Hitler bị lừa trong chiến dịch Normandie như thế nào?
- Những bức ảnh màu hiếm có về cuộc sống xa hoa của Adolf Hitler
- Những ngày cuối cùng của Hitler
- Tiết lộ về người cứu “3 ông lớn” thoát khỏi âm mưu ám sát của Hitler
Đã có rất nhiều tranh luận sau này liên quan đến câu hỏi: Vì sao phát xít Đức vẫn có một lực lượng quân đội rất lớn ngay tại khu vực thành phố Calais – ba sư đoàn xe tăng và hai sư đoàn môtô cơ động – nhưng ngay sau khi bắt đầu chiến dịch đổ bộ đã không điều ngay quân xuống Normandie nhằm đánh bật quân đồng minh xuống biển?
Một số tài liệu mới được giải mật gần đây cho thấy, Cơ quan tình báo Anh đã thành công trong việc đánh lừa Hitler, khiến trùm phát xít vẫn tưởng chiến dịch tại Normandie chỉ là một đòn nghi binh. Đóng vai trò quan trọng nhất trong chiến công này là điệp viên hai mang người Tây Ban Nha Juan Pujol Garcia.
Nhờ thông tin giả do Pujol cung cấp, quân đồng minh đã không gặp nhiều khó khăn và tổn thất khi đổ bộ lên Normandie. |
Đối với quân đội Đức, ông được coi là một trong những điệp viên thành công nhất được cài cắm vào quân đội Anh. Có điều phần lớn những thông tin giá trị do ông cung cấp đều vì những lý do khách quan nên đến chậm hơn dự định. Chính Pujol là người đầu tiên thông báo cho Berlin về chiến dịch “Torch” – chiến dịch đổ bộ của liên quân Anh-Mỹ lên Bắc Phi vào tháng 11-1942 – nhưng chỉ sau khi nó bắt đầu diễn ra.
Từ lòng căm thù phát xít
Juan Pujol sinh ngày 14-2-1912 tại Barcelona trong gia đình của một thợ nhuộm. Cha mẹ ông dù nghèo nhưng là những người rất sùng đạo, nên từ năm 7 tuổi họ đã gửi ông vào một trường nội trú của Thiên chúa giáo. Chính tại đây, Pujol đã trải qua những ngày tháng thời niên thiếu trong môi trường kỷ luật có phần hà khắc của ngôi trường. Bù lại, ông đã có một môi trường học tập tốt hơn, chẳng hạn như có thể nói tiếng Anh rất thành thạo.
Juan Pujol Garcia. |
Tuy nhiên, Pujol cũng không thể hoàn tất khóa học do gia đình gặp khó khăn về tài chính sau cái chết của cha. Ông phải rời bỏ ngôi trường để kiếm tiền phụ gia đình, hài lòng với vị trí của một nhân viên bán hàng.
Khi nội chiến bùng nổ tại Tây ban Nha vào năm 1936, Pujol đăng ký gia nhập quân đội chính phủ. Là người có trình độ học vấn (thời buổi đó không có được nhiều người như vậy), ông được giao nhiệm vụ làm công tác tuyên truyền đặc biệt – thuyết phục những tay súng thuộc phe nổi loạn chuyển sang phía quân chính phủ. Nhưng nhờ có sự giúp đỡ chi viện của Hitler và Mussolini, phe nổi loạn của tướng Franco đã giành chiến thắng. Pujol bị bắt làm tù binh vào năm 1939.
Số phận có lẽ đã an bài với ông, nếu như Pujol không tình cờ gặp một tu sĩ trước đó có quan hệ khá thân quen với gia đình của mình. Nhờ sự giúp đỡ của nhân vật này, Pujol được trả tự do ngay sau đó, xin được công việc của một nhân viên phục vụ tại khách sạn Majestic (Madrid). Luôn chú ý theo sát mọi tình hình trong nước, Pujol đã đi đến quyết định phải tiếp tục đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít.
Điệp viên bí mật
Với quyết tâm đó, Pujol tìm cách kết nối với các nhân viên đại sứ quán Anh, đề nghị hợp tác với họ trên cương vị một điệp viên mật. Tuy nhiên, người Anh tỏ ra không quan tâm tới một tay thư ký quèn như Pujol, thậm chí còn không thèm trả lời ông. Ông quyết định chuyển sang hướng khác, liên hệ với các nhà ngoại giao Đức, giả dạng là người trung thành với ý tưởng của chủ nghĩa phát xít.
Lần này, Pujol đã đạt được mục tiêu đề ra, được nhận vào làm việc cho Cơ quan tình báo Đức. Cũng ngay tại Madrid, Pujol được tham gia một số khóa huấn luyện ngắn ngày với những nội dung như phương pháp thu thập thông tin, tuyển mộ điệp viên, sử dụng điện đài v.v…
Cuốn sách về chiến công của Pujol, người đã đánh lừa được Hitler. |
Ngay sau đó, Pujol nhận nhiệm vụ đầu tiên – đó là tới đất nước Bồ Đào Nha láng giềng, tìm kiếm những nguồn thông tin tin cậy, nắm tình hình về quốc gia này. Vấn đề là chế độ độc tài của Antonio Salazar khi đó về mặt tư tưởng có phần nghiêng về chủ nghĩa phát xít, nhưng lại không thiết lập quan hệ với Đức. Chưa kể trong những năm Chiến tranh thế giới thứ hai, nước này còn đứng ra giúp đỡ cho Anh. Pujol tới Lisbon, từ đây thường gửi báo cáo về, nhưng chủ yếu là thu thập từ các nguồn thông tin mở tại địa phương. Dù vậy, Pujol dần dần vẫn có được uy tín của một điệp viên được đánh giá là đáng tin cậy.
Người Đức không thể biết rằng, “điệp viên tin cậy” của họ tại Lisbon đã tìm cách liên hệ với Đại sứ quán Mỹ, bày tỏ mong muốn được tham gia chống lại nguy cơ của chủ nghĩa phát xít. Theo đề xuất của người Mỹ, Pujol chuyển tới nước Anh. Ông đánh điện về Berlin, báo cáo về khả năng có thể tìm được việc làm tại một trong những khách sạn sang trọng tại London. Tình báo Đức rất vui mừng trước thông tin trên, đồng thời giao cho Pujol một nhiệm vụ mới – đó là cố gắng xây dựng một mạng lưới tình báo tại đây, cũng như tập trung khai thác các thông tin về quân sự.
Tại London, Pujol chính thức trở thành một điệp viên hai mang thực sự, bắt tay vào hợp tác chặt chẽ với Cơ quan tình báo MI-5 của Anh với mật danh Garbo. Ông đều đặn chuyển về Đức những thông tin đã được lãnh đạo tình báo Anh phê chuẩn từ trước, tất cả về cơ bản là chính xác nhưng không có giá trị đặc biệt nào. Tuy nhiên những thông tin trên cũng được phía Đức kiểm tra rất cẩn thận, kể cả việc dùng đến các kết quả trinh sát từ trên không.
Hai vợ chồng nhà Pujol. |
Như vào năm 1940, báo cáo của Pujol có phát hiện về một số lượng tàu bè lớn tập trung tại một vũng biển của Anh. Không quân Đức đã tổ chức một trận ném bom quy mô lớn vào địa điểm này. Các phi công sau đó đã báo cáo về một chiến dịch hết sức thành công tại đây, không hề nghi ngờ rằng người Anh đã cố tình bố trí những chiếc tàu cũ để quân Đức đánh chìm. Ngay sau đó, Pujol nhận được thông báo từ Berlin về việc được tặng thưởng huân chương chữ thập.
Mạng lưới tình báo do Pujol xây dựng tại Anh cũng được “thiết kế” khá tỉ mỉ từ 27 nhân vật do họ nghĩ ra – chẳng hạn như đó là một sinh viên từ Venezuela được giao chăm sóc cho cô con gái của một nhân viên cao cấp từ Bộ ngoại giao; nữ hầu phòng của một nhà quý tộc có mối quan hệ mật thiết với các quan chức Bộ nội vụ; một đảng viên Cộng hòa người Ailen luôn căm ghét những người Anh v.v…
Tính ra, Pujol đã gửi về Đức tổng cộng hơn 1.200 báo cáo khác nhau, khiến giới lãnh đạo tình báo Đức hết sức hài lòng với điệp viên của mình. Ngay cả sau khi đưa thông tin chậm trễ về chiến dịch “Torch”, Pujol vẫn nhận được một bức điện với nội dung: “Đáng tiếc là thông tin đến quá trễ, nhưng những công việc trước đó là rất tốt”.
Đòn nghi binh quyết định
Chính Juan Pujol là người đóng vai trò chính trong chiến dịch mang tên “Fortitude” với mục tiêu cung cấp thông tin giả cho giới lãnh đạo Đức trước khi quân đồng minh mở mặt trận thứ hai. Ông đã khiến quân Đức tin vào một kế hoạch do người Anh “sáng chế” ra, theo đó việc liên quân Anh-Mỹ đổ bộ vào khu vực Normandie vào tháng 6-1944 chỉ là đòn nghi binh. Đòn đánh quyết định của quân đồng minh sẽ được triển khai muộn hơn tại một địa điểm hoàn toàn khác – phía đông Pas de Calais trên bờ biển của Bỉ, nằm cách xa Normandie tới 250km.
Báo chí Anh đưa tin về Pujol sau khi được trao tặng Huân chương Đế chế. |
Chiến dịch “Fortitude” được tiến hành dưới sự chỉ đạo trực tiếp của tướng Winston Churchill. Còn báo cáo của Pujol đã được đệ trình trực tiếp lên cho Hitler để trùm phát xít phê chuẩn. Để có thể đánh lừa được đối phương, bộ chỉ huy liên quân Anh-Mỹ đã dựng lên cả một tập đoàn quân giả của viên tướng George Patton tại ngoại ô thành phố Dover miền Đông nước Anh, dường như đang sẵn sàng vượt qua khu vực hẹp nhất Pas de Calais tại eo biển Manche.
Cũng cần phải nói thêm, chiến dịch “Fortitude” chút nữa đã có nguy cơ bị đổ vỡ vì những xích mích trong gia đình nhà Pujol. Vấn đề là ở chỗ, cô vợ Aracoeli người Tây Ban Nha của Pujol rất nhớ quê hương, chán ngán với cuộc sống vô vị và cô đơn tại London, khi chồng thường xuyên vắng nhà. Cô thậm chí còn đe dọa sẽ tới đại sứ quán Tây Ban Nha để kể hết về hoạt động của chồng mình, nếu không được phép trở về quê hương để gặp gỡ người chị ruột.
“Tôi không muốn sống với chồng mình nữa! Ngay cả khi họ muốn giết tôi, tôi vẫn sẽ tới Đại sứ quán Tây Ban Nha” – Aracoeli đã hét lên như vậy với Thomas Harris, sĩ quan liên lạc của tình báo Anh, khi ông này tìm cách khuyên nhủ cô. Cực chẳng đã, MI-5 đã phải dựng nên một kế hoạch nhỏ, theo đó phải khiến cho Aracoeli tin rằng, chồng cô đã đánh mất sự tin cậy của tình báo Anh và bị bắt giữ. Cô vợ được bịt mắt đưa tới một trại giam để gặp chồng. Tại đây, Aracoeli bị đe dọa và được thuyết phục để tin rằng, nếu cô từ bỏ những đòi hỏi trở về quê của mình, Pujol sẽ được trả tự do và có thể tiếp tục hợp tác với người Anh. Còn nếu không, bản thân Aracoeli cũng sẽ bị tống vào tù. Thế là mọi chuyện trở nên êm đẹp sau “tiểu xảo” của Pujol cùng các đồng nghiệp tại MI-5.
Quay trở lại với chiến dịch “Fortitude”, quân Đức đã hoàn toàn bị đánh lừa cho đến ngày 9-6, khi giữ lại những lực lượng chủ chốt tại khu vực Calais. Chúng hoàn toàn tin rằng, đòn đánh chính của quân đồng minh sẽ tập trung tại khu vực này. Phải đến ngày 10-6, tức là đã đến ngày thứ 5 của chiến dịch “Overlord”, bộ chỉ huy quân Đức mới thực sự hiểu rằng mình đã sai lầm hoàn toàn. Nhưng mọi chuyện khi đó đã quá muộn – cuộc đổ bộ đã hoàn tất và mặt trận thứ hai đã được mở.
Sau sự kiện này, một loạt tướng lĩnh cuồng tín của phát xít Đức, trong đó có cả viên tướng khét tiếng Otto Skorzeny, đã thề sẽ tiếp tục săn lùng để trả thù Pujol ngay cả sau khi chiến tranh kết thúc. Tất nhiên mật vụ Anh vì trách nhiệm của mình đã không để cho điệp viên người Tây Ban Nha có thể bị ám sát. Cho đến khi qua đời vào tháng 10-1988, Pujol sinh sống tại Venezuela dưới một cái tên giả. Bản thân chiến công hết sức quan trọng của ông đã không được tiết lộ nhằm tránh sự chú ý của các sử gia và nhà báo.
Trước đó 4 năm. đầu năm 1984, Pujol mới có dịp quay trở lại quê hương, sau đó được mời tới London – nơi ông được đích thân Hoàng thân Philip, Công tước xứ Edinburgh, trao tặng Huân chương Đế chế Anh vì đã có công giúp đỡ các nước đồng minh trong Chiến tranh thế giới thứ hai.