Ernst Kaltenbrunner - Trùm phát xít đằng sau chương trình Holocaust

Thứ Sáu, 06/12/2019, 08:40
Ernst Kaltenbrunner là công cụ thực hiện Holocaust (chương trình diệt chủng người Do Thái) và cuồng tín đến nỗi những tên phát xít khác phải sợ hãi.

Trong các phiên tòa ở Nuremberg, các công tố viên đã sục sạo cả biển tài liệu bằng chứng về sự tàn bạo của những tên Đức Quốc xã đang chịu xét xử nhưng họ không thể tìm thấy nhiều ghi chép về chỉ huy Ernst Kaltenbrunner.

Ernst Kaltenbrunner là công cụ thực hiện Holocaust (chương trình diệt chủng người Do Thái) và cuồng tín đến nỗi những tên phát xít khác phải sợ hãi.

Mặc dù hầu như không được công chúng và báo chí biết đến vào thời điểm đó, nhưng Kaltenbrunner là chỉ huy SS cấp cao nhất trong phòng xử án với khuôn mặt mang vết sẹo trông thật đáng sợ. Vậy tại sao hầu hết mọi người đều không nghe nói về Kaltenbrunner – chỉ huy Cơ quan trung ương An ninh Đế chế (RSHA) của Đức Quốc xã?

Con đường trở thành một trùm phát xít cuồng tín

Trước khi trở thành chỉ huy Đức Quốc xã đáng sợ, Ernst Kaltenbrunner chỉ là một cậu bé người Áo sinh ra ở Ried im Innkreis, một thị xã ở bang Thượng Áo nước Áo, ngày 4-10-1903. Cha mẹ là người theo chủ nghĩa dân tộc và Kaltenbrunner kết bạn với Adolf Eichmann – trùm phát xít tàn bạo trong tương lai và được mô tả là “Đao phủ của người Do Thái”.

Ernst Kaltenbrunner.

Khi gia đình chuyển đến Linz (thành phố lớn thứ ba của Áo và là thủ phủ bang Thượng Áo), Kaltenbrunner ghi danh vào học State Realgymnasium – trường học có nền giáo dục tiên tiến nhất trong hệ thống trường trung học Đức thời bấy giờ.

Năm 23 tuổi, Kaltenbrunner tốt nghiệp Đại học luật và kiếm được số tiền nhỏ để làm luật sư tập sự. Là một ứng cử viên luật sư, Kaltenbrunner chuyển từ nơi này sang nơi khác làm việc tại các công ty khác nhau cho đến năm 1928, khi cuối cùng định cư ở Linz và mở văn phòng thực hành của riêng mình.

Ernst Kaltenbrunner là một nhân vật cao lớn với khuôn mặt bị sẹo từ tai đến cằm. Vết sẹo được cho là kết quả từ một cuộc đấu kiếm tay đôi giữa các sinh viên với nhau trong hội nam sinh viên đại học có tên “Mensur”. Những vết sẹo như thế này được coi là một nghi thức bước vào tuổi trưởng thành.

Chính tại Linz, Kaltenbrunner gia nhập Đảng Đức Quốc xã (NSDAP) có chi nhánh tại Áo và 4 năm sau đó trở thành thành viên Schutzstaffel (SS) - tổ chức bán quân sự nổi tiếng tàn bạo của Adolf Hitler.

Với phong thái lạnh lùng và có trong tay tấm bằng luật sư, Kaltenbrunner dễ dàng thăng tiến lên hàng ngũ chính trị cao cấp của Đảng Quốc xã. Đến năm 1933, Kaltenrbunner trở thành cố vấn pháp lý (Rechtsberater) cho lực lượng SS. Sau đó, Kaltenbrunner tiếp tục được thăng cấp nhanh chóng trong lực lượng SS.

Tháng 1-1934, Kaltenbrunner bị bỏ tù vì lý do liên quan đến Đảng Quốc xã. Kaltenbrunner bị gửi đến trại tập trung Kaisersteinbruch cùng với các thành viên Quốc xã khác - những phần tử được cho là đe dọa chính phủ bảo thủ Áo.

Nhưng việc cầm tù không thể ngăn được ảnh hưởng mạnh mẽ của Ernst Kaltenbrunner và chiếm giữ vai trò lãnh đạo các thành viên Quốc xã trong tù. Cuộc phản kháng do Kaltenbrunner lãnh đạo đã buộc chính phủ Áo phải thả người này và 490 tù nhân Quốc xã khác. Tuy nhiên, Kaltenbrunner không thích tự do lâu dài. Kaltenbrunner lại vào tù một lần nữa vì tội phản quốc và bị xét xử tòa án tại tòa án quân sự Wels ở bang Thượng Áo.

Ernst Kaltenbrunner được phép vắng mặt tại tòa sau khi bị xuất huyết não trong các cuộc thẩm vấn.

Những lời buộc tội cuối cùng được gỡ bỏ nhưng Kaltenbrunner vẫn chịu một bản án 6 tháng tù giam cho “các hoạt động lật đổ”. Dù bị chính quyền Áo kèm chặt, Kaltenbrunner vẫn tiếp tục công việc thực sự của mình – đó là truyền bá tư tưởng của Đảng Quốc xã và lực lượng SS.

Ngày 30-1-1943, tức một thập niên sau khi gia nhập Đảng Quốc xã, Ernst Kaltenbrunner được bổ nhiệm lãnh đạo RSHA thay thế người tiền nhiệm là Reinhard Heydrich bị ám sát ở Prague. Là giám đốc của RSHA, Kaltenbrunner chịu trách nhiệm về các hoạt động của lực lượng cảnh sát và an ninh của Đức Quốc xã.

Kaltenbrunner có mặt trong một cuộc họp giữa các quan chức hàng đầu của Đức Quốc xã như Heydrich, Himmler, Goebbels và thậm chí chính cả Hitler và tất cả đều đi đến quyết định người Do Thái nên bị tiêu diệt một cách có hệ thống (với kế hoạch gọi là Holocaust).

Dưới sự chỉ huy lạnh lùng Kaltenbrunner, cuộc diệt chủng của người Do Thái diễn ra ngày càng khủng khiếp. Hơn nữa, Kaltenbrunner có một mối hận thù cá nhân chống lại người đồng tính. Kaltenbrunner cố gắng thuyết phục Bộ Tư pháp Đức Quốc xã vào tháng 7-1943 để được ủy thác quyền cưỡng bức những người đồng tính đã được chứng minh. Nỗ lực sau đó thất bại, nhưng Kaltenbrunner đã thành công trong việc thuyết phục quân đội đảm bảo truy tố hàng ngàn người đồng tính.

Các phiên tòa Nuremberg

Thông qua những hành động này, Kaltenbrunner có được ảnh hưởng đáng kể trong Đảng Quốc xã cũng như nổi là nhân vật tàn nhẫn nhất. Nhưng vì cũng không ngại ngùng khi nói về quyền lực của mình trong đảng cho nên Kaltenbrunner có nhiều kẻ thù.

Ngay cả Lãnh đạo Cơ quan Tình báo đối ngoại Đức Quốc xã là Walter Schellenberg, người trực thuộc Kaltenbrunner, cũng coi Kaltenbrunner là một trong “những kẻ thù chính và nguy hiểm nhất” của mình. Ngay cả Thống chế SS Heinrich Himmler, người mà Kaltenbrunner chế giễu vì có sự phục tùng giống nô lệ đối với Hitler, vẫn hết sức cẩn thận với Kaltenbrunner mặc dù người này là cấp dưới của mình.

Các bị cáo: Wilhelm Keitel (trái), Ernst Kaltenbrunner (giữa) và Alfred Rosenberg (phải), nói chuyện trong giờ nghỉ giữa các phiên tòa xét xử.

Thật vậy, Kaltenbrunner không chỉ có nhiều kẻ thù trong tổ chức đảng mà còn tỏ ra không hòa đồng với các thành viên cao cấp Đức Quốc xã. Lực lượng SS đầy rẫy các vấn đề chính trị và xung đột nội bộ, một phần gây ra bởi sự cạnh tranh giữa các thành viên để giành được sự ủng hộ từ Hitler. Ernst Kaltenbrunner có mối quan hệ cá nhân với Hitler từ khi còn nhỏ thông qua Himmler - cấp trên trực tiếp của Kaltenbrunner và có trách nhiệm báo cáo trực tiếp với Hitler.

Hitler cũng giao cho Kaltenbrunner những nhiệm vụ nhạy cảm như điều tra vụ ám sát Hitler vào tháng 7-1944 và hai người đã dành nhiều giờ để cùng nhau lập chiến lược cho đến cuối cuộc chiến.

Sau khi Đức Quốc xã thua cuộc chiến, 24 nhà lãnh đạo chính trị và quân sự quan trọng nhất của Đệ tam Quốc xã đã bị xét xử trước một loạt các tòa án quân sự do lực lượng Đồng minh nắm giữ. Ernst Kaltenbrunner là một trong số đó. Kaltenbrunner nắm giữ nhiều quyền lực trong đảng như Heinrich Himmler hay Reinhard Heydrich, nhưng hầu như không ai biết rõ về con người tàn bạo này. Kaltenbrunner đã không có mặt vào ngày khai mạc phiên tòa do xuất huyết não mà ông ta mắc phải trong các cuộc thẩm vấn.

Sau vài tuần được phép vắng mặt để phục hồi sức khỏe, Kaltenbrunner bắt đầu hầu tòa và - theo bác sĩ tâm thần người Mỹ gốc Do Thái Leon N. Goldensohn – chỉ nhận được ánh mắt lạnh lùng từ các đồng minh Quốc xã thời chiến tranh. Goldensohn được giao nhiệm vụ theo dõi sức khỏe tâm thần của các bị cáo Đức Quốc xã trong các phiên tòa.

Khi Ernst Kaltenbrunner phát biểu trước tòa, Goldensohn chú ý đến bề ngoài “bình tĩnh và thái độ đúng mực” của ông ta và đánh giá đó là “dấu hiệu cho thấy khả năng hành động hết sức hung bạo”.

Kaltenbrunner biện minh cho hành động chiếm đóng tàn bạo ở châu Âu của Đức Quốc xã chính là để chống lại “âm mưu xâm chiếm toàn bộ lục địa này của Liên Xô”. 

Kaltenbrunner bị xuất huyết não một lần nữa ngay trong các phiên tòa xét xử cho nên ông ta chỉ xuất hiện tiếp tục trước tòa vào tháng 1-1946, khi đủ sức khỏe để lên tiếng biện hộ cho những hành động tàn ác của mình. Kaltenbrunner tuyên bố về quyền tự vệ của nước Đức chống lại âm mưu xâm lược của Liên Xô đồng thời phủ nhận mọi liên quan đến Holocaust. Kaltenbrunner cũng tuyên bố mình “không có tội”.

Trại tập trung Mauthausen.

Kaltenbrunner mô tả tuyên bố của công tố viên rằng ông  ta “hủy hoại cuộc sống của người Do Thái” là “không phù hợp với bằng chứng cũng như sự thật”. Kaltenbrunner lập luận rằng bất kỳ mệnh lệnh nào về các trại tập trung đều đến từ RSHA trước khi ông  ta được bổ nhiệm vào cơ quan đó. Kaltenbrunner cũng nói thêm rằng ông ta chỉ có tội khi ủng hộ Hitler tiến hành chiến tranh chống lại Liên Xô.

Nhưng các công tố viên đã tìm thấy bằng chứng rõ ràng về các cuộc họp thường xuyên giữa RSHA và các lãnh đạo của “SS-Wirtshaft und SS-Verwaltungshauptamt” – cơ quan hành chính kiểm soát các trại tập trung. Điều này chứng minh Kaltenbrunner không phải không biết hoặc không liên quan đến Holocaust.

Chưa kể có những bức ảnh của Kaltenbrunner trong bộ đồng phục của Đức Quốc xã đến thăm trại tập trung Mauthausen nổi tiếng kinh hoàng ở Áo với một nhóm các nhà lãnh đạo SS. Ngày 30-9-1946, Toà án quân sự quốc tế kết án Kaltenbrunner 2 trong số 3 tội danh chống lại ông ta - phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người. Cuối cùng, tòa án kết án tử hình Kaltenbrunner.

Thủ lĩnh SS của Đức Quốc xã Ernst Kaltenbrunner và 24 sĩ quan chỉ huy khác bị xét xử vì tội ác tàn bạo đối với người Do Thái trong chiến tranh.

Ngay sau khi Chiến tranh thế giới lần 2 kết thúc, phe Đồng minh đã thành lập tòa án quân sự đặc biệt ở Nuremberg để xét xử các cá nhân và tổ chức thuộc chế độ Đức Quốc xã bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh. Với Mỹ, Anh, Pháp và Liên Xô, mỗi nước có quyền cử một chánh án chính và một chánh án dự khuyết, luân phiên giữ vai trò chủ tọa các phiên xử.

Ngoài ra, hơn 10 nước châu Âu cũng gửi các thẩm phán tham gia quá trình xét xử. Tòa quân sự quốc tế ở Nuremberg đã tiến hành tổng cộng 216 phiên xử các bị cáo Đức Quốc xã trong gần 1 năm, sử dụng hàng triệu trang tài liệu, hồ sơ, bằng chứng video, hình ảnh và triệu tập vô số nhân chứng sống. Mọi lời biện hộ từ phía các bị cáo đều bị bác bỏ.

Duy Minh (Tổng hợp)
.
.