“Kỳ đà Panama” trên lộ trình mở rộng sân sau của Mỹ: Một đời vinh nhục

Thứ Ba, 01/08/2017, 11:45
Từ khi xác định phải "thay ngựa giữa dòng", Lầu Năm Góc đã "nhường ưu tiên" cho CIA trong việc lên kế hoạch nhưng CIA còn chần chừ vì một kẻ như Noriega thì không thiếu các kẻ thù không đội trời chung trong quân đội nên tốt nhất là cứ để cho nội bộ chính quyền Panama "tự xử".


"Giết gà bằng dao mổ trâu"

Tuy tòa án Mỹ ra cáo trạng buộc Noriega tội buôn lậu ma túy và rửa tiền, nhưng do không có hiệp định dẫn độ nào được ký kết giữa Mỹ và Panama trước đó nên tướng Noriega cứ bình chân như vại. Lúc đó, Noriega còn bắt đầu xoay qua bang giao hữu hảo với các quốc gia thù địch Mỹ như Cuba, Nicaragua và Libya. Quyền kiểm soát kênh đào Panama, xương sống hàng hải của châu Mỹ có nguy cơ tuột khỏi tay Washington.

Tháng 3-1988, Bộ Ngoại giao Mỹ "ra giá" 2 triệu USD để Noriega tự nguyện lưu vong sang Tây Ban Nha, Noriega nhún vai từ chối lời đề nghị. Khi Quốc hội Mỹ làm một tổng kết về các thiệt hại của Mỹ trong những năm "cất dao Noriega trong túi" đã đưa ra kết luận rằng, câu chuyện về tướng Manuel Noriega của Panama là một trong những thất bại nghiêm trọng nhất trong chính sách ngoại giao của Mỹ.

Từ khi xác định phải "thay ngựa giữa dòng",  Lầu Năm Góc đã "nhường ưu tiên" cho CIA trong việc lên kế hoạch nhưng CIA còn chần chừ vì một kẻ như Noriega thì không thiếu các kẻ thù không đội trời chung trong quân đội nên tốt nhất là cứ để cho nội bộ chính quyền Panama "tự xử". Nhưng cả hai lần, vào tháng 3-1988 và tháng 10-1989, các sĩ quan Panama được sự hậu thuẫn ngầm cho việc lật đổ vị tướng bất trị đều thất bại.

George Bush (cha) gặp tướng Noriega, lúc đó vẫn đang làm việc cho CIA (ảnh chụp năm 1983).

Một ngày sau khi cuộc đảo chính bất thành, Tổng thống Bush tuyên bố dằn mặt không cho phép Noriega "coi Mỹ và thế giới như những thằng ngốc". Vì vậy, CIA lại được phép ra tay: Giữa tháng 11-1989, Tổng thống Bush lệnh cho cơ quan tình báo thực hiện chiến dịch "Panama 5" để loại bỏ Noriega. Chiến dịch này được chi 3 triệu USD và lệnh cấm CIA tham gia sát hại các chính khách nước ngoài có hiệu lực từ năm 1976 được tạm thời dỡ bỏ. Từ đây, đứa con cưng ngày nào của Washington chính thức bị đặt ra ngoài vòng pháp luật và các điệp viên CIA có quyền động thủ.

Tháng 5-1989, Noriega ra mặt chống báng Mỹ qua cuộc bầu cử tổng thống với 2 ứng cử viên là Carlos Duque (đại diện đảng PRD) và Guillermo Endara (đại diện đảng Panamenista). Đứng sau lưng Endara là toàn bộ các đảng phái còn lại đối nghịch với PRD. 

Cuộc bầu cử có sự chứng kiến của cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter và Giám mục Marcos McGrath. Sợ Noriega giở trò, họ lập ra các nhóm kiểm phiếu ngay tại 4.000 điểm bỏ phiếu trên toàn quốc. Nhờ thế, trước khi các tay chân của Noriega kịp mang những kết quả kiểm phiếu giả đến các trung tâm kiểm phiếu khu vực thì kết quả kiểm phiếu thực của nhóm đối lập đã được công bố.

Noriega tuyên bố hủy bỏ kết quả bầu cử, cho rằng có "bàn tay can thiệp từ bên ngoài", và đưa một tay chân thân cận là Francisco Rodriguez làm tổng thống, trong khi Mỹ và các nước đồng minh công nhận Endara là Tổng thống Panama. Vinh quang chưa thấy đâu, Endara và một cộng sự nữa đã bị "biệt đội thần chết" của Noriega truy đuổi và hành hung dã man. Chính hành động này đã khiến cho chính quyền Mỹ áp đặt lệnh cấm vận đối với Panama.

Đến tháng 12-1989, Mỹ bắt đầu có những hành động khiêu khích khi cho quân lính đóng tại kênh đào Panama diễn tập vượt ngoài giới hạn khu vực cho phép. Ngày 15-12-1989, Quốc hội Panama (do đảng PRD chiếm đa số) tuyên bố tình trạng chiến tranh với Mỹ. Ngày 19, bốn binh sĩ Mỹ bị bắn ngoài căn cứ quân sự khiến một người là trung úy Robert Paz  thiệt mạng.

Sau khi liệt kê 4 nguyên nhân khiến Mỹ phải tiến hành chiến tranh với Panama: Bảo vệ gần 35.000 công dân Mỹ ở Panama, "bảo vệ nền dân chủ và nhân quyền tại Panama"; triệt phá một trung tâm rửa tiền và là điểm trung chuyển các loại ma túy sang Mỹ và châu Âu; Bảo vệ hiệp ước Torrijos-Carter (cho phép Mỹ dùng vũ lực để duy trì tính trung lập của kênh đào Panama), Tổng thống Bush tuyên bố "Hết kiên nhẫn với Panama!".

Cả thế giới choáng váng khi ngày 20-12-1989, Mỹ tấn công Panama theo cái cách mà báo chí khắp nơi bình luận là "cuộc tấn công lớn nhất vào một thành phố kể từ khi đại chiến Thế giới thứ II xảy ra". Vào nửa đêm hôm đó, máy bay chiến đấu, máy bay lên thẳng quần đảo trên bầu trời thành phố Panama.

Từ các căn cứ của Mỹ trên đất Panama, hàng đoàn xe tải chở đầy binh sĩ nhằm hướng đại bản doanh của các lực lượng vũ trang Panama hùng hổ kéo tới, chọc thủng phòng tuyến mà Noriega đã dựng lên trong nội thành ít ngày trước đó. Những quả bom đầu tiên được ném xuống. Chúng phá hủy cảng nước sâu của thủ đô, nhiều sân bay và cả bãi đỗ nhỏ Paitilla - nơi mà Mỹ phát hiện ra chiếc máy bay của Noriega sẵn sàng cất cánh. Bom đạn cũng phá hủy Cuartel General, đại bản doanh chỉ huy quân đội mà họ nghi Noriega ở đó.

Đại bản doanh này nằm ở khu phố El Chorrillo, nơi đa số là dân nghèo và là những người ủng hộ trung thành nhất của Noriega. 27.000  lính hải lục không quân Mỹ được chia làm 5 hướng tấn công. Trọng điểm là hướng thứ nhất với đội đặc nhiệm "Red" gồm 1 tiểu đoàn đột kích và quân đội đặc chủng chiếm sân bay quốc tế Torihes gần thành phố Panama, không chế chiếc cầu bắc qua sông Pockera. 

Hướng thứ hai là đội đặc nhiệm "Lưỡi lê" gồm phân đội đặc chủng hải quân "Dolphin" và 2 tiểu đoàn lục quân, dưới sự yểm hộ của máy bay trực thăng, xe tăng và đại bác đã chiếm và phá hủy tòa nhà Bộ Tư lệnh quốc phòng của Panama đồng thời đánh đắm chiếc tàu chuyên dụng, cắt đứt đường rút trên không và trên biển của tướng Noriega...

Xe bọc thép Mỹ đột kích bộ chỉ huy lực lượng phòng vệ Panama năm 1989.

Xuất hiện trên đài truyền hình, Guillermo Endara - người được coi là đã thắng trong cuộc bầu cử tháng 5 mà Noriega tuyên bố vô hiệu hóa - tự nhận là tân tổng thống. Endara kêu gọi người dân ở trong nhà và khẳng định rằng quân đội Mỹ tới để "xóa bỏ chính quyền phi pháp". Thực tế là các quan chức Mỹ đã nói thẳng với Endara rằng, nếu ông ta không chấp nhận cái chức tổng thống đó, họ sẽ chỉ định một người khác thay thế. Không lâu sau, tân tổng thống Panama đã tuyên thệ nhậm chức trong một… căn cứ quân sự Mỹ.

So với quân số của Mỹ, lực lượng vũ trang Panama chỉ bằng một nửa và trang bị kém xa, do hàng chục năm sống dưới ô bảo vệ của Mỹ nên nước này không có cả xe tăng, lực lượng không quân tác chiến thì cộng hết lại cũng chưa đủ 500 người và chỉ có vài máy bay nhẹ. Vì thế,  quân Mỹ dễ dàng  chiếm hết các mục tiêu chiến lược mà chỉ chịu tổn thất nhỏ (thiệt mạng 23 lính và 325 người bị thương). Phía quân đội Panama thương vong gấp 7 lần.

Vết thương chưa lành

Tuy Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Richard Cheney mãi sau mới xác nhận số người thiệt mạng trong cuộc tấn công chớp nhoáng "vào hang ổ buôn lậu ma túy" khoảng từ 500-600 người, nhưng những tổ chức hoạt động độc lập đấu tranh vì quyền con người ước tính số người chết lên từ 3.000 -5.000 người và khoảng 25.000 người khác rơi vào cảnh không nhà.

Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu với tỉ lệ áp đảo 75-20 lên án gay gắt cuộc xâm lược của Mỹ vào Panama là một sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế. Tuy nhiên khi đó Liên Xô đang loay hoay với những hệ lụy của "công cuộc cải tổ" thời M.Gorbachev và Mỹ đang là bá chủ thế giới, nên nghị quyết của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc chẳng khác nào hòn đá ném xuống ao bèo.

David Harris, biên tập viên của tờ New York Times và là tác giả của rất nhiều cuốn sách đã có một nhận xét thú vị trong quyển "Shooting the moon" xuất bản năm 2001 của mình: "Trong số hàng ngàn những kẻ chuyên quyền, những tên độc tài, những kẻ đã dùng vũ lực để giành quyền cai trị khắp nơi trên thế giới mà Mỹ đã từng phải đối phó, tướng Manuel Antonio Noriega là người duy nhất bị Mỹ dùng dao mổ trâu để giết gà".

Theo lời thuật của Trung sĩ James Dibble, người Mỹ đã tìm thấy trong phòng riêng của tướng Noriega bằng chứng của trò… thư ếm. Trong những con cá hôi thối bọc trong nhiều chiếc bánh làm bằng bột ngô đã mốc meo, người ta tìm thấy tên những đối thủ của Noriega, trong đó có cả tên của Tổng thống Mỹ George Bush. Vào đúng ngày Giáng sinh, Noriega, một tín đồ Chính thống giáo đã phải chạy trốn vào Đại sứ quán của Tòa thánh Vatican ở Panama.

Lần xuất hiện cuối cùng của Noriega trong một phiên tòa.

Sự kháng cự của những người trung thành cuối cùng đã bị bẻ gãy. Không dám xông vào bắt người, lính Mỹ mang dàn loa công suất lớn mở nhạc rock inh ỏi suốt ngày đêm bên ngoài tòa đại sứ.

Ngày 3-1-1990, tướng Noriega  ra hàng và lập tức được đưa sang Mỹ chờ ngày xét xử. Ngày 16-9-1992, Noriega bị tòa án thành phố Miami, bang Florida kết án 40 năm tù cho 8 tội danh. Năm 1999, án được giảm xuống còn 30 năm và ông ta tiếp tục được ân xá xuống 15 năm tù vào ngày 26-7-2007. Do "có thái độ cải tạo tốt trong suốt thời gian thụ án" nên cựu tướng độc tài được phóng thích vào ngày 1-9-2007.

Có một điều thú vị: Tổng thống Bush cha là người ra lệnh bắt Noriega, còn tổng thống Bush con là người quyết định ngày phóng thích cho ông ta. Nhưng Manuel Noriega tiếp tục bị dẫn độ sang Pháp, vì vào năm 1999, phạm nhân này đã bị một tòa án Pháp kết án vắng mặt 10 năm tù với tội danh "rửa" hơn 3 triệu USD kiếm được từ các thương vụ ma túy thông qua các ngân hàng của Pháp và mua 3 căn hộ hạng sang tại nước này.

Chuyến bay của Hãng hàng không Air France từ sân bay quốc tế Miami tới Paris ngày 26-4-2010 đã tiếp tục đưa cựu lãnh đạo của quốc gia Trung Mỹ vào con đường lao lý. Đến tháng 12- 2011, giới chức Pháp chuyển giao phạm nhân Manuel Noriega sang quyền quản thúc của các quan chức thực thi pháp luật Panama.

Tại đây, ông ta bị tuyên 3 án tù, mỗi án tù là 20 năm cho những vụ mất tích và sát hại các nhà đối lập thời ông ta cầm quyền. Gia đình của Noriega đã nhiều lần xin cho cựu độc tài được quản thúc tại gia, do ông ta tuổi đã cao lại mang trong người nhiều chứng bệnh, từng bị đột quỵ một lần và bị ung thư tuyến tiền liệt, nhưng chính phủ Panama đã bác bỏ những yêu cầu đó.

Vào tháng 7-2016, Chính phủ Panama đã chính thức thành lập một ủy ban đặc biệt có tên gọi "Ủy ban 20 tháng 12" gồm 5 thành viên là các chuyên gia người Panama có nhiệm vụ thu thập lời khai của các nhân chứng, gặp gỡ các tổ chức khác nhau như Hội Chữ thập Đỏ, Tòa án bầu cử và Viện Pháp y cũng như được phép tiếp cận và tiến hành rà soát lại các hồ sơ được lưu giữ trong các tòa án của Panama để làm rõ sự thật về những vi phạm nhân quyền tại Panama từ thời điểm ngày 19-12-1989 cho tới khi các lực lượng vũ trang Mỹ rút khỏi đây.

Bên cạnh đó, nhóm chuyên gia cũng sẽ xem xét về việc có tuyên bố ngày ngày 20-12 là ngày quốc tang của Panama hay không, đồng thời đưa ra những đề xuất, với sự hỗ trợ của các luật gia quốc tế, buộc chính phủ Mỹ có trách nhiệm đền bù cho những tổn thất mà Panama đã gánh chịu.

Tháng 3-2017, Tòa án Tối cao Panama đã ra thông cáo cho biết, bắt đầu mở lại các hồ sơ dữ liệu để tổng hợp chính xác số nạn nhân trong cuộc tấn công quân sự và chiếm đóng tạm thời của Mỹ tại quốc gia Trung Mỹ vào tháng 12- 1989. Theo lời Jose Ayu Prado, Chánh án Tòa án Tối cao Panama, các hồ sơ dữ liệu chứa các thông tin quý giá vẫn được lưu giữ nguyên vẹn và hoàn toàn không bị hư hỏng.

Đêm 29-5-2017, nhà cựu độc tài Panama Manuel Noriega qua đời ở tuổi 83 sau khi được giải phẫu một khối u trong não. Trên trang Twitter, Tổng thống đương nhiệm Panama Juan Carlos Varela viết: "Cái chết của Manuel Noriega đã khép một trang sử nhiều biến động của Panama".

Quang Học (tổng hợp)
.
.