Hồ sơ Panama: Những nhà tài trợ của gia đình Clinton
- Hồ sơ Panama: Khe hở lách cấm vận
- Hồ sơ Panama: Những cái tên châu Á nổi cộm
- "Hồ sơ Panama": Ngăn chặn tình trạng trốn thuế
Khi Hồ sơ Panama được công bố rộng rãi hồi đầu tháng 4-2016, rất ít người Mỹ có tên trong hồ sơ. Theo báo điện tử McClatchy - một trong hơn 100 đơn vị báo chí tham gia khai thác Hồ sơ Panama, trong Hồ sơ Panama có nhiều cái tên khá đình đám ở Mỹ, nhất là khi họ là những nhà tài trợ cho các chiến dịch tranh cử của đảng Dân chủ, đặc biệt là vợ chồng Bill và Hillary Clinton.
Chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ 2016 của bà Clinton đang trong giai đoạn quyết liệt, và người ta đặt câu hỏi liệu Hồ sơ Panama có trở thành vấn đề lớn trong cuộc đua của bà hay không?
"Mối lớn" của ông Bill Clinton
Một trong những người có quan hệ "tài trợ chính trị" với gia đình Clinton là Jean-Raymond Boulle, một nhà khai thác kim cương giàu có đến từ đảo quốc núi lửa Mauritius. Công ty của ông này trước đây từng đóng trụ sở tại Hope, bang Arkansas, quê nhà của ông Bill Clinton. Dạo giữa thập niên 1990, Boulle là giám đốc của hai công ty bình phong là Auk Limited, đăng ký tại British Virgin Islands, và Gridco Limited, đăng ký tại Bahamas.
Marc Rich (phải) là một trong những nhà tài trợ lớn cho Thư viện Tổng thống Bill Clinton. |
Trước đó, ông ta đã tìm cách tạo được mối quan hệ tốt với gia đình Clinton. Sau hai lần tiếp xúc với Boulle, ông Clinton khi đó là Thống đốc bang Arkansas đã ký ban hành một sắc lệnh cho phép công ty của ông này tham gia vào việc khai khoáng tại bang Arkansas. Sau đó, người ta còn thấy vợ chồng Boulle được mời đến dự lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ đầu của ông Clinton.
Một số tổ chức phi chính phủ, phi đảng phái ở Mỹ giải thích rằng, ông Clinton không làm gì sai trong mối quan hệ với ông Boulle, đó là những mối quan hệ xã hội bình thường trong môi trường chính trị ở Mỹ. Tuy nhiên, dưới góc độ của những nhà điều tra chống gian lận thuế, mọi quan hệ đều khả nghi, và một người chỉ được xem là trong sạch sau khi có đủ chứng cứ để chứng minh.
Một người nữa có quan hệ với nhà Clinton có tên trong Hồ sơ Panama là Gabrielle Fialkoff, cố vấn cao cấp của Thị trưởng New York Bill de Blasio và là giám đốc Văn phòng Đối tác Chiến lược của thành phố.
Bà này, cùng với em trai Brett và bố (đã qua đời) được ghi nhận là cổ đông của công ty UPAC Holdings Ltd, một công ty bình phong hải ngoại thành lập tại British Virgin Islands vào tháng 6-2012. Cả bà Gabrielle và em trai Brett đều phủ nhận mình liên quan đến công ty bình phong UPAC Holdings Ltd. Brett hiện đang quản lý doanh nghiệp vàng bạc đá quý Haskell Jewels của gia đình, trụ sở tại New York.
Ban đầu Brett tỏ vẻ ngạc nhiên "không biết vì sao gia đình mình có tên trong Hồ sơ Panama", rồi sau đó cho rằng "chắc ai đó đã mở tài khoản" lấy tên của những thành viên gia đình mình(!?). Rồi sau đó nữa, Brett lại thừa nhận anh ta có lập một công ty bình phong hải ngoại để nhập khẩu hàng phụ kiện từ Trung Quốc vào Mỹ.
Hồ sơ công ty cho thấy đăng ký kinh doanh tại Bắc Kinh. Brett nói rằng anh ta đã rời bỏ doanh nghiệp xuất nhập khẩu đó để tập trung lo việc kinh doanh của công ty vàng bạc đá quý của gia đình. Tuy nhiên, theo ghi nhận của Mossack Fonseca, đến tháng 12-2015, công ty UPAC Holdings Ltd vẫn còn hoạt động. Trên thực tế công ty UPAC Holdings Ltd do một công ty tư vấn tại Hồng Công đứng ra thay mặt gia đình Fialkoff đăng ký thành lập. Brett cuối cùng đã thừa nhận điều này.
Bà Gabrielle Fialkoff. |
Bà Grabrielle từng là giám đốc tài chính trong chiến dịch tranh cử lần đầu vào Thượng viện của bà Hillary năm 2000, còn Thị trưởng de Blasio là Giám đốc chiến dịch. Bà Gabrielle là bạn vong niên của ông de Blasio, từng chủ trì lễ nhậm chức của ông, nhưng lại không thành công trong việc giành quyền đăng cai Đại hội Toàn quốc đảng Dân chủ năm 2016 cho thành phố New York.
Đối với đảng Dân chủ, bà Gabrielle là một nhà tài trợ thường xuyên, trong đó có nhà Clinton. Ngoài ra, bà Gabrielle cũng quyên góp khoảng 1000 USD cho tổ chức Clinton Foundation của nhà Clinton. Còn em trai bà Brett thì quyên góp tiền cho đảng Cộng hòa.
Người tiếp theo là Frank Giustra, được Hồ sơ Panama ghi nhận là giám đốc của công ty UrAsia Energy Ltd, đăng ký hoạt động tại British Virgin Island vào tháng 5-2005, nhưng trụ sở đóng tại British Columbia, Canada.
Một bản thỏa thuận cổ đông của công ty cho thấy công ty này muốn tham gia "các hoạt động khai thác, phát triển, sản xuất và tiếp thị uranium" tại Kazakhstan và Kyrgyzstan. Tháng 9-2005, công ty UrAsia đã đàm phán xong một thỏa thuận mua các mỏ uranium ở Kazakhstan với giá 500 triệu USD.
Điểm đáng chú ý là thỏa thuận này đạt được sau khi ông Giustra tháp tùng ông Clinton đến Kazakhstan dự lễ phát động một sáng kiến về y tế do tổ chức Clinton Foundation tài trợ và sau đó dự bữa tiệc cùng với ông Clinton do Tổng thống nước chủ nhà chiêu đãi.
Không rõ ông Clinton có vai trò gì trong thỏa thuận này hay không, nhưng một năm sau (2006), Giustra tự nguyện đóng góp đến 30 triệu USD cho tổ chức Clinton Foundation. Tổng cộng, Giustra đã quyên góp cho tổ chức từ thiện của nhà Clinton số tiền lên đến 100 triệu USD. Ngoài ra, ông Clinton còn dùng máy bay do Giustra tài trợ để đi khắp thế giới trong hoạt động nhân đạo, từ thiện của mình, trong đó có Kazakhstan.
Nói đến các mối quan hệ của ông Clinton với giới kinh doanh, không ai không biết đến cái tên Marc Rich. Trước khi qua đời vào năm 2013, Rich đã từng là một doanh nhân bị chính quyền Mỹ buộc tội vắng mặt do gian lận trong kinh doanh (né thuế), chống lệnh cấm vận mua bán với Iran và bán dầu mỏ cho chính quyền kỳ thị chủng tộc ở Nam Phi.
Trong những ngày cuối nhiệm kỳ thứ hai, Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã ký sắc lệnh ân xá cho ông. Trước đó, khi bị chính quyền Mỹ buộc tội, Rich trốn sang Thụy Sĩ vào năm 1983. Bà Denise vợ cũ của ông đã quyên góp cho quỹ Thư viện Tổng thống Bill Clinton ở Little Rock 450.000 USD. Từ đây, câu chuyện ân xá đã trở thành một cuộc tranh cãi "hoàng hôn nhiệm kỳ" ồn ào ở nước Mỹ.
Tên của Marco Rich không xuất hiện trong Hồ sơ Panama, nhưng công ty của ông thì có. Công ty bình phong hải ngoại Industrial Petroleum Limited đăng ký thành lập tại Bahamas vào năm 1992, do công ty mua bán hàng tiêu dùng Glencore International ở Thụy Sĩ thành lập, và đã ngừng hoạt động vào năm 2001.
Một đối tác làm ăn của Rich là Sergei Kurzin, một kỹ sư và là nhà đầu tư mang hai quốc tịch Nga-Anh, cũng có tên trong Hồ sơ Panama. Trong thập niên 1990, khi nước Nga bắt đầu thời kỳ tư hữu hóa nền kinh tế, Kurzin từng hợp tác với Rich tìm kiếm cơ hội làm ăn trong lĩnh vực khai khoáng và dầu mỏ. Và thông qua mối quan hệ của Rich, Kurzin ủng hộ tổ chức Clinton Foundation khoảng 100.000 USD.
Tên tuổi Kurzin xuất hiện trong một bản thỏa thuận cổ đông hợp tác với Giustra mở công ty bình phong UrAsia Energy Limited ở British Virgin Islands như đã nêu ở phần trên. Trong Hồ sơ Panama, Kurzin xuất hiện với vai trò là giám đốc và chủ tịch Hội đồng quản trị của nhiều công ty dầu mỏ khác nhau. Với tư cách là một đối tác trong công ty UrAsia, Kurzin cũng tham gia cùng Giustra trong thỏa thuận khai thác mỏ uranium ở Kazakhstan và Kyrgyzstan. Năm 2009, Kurzin ký séc ủng hộ 1 triệu USD cho sáng kiến y tế ở Kazakhstan do Clinton và Giustra đồng sáng lập.
Trong rất nhiều người ủng hộ tài chính cho đảng Dân chủ nói chung, và vợ chồng Clinton nói riêng, thì anh em nhà Chagoury có thể được xem là "mối lớn", tương tự như anh em nhà Koch đối với đảng Cộng hòa. Ronald Chagoury và em trai là Gilbert Chagoury cùng lãnh đạo công ty Chagoury Group, một doanh nghiệp chuyên ngành xây dựng của gia đình Chagoury tại Nigeria. Hai anh em Chagoury vốn có quan hệ thân thiết với cựu độc tài Nigeria Sani Abacha (đã qua đời năm 1998), và cũng có quan hệ làm ăn với Glencore và Rich.
Tên tuổi Ronald Chagoury xuất hiện trong Hồ sơ Panama với vai trò là cổ đông chính của công ty Echo Art Ltd ở British Virgin Islands. Năm 2009, Chagoury Group hứa tài trợ 1 tỉ USD cho các dự án trong chương trình Clinton Global Initiative trực thuộc tổ chức Clinton Foundation. Công ty Chagoury Group cũng chính là nhà đâu tư xây dựng thành phố Eko Atlantic nằm trên bán đảo Eko ngay sát cạnh thành phố Lagos. Chương trình Clinton Global Initiative đã khen ngợi đây là một "thành phố thân thiện môi trường".
Mối quan hệ của Gilbert Chagoury với nhà Clinton bắt đầu từ nhiều năm trước đây. Ông ta là một nhà tài trợ hào phóng, đã từng quyên góp cho các chiến dịch tranh cử của ông Bill và bà Hillary Clinton số tiền từ 1 triệu cho đến 5 triệu USD. Năm 2003, Gilbert Chagoury tổ chức một chuyến đi cho ông Clinton đến vùng Caribbe diễn thuyết với giá 100.000 USD mỗi bài diễn thuyết.
Người cuối cùng trong các mối quan hệ của nhà Clinton xuất hiện trong Hồ sơ Panama là Ng Lap Seng, một doanh nhân bất động sản người Macau, Trung Quốc, là một trong những người giàu nhất thế giới. Trong Hồ sơ Panama, Ng được nêu tên là cổ đông của hai công ty tại British Virgin Islands, South South News International Group Ltd, thành lập vào tháng 5-2010, và GOLUCK Ltd, thành lập năm 2004.
Câu chuyện về mối quan hệ tài chính chính trị giữa Ng với nhà Clinton và đảng Dân chủ khá phức tạp, có cả những vướng mắc với pháp luật. Vào năm 1996, Ng đã gửi cho chủ nhà hàng ở Little Rock tên là Charlie Trie một triệu USD để người này sau đó dùng vào việc tài trợ cho đảng Dân chủ. Vào thời điểm đó, số tiền tài trợ như thế từ một cá nhân là quá lớn, vượt quy định của luật pháp, cho nên Trie bị nhà chức trách bắt giam và nhận tội vi phạm các quy đình về tài chính tranh cử.
Ng không bị buộc tội, nhưng báo cáo điều tra của Quốc hội Mỹ đã phơi bày ra nhiều chi tiết về mối quan hệ giữa Ng với Nhà Trắng của ông Clinton. Theo đó, Ng đã ít nhất 10 lần viếng thăm Nhà Trắng trong khoảng thời gian từ năm 1994-1998, chụp ảnh chung với vợ chồng Tổng thống Bill Clinton, cùng Tổng thống Bill Clinton dự một vài sự kiện ở Washington, và có vai trò quan trọng trong sự thăng tiến của bà Hillary.
Tuy nhiên, năm 2015, Ng bị buộc tội hối lộ một quan chức Liên Hiệp Quốc và nói dối về việc sử dụng khoản tiền 4,5 triệu USD ông ta mang vào Mỹ trong hai năm. Ng khai rằng dùng số tiền đó để đánh bạc, mua tranh, cổ vật và bất động sản, nhưng trên thực tế, các nhà điều tra cáo buộc Ng đã sử dụng số tiền đó để hối lộ vì ông ta đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Antigua và Trung Quốc. Kevin Tung, luật sư của Ng cho rằng, cáo buộc của nhà chức trách Mỹ là một sự "hiểu lầm" đối với ông Ng.
Vấn đề tiềm ẩn của bà Hillary Clinton
Phát biểu tại một hội nghị do Liên đoàn Lao động Mỹ (AFL) và Hiệp hội các tổ chức công nghiệp (CIO) tổ chức, khi đề cập vấn đề trốn thuế và liên hệ với vụ Hồ sơ Panama, bà Hillary đã lên án cái bà gọi là "những thiên đường thuế đáng tội và những khe hở pháp luật tạo điều kiện cho giới siêu giàu khai thác".
Anh em nhà Chagoury cùng cựu Tổng thống Bill Clinton. |
Điều này cho thấy, bà Hillary hiểu rất rõ rằng, vụ Hồ sơ Panama có thể tác động tai hại đến chiến dịch tranh cử của bà. Cho dù bản thân bà không liên quan gì đến những nhân vật vừa nêu, kể cả chồng bà, con gái Chelsea và con rể Marc Mezvinsky đều không có tên trong Hồ sơ Panama, nhưng những cái tên đã được Hồ sơ Panama tiết lộ có mối quan hệ mật thiết với gia đình bà mà ai cũng biết giống như cái "ách" không thể gỡ xuống ngay lập tức.
Giới chuyên gia phân tích cho rằng vụ việc Hồ sơ Panama tiết lộ những cái tên có quan hệ tiền bạc với nhà Clinton trong nhiều thập kỷ qua sẽ khiến dư luận trong cử tri "soi" trở lại quan hệ giữa nhà Clinton với giới nhà giàu, và điều đó sẽ hoàn toàn có lợi cho ứng cử viên Bernie Sanders, đối thủ của bà Hillary.
Thật vậy, trong suốt chiến dịch tranh cử của mình, bà Hillary đã cố hết sức để tạo dựng hình ảnh bà có liên hệ gần gũi với dân lao động Mỹ, trong khi ứng viên đối thủ Bernie Sanders cứ khoét vào nhược điểm đó, luôn tạo ra một ấn tượng trong cử tri rằng bà thuộc về giới thượng lưu giàu có, xa rời công chúng lao động.
Và trong vụ việc Hồ sơ Panama, chí ít ông Sanders đã vài lần khiến bà Hillary phải ngậm đắng nuốt cay khi khai thác những mối quan hệ tài chính của gia đình bà để công kích bà trong lúc vận động cử tri. Vấn đề này xem chừng sẽ là đề tài lớn tại Đại hội đảng Dân chủ sắp tới, vì ông Sanders vừa "dọa" rằng đó sẽ là một "Đại hội kịch tính" đối với bà Clinton.