Hoạt động nghe lén của các cơ quan tình báo thời Chiến tranh lạnh

Thứ Sáu, 02/06/2017, 07:26
Hoạt động nghe lén là một phần của Chiến tranh lạnh. Một số sách, tài liệu của các cựu điệp viên từng tham gia các hoạt động tình báo nghe lén thời Chiến tranh lạnh đã tiết lộ nhiều câu chuyện gián điệp nghe lén bằng các phương tiện kỹ thuật tối tân nhất thời đó của các cơ quan tình báo ở cả hai chiến tuyến nhằm mục đích nắm được những bí mật của đối phương để chiếm ưu thế trong cuộc đối đầu.


Món quà Great Seal

Vào cuối Chiến tranh thế giới lần II, trong một lần quét điện tử tại Đại sứ quán Mỹ ở Moskva, các chuyên gia an ninh Mỹ đã phát hiện đến 120 con bọ nghe lén được cài khắp tòa nhà đại sứ quán. Các nhân viên kỹ thuật khi đó phát hiện rằng các bọ nghe lén vẫn ở chế độ bật, được gắn vào các chân bàn, ghế, trên các tấm nhựa ốp tường và nhiều chỗ khác trong tòa nhà. 

Sau chiến tranh vũ trang, thế giới chuyển sang Chiến tranh lạnh, với cuộc đối đầu gay gắt giữa Mỹ và các đồng minh phương Tây với Liên Xô và phe xã hội chủ nghĩa. Trong giai đoạn này đã xảy ra nhiều vụ việc tình báo ở cả hai chiến tuyến, trong đó có những vụ cài bọ nghe lén đình đám được phát hiện.

Đại sứ George Kennan, người giúp tình báo Mỹ phát hiện ra thiết bị nghe lén trong vụ Great Seal.

Một vụ phát hiện máy nghe lén nổi tiếng thời đó xảy ra vào năm 1952, được mệnh danh là vụ "Great Seal". Vụ việc được phát hiện khi các kỹ thuật viên John Ford và Joseph Bezjian được mời sang Moskva thực hiện công việc quét điện tử nhân dịp ông George Kennan đến nhận nhiệm vụ Đại sứ Mỹ tại Nga.

Trong khi làm nhiệm vụ, hai ông Ford và Bezjian nghe được giọng nói của Đại sứ Kennan nhưng không biết phát ra từ đâu. Sau một lúc tích cực dò tìm, hai ông Ford và Bezjian mới phát hiện nó phát ra từ một phiên bản nhái của tấm phù điêu lớn (Great Seal) của Mỹ làm bằng gỗ treo trên tường. Khi tháo bề mặt của tấm phù điêu ra, người kỹ thuật viên phát hiện phía trong có cài một bọ điện tử có chức năng ghi lại tất cả âm thanh, giọng nói phát ra trong phòng làm việc và truyền về trung tâm điều khiển của cơ quan tình báo.

Đại sứ Kennan đánh giá bọ nghe lén cài trong phiên bản tấm phù điêu lớn là loại thiết bị điện tử tiên tiến nhất thời đó. Thiết bị do kỹ sư Lev Sergeyevich Termen, hay Leon Theremin theo cách gọi của người Mỹ, thiết kế. Leon Theremin là nhà sáng chế ra nhạc cụ điện tử có tên gọi là "đàn theremin".

Ông từng định cư ở Mỹ trong giai đoạn đầu thế kỷ XX, trở về Nga sinh sống ngay trước Chiến tranh thế giới lần II. Do những vấn đề về tài chính, Theremin bị tống vào tù và được điều động đến làm việc tại một phòng thí nghiệm bí mật của tình báo Liên Xô, với nhiệm vụ là tìm giải pháp cải thiện hiệu quả nghe lén tòa nhà Spaso House, nơi đặt Đại sứ quán Mỹ tại Moskva. Thiết bị do Theremin thiết kế có dạng hình ống giống như cây bút chì, có một cái ăng-ten để truyền tín hiệu về trung tâm điều khiển tình báo.

Các điệp viên KGB đặt trạm ở một căn nhà đối diện với Spaso House kích hoạt thiết bị bằng sóng vô tuyến điều khiển từ xa. Thiết bị được cài vào phiên bản nhái của tấm phù điêu Great Seal của Mỹ, và sản phẩm này được giao cho một trường trung học ở Moskva tặng Đại sứ quán Mỹ vào tháng 7-1945, để kỷ niệm tình hữu nghị đồng minh nhân dịp kết thúc Chiến tranh thế giới lần II.

Lev S.Termen, hay Leon Theremin, nhà sáng chế nhạc cụ điện tử "đàn theremin" cũng là người chế ra thiết bị nghe lén cài vào phiên bản Great Seal.

Trong suốt khoảng thời gian 7 năm (1945-1952), tất cả những cuộc thảo luận, trao đổi công việc có bí mật quốc gia tại Đại sứ quán Mỹ đều được thu âm và truyền về trung tâm điều khiển chương trình nghe lén của tình báo Liên Xô. Phát hiện được bọ nghe lén trong tòa nhà Spaso House nhưng phía Mỹ không làm lớn chuyện mà âm thầm gửi thiết bị nghe lén về Washington để nghiên cứu và đặt hàng các cơ quan tình báo Mỹ nghiên cứu chế tạo phiên bản bọ nghe lén tương tự. Từ đó đã khởi phát một cuộc chạy đua chế tạo và cải tiến thiết bị nghe lén giữa Mỹ và Liên Xô.

Sau khi chiến dịch Great Seal bị phát hiện, Liên Xô không còn nghe lén Đại sứ quán Mỹ nữa, nhưng đại sứ quán các nước khác thì vẫn tiếp tục. Đại sứ quán các nước đồng minh của Mỹ trong Chiến tranh lạnh tại Moskva như Pháp, Italia… đều bị cài bọ nghe lén.

Chỉ có điều, các nước này không thể phát hiện sớm bọ nghe lén như Mỹ, và cũng không có nhiều thông tin bí mật có giá trị như người Mỹ để Liên Xô khai thác. Mãi đến những năm 80 của thế kỷ XX, người Pháp mới phát hiện bọ nghe lén cài trong Đại sứ quán của họ một cách tình cờ. Còn Italia thì hoàn toàn không hay biết gì cho đến khi kết thúc Chiến tranh lạnh và những vụ việc tình báo nghe lén thời đó được cựu Trưởng trạm KGB tại Mỹ Oleg Kalugin tiết lộ.

Theo ông Kalugin, kế hoạch quan trọng nhất của KGB thời đó là cài bọ nghe lén trong tòa nhà Quốc hội Mỹ. Đây là nhiệm vụ gần như "bất khả thi", nhưng KGB đã tìm được những đối tượng có khả năng thực hiện được. Đó là các phóng viên của thông tấn xã TASS. Là cơ quan thông tấn nhà nước, TASS dễ dàng chấp thuận yêu cầu của Cục chiến dịch đặc biệt của KGB biệt phái một số phóng viên làm nhiệm vụ gián điệp tại Mỹ.

Mùa hè năm 1967, KGB bắt đầu triển khai kế hoạch cài bọ nghe lén Quốc hội Mỹ. Một trong những phóng viên thông tấn xã TASS nhận nhiệm vụ mang bọ nghe lén vào cài trong phòng điều trần của Ủy ban Quân vụ Hạ viện - được xem là nơi bàn bạc, thảo luận tất cả những vấn đề liên quan đến bí mật quốc gia của Mỹ. Mục đích của việc cài bọ là để nghe lén những cuộc họp kín, không mời phóng viên báo chí dự.

Lợi dụng lúc tan một cuộc họp mở rộng, không ai để ý, phóng viên TASS gắn bọ nghe lén vào gầm bàn phòng họp. Tuy nhiên, thiết bị nghe lén đã nhanh chóng bị các đặc vụ FBI phát hiện, và các điệp viên KGB túc trực ở gần Đồi Capitol đã không thể kích hoạt thiết bị nghe lén do nó đã bị vô hiệu hóa.

Thiết bị thu âm cực nhạy của Anh

Tham gia hoạt động nghe lén thời Chiến tranh lạnh, ở phía đối đầu với Liên Xô là hàng loạt quốc gia có trình độ công nghệ phát triển. Trong đó, Anh quốc là một trong những quốc gia có hoạt động tình báo mạnh nhất. Chuyên gia "săn gián điệp" Peter Wright từng làm việc cho Cơ quan tình báo đối nội MI-5 trong hàng chục năm.

Tòa nhà Spaso House, nơi đặt trụ sở Đại sứ quán Mỹ thời Chiến tranh lạnh ở Moskva.

Ông Wright tiết lộ trong một quyển sách xuất bản cách đây vài năm rằng, ông và các đồng nghiệp đã từng cài bọ nghe lén và cả đột nhập văn phòng của những quốc gia đối thủ của Anh để do thám. Wright kể, vào năm 1956, ông giả dạng làm một thợ sửa điện thoại để đột nhập vào Đại sứ quán Ai Cập ở London và cài đặt một thiết bị thu âm cực nhạy cho phép các cơ quan tình báo Anh nghe rõ mồn một từng tiếng gõ trên máy mật mã.

Các cơ quan tình báo Anh đã thu nhận được âm thanh và nhanh chóng giải mã được nội dung thông điệp trao đổi giữa Đại sứ quán với thủ đô Cairo. Nhờ đó, nước Anh đã có được những hành động tấn công giành ưu thế trước Ai Cập trong cuộc khủng hoảng Kênh đào Suez năm 1956.

Bên cạnh đó, MI-5 cũng tổ chức cài bọ nghe lén các đối thủ chính trị của chính phủ Anh ở trong nước, chẳng hạn như Đảng Cộng sản Anh (CPGB). Trụ sở CPGB tại London đã bị MI-5 cài bọ nghe lén trong suốt thời gian Chiến tranh lạnh. Mục đích của việc cài bọ nghe lén này là để dò tìm thông tin liên quan đến hoạt động của tình báo Liên Xô trên đất Anh. 

Với việc cài bọ nghe lén, tình báo Anh đã có thể nghe và biết được hầu như tất cả các thông tin bí mật được các lãnh đạo CPGB trao đổi trong trụ sở đảng. Nhờ đó, MI-5 đã nắm được rất nhiều thông tin có ích, như thành phần lui tới trụ sở CPGB, trong đó có những nhà hoạt động chống đế quốc chiếm đóng thuộc địa, các sinh viên có tư tưởng chống chủ nghĩa đế quốc, thực dân Anh.

Tuy nhiên, những gì mà tình báo Anh thu được không đáp ứng được mục đích của họ, vì lãnh đạo CPGB ngay từ đầu đã nhận thức được rằng họ chắc chắn bị "bọn mật vụ" rình rập nghe lén, cho nên những câu chuyện mà MI-5 thu được qua thiết bị nghe lén chẳng có giá trị bao nhiêu.

Điệp vụ nghe lén sâu 400 mét dưới nước

Người Mỹ bắt đầu "chạy đua vũ trang" với Liên Xô trong việc thiết kế thiết bị nghe lén kể từ sau khi họ phát hiện được bọ nghe lén cài bên trong phiên bản Great Seal. Một cựu điệp viên CIA kể lại trong một quyển sách xuất bản năm 2001 rằng, vào những năm 60 thể kỷ XX, CIA đã tiêu tốn trên 10 triệu USD cho một thử nhiệm "mèo gián điệp" mang mật danh Acoustic Kitty nhưng thất bại.

Phiên bản Great Seal bằng gỗ do một trường trung học Liên Xô tặng Đại sứ quán Mỹ sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới lần II.

Một chú mèo được CIA huấn luyện thuần thục, được cài thiết bị nghe lén bên trong cơ thể, chiếc đuôi mèo được thiết kế thành một chiếc ăng-ten để phát tín hiệu về trung tâm điều khiển của CIA. Thế nhưng, ngày Acoustic Kitty lần đầu xuất quân làm nhiệm vụ cũng là lần cuối. Khi chú mèo Acoustic Kitty lao vút về phía Đại sứ quán Liên Xô tại Washington, khi băng qua đường được chừng 5 mét thì chú mèo điệp viên bị một chiếc taxi trờ tới cán chết tại chỗ. CIA mất toi 10 triệu USD trong chớp mắt.

Sau vụ đó, năm 1972, CIA tiến hành một điệp vụ mà sau này được mô tả là táo bạo nhất. Đó là điệp vụ can thiệp nghe lén mạng viễn thông của Liên Xô, mang mật danh là Ivy Bells. Đây là một điệp vụ lịch sử, vì theo nhiều chuyên gia đánh giá nhờ nó mà Chiến tranh lạnh kết thúc.

Điệp vụ Ivy Bells là sản phẩm trí tuệ của sĩ quan CIA James Bradley, cài thiết bị thu âm nghe lén các giao dịch viễn thông không mã hóa giữa căn cứ tàu ngầm Petropavlovsk với chính quyền Liên Xô trên đất liền. Chính phủ Mỹ đã cử tàu ngầm Halibut đến vùng biển ngoài khơi Viễn Đông Nga, thả các điệp viên người nhái đi bộ dưới đáy biển Okhotsk sâu khoảng 400 mét. Các điệp viên người nhái này sử dụng thiết bị ghi âm điện tử kết nối với băng cát-xét để cài vào mạng viễn thông.

Trong vòng một tuần lễ, các điệp viên người nhái của CIA đã thu âm được khá nhiều cuộc trao đổi chứa đựng thông tin bí mật quốc gia giữa căn cứ tàu ngầm Petropavlovsk với Moskva.

Những thông tin nghe lén từ điệp vụ Ivy Bells đã giúp cho Washington nắm được lợi thế trong đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Liên Xô, còn gọi là đàm phán SALT II, từ đó giúp cho cuộc đàm phán kết thúc thành công vào năm 1979. Chương trình nghe lén cáp viễn thông kết thúc vào năm 1980, khi cựu điệp viên NSA tên Ronald Pelton phản bội nước Mỹ, bán thông tin cho tình báo Nga với giá 35.000 USD.

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.