Giải mật vụ mất tích bí ẩn của hàng ngàn trẻ em Do Thái
- Nạn kỳ thị phụ nữ trong xã hội Do Thái
- Khu định cư Do Thái của Israel: Yếu tố đe dọa hòa bình Trung Đông
- Israel đối mặt xu hướng khủng bố Do Thái cực đoan
Cha mẹ của số trẻ em này (phần lớn là người Do Thái nhập cư từ Yemen) được chính quyền thông báo là đã chết song mọi người nghi ngờ con cái họ bị bí mật đem bán cho những gia đình giàu có hiếm muộn. Mới đây, những tài liệu được công bố tiết lộ một số bằng chứng gây hoang mang dư luận.
Câu chuyện đau lòng
Bà Leah Aharoni trào nước mắt mỗi khi nhớ lại đứa con gái nhỏ mất tích cách đây 5 thập kỷ: "Tôi chỉ nhìn em bé trong thời gian ngắn. Nó rất xinh đẹp với làn da sáng mịn. Nó mở to đôi mắt nhìn vào tôi như muốn bảo 'Mẹ đừng bỏ con'". Hai đứa bé song sinh đẻ non của Leah Aharni được chào đời trong một bệnh viện gần nhà bà ở Kiryat Ekron, miền trung Israel. Các bác sĩ bảo với Leah rằng 2 em bé cần được chuyển đến bệnh viện chuyên khoa ở Tel Aviv để chăm sóc đặc biệt.
Nhưng, khi chồng của Leah nhanh chóng đến bệnh viện ở Tel Aviv thì chỉ tìm thấy 1 đứa bé. Đứa còn lại, được đặt tên là Hanna, được các bác sĩ thông báo là đã chết. Leah thấy choáng váng khi không nhìn thấy được thi thể hay ngôi mộ của em bé đã chết, song ban đầu hai vợ chồng bà cũng không hề nghi ngờ gì.
Thời gian trôi qua, bé gái còn sống sót - được đặt tên là Hagit - lên 18 tuổi và bắt đầu nhận được giấy gọi thi hành nghĩa vụ quân sự. Ở Israel, nghĩa vụ quân sự được thi hành cả đối với nữ giới - một điểm khác biệt so với quân đội các quốc gia khác trên thế giới. Tuy nhiên, một điều lạ lùng là Hanna (em bé được cho là đã chết) vẫn nhận được giấy gọi nhập ngũ tương tự.
Leah nói: "Tôi bắt đầu thấy hoang mang. Có lẽ có chuyện gì đó sai trái đã xảy ra. Ban đêm tôi không chợp mắt được. Do đó, tôi quyết định phải biết chuyện gì thật sự đã xảy ra". Bản thân Leah đã trải qua nhiều sự cố đau buồn trước khi bị mất đứa con mới lọt lòng. Leah cùng với gia đình nằm trong số hàng ngàn người Do Thái tìm đường chạy trốn bạo lực ở Yemen. Họ bị cướp bóc trên con đường di cư từ quốc gia này sang quốc gia khác và Leah phải đi xin ăn để tồn tại. Cuối cùng, chiến dịch không vận nổi tiếng gọi là "Chiến dịch Tấm thảm thần kỳ" (Operation Magic Carpet) hay còn gọi là Chiến dịch Đôi cánh Đại bàng diễn ra vào giữa tháng 6-1949 đến tháng 9-1950 di tản gần 50.000 người Do Thái ở Yemen đến nhà nước Israel mới thành lập - đây là chiến dịch tuyệt mật chỉ được công bố sau khi kết thúc.
Bà Leah Aharoni. |
Bà Leah Aharoni, nay 78 tuổi, nhớ lại chuyến bay đến Israel năm xưa: "Đây là vùng đất mà tôi luôn mơ đến. Khi bước xuống máy bay, mọi người đều cúi xuống hôn miền đất thánh. Ở đây, tôi vẫn nghe thấy tiếng bom đạn và nhìn thấy những cột khói cao". Giữa cuộc chiến tranh đầu tiên của thế giới Arập và Israel, đoàn người Do Thái tỵ nạn bị suy dinh dưỡng trầm trọng và nghèo khổ tột cùng. Nhiều người Do Thái đến từ Yemen phải sống trong những trại tỵ nạn tạm thời ở Israel trước khi được định cư đàng hoàng và câu chuyện hàng ngàn em bé bỗng nhiên biến mất một cách bí ẩn bắt đầu diễn ra.
Một số đồn đại cho rằng số em bé bắt đầu mất tích sau khi những người Mỹ gốc Do Thái giàu có đến thăm những trại tỵ nạn. Trong khi đó, một số đứa bé khác được chữa trị suy dinh dưỡng trong các bệnh viện ở Israel và sau đó bất ngờ bậc cha mẹ được báo tin là chúng đã chết. Tại các "kibbutze" (khu định cư người Do Thái ở Israel), nhiều trẻ em Yemen bị cách ly khỏi cha mẹ và chúng phải tự chăm sóc cho nhau.
Ảnh chụp bà Leah Aharoni (thứ 2 từ trái) và gia đình trước khi rời thành phố cảng Aden của Yemen để di cư đến Israel. |
Song, nhiều trẻ trong số đó cũng đột nhiên biến mất một cách khó hiểu. Số trẻ biến mất bí ẩn tăng dần từ hàng trăm lên đến hàng ngàn. Trong nhiều trường hợp, bậc cha mẹ tin rằng con cái của họ thực sự bị bắt cóc đem bán cho những gia đình người Do Thái giàu có ở châu Âu hay người Mỹ.
Thời gian trôi qua, bà Leah Aharoni - cũng giống như nhiều bậc cha mẹ khác - bắt đầu thấy nghi ngờ câu chuyện con cái của họ đã chết. Sau khi cố thu thập những giấy tờ có thể tiết lộ sự thật về chuyện gì đã xảy đến cho bé Hanna, bà Leah hết sức choáng váng trước những gì tìm thấy được. Một tài liệu ghi rõ nhiều em bé được chuyển đến Tel Aviv ngay sau ngày bác sĩ trao cho bà Leah giấy chứng tử của bé gái Hanna. Tài liệu khác là giấy chứng tử thứ 2 của Hanna (năm 1969) - tức 3 năm sau tờ giấy chứng tử đầu tiên (năm 1966).
Tiết lộ gây chấn động
Cũng giống như Leah Aharoni, phần lớn các bậc cha mẹ đều không nhận được bất cứ thông tin gì về mộ phần của những đứa trẻ đã chết. Cho dù cha mẹ có biết được mộ phần thì trong một số trường hợp chúng được tìm thấy trống rỗng, hay xét nghiệm ADN chứng minh hài cốt không phải là con của họ. Từ thập niên 1960, chính quyền Israel đã mở 3 cuộc điều tra chính thức về "Vụ án Trẻ em Yemen" và kết quả cuối cùng được công bố là phần lớn trẻ em bị chết do bệnh tật và sau đó được chôn cất mà không thông báo đến bậc cha mẹ hay có sự chứng kiến của họ.
Người Do Thái di cư Yemen tại một khu trại tiếp nhận của Israel năm 1949. |
Thế nhưng, nhiều gia đình vẫn nghi ngờ có sự che đậy sự thật, đồng thời tiếp tục tin vào sự tồn tại của một chiến dịch bắt cóc có tổ chức hẳn hoi với sự tham gia của nhân viên y tế cũng như cả giới chức chính quyền.
Do đó mà vào năm 2016, chính quyền thủ tướng Benjamin Netanyahu quyết định công bố một số lớn hồ sơ điều tra vụ việc lên Internet. Theo lời Netanyahu, biện pháp này đánh dấu kỷ nguyên mới của sự minh bạch và "sửa cái sai của lịch sử". Mới đây, cuộc điều tra của một ủy ban đặc biệt trong Knesset (Nghị viện Israel) tiết lộ sự thật khác gây chấn động dư luận - đó là những đứa trẻ suy dinh dưỡng đã chết sau khi bị thử nghiệm mũi tiêm protein do sự bất cẩn của nhân viên y tế.
Trước đó, những cuộc khám nghiệm tử thi trẻ em (được chôn trong những ngôi mộ tập thể vi phạm truyền thống Do Thái) được báo cáo đến ủy ban đặc biệt của Knesset. Thậm chí trong một số trường hợp, các bác sĩ Mỹ bí mật mổ lấy quả tim của những đứa trẻ đã chết để dùng vào thí nghiệm y khoa. Nurit Koren, nữ chủ tịch ủy ban đặc biệt, bình luận: "Đây đúng là vụ bê bối khủng khiếp khi mà các bác sĩ không hề thông báo với bậc cha mẹ về những cuộc thí nghiệm cũng như nghiên cứu trên cơ thể trẻ em. Tồi tệ hơn nữa là ngay đến những đứa trẻ khỏe mạnh phải chết oan uổng do chương trình điều trị thử nghiệm cẩu thả. Đó là tội ác".
Ngay đến cha mẹ của Nurit Koren cũng từ Yemen di cư đến Israel và vài anh em họ của bà cũng nằm trong số những đứa trẻ mất tích bí ẩn. Do đó, một trong những ưu tiên hàng đầu của Nurit Koren sau khi đắc cử vào Knesset là mở cuộc điều tra vụ án mà bà mô tả là "vết thương hở trong tim quốc gia Israel".
Người Do Thái trong hành trình đến Israel năm 1950. |
Một trong những vấn đề nhức nhối của "Vụ án Trẻ emYemen" là dân Do Thái từ Yemen nhập cư vào Israel đã bị đối xử như "công dân hạng 2". Lý do là những nhân vật thành lập nhà nước Israel phần đông là người Do Thái Ashkennazi (xuất thân từ châu Âu) vốn lo sợ người Do Thái Mizrahi (đến từ Trung Đông và Bắc Phi) sẽ gây tổn hại cho nhà nước mới.
Nhà sử học Tom Segev, tác giả của những cuốn sách về Israel trong những năm đầu tiên thành lập, nhận định rằng hiện thời vẫn chưa biết được vụ án bắt cóc "trẻ em Yemen" để làm con nuôi có đúng là sự thật hay không bởi vì hàng trăm ngàn người nhập cư vào nhà nước Do Thái trong giai đoạn chiến tranh trong khi quốc gia này vẫn còn chưa được ổn định.
Theo Tom Segev, người Yemen nhập cư sống tạm bợ trong những căn lều mỏng manh không chịu đựng nổi mùa đông khắc nghiệt dẫn đến tỷ lệ tử vong nơi trẻ em đến 50%. Do đó, mà - theo Tom Segev - câu chuyện "trẻ em Yemen" bị bắt cóc làm con nuôi cho nhà giàu có lẽ là sự thật.
Chương trình MyHeritage
Mới đây, MyHeritage (công ty nghiên cứu dòng họ gia đình Do Thái) hợp tác với Nurit Koren để thành lập chương trình xét nghiệm ADN giúp những người Do Thái đến từ Yemen có con nhỏ bị mất tích hay những người tự cho rằng bản thân mình bị nhận làm con nuôi trong bí mật. Leah Aharoni - người từ lâu vẫn tin chắc con gái Hanna của mình còn sống và đang cố gắng tìm kiếm gia đình sinh học của bản thân - đã cung cấp mẫu ADN để đối chiếu trong cơ sở dữ liệu của MyHeritage.
Bà Leah tâm sự: "Tôi muốn tìm xem con gái tôi đang ở đâu. Tôi muốn nó biết rằng tôi không bao giờ bỏ rơi nó và tôi yêu nó vô cùng. Tôi đã bị chính quyền lừa dối". Hiện thời, bà Leah đang thấp thỏm chờ đợi người có mẫu ADN trùng khớp với mình.
Từ chương trình MyHeritage, đã có một vài trường hợp đứa trẻ mất tích tìm lại được cha mẹ Yemen ngày xưa của mình. Cách đây vài tháng, nhà vật lý Yehuda Kantor trở thành người đầu tiên tìm được gia đình sinh học của ông thông qua chương trình xét nghiệm ADN của MyHeritage. Yehuda Kantor đã trải qua hơn 20 năm tìm tung tích người mẹ sinh học của ông thông qua phương tiện thông tin đại chúng. Ông cho biết: "Tôi nhận được hàng trăm cuộc gọi điện thoại và rất nhiều thông tin nhưng vẫn không xác định được người mẹ sinh học của mình. Tôi cũng từng thử qua một số mẫu ADN nhưng không thành công".
Yehuada Kantor có tuổi thơ hạnh phúc, được nuôi dạy tại thành phố Afula miền bắc Israel bởi cha mẹ nuôi Batia và Asher Kantor - cặp vợ chồng người Do Thái Ashkenazi đến từ Đông Âu. Những bức ảnh chụp cho thấy Yehuda có nước da sẫm màu hơn người thân cũng như bạn học trường phổ thông.
Tuy nhiên, phải đợi đến tuổi 20 Yehuda mới biết sự thật: ông chỉ là đứa con nuôi! Mẹ nuôi tiết lộ bà nhận Yehuda từ một trại trẻ mồ côi lúc ông chỉ mới 3 tuổi. Hồ sơ con nuôi của Yehuda tiết lộ người mẹ sinh học Yemen có họ là Zahara. Chương trình MyHeritage giúp phát hiện mẫu ADN của Yehuda trùng khớp với mẫu của một phụ nữ đã chết và chôn cất cách đây 17 năm. Câu chuyện thành công của Yehuda sau đó được kể lại trên truyền hình Israel.