Lịch sử của máy tính trong chiến tranh Việt Nam

Thứ Tư, 26/05/2021, 08:05
Tháng 8-1965, hai tháng sau khi những người lính viễn chinh Mỹ đầu tiên đổ bộ lên bãi biển Đà Nẵng, mở đầu cho cuộc xâm lược bằng quân sự trong chiến tranh Việt Nam thì 12 chuyên gia máy tính của Hãng IBM cũng có mặt.

Họ hoạt động dưới sự chỉ huy trực tiếp của Bộ Tư lệnh viện trợ quân sự Mỹ tại miền Nam Việt Nam (MACV). Gần 55 năm sau, khi hồ sơ về sự tham chiến của máy tính được giải mật, người ta mới biết tường tận về đơn vị này…

Những nền tảng ban đầu

Theo hồ sơ đã được giải mật, từ tháng 8-1965 đến tháng 1-1973, có tổng cộng 250 chuyên gia của Hãng máy tính IBM (International Business Machines) làm việc trong lĩnh vực quân sự tại miền Nam Việt Nam. 

Tất cả đều là những người tình nguyện, một số do lương bổng hấp dẫn, số khác muốn có cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp và cũng không ít người sang Việt Nam vì tò mò! Hầu hết những chuyên gia này đều dưới 30 tuổi, đã tốt nghiệp Học viện Công nghệ M.I.T (Massachusetts Institute of Technology).

Khi ấy, một trong những điều kiện bắt buộc nếu muốn sang Việt Nam là vẫn còn độc thân, không nghiện rượu và dĩ nhiên là không dính đến ma túy. Lúc đặt chân đến Sài Gòn, họ được bố trí ở trong những căn nhà biệt lập, nằm xung quanh trụ sở IBM tại số 115 đường Minh Mạng (nay là đường Ngô Gia Tự, quận 10 TP. HCM). 

Họ được cấp một tấm thẻ đặc biệt để ra vào, đồng thời được miễn trừ sự kiểm tra giấy tờ cá nhân của Quân cảnh Mỹ (Military Police - M.P) nếu bị nghi ngờ là lính đào ngũ. 

Ngoài ra, còn có một trụ sở dự phòng nằm trên đường Hồng Thập Tự (nay là đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh TP. HCM). Ở cả 2 nơi này, hệ thống máy lạnh hoạt động 24/24 giờ và không bao giờ bị mất điện vì luôn có 2 máy phát điện, sẵn sàng tái lập nguồn điện chỉ khoảng 3 giây nếu lưới điện Sài Gòn trục trặc.

Một chiếc Lockheed OP-2E thu tín hiệu từ “cây nhiệt đới” rồi chuyển về mạng máy tính IBM 360/65 ở Thái Lan.

Sự xuất hiện của những chuyên gia máy tính tại miền Nam Việt Nam nằm trong một hợp đồng được ký kết giữa Bộ Quốc phòng Mỹ và Hãng IBM, trị giá 257 triệu USD, sau tăng lên 324,5 triệu USD vào năm 1968. 

Một trong những mục tiêu của IBM lúc ấy là nghiên cứu hoàn thiện hệ thống định vị của máy bay B-52 thuộc Tập đoàn Không quân chiến lược số 5 khi ném bom rải thảm xuống các vị trí nghi ngờ có sự hoạt động của Quân Giải phóng. 

Cho đến năm 1968, mạng lưới máy tính phục vụ chiến tranh của quân đội Mỹ đã được triển khai ở Long Bình - Biên Hòa, Cam Ranh - Nha Trang, Quy Nhơn và Đà Nẵng cùng nhiều nơi khác. 

Với chủ trương “điện tử hóa” cuộc chiến do Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara khởi xướng, hàng chục máy tính siêu mạnh thời điểm đó đã được chuyển đến miền Nam Việt Nam, từ hệ thống Seek Data II, PIACCS và Igloo White lắp đặt tại sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Biên Hòa, căn cứ hải quân Cam Ranh, sân bay Đà Nẵng, đến hệ thống máy tính AUTODIN đặt tại trụ sở Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) ở Sài Gòn. 

Tuy nhiên quan trọng nhất là mạng máy tính Collins SSB, có thể gửi, nhận thông tin trên khắp miền Nam Việt Nam, đến Thái Lan và Philippines. Nó hoạt động liên tục 24/24 giờ nên các chuyên gia IBM cũng phải chia ca làm việc theo suốt 7 ngày trong tuần. Collins SSB hữu hiệu đến nỗi khi hệ thống máy tính của Không quân Mỹ ở miền Nam Việt Nam bị hỏng, họ đã phải nhờ đến nó.

Có thể nói, chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến đầu tiên mà người Mỹ áp dụng phương pháp xử lý dữ liệu trong tất cả các bộ phận thuộc quân đội Mỹ. Bên cạnh việc huấn luyện lính Mỹ, chuyên gia IBM còn huấn luyện quân đội Sài Gòn cách sử dụng. 

Ngôn ngữ lập trình lúc ấy là COBOL, FORTRAN, PL/1 chạy trên hệ điều hành Operating System360, nằm trong một hệ thống được gọi chung là PIACCS (Pacific Interim Air Force Command and Control system - Hệ thống quản lý và chỉ huy không quân chuyển tiếp Thái Bình Dương) cùng Seek Data II, là công cụ tối quan trọng điều khiển chiến tranh. Ban đầu, bộ vi xử lý của máy tính chỉ là 1401 hoặc 1460 nhưng sau đó, nó được nâng cấp lên S/360 Model 40.

Chuyên gia IBM và máy tính S/360-50 tại căn cứ Long Bình, Biên Hòa.

Nhiệm vụ của mạng máy tính

Khi đi vào hoạt động, bộ chỉ huy của các đơn vị lính Mỹ trong các cuộc hành quân sẽ gửi kế hoạch tác chiến qua hệ thống máy tính PIACCS đến một căn cứ không quân cụ thể - chẳng hạn như Bộ Tư lệnh Không quân chiến thuật số 7 ở sân bay Tân Sơn Nhất. 

Kế hoạch tác chiến này bao gồm thời gian và địa điểm tấn công, thông tin về mục tiêu, yêu cầu về xăng, xe, lương thực, đạn dược, y tế…, số lượng và chủng loại máy bay cần được yểm trợ. Kế hoạch ấy sẽ lưu lại trong máy tính và được điều chỉnh dựa trên thông tin tình báo về quân số, trang bị vũ khí và hướng tấn công, phòng thủ của đối phương.

Về phía không quân Mỹ, sau khi đã thực hiện mọi yêu cầu của các đơn vị trực tiếp tham gia chiến đấu, thông qua mạng máy tính CREST, không quân Mỹ gửi về Bộ Tư lệnh Không quân chiến thuật số 7 ở sân bay Tân Sơn Nhất bản báo cáo chiến sự. 

Báo cáo ấy sẽ được hệ thống máy tính PIACCS chuyển đến trung tâm xử lý tại căn cứ không quân Hickam, bang Hawaii rồi được tổng hợp thành một báo cáo chung, trình lên chỉ huy cao cấp nhất để làm cơ sở cho những cuộc yểm trợ tiếp theo.

Với mạng máy tính Seek Data II, nhiệm vụ của nó là quản lý không vận. Các chuyên gia điều khiển nó chịu trách nhiệm lập kế hoạch vận chuyển người và trang thiết bị đến tất cả mọi nơi ở miền Nam Việt Nam, kể cả Lào và Campuchia. 

Lấy thí dụ như đơn vị phòng thủ Khe Sanh yêu cầu tăng viện thêm 1 tiểu đoàn lính thủy đánh bộ thì ngay lập tức, yêu cầu này được máy tính Seek Data II gửi đến máy tính S/360-50 của MACV. Tại đây, MACV sẽ quyết định điều động tiểu đoàn nào thuộc Sư đoàn Lính thủy đánh bộ và đơn vị không quân nào sẽ phụ trách vận chuyển lính đến Khe Sanh. 

Sau đó mệnh lệnh của MACV được gửi đến các bên liên quan. Vì thế mà tướng William Westmoreland, Tư lệnh quân viễn chinh Mỹ ở miền Nam Việt Nam đã nói: “Chỉ mất 40 phút, chúng tôi có thể điều động 1 tiểu đoàn với đầy đủ vũ khí, có mặt ở sân bay rồi mất thêm 1 hoặc 3 tiếng nữa tùy theo từng vị trí, tiểu đoàn này sẽ đến nơi cần đến…”.

Đầu năm 1967, nhằm triển khai cuộc “chiến tranh điện tử”, cùng với việc xây dựng “hàng rào điện tử McNamara” dọc theo vĩ tuyến 17 phân chia 2 miền Nam, Bắc Việt Nam, MACV ra lệnh cho hàng chục máy bay vận tải quân sự C-47, C-123 và C130 thả hàng nghìn thiết bị - thường được gọi là “cây nhiệt đới” - xuống các khu rừng nơi có đường mòn Hồ Chí Minh. 

Thiết bị này làm bằng thép, ngụy trang như một cành cây nhỏ với đầy đủ thân, lá, bên trong chứa bộ cảm biến ghi nhận tiếng động tạo ra do bước chân con người, thân nhiệt con người và nhiệt độ phát ra từ động cơ xe hơi, xe tăng. 

Khi nhận được những thông tin ấy, bộ cảm biến sẽ truyền tín hiệu thông qua máy bay trinh sát Lockheed OP-2E luôn có mặt 24/24 giờ trên trời, đến hệ thống máy tính IBM 360/65, đặt tại một căn cứ quân sự Mỹ ở Nakhon Phanom, đông bắc Thái Lan. 

Tiến hành phân tích, máy tính IBM 360/65 sẽ cho biết đó là con người, số lượng bao nhiêu hay chỉ là thú rừng. Với các phương tiện cơ giới cũng thế, IBM 360/65 sẽ chỉ rõ đó là loại xe nào, chở theo hàng hóa hay chạy không tải… Từ đó, Không quân Mỹ hoặc sẽ cho B-52 ném bom hủy diệt, hoặc chỉ sử sụng loại máy bay oanh tạc thông thường.

Đài radar Phú Lâm trước ngày bị Quân giải phóng tập kích.

Nhưng không thể hơn được con người

Sau một thời gian hoạt động, mạng máy tính mạnh nhất thời ấy của quân đội Mỹ ở miền Nam Việt Nam bắt đầu bộc lộ những nhược điểm. Đã xảy ra nhiều vụ “quân ta ném bom quân mình” hoặc những cuộc bắn phá vào các làng mạc, nơi chỉ có thường dân vô tội. 

Marshall Harrison, năm 1969 là phi công lái máy bay trinh sát tầm thấp OV-10 Bronco, làm nhiệm vụ chỉ điểm mục tiêu cho máy bay ném bom nói: “Máy tính do con người tạo ra nên nó hoạt động theo sự chỉ dẫn của con người. Nếu sự chỉ dẫn ấy sai, phương án mà nó đưa ra để xử lý tình huống cũng sẽ sai. Lấy thí dụ “cây nhiệt đới”  chẳng hạn, bộ cảm biến không thể phân biệt những dấu vết trên một con đường mòn, đâu là do tác động của thiên nhiên, đâu là do con người. Nếu các chuyên gia máy tính tin rằng những dấu hiệu do bộ cảm biến cung cấp là của con người thì kế hoạch ném bom, bắn phá lập ra bởi máy tính sẽ chẳng bao giờ mang lại kết quả”.

Làm việc trong môi trường được xem là an toàn nhưng những chuyên gia của IBM  không ít lần rơi vào tình thế nguy hiểm. Không lâu sau cuộc tổng tiến công, nổi dậy Tết Mậu Thân của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, Bob và Jerry là hai chuyên gia phần cứng đã suýt thiệt mạng. 

Hôm đó, cả hai làm việc đến khuya rồi ngủ lại ở Trạm chuyển phát thông tin Phú Lâm (thường được gọi là Đài radar Phú Lâm, nay thuộc quận 6 TP. Hồ Chí Minh). Đến nửa đêm, họ choàng tỉnh bởi từng loạt tiếng nổ của súng chống tăng B-40 và tiểu liên AK-47. Bob hét gọi Jerry: “Ra khỏi đây nhanh!”.

Giây lát, cả hai lao ra khỏi phòng ngủ rồi chui xuống một giao thông hào. Bob kể: “Tôi thấy nhiều người cầm súng nhảy qua hào, họ hét bằng tiếng Việt “xung phong”. 

Chỉ đến sáng, khi quân cứu viện xuất hiện với xe tăng, xe bọc thép và trực thăng vũ trang, Bob cùng Jerry mới biết đêm hôm trước, một đơn vị đặc công Quân Giải phóng đã tập kích vào khu vực đặt máy tính trong Đài radar Phú Lâm, phá hủy nhiều thiết bị quan trọng. 

Cassidy, nhân viên IBM khác kể thêm: “Hôm đó, tôi nhận được điện thoại từ một trung úy thuộc Sư đoàn 25 Tia chớp nhiệt đới ở Củ Chi. Anh ấy nhờ tôi sửa chiếc máy tính 407. 

Lúc đó trời đã xế chiều nên tôi ngần ngừ nhưng anh ấy van nài. “Không, anh phải đến ngay. Sẽ có một trực thăng chờ anh ở Đệ Nhất khách sạn (thuộc quận Tân Bình). Tôi sẽ bảo đảm an toàn cho anh tối nay”.

Sau một hồi giằng co, cuối cùng Cassidy quyết định sáng mai mới đi. Đêm hôm ấy, Quân Giải phóng tấn công căn cứ Củ Chi. Toàn bộ máy tính bị bắn nát và viên trung úy, người đã nài nỉ Cassidy xuống sửa máy tính trúng đạn chết. 

Jack, cũng là chuyên gia của IBI thì rơi vào tình trạng dở khóc dở cười. Một hôm anh ta được yêu cầu đến sửa chiếc máy tính trên một tàu hải quân Mỹ neo tại cảng Sài Gòn. Công việc tưởng đơn giản nhưng cuối cùng lại kéo dài và con tàu rời cảng mà thuyền trưởng quên không thông báo cho Jack. 

Thế là chuyên gia này kết thúc hành trình tại vịnh Subic, Philippines, trong túi chẳng  có giấy thông hành lẫn tiền bạc. Cuối cùng, Jack phải đi nhờ máy bay quân sự đến Đà Nẵng rồi chuyển sang một máy bay nữa về Sài Gòn.

Đầu năm 1970, người Mỹ triển khai chương trình “Việt Nam hóa chiến tranh”, nhiệm vụ của các chuyên gia IBM dần thu hẹp. Một số máy tính được chuyển cho quân đội Việt Nam Cộng hòa, trong đó loại máy tính S/360 Model 50 đặt tại trụ sở MACV được Sài Gòn mua lại (có 2 chiếc 360/50 vẫn còn ở Sài Gòn sau ngày giải phóng).

Ngày 27-1-1973, Hiệp định Paris ký kết. 60 ngày sau, văn phòng IBM ở số 115 đường Minh Mạng đóng cửa. Trừ một người tình nguyện ở lại thêm vài tháng nhằm hoàn thiện bộ gõ và in tiếng Việt để Bộ Giáo dục Sài Gòn tổ chức chấm thi tốt nghiệp trung học phổ thông (hay còn gọi là thi tú tài IBM) tổ chức vào năm 1973, còn thì toàn bộ nhân viên IBM được lệnh thu xếp về nước. Lịch sử tham chiến của IBM tại miền Nam Việt Nam chấm dứt.

Vũ Cao (Theo History - IBM in Vietnam War)
.
.