MH17 do tên lửa Ukraine bắn rơi?
Theo Hãng tin AP, đại diện của hãng sản xuất vũ khí Nga Almaz-Antei, đơn vị chuyên sản xuất loại tên lửa Buk được cho là thủ phạm làm rơi chiếc máy bay chở khách của Hãng Hàng không Malaysia Airlines vào ngày 17/7/2014, tuyên bố tại cuộc họp báo hôm 2/6 vừa qua: Hãng đã có kết luận loại tên lửa bắn rơi máy bay MH17 là loại tên lửa Buk đời cũ hiện nay không còn trong kho vũ khí của quân đội Nga nhưng có rất nhiều trong kho vũ khí của Ukraine.
Thu hồi xác máy bay MH17 để điều tra. |
Các đại diện Hãng Almaz-Antei cho biết, việc hãng tuyên bố kết luận điều tra riêng về vụ máy bay MH17 là để chứng minh hãng không có liên quan gì trong thảm họa máy bay MH17. Bởi kể từ khi xảy ra vụ MH17, Hãng Almaz-Antei đã bị EU cấm vận do bị cáo buộc có liên quan trong vụ việc với tư cách là nhà sản xuất tên lửa Buk.
Mikhail Malyshevsky, trợ lý Tổng giám đốc Hãng Almaz-Antei nói rằng, các kết luận của Hãng Almaz-Antei đều dựa trên dữ liệu được cung cấp bởi các nhà điều tra Hà Lan và hình ảnh chụp các mẩu vụn xác máy bay rơi đăng trên truyền thông đại chúng.
Qua phân tích dữ liệu, hãng này thấy rằng các vết thủng trên các bộ phận máy bay rơi trùng khớp với một loại tên lửa Buk và đầu đạn của nó. Còn ông Yan Novikov, một giám đốc của Almaz-Antei phân tích: mỗi loại tên lửa Buk có đầu đạn được nhồi các mảnh kim loại sát thương có hình dạng và cấu trúc khác nhau. Và hình dạng mảnh kim loại bắn ra từ đầu đạn tên lửa làm rơi chiếc MH17 thuộc loại tên lửa Buk đời cũ hiện có trong kho vũ khí của quân đội Ukraine, không có trong kho vũ khí của Nga.
Ông Mikhail Malyshevsky thuyết minh kết luận của hãng Almaz-Antei. |
Ông Novikov lý giải mình biết điều này nhân dịp Ukraine yêu cầu hãng bảo trì tên lửa Buk vào năm 2005, khi đó Almaz-Antei mới biết Ukraine có đến 991 tên lửa Buk-M1. Hai ông Novikov và Malyshevsky cũng cho biết, phân tích mẫu xác máy bay MH17 cho kết quả có thể xác định vị trí bệ phóng tên lửa Buk-M1, đó là một nơi gần thị trấn Zaroshenske chứ không phải Snizhne như kết luận của Kiev và phương Tây, vì một tên lửa bắn đi từ Snizhne sẽ có hình thức tác động khác.
Việc quân đội Ukraine sở hữu tên lửa Buk-M1 cũng đã được Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine xác nhận, nhưng không thừa nhận vị trí bệ phóng tên lửa, cho rằng vị trí đó "không quan trọng". Hãng Almaz-Antei cho rằng, Kiev đang cố gắng thay đổi dữ liệu và thay bằng những khái niệm mơ hồ, dựa theo dữ liệu trên các trang mạng xã hội.
Trong quá trình điều tra vụ rơi máy bay MH17, ngay từ đầu, phương Tây đã cố tình đổ lỗi cho phiến quân ly khai ở miền Đông Ukraine là thủ phạm, sử dụng loại tên lửa Buk-M1 do Nga (cụ thể là Hãng Almaz-Antei) sản xuất. Quân ly khai đã kịch liệt phản đối cáo buộc này và khẳng định mình không hề sở hữu loại tên lửa Buk như đã nói. Tháng 4/2015, một chỉ huy quân ly khai tên là Eduard Basurin tuyên bố nước Cộng hòa nhân dân Donetsk đã nắm giữ được một số bản đồ quân sự của quân đội Ukraine trong đó thể hiện vị trí bố trí quân đội của Kiev vào tháng 7/2014, thời điểm xảy ra vụ máy bay MH17 bị bắn rơi. Thời điểm đó, thị trấn Zaroshenske nằm trong tầm kiểm soát của Kiev, ông Basurin nói.
Góp thêm cho đám mây mù bao phủ quanh sự thật về vụ tai nạn máy bay MH17 là chuyện các nước phương Tây dàn dựng thành phần tham gia Ủy ban điều tra mang tên Đội điều tra liên hợp (JIT). Nhiều chuyên gia Malaysia lẫn quốc tế đều phản đối cơ cấu thành phần của JIT vì nó bao gồm người của Ukraine và các nước châu Âu, không cho người Malaysia tham gia.
Các hệ thống tên lửa Buk. |
Các chuyên gia quốc tế lập luận rằng, việc Hà Lan, Australia có thành viên tham gia JIT là có thể lý giải thích được vì Hà Lan có số công dân tử vong nhiều nhất, Australia cũng có một số công dân tử vong trong vụ máy bay MH17, còn Ukraine là quốc gia nơi xảy ra vụ tai nạn máy bay, nhưng Bỉ không hề có người nào, trong khi Malaysia có số công dân tử vong nhiều thứ nhì sau Hà Lan nhưng lại không được tham gia JIT. Malaysia đã trực tiếp yêu cầu phải được tham gia JIT nhưng không được đáp ứng. Việc này đã khiến Malaysia phẫn nộ, cộng đồng thế giới khách quan cũng bất bình, lên án các quốc gia châu Âu hành động đơn phương, bất minh và thiếu khách quan.
Ngày 29/8/2014, báo chí Hà Lan tiết lộ rằng, một thỏa thuận bí mật đã được ký kết vào ngày 7/8/2014 giữa 4 quốc gia tham gia JIT nói trên. Theo Đài Phát thanh Quốc gia NOS của Hà Lan, thỏa thuận cho phép mỗi quốc gia tham gia JIT có quyền kiểm soát những thông tin, dữ liệu mình thu thập được trong quá trình điều tra và có quyền quyết định tiết lộ thông tin đó hay không, tùy theo ý muốn và lợi ích.
Trên cơ sở thỏa thuận bí mật này có thể hiểu lý do vì sao Malaysia không được tham gia JIT. Theo báo chí quốc tế, đó là vì nước này từ chối đi theo quan điểm đổ lỗi nước Nga gây ra thảm họa máy bay MH17. Malaysia không chấp nhận chỉ tiết lộ những thông tin một phía theo hướng có lợi cho Ukraine và theo ý muốn của phương Tây. Các chuyên gia người Malaysia cho rằng, họ nghi ngờ những thông tin về kết quả điều tra do nhóm JIT công bố đáp ứng đúng sự thật về nguyên nhân vụ máy bay MH17.