Giải bóng đá trong trại tập trung của Phát xít Đức

Thứ Ba, 19/03/2019, 17:09
Nếu được hỏi về ý nghĩa của con số 11 triệu người, chắc nhiều người sẽ nghĩ rằng đây là dân số của nước Bỉ hiện nay. Nhưng trong quá khứ, đó cũng là số nạn nhân đã bị thiệt mạng trong các trại tập trung của phát xít Đức hồi Chiến tranh thế giới thứ hai.

Tù nhân bị sát hại trong các phòng khí ngạt, bị xử bắn, chết vì bệnh tật, vì bị đem ra để thử nghiệm y tế, vì lao động khổ sai… Mặt khác, quân phát xít cũng quảng bá các trại tập trung là nơi cải tạo, là nơi tuyên truyền với thế giới và Hội chữ thập đỏ về "chính sách nhân đạo" của chúng.

Chính vì vậy, một số trại tập trung còn có đầy đủ cả trường học, bệnh viện, nhà hát, xưởng in và thậm chí cả sân thi đấu thể thao. Còn có cả những giải vô địch bóng đá dành cho tù nhân, mà phần thưởng sau chiến thắng đối với họ chính là… mạng sống của mình.

 “Trại tù kiểu mẫu” Terezin

Terezin là một thành phố nhỏ cổ kính nằm bên bờ sông Ohre, cách Praha (Czech) 60 kilomet. Với đặc điểm là một trại lính cũ có dạng pháo đài, Terezin trong Chiến tranh thế giới thứ hai đã được phát xít Đức chọn làm địa điểm cho một trại tập trung cỡ lớn. Ngày nay, thành phố này là nơi bố trí nghĩa trang quốc gia và cả một tổ hợp các đài tưởng niệm.

Một trận đấu trong giải vô địch tại Terezin.

Trong quá khứ, Terezin vẫn được coi là một nhà tù dành cho những tội phạm đặc biệt nguy hiểm. Vào đầu thế kỷ XIX, đây cũng là nơi giam cầm Alexander Ypsilantis, thủ lĩnh của phong trào cách mạng Hy Lạp. Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, tù binh được chuyển tới giam giữ tại đây. Còn trong Chiến tranh thế giới thứ hai, quân phát xít ban đầu sử dụng nơi đây để tập trung người Do Thái và xây dựng một nhà tù của lực lượng mật vụ Gestapo.

Terezin được coi là có nhiều yếu tố thuận lợi cho việc giam giữ bởi nhiều lý do: những bức tường thành cao của pháo đài khiến tù nhân gần như không thể chạy trốn, những con phố rộng và bằng phẳng giúp cho khả năng quan sát dễ dàng và bên cạnh đó còn có cả tuyến đường sắt.

Ban đầu, Terezin không được gọi là trại tập trung, mà chỉ được coi là một nơi trung chuyển các tù nhân. Từ đây, tù nhân được chuyển tới các trại Auschwitz, Buchenwald và Dachau. Nhưng về sau, khi các lò thiêu xác được nhanh chóng xây dựng, nơi đây cũng trở thành một địa ngục thực sự chẳng khác gì các trại tập trung khác.

Về sau, tù nhân tại Terezin không chỉ có người Do Thái. Đây còn trở thành nơi giam giữ của những người không thể chứng minh nguồn gốc chủng tộc Aryan của mình, cũng như những người được coi là các phần tử chống đối tại những vùng lãnh thổ bị quân phát xít chiếm đóng. Trong 4 năm tồn tại, Terezin là nơi đón nhận các tù nhân từ Czech, Đức, Áo, Hà Lan, Đan Mạch, Hungary, Ukraina và Slovakia.

Nói tóm lại, nơi đây được xây dựng như một "trại tù kiểu mẫu" để phát xít Đức chứng tỏ chúng không vô nhân đạo và khát máu như cả thế giới vẫn nghĩ. Tại đây thậm chí còn được xây dựng cả các nhà thờ Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo, nhà hát cho trẻ em v.v… Tù nhân được cho phép tổ chức các triển lãm nghệ thuật và xuất bản tạp chí; những người từng là bác sĩ còn được phép hành nghề. Đáng chú ý là trong trại còn có cả sân bóng đá do có rất nhiều tù nhân là các vận động viên bóng đá. Trong khi bản thân quân Đức cũng rất đam mê bóng đá.

Thi đấu hay là chết

Ý tưởng tổ chức các giải vô địch bóng đá tại các trại tập trung thật đáng ngạc nhiên lại thuộc về thống chế SS Heinrich Himmler, kẻ phụ trách tất cả các trại tập trung của phát xít Đức. Dù ý định ban đầu của Himmler là tổ chức tại tất cả các nhà tù và trại tập trung, nhưng nó chỉ thực sự thành công tại Terezin.

Còn đối với tất cả những trại còn lại, chỉ thỉnh thoảng có vài trận đấu bóng đá được tổ chức, hoặc tham gia vào những giải đấu giữa các trại với nhau. Có thể nói đối với quân Đức lúc đó, bóng đá là một niềm đam mê thực sự: chúng chi khá nhiều tiền cho việc cá cược, chưa kể còn có những vụ chuyển nhượng giá trị không hề nhỏ - tất cả chỉ để muốn đội của mình có được nhiều ngôi sao bóng đá.

Bộ phim "Liga Terezin".

Đặc điểm của những giải đấu trên nằm ở chỗ, các đội bóng được thành lập theo những đặc điểm về sắc tộc nhất định: chẳng hạn như người Digan không thể chơi chung cùng đội với người Do Thái, người Nga hay Ukraina không thể là đồng đội với người Đức hay Hungary. Nguyên nhân lý giải duy nhất là quân phát xít luôn muốn khơi dậy mối hằn thù dân tộc giữa các tù nhân. 

Trên thực tế, biện pháp trên của chúng về cơ bản không thành công - các đối thủ trên sân bóng đều coi nhau là những anh em đang chung cảnh ngộ. Cần nói thêm, việc tham gia thi đấu là chuyện bắt buộc với tất cả nếu được chọn lựa - việc khước từ thi đấu đồng nghĩa với cái chết. Đối với các tù nhân, bóng đá cũng là một cơ hội để tồn tại. Các cầu thủ sẽ được cung cấp phần ăn bổ sung và những đảm bảo ít nhất được sống cho tới sáng hôm sau, tất nhiên chỉ trong trường hợp đội bóng của họ giành chiến thắng.

Ngay từ năm 1941 đã bắt đầu diễn ra các trận đấu của giải vô địch bóng đá thường niên tại Terezin. Tính ra, giải này đã diễn ra trong 3 mùa liên tục với tổng cộng hơn 100 trận đấu. Quân Đức thậm chí còn tổ chức cả giải đấu cúp và giải cho đội trẻ. 

Tên gọi của các đội cũng rất đa dạng: từ những cái tên thuần túy như "Rapid", "Vena", "Fortuna Koln" cho tới những cái tên rất ngộ kiểu như "Kho quần áo", "Bếp ăn", "Hàng thịt" hay "Phụ trách thiếu niên" v.v… Sân cỏ thi đấu thực ra không hề có, mà đó chỉ là sân bê tông của trại được kẻ bằng sơn màu. Còn khung thành do bàn tay khéo léo của các tù nhân trực tiếp làm ra.

Đáng chú ý là các trận đấu của giải vô địch đều do những trọng tài chuyên nghiệp điều khiển, vốn là những người được lực lượng SS bỏ tiền ra mời vào trại. Còn các phóng viên thể thao nằm trong số các tù nhân của Terezin có trách nhiệm viết bình luận về các trận đấu để đăng tải trên báo địa phương. Còn lại, các sĩ quan SS sẽ đảm nhiệm vai trò huấn luyện viên cho các đội bóng. 

Tuy nhiên trên thực tế, những huấn luyện viên kiểu này không liên quan nhiều đến vấn đề chuyên môn, chủ yếu chỉ là chọn lựa các thành viên đội bóng và duy trì kỷ luật. Chúng còn quyết cả đến vấn đề sinh tử của các cầu thủ trong đội - có thể bắn chết cầu thủ ngay trong trận đấu nếu nghi ngờ họ thi đấu có vấn đề, từ việc tiền đạo chậm trễ bỏ lỡ cơ hội cho tới sai lầm của thủ môn dẫn tới bàn thua. 

Nếu đội bóng bị thua, thường có hai hình thức trừng phạt đối với những cầu thủ được huấn luyện viên đánh giá là thi đấu kém nhất. Trong trường hợp đầu tiên, những cầu thủ "tội đồ" đơn giản là bị sát hại hay chuyển ngay tới một trại tử thần khác. 

Còn hình thức thứ hai, cầu thủ bắt buộc phải tham gia một chế độ luyện tập đặc biệt trong vai trò "trái bóng" - họ phải đứng trong một vòng tròn bao quanh của những tên lính SS, theo lệnh phải chạy liên tục từ chỗ tên này tới tên kia. Cứ tới mỗi góc, tù nhân lại bị bọn lính đấm đá khắp cơ thể cho tới khi họ gục xuống trong tình cảnh máu me đầy người. 

Tác giả của "biện pháp huấn luyện" này là viên sĩ quan SS Arnold Strippel, được thực hiện đầu tiên tại Auschwitz, trước khi nhanh chóng được áp dụng trong các giải đấu ở Terezin. Tất nhiên là những trò hành hạ đẫm máu trên được quân phát xít che giấu rất kỹ càng trước các đại diện của Hội Chữ thập đỏ quốc tế.

Sự tham gia của các cầu thủ chuyên nghiệp

Có không ít các cầu thủ chuyên nghiệp tham gia vào giải vô địch tại Terezin. Nổi tiếng nhất trong số này là trung vệ Paul Mahrer, người trong thời gian trước chiến tranh từng là tuyển thủ của Tiệp Khắc, từng tham gia vào Olympic 1924 tại Paris.

Địa điểm từng là sân thi đấu bóng đá tại Terezin (ảnh chụp sau 70 năm)

Ở cấp độ câu lạc bộ, ông đã thi đấu cho các đội bóng hàng đầu "Praha" và "Nachod", đều đã từng đoạt chức vô địch quốc gia. Năm 1926, khi đã nổi tiếng toàn thế giới, cầu thủ này ký hợp đồng với một câu lạc bộ của Mỹ và cùng gia đình chuyển sang sống tại nước này.   

Khi cuộc khủng hoảng kinh tế bùng phát sáu năm sau, Mahrer quay trở lại Tiệp Khắc. Ông kết thúc sự nghiệp cầu thủ vào năm 1936, mở một hãng kinh doanh trang phục riêng. Sau khi Tiệp Khắc bị quân phát xít chiếm đóng, Mahrer bị bắt làm phu làm đường, trước khi bị Gestapo tống vào Terezin (khi đó ông đã 43 tuổi). Cựu cầu thủ bóng đá này không hề che giấu nguồn gốc Do Thái của mình.

Trong trại này, ông buộc phải khôi phục lại sự nghiệp bóng đá của mình để có thể tồn tại. Bọn phát xít biết rõ về ông, nên tất nhiên không thể bỏ lỡ cơ hội xem tài nghệ của một ngôi sao bóng đá dù đã qua thời kỳ đỉnh cao. Mahrer trở thành một trong những cầu thủ lớn tuổi nhất của giải đấu tại Terezin và chơi cho đội bóng "Hàng thịt".

Những thành công quá khứ trong lĩnh vực bóng đá đã cứu sống Mahrer, giúp ông chỉ phải ở Terezin có một năm. Hội Chữ thập đỏ về sau đã đưa được ông ra khỏi trại, chuyển tới Thụy Sĩ và sau là Mỹ. Mahrer qua đời vào năm 1985 tại Los Angeles.

Kết thúc

Giải bóng đá tại Terezin kết thúc vào năm 1944, sau một chuyến viếng thăm của các thanh tra thuộc Hội Chữ thập đỏ. Họ đặt chân tới trại vào tháng 8, do mới trước đó vừa có 400 tù nhân từ Đan Mạch được chuyển tới đây. Các đại diện của tổ chức này được dẫn đi tham quan nhà trẻ, bệnh viện, trường học, xem vở opera "Brundibar" do các tù nhân trẻ tuổi biểu diễn. Các vị khách cuối cùng được giới thiệu về "niềm tự hào" của trại là sân bóng đá và dự khán một trận đấu tại đây.

Trận đấu diễn ra vào ngày 1-9-1944 này cũng là trận bóng cuối cùng trong lịch sử của Terezin. Chỉ một tháng sau khi các thành viên Hội Chữ thập đỏ rời đi, phần lớn các cầu thủ đều bị chuyển tới trại tập trung Auschwitz và bị sát hại tại đó. Nguyên nhân khiến bọn SS từ bỏ môn thể thao ưa thích này hiện vẫn là một bí ẩn.

"Đây là một trò chơi để chống lại bọn phát xít. Tôi đã chơi để chống lại chúng" - một trong những cầu thủ bóng đá còn sống sót đã hồi tưởng như vậy trong bộ phim tài liệu "Liga Terezin" được công chiếu 7 năm về trước kể về giải đấu đặc biệt này. Terezin được chính thức giải phóng vào ngày 9-5-1945.

Trong suốt thời gian tồn tại của trại Terezin, nơi đây từng giam giữ hơn 150 ngàn người. Có ít nhất 35 ngàn người bị hành hạ, tra tấn đến chết ngay tại đây. Có khoảng 88 ngàn người sau đó được chuyển từ đây tới Auschwitz và nhiều trại tập trung khác để rồi bị tàn sát trong các phòng hơi ngạt.
Trong số các tù nhân có khoảng 15 ngàn trẻ em, trong đó có gần 300 trẻ sơ sinh. Gần như tất cả các tù nhân tại đây đều bị bắn chết hay thiêu sống chỉ vài tháng trước khi Tiệp Khắc được giải phóng.
Đinh Linh (tổng hợp)
.
.