Đào tạo vệ sĩ - mảng kinh doanh béo bở

Thứ Ba, 20/10/2020, 20:05
Từ thành công của Trường đào tạo vệ sĩ Genghis nổi tiếng của Trung Quốc, người ta thấy rằng đây đang là mảng kinh doanh béo bở. Và những người muốn trở thành vệ sĩ có thu nhập xứng đáng khi trải qua quá trình huấn luyện vô cùng khắc nghiệt còn hơn cả trong quân đội.


Sẵn sàng đổ máu mỗi ngày

Các tân binh tại trường Genghis đọ ngực trần với nhau, các khuôn mặt nhăn nhó vì đau đớn. Chen Yongqing - người sáng lập trường - mỉm cười đi dạo một lượt qua các hàng học viên. Sau vài phút, anh thổi còi và kiểm tra các vết xây xát, rỉ máu. Những người bị rách da đủ lớn được miễn vào vòng thử thách tiếp theo. Những người mà vết thương không đủ đổ máu thì phải thực hành lại.

"Nhiều người đến đây sợ máu và đau đớn. Nhưng những vệ sĩ phải sẵn sàng đón nhận điều đó mỗi ngày" - Chen (33 tuổi) nói với Time.

Dù trường Genghis phải tạm hoãn đào tạo từ tháng 2 đến tháng 6 vừa qua vì đại dịch COVID-19, nhưng nhu cầu tuyển vệ sĩ ở Trung Quốc vẫn không bị ảnh hưởng. Và Chen Yongqing cho biết, chỉ những học viên ưu tú nhất mới được tốt nghiệp. Anh nhấn mạnh, tiêu chuẩn của trường còn khắc nghiệt hơn trong quân đội.

"Tôi nóng tính và đòi hỏi rất cao" - người cựu quân nhân gốc Nội Mông này chia sẻ. "Chỉ có nghiêm khắc, chúng ta mới làm được thanh kiếm tốt. Nếu không rèn kỹ, kiếm sẽ tự gãy".

Các học viên trong buổi huấn luyện tại trường Genghis Ảnh: AFP/ Japantimes  

Chen cho hay, gần một nửa học viên của anh là cựu quân nhân. Mỗi ngày, họ tham gia các buổi đào tạo kéo dài từ tờ mờ sáng đến nửa đêm. Những buổi tập dùng súng giải vây cho thân chủ và đập vỡ cửa sổ chiếc Audi đen để đưa họ vào xe tẩu thoát được tổ chức trong nhà thi đấu thể thao. Một số buổi tập khác diễn ra trong phòng học hoặc phòng tập thể lực.

Trường Genghis không cho phép học viên sử dụng điện thoại di động. Những bữa ăn được phục vụ trong sảnh lớn và học viên phải dùng bữa trong im lặng. Những học trò xuất sắc của Chen từng bảo vệ từ Jack Ma - tỉ phú đứng thứ hai Trung Quốc, đến các tổng thống Pháp tới thăm Trung Quốc.

"Chúng tôi đã làm nên tiêu chuẩn vệ sĩ tại Trung Quốc" - Ji Pengfei, một nhân viên đào tạo tại Genghis - nói với AFP.

Trong một bài tập ứng phó đối tượng đe dọa, học viên sau khi nghe hiệu lệnh "Nguy hiểm!" từ Ji phải che chắn cho thân chủ, đồng thời rút súng. Người nào không thực hiện được thao tác trong 2 giây sẽ chịu phạt hít đất 50 cái.

Súng được sử dụng trong huấn luyện ở Thiên Tân đều là súng giả. Trung Quốc không cho đối tượng dân sự sở hữu vũ khí. Để tập luyện bắn đạn thật, học viên được đưa đến cơ sở tại Lào.

Nhu cầu của khách hàng rất đa dạng

Nghề vệ sĩ tại Trung Quốc cũng đang trải qua những thay đổi lớn, khi công nghệ giám sát ngày một tinh vi và chặt chẽ khắp cả nước. Những vệ sĩ hiện đại cũng cần cập nhật vốn kỹ năng của họ để bảo vệ thân chủ trước hệ thống giám sát của chính quyền lẫn tin tặc nhà nghề. "Các đại gia Trung Quốc không cần bạn đánh nhau bằng tay chân nữa" - Chen Yongqing chia sẻ với học viên.

Các học viên nam và nữ trong chương trình đào tạo vệ sĩ tại Trường đào tạo vệ sĩ Genghis ở Bắc Kinh, Trung Quốc Ảnh: Time  

Do đó, tại Trường đào tạo vệ sĩ Genghis, các học viên được dạy rằng mối đe dọa đối với giới nhà giàu mới nổi tại nước này đến từ tin tặc nhiều hơn những tay súng. Vì vậy, lò đào tạo này còn dành sự quan tâm cho các nội dung phòng thủ kỹ thuật số nhiều tương đương đào tạo truyền thống về cận chiến, vũ khí và lái xe tốc độ cao.

Tệp khách hàng của lò đào tạo hiện có nhiều hãng bất động sản và công nghệ hàng đầu Trung Quốc. Vệ sĩ được đòi hỏi phải có thêm kỹ năng chống tấn công mạng trên điện thoại di động, an ninh mạng, phát hiện nghe lén và xóa dữ liệu. Chen lấy ví dụ thân chủ có thể yêu cầu vệ sĩ hủy một tập tin video khi cần.

Mặc dù vậy, những mối đe dọa truyền thống vẫn hiện hữu. Đầu năm 2020, tỉ phú He Xiangjian - nhà sáng lập Tập đoàn Midea (gã khổng lồ trong ngành điện gia dụng tại Trung Quốc) - bị bắt cóc tại nhà riêng. May mắn là con trai ông nhảy xuống sông trốn thoát và báo cảnh sát, vị tỉ phú nổi tiếng đã được giải cứu.

Không chỉ bảo vệ cho tỉ phú, học viên trường Genghis cũng sẵn sàng cung cấp những dịch vụ khiêm tốn như hộ tống con cái những người giàu có và quyền thế. Mức phí cho dịch vụ này có thể lên đến 180.000 nhân dân tệ/năm (khoảng 26.000 USD/năm). Mức thu nhập đó vẫn khá hơn nhiều so với mức lương cơ bản mỗi năm ở các công ty tư nhân, rơi vào khoảng 53.000 nhân dân tệ.

Khách hàng của trường Genghis đôi lúc còn đưa ra những yêu cầu đặc biệt ngoài chuyên môn, theo Ji Pengfei. Một số người chỉ chọn vệ sĩ hợp tuổi với mình. Đã có trường hợp khách hàng thuộc danh sách Fortune 500 chỉ chấp nhận vệ sĩ là người cùng quê. Một khách hàng khác phỏng vấn ứng viên về sách. Ông chỉ tuyển người có sở thích đọc tiểu thuyết quân sự.

Ngoài ra, lò của Cheng Yongqing còn đào tạo vệ sĩ làm việc cho khách hàng nước ngoài. Một học viên chia sẻ với AFP rằng, anh muốn làm việc ở Philippines hoặc Myanmar. "Khi đó, tôi sẽ được mang súng. Công việc thách thức hơn, nhưng tôi có thể kiếm tiền nhiều hơn" - anh nói.

Mảng kinh doanh béo bở

Đào tạo vệ sĩ đã trở thành công việc kinh doanh hời ở Trung Quốc trong nhiều năm qua. Đất nước này có số lượng tỉ phú cao nhất thế giới, thì kèm theo đó là tất cả những cạm bẫy. Do đó, các tỉ phú cũng có cả nhu cầu về vệ sĩ. Chen - một cựu binh sĩ thuộc lực lượng đặc nhiệm chuyên chống khủng bố - bắt đầu mở trường Genghis từ năm 2008 xuất phát từ nhu cầu đó. "Trước đây, mọi người nghĩ vệ sĩ chỉ là côn đồ hay dân xã hội đen. Nhưng chúng tôi muốn chứng minh rằng đó có thể là một nghề hợp pháp" - Chen, trong chiếc áo lông cừu và quần jean Ed Hardy - nói.

Các học viên học kỹ năng sử dụng súng và bảo vệ thân chủ trong bài tập ứng phó khi đối tượng nguy hiểm tiếp cận Ảnh: AFP 

Và đó là một mảng kinh doanh béo bở. Các vệ sĩ chuyên nghiệp do công ty an ninh mà chị em Chen tuyển dụng kiếm được khoảng 3.000 USD/tháng - gấp 4 lần mức lương trung bình tại Trung Quốc. Đến nay, hơn 2.000 học viên đã tốt nghiệp trường này.

Những người giỏi võ thuật hoặc từng được đào tạo về quân sự phải đóng học phí khoảng 2.500 USD cho một khóa học 4 tuần. Nếu học viên được tuyển từ đầu thì phải mất nhiều thời gian hơn nữa. Họ phải trải qua các quy trình huấn luyện khắc nghiệt bao gồm kỹ năng chiến đấu, tránh xung đột và thậm chí các nghi thức như cách rót trà tại nhà của khách hàng tỉ phú hay ăn vận đồ phù hợp khi bước vào một nhà hàng sang trọng.

Nhưng trọng tâm vẫn là an ninh. Loanh quanh trong phòng khách tại một khách sạn sang trọng gần đó, Chen bắt tay vào "trò chơi" giấu và tìm phức tạp. Anh rạch một khe rất nhỏ trong tuýp kem đánh răng miễn phí, nhét một con dao vào trong áo gối và giấu một số đồ khác quanh phòng. Các đội học viên nhỏ sau đó được triệu tập để truy quét, tìm bất cứ thứ gì nghi vấn.

Zhao Haifei (24 tuổi) - một võ sĩ chuyên nghiệp đến từ Côn Minh, tỉnh Vân Nam - cho biết: "Thách thức lớn nhất là tìm hiểu chi tiết về công việc. Cách kiểm tra an ninh một phòng khách sạn, đảm bảo ôtô an toàn, giữ cho ông chủ an toàn nếu có các mối đe dọa. Bạn không thể học những điều này từ sách vở".

Đối với nhiều tân binh, tất cả những gì họ theo đuổi sẽ là khía cạnh kỹ thuật. Chỉ một nửa số học viên tốt nghiệp có ý định theo nghề vệ sĩ, số còn lại chỉ đơn giản là muốn rèn luyện sức khỏe, học một số kỹ năng mới và rèn luyện bản lĩnh để chuẩn bị tốt hơn cho bất cứ thử thách nào trong cuộc sống. "Một số cô gái chỉ muốn có cơ hội đến gần những người giàu có" - Chen cười, cho hay.

Nghề hấp dẫn vì lương cao

Mỗi năm, có khoảng 1.000 học viên tốt nghiệp từ lò đào tạo nổi tiếng ở thành phố Thiên Tân với hy vọng tìm được công việc lương cao trong thế giới của những người giàu có và nổi tiếng nhất Trung Quốc. Một chỗ làm tốt có thể mang về cho vệ sĩ chuyên nghiệp đến 70.000 USD/năm, cao hơn nhiều lần mức thu nhập thông thường ở Trung Quốc. Song con số 1.000 học viên đào tạo mỗi năm vẫn không đủ để trường Genghis đáp ứng nhu cầu ngày một cao tại nước này. Theo báo cáo của Credit Suisse năm 2019, Trung Quốc đang có khoảng 4,4 triệu phú USD, cao hơn cả Mỹ.

Học viên lựa chọn súng trong một buổi huấn luyện Ảnh: AFP/ Japantimes

Tuy nhiên, cuộc sống ngày càng trở nên khó khăn hơn ở Trung Quốc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức 2 con số trong thập kỷ qua đã chậm lại. Theo đó, tội phạm cũng tăng. Trong bối cảnh này, nếu một nhân vật nào có một dàn vệ sĩ đi theo bảo vệ thì sẽ gây chú ý, là điều có thể gây bất lợi. "Khách hàng giảm một phần do kinh tế khó khăn hơn và cuộc chiến chống tham nhũng" - Chen nêu nguyên nhân.

Song, nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, việc làm khan hiếm hơn thì cũng đồng nghĩa với việc nhiều người muốn trở thành vệ sĩ hơn. Thông thường, những tân nhân viên của Chen gồm 2 loại: Vận động viên chuyên nghiệp sắp giải nghệ và những nhân viên quân đội ra khỏi ngành. Năm ngoái, Trung Quốc tuyên bố sẽ cắt giảm 300.000 nhân viên quân sự trong số 2,3 triệu quân nhân trong quá trình hiện đại hóa quân đội và tinh giản biên chế.

Du Xinghai (26 tuổi), đến từ tỉnh Hắc Long Giang, đã nhập trường Genghis sau 8 năm trong quân ngũ. "Khi phục viên, tôi chỉ có thể tìm được công việc bình thường. Còn sau khi theo học trường này xong, có lẽ tôi sẽ bắt đầu công việc của riêng mình ở quê nhà" - Du Xinghai nói.

Học viên Zhu Peipei - một cựu binh 33 tuổi, đến từ tỉnh Sơn Tây - hy vọng trở thành vệ sĩ vì anh không có chuyên môn gì và trình độ học vấn thấp. Được biết, vệ sĩ thuộc hàng đẳng cấp nhất có thể yêu cầu mức lương lên đến 500.000 nhân dân tệ/năm. "Tất nhiên, điều đó thật tuyệt" - Zhu Peipei nói.

Hàng trăm nghìn người Trung Quốc cũng sẽ tìm kiếm công việc tương tự trong mấy năm sắp tới khi ước tính khoảng 5-6 triệu cán bộ, công nhân viên bên ngoài quân đội dự kiến sẽ bị tinh giản biên chế - theo Time.

Huyền Anh (Tổng hợp)
.
.