Cựu điệp viên Anh Christopher Steele và duyên nợ nước Nga

Thứ Năm, 30/11/2017, 23:05
Christopher Steele, cựu điệp viên Cơ quan tình báo MI-6 của Anh, được xem là người có nhiều duyên nợ với nước Nga, bởi không những ông đã có nhiều thời gian làm việc tại Nga mà còn được phân công theo dõi, giám sát tình hình nước Nga suốt cả thời gian 22 năm làm việc cho MI-6.

Sự nghiệp tình báo của Steele gắn liền với mọi biến động thời cuộc liên quan đến nước Nga.

Người từ Đại học Cambridge

Moscow mùa hè năm 1991, bầu không khí nóng bỏng của cuộc giao thời cuối Chiến tranh Lạnh. Liên Xô tan rã, chính biến xảy ra liên tục. Từ năm 1991 đến 1993 là giai đoạn chuyển tiếp từ nhà nước Liên bang Xôviết sang Liên bang Nga, với sự xuất hiện của “người hùng” Boris Yeltsin do thời thế tạo ra. Trong buổi giao thời đó, ở Đại sứ quán Anh tại Moscow xuất hiện một nhà ngoại giao trẻ măng, mới 27 tuổi và vừa mới cưới vợ, trong vai trò Bí thư thứ hai phụ trách pháp chế.

Nhà ngoại giao trẻ này đương nhiên không thoát khỏi tầm quan sát của cơ quan tình báo Nhà nước Xô Viết KGB. Thời đó, KGB giám sát, theo dõi mọi đối tượng người nước ngoài, nhưng Steele là đối tượng được quan tâm đặc biệt hơn. Và KGB đã theo dõi đúng người. Steele tuy còn rất trẻ nhưng đến thời điểm đó đã làm việc cho Cơ quan tình báo đối ngoại Anh MI-6 được 4 năm.

Christopher Steele.

Christopher David Steele sinh vào tháng 6-1964 tại thành phố cảng Aden, Nam Arabia, nay là miền Nam Yemen. Vùng đất Nam Arabia vào thập niên 1960 còn thuộc quyền bảo hộ của Đế quốc Anh, và cha mẹ Steele đến đó để thi hành nhiệm vụ theo sự phân công của chính phủ. Ông Perris, cha của Christopher, là một nhân viên dự báo thời tiết của quân đội Anh. Thời niên thiếu, do tính chất công việc của cha mẹ mà Christopher phải chuyển trường học liên tục, từ Aden đến Cyprus trước khi trở về Anh học tại một trường cao đẳng ở Berkshire.

Steele gia nhập cơ quan tình báo MI-6 bằng con đường giống như nhiều điệp viên của Anh: thông qua Đại học Cambridge. Ngôi trường này là nơi đã sản sinh cho MI-6 và nước Anh một số điệp viên tài năng nhất thời Chiến tranh Lạnh, và một vài người trong số đó đã bí mật cộng tác với KGB, trở thành điệp viên hai mang. Trước khi vào Đại học Cambridge, Steele đã từng theo học các ngành xã hội học và chính trị học tại trường Girton College. Với quan điểm trung tả, Steele tham gia viết báo cho tờ báo Varsity sinh viên của trường, rồi sau đó trở thành Chủ tịch của Liên đoàn Cambridge (Cambridge Union), một hội tranh luận bao gồm đa số là những người trẻ con nhà giàu, có quan hệ xã hội rộng.

Không rõ ai là người đã tuyển mộ Steele vào MI-6. Theo truyền thống thì một số giảng viên của trường sẽ “chấm” các sinh viên có triển vọng để tuyển vào MI-6. Cho dù bằng cách nào thì năm 1987 cũng là thời điểm tốt cho việc Steele gia nhập MI-6, nói theo cách của người Anh.

Và sau 3 năm làm điệp viên MI-6, Steele được phái sang Liên Xô vào tháng 4-1990, khoảng 1 tháng sau khi bức tường Berlin sụp đổ. Đó là thời điểm giao thời, Đông Âu sôi sục. 70 năm sau Cách mạng Bolshevik Tháng Mười ở Nga, khối xã hội chủ nghĩa tan rã, kéo theo nhiều hệ lụy về chính trị, xã hội.

Thời đó, Tòa đại sứ Anh tại Moscow là một cơ sở ngoại giao đồ sộ, nằm đối diện Điện Kremlin, cho nên tòa nhà này luôn được KGB quan tâm đặc biệt. Văn phòng làm việc của Steele được bố trí bên trong một thư viện của Tòa đại sứ Anh, xung quanh toàn là sách cổ. Và chính tại văn phòng làm việc này, Steele đã lặng lẽ theo dõi mọi diễn biến của cuộc đảo chính bất thành tại Moscow vào tháng 8-1991, chứng kiến ông Yeltsin lên nắm quyền lãnh đạo Cộng hòa Liên bang Nga, quốc gia mới thay thế Liên Xô.

Người chỉ huy thật sự của Steele là một người “vô hình” ở tận London, vì ông ta chưa bao giờ xuất hiện tại nơi làm việc và Steele cũng chưa bao giờ được diện kiến ông ta. Nhưng không gian làm việc ở Moscow đối với Steele là một trải nghiệm thú vị.

Ông có dịp đi đến những khu chợ trời bán đồ cũ, quà lưu niệm, những cổ vật có từ thời Peter Đại đế, các kỷ vật của Đại tướng Mikhail Kutuzov, Stalin,… Steele tiếp xúc các nhà báo Moscow để tìm hiểu sâu hơn về con người nơi đây. Vào kỳ nghỉ cuối tuần, ông còn tham gia vào nhiều trò giải trí cùng cư dân địa phương,… Cuộc đảo chính thất bại, ông Gorbachev tiếp tục tại vị để rồi sau đó phải thoái vị, được thay thế bởi ông Yeltsin. Liên Xô không còn nữa, và phương Tây “ăn mừng chiến thắng”.

Trong bầu không khí đó, Steele cứ ngỡ mình sẽ không còn là đối tượng theo dõi nữa, nhưng không. KGB đã bị giải thể sau khi Liên Xô tan rã, nhưng những điệp viên của KGB thì vẫn còn và tiếp tục công việc, với 2 cơ quan tình báo mới được thành lập để thay thế KGB.

Tháng 4-1993, Steele rời Moscow trở về London. Steele được bố trí một văn phòng làm việc trong tòa nhà mới của MI-6, có tên gọi là Vauxhall Cross nằm bên bờ sông Thames. Chính tại tòa nhà mới này, năm 1994, chính phủ Anh lần đầu tiên công khai thừa nhận sự tồn tại của cơ quan tình báo bí mật mang bí danh là MI-6. Trong khoảng thời gian sau sự kiện tháng 8-1993, từ London, Steele tiếp tục công tác theo dõi nước Nga. Steele di chuyển liên tục trong thế giới của các chuyên gia về Nga và Điện Kremlin.

Ông thường xuyên đi dự các hội nghị và hội thảo tại các trường đại học danh tiếng như Oxford, thông qua đó xây dựng các mối quan hệ, tạo lập đường dây cung cấp thông tin tình báo. Năm 1998, Steele nhận nhiệm vụ mới ở Đại sứ quán Anh tại Paris, trong vai trò Bí thư Thứ nhất phụ trách tài chính của Đại sứ quán. Giai đoạn này ông đã có một gia đình một vợ và hai con, một trai một gái, đều sinh tại Pháp.

Tuy nhiên, một sự cố an ninh mạng đã xảy ra vào năm 1999, một danh sách điệp viên MI-6 bị tin tặc lấy trộm và tung lên mạng Internet; trong danh sách đó có tên “Christopher David Steele, 90 Moscow; năm sinh 1964”. Vậy là xong. Hậu quả của vụ rò rỉ thông tin này là Steele không thể quay trở lại Nga làm việc được nữa.

Chuyên gia “săn tiền thưởng” hậu MI-6

Trong khi đó tại Moscow, năm 1998, ông Vladimir Putin trở thành Giám đốc cơ quan tình báo FSB (một trong hai hậu duệ của KGB), không lâu sau đó được ông Yeltsin bổ nhiệm làm Thủ tướng, và đến năm 2000 lên làm Tổng thống Nga. Năm 2002, Steele rời Paris, trở về Anh, tiếp tục nhiệm vụ theo dõi tình hình nước Nga.

Christopher Steele (ngồi thứ hai bên trái) vào đầu năm 1991, khi còn công tác ở Moscow.

Những biến động thời cuộc trong giai đoạn này, với việc ông George W. Bush làm Tổng thống Mỹ, ông Tony Blair làm Thủ tướng Anh và ông Putin làm Tổng thống Nga đã tạo ra một tình thế đối đầu Đông - Tây căng thẳng không kém gì thời Chiến tranh Lạnh. Đến thời điểm năm 2006, Steele giữ vị trí cao cấp tại bộ phận công tác về nước Nga của MI-6.

Có nhiều dấu hiệu cho thấy nước Nga của Tổng thống Putin tăng cường động thái với phương Tây, trong đó số lượng điệp viên Nga gia tăng mạnh, hoạt động ráo riết, vượt cả mức độ trong Chiến tranh Lạnh. Steele được giao nhiệm vụ theo dõi một chiến dịch bí mật của Nga nhằm cài cắm, xâm nhập và tạo ảnh hưởng lên nước Anh.

Thế rồi xảy ra vụ việc điệp viên Nga ám sát cựu điệp viên KGB Alexander Litvinenko ngay giữ trung tâm thủ đô London của nước Anh. Chiến dịch được tình báo Nga triển khai quá táo bạo, khiến cơ quan tình báo MI-6 muối mặt. MI-6 tiến hành điều tra Steele vì lý do ông quá nhạy bén, đã sớm đưa ra nhận định “nhà nước Nga đã đạo diễn vụ hành quyết” Litvinenko. Steele giải trình trước nội các chính phủ Anh về vụ việc này, trong đó ông đưa ra quan điểm tiêu cực về nước Nga dưới thời Tổng thống Putin.

Một số bộ trưởng nội các đồng quan điểm và bày tỏ “thông cảm”, nhưng một số người khác thì không đồng tình, cho rằng không một điệp viên nước ngoài nào, kể cả Nga, có thể ung dung tiến hành một vụ hành quyết trên phố London mà lọt qua được tầm kiểm soát của tình báo Anh. Steele bị nghi ngờ là “điệp viên hai mang” nhưng không có bằng chứng cụ thể. Từ đó, Steele đã không thể thăng tiến lên các chức vụ cao hơn.

Ông cảm thấy buồn bực khi phải chứng kiến hai đồng nghiệp cũ trong thư viện Đại sứ quán Anh tại Moscow (Tim Barrow và David Manning) được bổ nhiệm làm đại sứ Anh tại EU và Mỹ, trong khi bản thân ông thì giẫm chân tại chỗ. Và rồi sự kiện mang tính bước ngoặt xảy đến: người vợ chung sống hơn 10 năm Laura đã qua đời vào năm 2009 vì bệnh nặng khiến Steele đau buồn và thêm thối chí. Ngay sau đó ông quyết định rời MI-6.

Như vậy là sau 22 năm gắn bó, Steele đã bỏ MI-6 để ra làm tư nhân. Ông hợp tác với một đồng nghiệp cũ là Christopher Burrows thành lập công ty riêng, lấy tên là Orbis Business Intelligence, trụ sở đặt tại London. Mặc dù không còn làm việc cho MI-6 nữa, nhưng Steele vẫn duy trì các mối quan hệ với các đồng nghiệp cũ.

Dựa vào các mối quan hệ đó cùng kinh nghiệm tình báo 22 năm của Steele và Burrows, công ty Orbis đã nhanh chóng mở rộng hoạt động trong lĩnh vực tình báo doanh nghiệp, chuyên tư vấn, giúp khách hàng xây dựng chiến lược kinh doanh nhờ vào thông tin tình báo thu thập từ thị trường.

Orbis tổ chức hoạt động theo hình thức tương tự như hệ thống các cơ quan ngoại giao của một quốc gia để xâm nhập vào các thị trường mới nổi và giới thiệu cơ hội đầu tư, kinh doanh cho khách hàng. Tháng 6-2017, sau một thời gian biệt tích vì vụ “hồ sơ đen” của ông Trump, Steele tái xuất hiện, với việc thành lập một công ty mới lấy tên gọi là Chawton Holdings, với cùng đối tác là Burrows.

Từ khi ra làm ăn riêng, Steele đã nhận hợp đồng làm dịch vụ điều tra không chỉ cho giới kinh doanh mà còn cho các cơ quan chính quyền. Phi vụ nổi tiếng nhất của Steele trước khi dính vào vụ “hồ sơ đen” của ông Trump là cuộc điều tra tham nhũng tại Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA).

Công ty Orbis của Steele đã được Liên đoàn bóng đá Anh (FA) thuê điều tra những nghi vấn tham nhũng tại FIFA. Động cơ của việc điều tra tham nhũng là vì FA theo đuổi tham vọng đăng cai tổ chức World Cup 2018 và 2022 nhưng đều thất bại trước các liên đoàn bóng đá của Nga (World Cup 2018) và Qatar (World Cup 2022).

Sau quá trình điều tra, Steele đã cung cấp cho FA và FBI của Mỹ nhiều thông tin có giá trị về tham nhũng tại FIFA, nhờ đó giúp 2 cơ quan này lần ra những manh mối quan trọng; phanh phui, bóc gỡ từng mảng tối trong thâm cung của tổ chức bóng đá lớn nhất hành tinh này. Steele đã đi trước FBI một bước, báo cáo thông tin tình báo cho một mối liên hệ người Mỹ tại Rome trước khi thông tin cho FBI, từ đó dẫn đến việc 7 người trong bộ máy lãnh đạo FIFA bị bắt giữ năm 2015. Từ đó, tên tuổi Steele “nổi như cồn” trong cộng đồng tình báo Mỹ.

Chính vì vậy, đầu năm 2016, ứng cử viên Jeb Bush của đảng Cộng hòa đã thuê công ty nghiên cứu chính trị Fusion GPS điều tra về Trump nhằm phục vụ cuộc đua sơ bộ, và sau đó công ty này thuê lại Steele thực hiện việc điều tra. Nhưng khi thấy không đủ khả năng đánh bại Trump, Jeb Bush bỏ cuộc.

Đến tháng 4-2016, đến lượt Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ (DNC) thuê Fusion GPS và Steele điều tra về ông Trump. Qua thời gian thực hiện cuộc điều tra này, Steele đã xây dựng được một mạng lưới nguồn cung cấp thông tin rộng lớn, cả ở Mỹ và nhiều nước trên thế giới.

Cũng như các cơ quan tình báo, Steele giữ đúng nguyên tắc bảo vệ nguồn tin, bảo vệ những kẻ bí mật cung cấp thông tin bí mật cho mình. Họ là ai, làm việc gì, ở đâu Steele đều không hé môi. Nguồn tin tình báo của Steele rất đa dạng, họ có thể là một quan chức hay nhân vật nổi tiếng nào đó, cũng có thể chỉ là anh công chức bình thường, một quan chức chính quyền nước ngoài hay viên sĩ quan tình báo bất mãn. Hay đó cũng có thể chỉ là một kẻ vô danh, không ai quan tâm để ý trong xã hội.

Tuy nhiên, như trên đã nói, do bị lộ tẩy từ vụ rò rỉ thông tin trên mạng Internet, Steele không thể quay trở lại Nga, vì thế ông phải trông cậy vào lực lượng hỗ trợ. Trong đó có những nguồn tin trung gian, những “nguồn con” cung cấp thông tin cho “nguồn”, và các gián điệp – cả một chuỗi nguồn thông tin nhạy cảm không thể kiểm chứng hay xác minh tận gốc.

Mạng lưới này có thể cung cấp cho Steele những thông tin mà giới truyền thông Anh-Mỹ mô tả là “dựng tóc gáy” khi đọc vào. Ngay cả bản thân Steele cũng thừa nhận (tháng 10-2017) rằng các thông tin ông nhận được từ các nguồn để tạo hồ sơ về ông Trump có độ chính xác tối đa 70-80%.

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.