“Kỳ đà Panama” trên lộ trình mở rộng sân sau của Mỹ (bài 2)

Thứ Sáu, 28/07/2017, 11:26
Với chính sách đế quốc, năm 1903, Tổng thống Theodore Roosevelt đã hậu thuẫn cho phong trào ly khai của Panama bằng cách buộc Colombia phải nhượng lại một tỉnh um tùm rừng rậm để xây dựng kênh đào Panama.

Trên danh nghĩa, nhà nước mới được tạo ra là một quốc gia độc lập, nhưng các tướng lĩnh quân đội và tổng thống Panama hầu như phải luôn nghe theo mọi sự chỉ đạo hoặc nhận mệnh lệnh từ Washington, chỉ có tướng Manuel Antonio Noriega, "người con được Mỹ đỡ đầu" là không biết phục tùng vô điều kiện. Từ khi bước lên bàn cờ chính trị, vị tướng "mặt dứa" này đã không ngần ngại lấn lướt cả "quan thầy", khiến Mỹ phải đau đầu tìm đối sách.

Bài 2: Thứ “tài sản nguy hiểm” mang tên Noriega

Đường binh nghiệp thẳng tắp của viên tướng "mặt dứa"

Nhiều tài liệu nói rằng, ngay khi chào đời Manuel Antonio Noriega đã là một đứa trẻ vô thừa nhận nên năm sinh của ông ta đã có nhiều "dị bản"; năm 1934, 1935, 1938 hoặc 1940? Khi lên 5 tuổi, Noriega được đưa vào một trại trẻ của nhà thờ và được cho ăn học. Sau khi tốt nghiệp trung học, Noriega vào quân đội và được đưa đi đào tạo tại Trường Quân sự Chorrillos ở Lima, Peru.

Trong cuộc đời binh nghiệp của Noriega, Omar Torrijos- Tổng chỉ huy quân đội Panama thời đó và sau này là tổng thống- chính là người thầy đỡ đầu có nhiều ảnh hưởng nhất, đã đưa "một kẻ mặt dứa", biệt hiệu ở các nước Mỹ Latinh chỉ những người mặt mụn sần sùi- thẳng tiến trên con đường đầy đủ cả danh vọng lẫn quyền lực.

Sau khi học xong Trường Quân sự Chorrillos, Noriega tham gia lực lượng Vệ binh Quốc gia vào năm 1967 và tiếp tục được đưa đi huấn luyện nghiệp vụ tình báo và phản gián tại School of the Americas (Trường quân sự Mỹ) tại Fort Gulick, tham gia khóa học về các chiến dịch tâm lý tại Fort Bragg, bang Bắc Carolina của Mỹ.

Manuel Antonio Noriega.

Nhiều nhân chứng thời đó kể lại rằng, Noriega đã hết mình "phò trợ" Torrijos trong 2 vụ đảo chính quân sự lật đổ chính quyền - năm 1968 và năm 1969. Vì thế, Noriega được Torrijos thưởng công bằng việc thăng vượt cấp từ trung úy lên trung tá và được đề bạt chỉ huy tình báo quân đội. Với chức vụ mới này, Noriega bắt đầu hành trình gây tội ác bằng hàng loạt chiến dịch tấn công quyết liệt vào các lực lượng du kích ở miền tây Panama và ra lệnh thủ tiêu hàng chục đối thủ chính trị.

Noriega thực ra đã là một cộng tác viên của CIA từ những năm 50 thế kỷ XX (thời theo học trường quân sự). Giám đốc CIA thời đó- Đô đốc Stansfield Turner - từng nêu rõ rằng, Noriega đã chính thức trở thành "tài sản" của CIA tại Mỹ Latinh kể từ đầu thập niên 70. Thứ "tài sản đặc biệt" này, CIA phải chấp nhận vừa dùng vừa nhử, nguy hiểm không khác nào "chơi dao trong túi".

Từ năm 1972, tên của Noriega, khi đó là người đứng đầu Cơ quan Tình báo quân đội Panama đã đứng "đầu sổ" các đối tượng cần tiêu diệt của Cơ quan phòng chống ma túy Mỹ. Nhưng chính phủ của Tổng thống Jimmy Carter phải xem như không biết về hành tung ám muội của Noriega vì không muốn làm ảnh hưởng tới việc phê chuẩn Hiệp định trả lại kênh đào Panama, vì thế ông ta mặc sức tung hoành trên trận địa ma túy.

Năm 1979, Noriega đã có một cuộc thỏa thuận cá nhân với Ramon Milian Rodriguez, trùm rửa tiền của băng đảng buôn bán cocain Medellin (Colombia). Theo Milian, tùy theo hình thức dịch vụ, tướng Noriega được nhận từ 0,5% đến 10% số tiền được rửa. Nguồn thu nhập này liên tục gia tăng, ngoài ra, trên mỗi lô hàng cocain được tuồn lậu qua Panama, Noriega còn được "lót tay" thêm.

Một bộ máy khổng lồ hỗ trợ cho các phi vụ buôn bán ma túy được thiết lập ở Panama dưới sự lãnh đạo của Noriega: Quân đội, cảnh sát, hải quan đều được nhận tiền hối lộ hoặc được tham gia chia phần tiền lãi. Để không làm "ngứa mắt" giới chức chống tội phạm xuyên biên giới của Mỹ, ở vị thế của mình, Noriega thỉnh thoảng lại chọn ra vài con tốt thí trong các băng đảng ma túy đối lập "bán đứng" cho các nhà điều tra của Cơ quan phòng chống ma túy Mỹ (DEA).

Như vậy, Noriega vừa hạn chế được sự cạnh tranh, vừa làm cho người Mỹ hài lòng. Tướng Noriega cũng đi nước cờ cao tay như vậy trong việc tổ chức bộ máy nhà nước: Đại úy Luis Quiel, chỉ huy cao nhất trong lực lượng phòng chống ma túy của Panama, không chỉ có sự liên hệ với băng đảng Medellin, mà còn được chỉ định làm sĩ quan liên lạc với DEA.

Năm 1981, một biến cố đã xảy ra khiến đường binh nghiệp của Noriega thêm thênh thang: Tướng Omar Torrijos tử nạn trong một vụ tai nạn máy bay rất đáng ngờ khi đang trên đường kinh lý. Lúc này, Noriega đã là Tổng Tham mưu trưởng quân đội Panama. Đại tá Roberto Diaz Herrera, một cộng sự thân cận của Noriega kể lại rằng, không ai khác mà chính Noriega là người đứng đằng sau cái chết của "sư phụ" mình, vì ông ta là cái bóng lớn nhất mà Noriega bằng mọi giá phải vượt qua.

Người thay thế Torrijos là Ruben Dario Paredes sau đó cũng từ chức để ra tranh cử tổng thống năm 1984, với thỏa thuận sẽ nhường chiếc ghế Tổng Tư lệnh quân đội Panama cho Noriega. Thế nhưng, sau khi nắm quyền hành trong tay, Noriega tiếp tục giở ngón lật lọng, đưa người của Mỹ là Nicolas Ardito Barletta ra tranh cử, thẳng tay hất Paredes một cách không thương xót và bất chấp các hiệp ước về Kênh đào Panama đã ký trước đó, Noriega cho phép Mỹ đặt các trạm nghe lén thông tin tình báo trên đất Panama.

Trò chơi hai mặt

Ronald Reagan đắc cử Tổng thống Mỹ năm 1981 với đối sách dành cho các nước Mỹ Latinh là tập trung vào cuộc chiến chống lại lực lượng cách mạng thiên tả ở Nicaragoa và vì vậy cứ tiếp tục  làm ngơ đối với Noriega, do đó Noriega càng "rảnh tay" biến Panama thành trung tâm buôn bán cocain và cần sa quốc tế.

Theo Jose Blandon, từng là một thuộc hạ dưới quyền Noriega thì tướng Noriega "không quan tâm tới tư tưởng, chỉ quan tâm tới tiền". Bằng cách này, Noriega đã kiếm được khối tài sản trị giá hàng trăm triệu USD. Năm 1983, Noriega "hy sinh người đồng đảng" Milian Rodriguez với người Mỹ. Trùm rửa tiền bị tống giam vào nhà tù Mỹ. Từ nay, Noriega rửa tiền ma túy trực tiếp, trong khi tháng 7-1983, James Bramble, một mật vụ của DEA còn gửi thư cảm ơn Noriega đã "giúp đỡ trong vụ Milian Rodriguez".

Tổng thống Roosevelt ngồi trên một chiếc máy ủi đất lớn của Mỹ tại Culebra Cut, trên kênh đào Panama vào năm 1906.

Ngồi vào chiếc ghế lãnh đạo CIA vào năm 1976, bản thân George Bush (cha) đã có thể tiếp cận những thông tin mật của chính phủ về Noriega. Hơn thế, George Bush còn có dịp gặp gỡ viên tướng mặt dứa này.

Theo lời tiết lộ của một nhân viên thuộc quyền của G.Bush, vào tháng 12-1976, tại Washington, sếp của mình đã gặp Noriega với ấn tượng khó chịu là viên tướng chuyên quyền có cái bắt tay "lạnh lẽo và ẩm ướt". Thế nhưng G. Bush sau này luôn phủ nhận chuyện mình đã tiếp xúc với Noriega. Ngay cả sau khi G. Bush thôi làm Giám đốc, CIA vẫn "che chở" cho Noriega.

Người kế nhiệm của G. Bush là Stansfield Turner mặc dù đã xóa tên Noriega khỏi danh sách nhận lương của CIA, nhưng vẫn nhận thông tin qua Noriega về Lãnh tụ Cuba Fidel Castro và các cuộc nội chiến ở Mỹ Latinh. Noriega cũng biết cách làm cho Washington cần tới mình: Năm 1979, sau khi Quốc vương Iran Pahlewi, một người được Mỹ hậu thuẫn, bị lật đổ, phải chạy hết nơi này tới nơi khác và tới Panama, đích thân Noriega đã công khai ủng hộ vị quốc vương lưu vong.

Khi nước Mỹ bước sang nhiệm kỳ của Ronald Reagan, Noriega đã có dịp tương ngộ "người bạn cũ". Tháng 12-1983, George Bush (Bush cha) giờ là Phó Tổng thống Mỹ đã thân chinh gặp Noriega để nhờ Noriega giúp đỡ cho lực lượng phản cách mạng Contra ở Nicaragoa. Cái gật đầu nhanh chóng của Noriega đã giúp ông ta nhận được một "món quà nhỏ": Tên của ông ta lại được đưa vào danh sách lĩnh lương của CIA với 185.000 USD một năm! Tháng 6-1985, Noriega tiếp tục gặp Trung tá Oliver North, người chuyên môn dựng lên các chiến dịch lật đổ chính quyền thiên tả ở Mỹ Latinh của CIA. Để cụ thể hóa việc hỗ trợ cho lực lượng Contra ở Nicaragoa, tướng Noriega đã đồng ý tổ chức đào tạo các nhóm Contra ở Panama.

Jose Blandon, nguyên là nhân viên của Noriega khẳng định rằng, các cuộc gặp gỡ này đã đi đến thỏa thuận giữa Mỹ và Panama về việc giúp đỡ Eden Pastora, một thành viên Sandino ly khai, để xây dựng một mặt trận phía nam chống lại chính quyền cánh tả ở Nicaragoa.

Từ đấy, vũ khí Mỹ cấp cho lực lượng Contra được chuyển qua Panama. Với thỏa thuận này, thời kỳ hoàng kim của những kẻ buôn bán ma túy và vũ khí Panama bắt đầu. Werner Lotz, viên phi công chuyên chở ma túy cho biết, các máy bay của Panama khi đó luôn "chở hàng hỗn hợp".

Sau khi dỡ vũ khí xuống Trung Mỹ, máy bay chở cocain bay tiếp vào Mỹ. Norman Bailey, nguyên thành viên Hội đồng an ninh quốc gia của Tổng thống Ronald Reagan cho rằng, Phó Tổng thống Bush trong vai trò lãnh đạo "Lực lượng đặc nhiệm Nam Florida", một ban tham mưu đặc biệt chống lại việc buôn bán ma túy với các cách nghe trộm điện thoại, trinh sát từ trên không và bằng vệ tinh, thì không thể nào lại không biết về những "thành tích" của Noriega trên thương trường buôn ma túy sôi động như Trung và Nam Mỹ.

Tháng 10-1984, Panama tổ chức bầu cử tổng thống lần đầu tiên sau hơn 15 năm giới quân sự cầm quyền. Khi việc kiểm phiếu cho thấy ứng cử viên tổng thống Arnulfo Arias đang chiếm tỉ lệ thắng phiếu áp đảo thì Noriega ra lệnh ngừng kiểm rồi ngay sau đó trắng trợn cho công bố ứng cử viên Barletta đã "giành chiến thắng khít khao" (Barletta chính là học trò cũ của Ngoại trưởng Mỹ George Schultz tại Đại học Chicago).

Trò chơi hai mặt của Noriega với phía Mỹ đã diễn ra xuất sắc tới mức, mặc dù từ năm 1970 tới 1987, tên của Noriega đã xuất hiện trên 80 lần trong hồ sơ của DEA, nhưng tháng 5-1986, lãnh đạo DEA John Lawn còn phải viết thư ca ngợi những công lao của Noriega và "cảm ơn chính sách chống buôn lậu ma túy" của Noriega! Cuộc họp bí mật giữa đại diện CIA, Bộ Ngoại giao Mỹ và Lầu Năm Góc diễn ra vào 1986 xoay quanh tương lai của tướng Manuel Noriega.

Giữa những bằng chứng cụ thể cho thấy vị "tổng thống sau rèm" của Panama tuy tham gia quá sâu vào kinh doanh ma túy, nhưng ông ta đã tích cực giúp đỡ chính quyền Reagan trong cuộc chiến chống lại những người thuộc Mặt trận Dân tộc Giải phóng Sandino ở Nicaragoa, nên theo như lời thuật lại của Francis McNeil, nhân vật số 2 trong Cục Tình báo của Bộ Ngoại giao Mỹ, thì "cuộc họp đã quyết định gác lại hồ sơ của Noriega, cho tới khi tình hình ở Nicaragoa được giải quyết".

Năm 1988, một ủy ban của Thượng viện Mỹ được giao nhiệm vụ điều tra về buôn bán ma túy, đứng đầu là Thượng nghị sĩ John Kerry đã phải thất vọng thừa nhận rằng, việc Mỹ không làm gì để chống lại các hoạt động buôn bán ma túy ở Panama chính là "hậu quả của mối quan hệ giữa chính quyền Panama và cơ quan mật vụ Mỹ".

Trong chuyến công du đến thành phố New York, bị giới chức Mỹ và công luận dồn dập cật vấn về sự lộng hành của Noriega và các băng đảng ma túy, Tổng thống Panama Barletta đã tuyên bố sau khi về nước sẽ cho điều tra. Hậu quả là ngay sau khi về nước, Barletta bị triệu tập đến tổng hành dinh của Noriega và nhận lệnh… phải từ chức. Barletta được thay thế bởi Phó tổng thống thứ nhất Eric Arturo Delvalle.

Mối quan hệ lá mặt lá trái giữa Mỹ và Panama xấu đi từ tháng 12-1985, khi Phó Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Poindexter trong một chuyến thăm Panama đã từ chối cử cố vấn quân sự người Panama sang với lực lượng Contra ở Nicaragoa. Đầu năm 1988, đến lượt Tổng thống Delvalle buộc phải chạy trốn ra nước ngoài sau khi dám ra chỉ thị "cách chức" Noriega vì tội "lộng quyền".

Năm 1988, George Bush (cha) bước vào chiến dịch vận động tranh cử tổng thống. Trong một bữa tiệc liên hoan kỷ niệm 5 năm ngày lên nắm quyền, tướng Noriega không hề giữ mồm giữ miệng mà cứ "bô bô" tuyên bố rằng, "Phó Tổng thống Mỹ George Bush nằm trong tay tôi", vì đã nhận tiền của ông ta quyên góp cho cuộc vận động tranh cử.

Khi đối thủ của ứng cử viên Bush tung chiêu triệt hạ đối thủ bằng cách in hình ảnh vận động tranh cử cho "liên danh tranh cử Bush-Noriega", ông Bush đã tìm cách chống chế khi liên tục khẳng định rằng, "trong một thời gian dài không biết gì về các phi vụ buôn bán ma túy của Noriega" (!). Đã đến lúc phải vứt bỏ "con dao trong túi", tháng 2-1988, tướng Noriega bị hai tòa án Mỹ truy tố vì tội tổ chức buôn lậu ma túy vào Mỹ và rửa tiền có hệ thống.

Quang Học (tổng hợp)
.
.