung của quân đội Serb.

Trong Thế chiến 2, Bosnia Herzegovina bị Đức Quốc xã chiếm đóng. Chiến tranh kết thúc, Liên bang Nam Tư ra đời dưới sự lãnh đạo của Thống chế Josip Broz Tito. Năm 1989, sự tan rã của các quốc gia Đông Âu thuộc khối xã hội chủ nghĩa đã tác động mạnh đến Nam Tư, dẫn đến sự tan rã của Liên bang Nam Tư. Sau khi Slovenia và Croatia tuyên bố độc lập, tách khỏi Liên bang Nam Tư, chính phủ Bosnia Herzegovina, đứng đầu bởi Tổng thống Alija Izetbegovic cũng có ý muốn Bosnia Herzegovina trở thành nước độc lập.

Tháng 3-1990, Tổng thống lzetbegovic công bố "Bản ghi nhớ về vấn đề chủ quyền của Bosnia Herzegovina", trong đó nhấn mạnh quốc gia này có chủ quyền trong phạm vi biên giới hiện tại, chuẩn bị tách ra khỏi Liên bang để trở thành một nước độc lập. Đến ngày 15-10-1991, Izetbegovic trình "Bản ghi nhớ" lên quốc hội thảo luận nhưng vấp phải sự phản đối quyết liệt của Đảng Dân chủ Serbia, đại diện cho đa số người Serb. Ngược lại, Đảng Cộng đồng Dân chủ Bosnia Herzegovina Croatia ủng hộ "Bản ghi nhớ". Việc ấy gây ra chia rẽ giữa một bên là người Serb, một bên là người Croatia.

Ngày 3-3-1992, bất chấp sự phản đối của người Serb, Tổng thống Izetbegovic tuyên bố Bosnia Herzegovina độc lập, tách ra khỏi Liên bang Nam Tư. Trong khi các bên còn đang giằng co thì ngày 6-4, cộng đồng Châu Âu (EU) bất ngờ công nhận Bosnia Herzegovina là quốc gia độc lập khiến người Serb phẫn nộ. Lập tức,  5 khu tự trị của người Serb vừa mới hình thành, tuyên bố liên kết để cho ra đời "Nước Cộng hòa Bosnia Herzegovina".

Tên lửa 2K12 Kub, loại đã bắn rơi chiếc F16.

Ngày 7-4-1992, nhiều khu vực ở Bosnia Herzegovina nổ ra xung đột vũ trang. Quân đội Nam Tư huy động máy bay ném bom nhắm vào lực lượng dân quân người Serb. Cùng ngày hôm đó, Mỹ tuyên bố công nhận độc lập của Bosnia Herzegovina khiến ngọn lửa chiến tranh lại được đổ thêm dầu.

Đến đầu tháng 8, người Serb chiếm được 60% lãnh thổ Bosnia Herzegovina, người Croatia chiếm 30% còn người Bosnia lại chỉ có 10% đất đai. Với danh nghĩa "thanh lọc dân tộc", hàng chục nghìn người Bosnia và Croatia đã bị quân Serb lùa vào các trại tập trung, bị ngược đãi và hãm hiếp. Việc "thanh lọc" lên tới cực điểm khi quân Serb tàn sát 8.000 người lớn, trẻ em Bosnia hồi tháng 7-1993, đã khiến thế giới gọi đó là "một vụ diệt chủng".

Ngày 13-8-1993, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua Nghị quyết 770, trao quyền cho NATO "được phép áp dụng mọi biện pháp cần thiết, đưa viện trợ nhân đạo đến với nước Cộng hòa Bosnia Herzegovina": Nghị quyết tuy không nhắc đến cụm từ "sử dụng vũ lực" nhưng khối NATO hiểu rằng "mọi biện pháp cần thiết" đồng nghĩa với việc có thể có nổ súng.

Khi cầu hàng không chuyên chở hàng viện trợ nhân đạo của Liên Hiệp Quốc đang diễn ra, ngày 7-9-1993, người Serb pháo kích vào ngoại ô thành phố Sarajevo, nơi có con đường duy nhất dẫn đến sân bay. Kết quả là 8 người chết, 40 người bị thương, cầu hàng không gián đoạn. Chưa hết, phía Serb còn sử dụng không quân, ném bom nhiều thị trấn, làng mạc do quân chính phủ Bosnia Herzegovina kiểm soát, giết chết nhiều dân thường.

Đỉnh điểm là vụ quân Serb pháo kích vào "khu vực xanh" - là khu phi quân sự do Liên Hiệp Quốc vạch ra để thực hiện các công tác nhân đạo, đồng thời cướp 4 khẩu pháo 105mm của Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc. Không thể kiên nhẫn được nữa, Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc tại Bosnia Herzegovina ra tối hậu thư, yêu cầu phía Serb trước 12 giờ ngày 25-12 phải trả lại 4 khẩu pháo, cũng như phải rút toàn bộ vũ khí hạng nặng ra khỏi thành phố Sarajevo 40 km.

Hết hạn tối hậu thư, phía Serb vẫn lờ đi nên NATO tiến hành ném bom các căn cứ quân sự Serb. Để trả đũa, lãnh tụ người Serb là Radovan Kanadzic đưa 80 lính mũ nồi xanh thuộc Lực lượng giữ gìn hòa bình Liên Hiệp Quốc - trong tổng số gần 400 người đã bị phía Serb bắt - ra làm lá chắn khiến Pháp, Canada, Anh…, là những nước có binh sĩ tham gia lực lượng này hết sức bối rối.

Bên cạnh  những biện pháp ngoại giao nhằm giải phóng con tin, Pháp, Canada, Anh còn thúc giục giới lãnh đạo quân sự khối NATO nhanh chóng vào cuộc. Kết quả là nhiều chiến dịch quân sự cùng nhiều biện pháp bao vây, cấm vận phía Serb được NATO thực thi, trong đó có cả "vùng cấm bay" Banja Luka, Bosnia Herzegovina

Chiến dịch giải cứu “đại bàng non”

Scott Francis O'Grady sinh ngày 12-10-1965 ở Brooklyn, thành phố New York, Mỹ. Sau khi tốt nghiệp Trường Trung học Lewis&Clark ở Spokane, Washington, O'Grady vào trường thiếu sinh quân hàng không Civil Air Patrol rồi theo học khóa đào tạo phi công F16 tại trung tâm huấn luyện Embry-Riddle Aeronautical University's Campus, thành phố Prescott, bang Arizona. 

Tiếp theo, anh ta được cử sang phục vụ ở Hàn Quốc rồi chuyển đến Bộ Tư lệnh NATO ở Hamburg, Cộng hòa liên bang Đức. Khi Liên Hiệp Quốc thiết lập vùng cấm bay ở Banja Luka, Bosnia Herzegovina, O'Grady nhận nhiệm vụ tuần tra nhằm ngăn chặn máy bay của phía Serb ném bom tàn sát dân lành vô tội người Bosnia và người Croatia.. Theo O'Grady, anh đã bay ở vùng này 16 lần trước khi bị tên lửa bắn rớt…

Cao Trí (theo History - Return With Honor)
.
.