Giáo viên dạy sử qua mặt "đồ tể thành Lyon"

Thứ Sáu, 11/08/2017, 09:44
Một nữ giáo viên dạy lịch sử ở trường trung học, bà tên Lucie Aubrac, với chiến tích nổi tiếng là qua mặt lính mật vụ Gestapo, đặc biệt là trùm mật vụ Klaus Barbie, hỗn danh là "Đồ tể thành Lyon". Lucie Aubrac đã lập nên nhiều chiến công, trở thành nữ anh hùng trong chiến tranh và được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý.

Trong thời kỳ Chiến tranh Thế giới lần thứ II, nước Pháp bị phát xít Đức xâm chiếm, người dân phải sống dưới ách cai trị hà khắc, bị đàn áp gắt gao. Nhiều người đi theo quân kháng chiến để chống phát xít Đức, giải phóng đất nước.

Trong đó có một nữ giáo viên dạy lịch sử ở trường trung học, bà tên Lucie Aubrac, với chiến tích nổi tiếng là qua mặt lính mật vụ Gestapo, đặc biệt là trùm mật vụ Klaus Barbie, hỗn danh là "Đồ tể thành Lyon". Lucie Aubrac đã lập nên nhiều chiến công, trở thành nữ anh hùng trong chiến tranh và được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý.

Vợ chồng Lucie và Raymond Aubrac thời trẻ.

Lucie Aubrac có tên khai sinh là Lucie Bernard, sinh năm 1912 trong một gia đình nhà giáo khiêm tốn ở một làng trồng nho Burgundy thuộc vùng Chatenay-sur-Seine, Đông Nam Paris.

Từ khi còn là một thiếu niên, Lucie đã thể hiện rõ tính cách nổi loạn, mà theo các nhà viết tiểu sử, đã trở thành một nguyên tắc sống quan trọng của bà, nguyên tắc kháng cự, chối bỏ sự áp đặt ý chí của người khác, nó sẽ quyết định cuộc sống sau này của bà. Lucie đã chống lại ý muốn của cha mẹ, không đi học sư phạm tiểu học để theo nghề giáo viên truyền thống của gia đình.

Thay vì thế, Lucie tự lập, năm 19 tuổi tự mình lên Paris quyết chí học tập để được vào học trường đại học danh tiếng Sorbonne. Tại Paris, chứng kiến cảnh đói nghèo, khốn khổ của người dân Pháp thời kỳ Đại khủng hoảng kinh tế, Lucie xin gia nhập Đảng Cộng sản Pháp, trở thành một đảng viên nhiệt tình, năng nổ. Vừa học tập, vừa hoạt động tích cực, rốt cuộc Lucie cũng được nhận vào học trường Sorbonne như ý nguyện ban đầu. Đó là vào năm 1937, và chỉ một năm sau bà đã tốt nghiệp. Sau khi tốt nghiệp, Lucie trở thành giáo viên dạy môn lịch sử cho một trường trung học ở thành phố Strasbourg, nằm bên bờ sông Rhine, cách biên giới Pháp-Đức khoảng 3km.

Vào năm 1939, bà gặp gỡ và yêu say đắm Raymond Samuel, một sinh viên kỹ thuật bách khoa, con một gia đình Do Thái khá giả. Vài tháng sau, Lucie giành được một học bổng sang Mỹ để tiếp tục học lên cao hơn. Nhưng, ngày 1-9-1939, chỉ còn 4 ngày trước khi Lucie lên đường đi New York du học, thì quân Đức nổ súng xâm lược Ba Lan, buộc các quốc gia Anh, Pháp và các nước Đồng minh tuyên bố chiến tranh với Đức, mở màn Chiến tranh Thế giới lần thứ II. Thế là Lucie hủy chuyến đi du học ở Mỹ. Bà lặn lội từ Paris trở về Strasbourg, gặp lại Raymond, và hai người làm đám cưới vào tháng 12 cùng năm.

"Đồ tể thành Lyon" Klaus Barbie.

Sau 9 tháng cầm cự ở biên giới, quân Đức bắt đầu tấn công xâm chiếm nước Pháp vào mùa xuân năm 1940. Hàng triệu thanh niên Pháp đã gia nhập quân đội chiến đấu chống quân Đức xâm lược. Chỉ trong vài tuần chiến tranh nổ ra, đã có đến 2 triệu lính Pháp bị bắt làm tù binh, trong đó có Raymond. Chính phủ Pháp lúc đó nhu nhược, yếu thế, phải trông cậy vào lão tướng 84 tuổi Thống chế Phillipe Pétain, người hùng Chiến tranh Thế giới lần I, để đứng ra thương lượng ký hòa ước với Đức.

Hòa ước đã được ký, nhưng tù binh thì chưa được thả. Lucie hiểu rằng, bà phải ra tay giải cứu chồng trước khi ông được chuyển đến trại tập trung tù binh chiến tranh của phát xít Đức. Thế là Lucie lại lặn lội đi xuyên nước Pháp, đến nơi ông Raymond bị giam giữ ở Sorrebourg.

Trong một lần thăm chồng ngắn ngủi, Lucie đã bí mật trao cho ông một loại thuốc mà khi uống vào ông sẽ bị sốt để giả bệnh. Khi Raymond được chuyển đến bệnh viện, Lucie đã sử dụng tài ngụy trang, che đậy để đưa ông trốn thoát ra ngoài. Cặp vợ chồng trẻ đến tạm trú tại một khách sạn, ở cùng với một đám đông sĩ quan quân đội Đức trước khi bắt chuyến tàu hỏa chạy trốn về Lyon, thành phố quan trọng nhất trong vùng "tự do" (chưa bị chiếm đóng) của Pháp. Lucie quay trở lại dạy học môn lịch sử tại một trường trung học ở Lyon.

Không giống như nhiều người ở Pháp, Lucie không xem chính phủ Pháp đóng ở thị trấn Vichy là bất hợp pháp. Tuy nhiên, mùa thu năm 1940, Lucie gặp một người tên là Emmanuel d'Astier de la Vigerie tại một quán cà phê ở thành phố Lyon. Emmanuel là một trong những thành viên cốt cán của phong trào Kháng chiến Pháp.

Những cuộc gặp gỡ với Lucie và Raymond như thế, cùng với một số người khác là cách để Emmanuel tìm kiếm đồng minh cùng chung chí hướng để xây dựng phong trào kháng chiến chống phát xít Đức. Sau nhiều lần thoái thác, cuối cùng Lucie cũng chấp nhận lời mời của Emmanuel, và hai vợ chồng Raymond, Lucie đã trở thành thành viên của quân Kháng chiến Pháp, cùng với Emmanuel sáng lập ra tổ chức kháng chiến Libération-Sud.

Lucie trở thành người phụ nữ hiếm hoi ở nước Pháp thời đó tham gia kháng chiến với vai trò và vị trí quan trọng như thế. Giai đoạn này, bà cũng vừa sinh con trai đầu lòng Jean-Pierre (tháng 5-1941). Vừa làm mẹ, làm vợ, vừa làm giáo viên, nhưng Lucie vẫn dành thời gian cho hoạt động kháng chiến bí mật, hỗ trợ việc phát hành tờ báo Libération, chuyển giao các bưu kiện, phân phát tờ rơi tuyên truyền và giúp đỡ quân kháng chiến trốn thoát khỏi các nhà tù.

Vợ chồng Raymond và Lucie Aubrac khi tuổi đã ngoài 90 (đầu thế kỷ XXI).

Đến cuối năm 1942, quân Đức đã chiếm đóng toàn bộ nước Pháp. Một cuộc trục xuất người Do Thái quy mô lớn bắt đầu, và hầu hết trong số họ không hề biết đến một thực tế hãi hùng đang chờ đón họ - đó là Giải pháp cuối cùng (Final Solution) - tại các trại tập trung của phát xít Đức. Mùa đông năm đó, Klaus Barbie của Cục cảnh sát mật vụ Đức, tức Gestapo, đến Lyon nhận nhiệm sở.

Trong một nỗ lực nhằm xâm nhập và đàn áp nhằm dập tắt phong trào kháng chiến Pháp, Barbie triển khai biện pháp tra khảo các kháng chiến quân bị bắt và biến họ thành chỉ điểm viên, còn gọi là điệp viên hai mang.

Tháng 3-1943, Gestapo bắt giam Raymond, lúc đó đã sử dụng họ Aubrac, trở thành Raymond Aubrac, và Lucie Bernard trở thành Lucie Aubrac. Khi bị bắt, Raymond - mang bí danh Francois Vallet - phụ trách công tác tuyển quân và huấn luyện tân binh cho tổ chức kháng chiến Libération-Sud, nhưng ông đã nói dối lính Gestapo rằng mình chỉ làm ăn buôn bán chợ đen, thuyết phục được lính Gestapo nên được chúng thả ra.

Tuy nhiên, vào ngày 21-6-1943, Raymond lại bị bắt lần thứ hai cùng với lãnh đạo quân Kháng chiến Jean Moulin, trong một trận càn của lính Gestapo ở ngoại ô Caluire. Barbie và các sĩ quan Gestapo tra tấn dã man hai ông; Moulin đã chết trong ngục vì vết thương quá nặng. Raymond được chuyển đến giam tại nhà tù Montluc.

Lúc này, Lucie đang mang thai đứa con thứ hai. Ngày 23-6, bà đến trụ sở mật vụ tại Lyon, dùng chứng minh thư giả để qua mặt bọn lính gác, vào gặp ông trùm mật vụ Barbie - khét tiếng tàn ác với hỗn danh "Đồ tể thành Lyon" - và đưa ra yêu cầu thả vị "hôn phu tương lai" của mình do ông ấy bị ốm. Barbie cự tuyệt. Lucie quay trở lại lần nữa và được Barbie thông báo Raymond (bí danh Francois Vallet) đã bị tuyên án tử hình. Đây chính là bước đầu tiên của một cuộc giải cứu ly kỳ do Lucie thực hiện để giải thoát chồng khỏi lao tù.

Sau thông báo của Barbie, Lucie như người mất hồn, lục tìm trong các nhà xác với hy vọng không tìm thấy thi thể chồng, đồng nghĩa việc ông còn sống. Bà luôn hy vọng và không từ bỏ kế hoạch của mình. Một lần nữa, Lucie tìm đến các quan chức Gestapo, và lần này bà tiếp cận được được một sĩ quan Đức khác và gây được cảm tình với ông này. Lucie viện dẫn "luật của nước Pháp" cho phép tù nhân mang án tử được làm đám cưới trước khi chết. Chiêu tung hỏa mù này của Lucie quả nhiên có tác dụng.

Và ngày 21-10-1943, một "đám cưới" của Raymond và Lucie đã được tổ chức tại trụ sở của Gestapo. Khoảng một giờ sau "đám cưới", khi quân Đức đưa Raymond quay trở lại nhà tù, Lucie và một số kháng chiến quân có vũ trang đã tấn công xe chở tù nhân, giết chết một số sĩ quan Đức và giải thoát cho Raymond cùng với 16 tù nhân khác.

Thế là Lucie đã lộ diện và bị điểm danh là một kháng chiến quân thứ thiệt, bị phát xít Đức truy nã gắt gao. Do đó, vợ chồng Aubrac cùng con trai nhỏ phải di chuyển đến trú ẩn trong một căn nhà an toàn trong một thời gian cho đến khi họ được bí mật đưa sang Anh lánh nạn vào tháng 2-1944. Vài ngày sau khi đến Anh, Lucie hạ sinh con gái và đặt tên là Catherine. Báo chí của phe Đồng minh khi đó tung hô vợ chồng Aubrac, đặc biệt là Lucie, vì lòng dũng cảm và những hành động anh hùng của họ trong kháng chiến ở Pháp, tôn vinh họ là biểu tượng anh dũng của quân Kháng chiến Pháp.

Ngày 20-3-1944, chính phủ lâm thời của tướng Charles De Gaulle ra tuyên bố khi nước Pháp được giải phóng thì phụ nữ sẽ được trao quyền bầu cử. Để chuẩn bị cho việc này, tướng De Gaulle cho thành lập một Hội đồng tư vấn (Nghị viện lưu vong của Pháp) bao gồm nhiều thành phần, có cả phụ nữ, và Lucie được tham gia Hội đồng với tư cách là đại biểu Kháng chiến quân, trở thành người phụ nữ Pháp đầu tiên tham gia Nghị viện.

Sau sự kiện D-Day ngày 6-6-1944, quân Anh và Mỹ đổ bộ thành công xuống Normandy, Lucie quay trở lại Pháp với tư cách là đại diện cho Chính phủ Tự do Pháp của tướng Charles De Gaulle. Ngày 25-8-1944, Lucie đã có mặt tại Paris khi quân đồn trú của Đức đầu hàng quân Đồng minh và tướng De Gaulle đứng trên Tòa thị chính (Hotel de Ville) phát biểu trước đông đảo dân chúng Pháp reo mừng đất nước giải phóng.

Chiến thắng trở về, nhưng gia đình Aubrac lại nhận ngay thông tin buồn: Bố mẹ của Raymond đã bị quân Đức đưa đến trại tập trung Auschwitz vào tháng 1-1944. Lucie quay trở lại dạy học môn lịch sử và dành nhiều thời gian trong quãng đời còn lại để kể chuyện cho các thế hệ trẻ về quân Kháng chiến Pháp, về cuộc kháng chiến chống phát xít Đức mà bà và chồng cùng tham gia. Năm 1996, bà được nhà nước Pháp trao tặng Huân chương Bắc đẩu Bội tinh cho những đóng góp to lớn trong phong trào Kháng chiến Pháp.

Trước khi được công nhận công trạng và được tặng thưởng huân chương, Lucie và chồng cũng phải trải qua một cuộc chiến khác, cuộc chiến giành lại danh dự và bảo vệ thành quả kháng chiến của hai vợ chồng.

Sau chiến tranh, "đồ tể" Barbie lẩn trốn khỏi sự truy lùng của chính quyền các nước Đồng minh. Từ thập niên 1960, Barbie trốn sang Bolivia sống ẩn dật trong sự che chở của chính quyền độc tài phát xít ở nước này. Tuy nhiên, sau khi chính quyền độc tài ở Bolivia sụp đổ, Barbie không còn chỗ dựa nữa và bị bắt, bị dẫn độ về Pháp vào năm 1983. Tại phiên tòa xét xử vào năm 1984, Barbie lại khai rằng, Raymond Aubrac thực ra là một chỉ điểm viên và chịu trách nhiệm bắt Jean Moulin vào năm 1943 (dẫn đến cái chết của ông này trong nhà lao).

Vợ chồng Raymond và Lucie kịch liệt phản đối các tuyên bố của Barbie. Để khẳng định những thông tin sự thật về thời kỳ hoạt động kháng chiến của hai vợ chồng, Lucie viết và xuất bản một quyển hồi ký lấy tựa đề "Outwitting the Gestapo" (tạm dịch: Qua mặt Mật vụ Gestapo). Quyển hồi ký ngay lập tức trở thành quyển sách bán chạy nhất ở Pháp.

Năm 1991, Barbie chết trong tù, những lời tuyên bố của ông ta xem như cũng đi theo ông xuống mồ. Và năm 1998, sau nhiều năm đấu tranh, cuối cùng vợ chồng Lucie và Raymond cũng giành lại được thanh danh sau khi thắng kiện đối với nhà báo Gérard Chauvy, người đã cho xuất bản một quyển sách dựa theo lời kể của Barbie.

Lucie Aubrac qua đời năm 2007, hưởng thọ 95 tuổi. 5 năm sau, năm 2012, đến lượt Raymond qua đời, hưởng thọ 98 tuổi.

An Tôn (tổng hợp)
.
.