Maroc: Bí ẩn đằng sau vụ ám sát thủ lĩnh Ben Barka

Thứ Tư, 31/08/2016, 07:10
Cách đây hơn nửa thế kỷ, ngày 29-10-1965, thủ lĩnh phe đối lập của Maroc là Mehdi Ben Barka bị bắt cóc ngay tại thủ đô Paris của Pháp và biến mất một cách bí ẩn. 50 năm sau, một cuộc điều tra do hai phóng viên kỳ cựu của tờ Yediot Aharonot (Maroc) là Ronen Bergman và Shlomo Nakdimon tiến hành cho biết, Ben Barka đã bị sát hại và Cơ quan tình báo Israel (Mossad) đã nhúng tay vào vụ ám sát này.

"Cái gai" Ben Barka

Ben Barka sinh tháng 1-1920 tại thủ đô Rabat, Maroc trong một gia đình trung lưu. Cha ông là một người buôn bán nhỏ, còn mẹ ông làm nội trợ. Mehdi Ben Barka từng theo học ngành toán học tại Rabat và trở thành giáo viên cấp ba. Ông đã từng giảng dạy tại Trường Đại học Hoàng gia và một trong những học sinh của ông sau này chính là Quốc vương Hassan II.

Năm 1943, Ben Barka tham gia sáng lập đảng Istiqlal, một đảng đóng vai trò quan trọng trong việc giành độc lập ở Maroc. Năm 1955, ông đóng vai trò quan trọng tại vòng thương lượng với Chính phủ Pháp nhằm đưa Quốc vương Mohammed V bị chính quyền Pháp trục xuất sang Madagascar về nước. Từ năm 1956 đến 1959, Ben Barka là Chủ tịch Hội đồng tư vấn Maroc.

Ben Barka, thủ lĩnh cánh tả Maroc, người đã mất tích cách đây hơn nửa thế kỷ. Ảnh: france24.com.

Là người đại diện cho phe cánh tả ở Maroc, Mehdi Ben Barka được nhận xét là một người rất bảo thủ. Năm 1959, vì muốn chiếm đoạt ngôi vương, Hassan II đã gây áp lực chống lại phe cánh tả, buộc thủ lĩnh Ben Barka phải chạy lưu vong sang Paris. Sau khi Quốc vương Mohammed V băng hà năm 1961, Hassan II lên ngôi và thông báo muốn hòa giải với phe cánh tả. Ben Barka trở lại Maroc vào tháng 5-1962. Tuy nhiên, ông vẫn là "cái gai" trong mắt nhiều người chống đối ông.

Ngày 16-11-1962, ông Ben Barka thoát khỏi âm mưu ám sát trong một vụ tai nạn giao thông. Theo báo chí Maroc, chiếc Volkswagen của ông bị một chiếc xe cảnh sát lao vào như tên bắn. Chiếc xe lật nhào vài vòng song thật may, ông chỉ bị thương nhẹ. Theo các nhà phân tích, "tác giả" đứng đằng sau vụ tai nạn trên là Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Tướng Mohamed Oufkir và Đại tá Ahmed Dlimi tiến hành.

Tháng 6-1963, Ben Barka một lần nữa bị trục xuất với cáo buộc âm mưu chống lại chế độ quân chủ. Ngày 14-3-1964, ông bị kết án tử hình vắng mặt với cáo buộc âm mưu ám sát Quốc vương Hassan II. Hơn một năm sau, nhờ lệnh ân xá của Quốc vương cho các tù nhân chính trị mà Ben Barka được xóa tội tử hình. Ben Barka đã sống lưu vong ở châu Âu trước khi bị mất tích bí ẩn vào ngày 29-10-1965, sau đó được phát hiện đã chết trong một khu rừng ở ngoại ô thủ đô Paris.

Không có quà tặng miễn phí

Nhưng ai là người ra tay sát hại Ben Barka? Theo tờ Yediot Aharonot, vụ ám sát này được cho là có bàn tay của Mossad.

Theo tờ báo trên, khoảng đầu thập niên 1960, Mossad (chịu trách nhiệm về tình báo đối ngoại và chống khủng bố) đã đặt chi nhánh tại Paris để tổ chức các chiến dịch tại châu Âu. Vào thời điểm đó, Pháp và Israel hợp tác trong lĩnh vực an ninh rất chặt chẽ bởi lẽ Chính phủ Pháp đang kẹt trong "vũng lầy Algeria" và đang phải đối phó với Mặt trận Giải phóng Quốc gia (FLN) nên cần đến sự giúp đỡ của Mossad. Ban đầu, sự hợp tác này chỉ là trao đổi thông tin về tổ chức bí mật. Sau đó Mossad cung cấp vũ khí cho hàng loạt vụ ám sát mà Cơ quan an ninh Pháp thực hiện nhắm vào trụ sở FLN ở Caire (Ai Cập).

Trong khi đó, Mossad coi Paris như là "con đường tiếp cận châu Phi và châu Á". Cơ quan này tích cực thu thập thông tin về các nước Arab và Liên Xô để chia sẻ với Mỹ. Trong số những nước mà Mossad đã kết nối có thể kể đến như Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Ethiopia; song vẫn còn thiếu Maroc, một quốc gia ôn hòa và có quan hệ với các đối thủ chính của Israel.

"Trong ngành tình báo không có quà tặng miễn phí", tờ Yediot Aharonot nhận định khi nói về quan hệ mật thiết giữa Mossad và Maroc. Theo nguồn tin trên, trước vụ sát hại thủ lĩnh đối lập Ben Barka 6 tuần, Mossad có một "khoản nợ" với Maroc. Israel và Maroc có quan hệ "chiến lược" với những lợi ích riêng. Vua Hassan II đã bị Mossad thuyết phục nên "để người Do Thái trong nước di dân sang Israel", bù lại Israel sẽ cung cấp hậu cần tiếp liệu, đào tạo các binh sĩ cho Maroc.

Tiếp đó, Quốc vương Hassan II còn cung cấp cho Mossad mọi tài liệu và băng ghi âm liên quan đến toàn bộ nội dung Hội nghị thượng đỉnh Liên minh Arab diễn ra từ ngày 13 đến 18-9-1965, trong đó có đề cập đến việc chỉ huy của các quân đội Arab thừa nhận rằng, họ chưa được chuẩn bị cho một cuộc chiến với Israel. Nhờ những thông tin đó, quân đội Israel đã yêu cầu chính phủ Levi Eshkol tung ra Cuộc chiến 6 ngày năm 1967. Cuộc chiến đó Israel đã chiến thắng quân đội của Syria, Ai Cập và Jordan. Từ đó, Mossad mang trên mình một món "nợ" với Maroc.

Tất nhiên, Maroc muốn được trả nợ nhanh chóng. "Và tên của món nợ đó được nêu ra là Ben Barka, nhân vật cánh tả có ảnh hưởng nhất tại Maroc cũng như tại thế giới Arab khi đó", tờ Yediot Aharonot cho hay.

Chiến dịch "Baba Batra"

Trong kinh Talmud, Baba Batra ý chỉ tới một văn bản liên quan đến trách nhiệm cá nhân. Chữ cái đầu của "Baba Batra" cũng giống như chữ cái đầu của tên "Ben Barka".

Theo tờ Yediot Aharonot, để "trả món nợ" cho Maroc, Mossad cam kết theo dõi sự di chuyển của Ben Barka đang lưu vong tại châu Âu. Cuộc điều tra cho thấy Mossad đã tìm thấy Ben Barka tại Geneva. Mossad đã cung cấp địa chỉ mà Ben Barka thường lui tới cho Đại tá Ahmed Dlimi, trợ lý của Bộ trưởng Nội vụ Maroc Mohammed Oufkir. Các nhân viên tình báo Maroc chỉ còn phải canh chừng ngôi nhà 24/24 giờ trong suốt hai tuần cho đến khi mục tiêu xuất hiện".

Tháng 4-1965, nhà báo người Pháp Philippe Bernier, bạn của Ben Barka, có cuộc tiếp xúc với một người Maroc có tên là Chtouki. Chtouki làm việc ở Đại sứ quán Maroc dưới sự chỉ đạo của Tướng Oufkir. Chtouki đề nghị Bernier thuyết phục Ben Barka trở về Maroc. Đổi lại Bernier sẽ nhận được 400.000 franc tiền thưởng. Tuy nhiên, Bernier từ chối và báo trước cho Ben Barka về kế hoạch của Chtouki.

 Để dụ được Ben Barka tới Paris, Mossad lập ra một cái bẫy bằng cách làm một phim tài liệu mang tựa đề "Basta!".

Mùa hè năm 1965, Bernier được mời tham gia một dự án làm phim tài liệu "Basta!" nói về chế độ thực dân. Anh đã chia sẻ dự án này với Ben Barka. Ben Barka tỏ ra khá quan tâm tới bộ phim này. Ngày 2-9-1965, Bernier đã có cuộc gặp với nhà sản xuất phim Georges Figon tại Caire (Ai Cập). Tại đây, Bernier đã giới thiệu Figon với Ben Barka. Họ ở đó ba ngày và có nhiều cuộc trao đổi về bộ phim này.

Ngày 20-9 cùng năm, Bernier và Figon tới Geneva (Thụy Sĩ) nhưng không cùng đi trên một chuyến bay. Tại phòng chờ, Figon đã gặp một người tên là Lopez và luật sư Pierre Lemarchand và trao đổi vài câu với ông ta. Bernier, Figon và Ben Barka sau đó gặp nhau ở Geneve.

Đầu tháng 10, Figon đến Geneva để gặp Ben Barka và đề  nghị Ben Barka thuyết phục Bernier gặp mặt một người tên là Franju. Figon sau đó mang một hợp đồng do Ben Barka ký và thông báo với Bernier và Franju rằng cảnh quay cuối cùng của bộ phim "Basta!" sẽ được tiến hành vào cuối tháng 10 ở Paris.

Ngày 26-10-1965, Ben Barka gặp Bernier và nói rằng, ông muốn giới thiệu với Bernier một nhà sử học trẻ tuổi người Maroc. Hôm sau, Ben Barka lại nhắc Bernier nhớ tới cuộc hẹn vào lúc 12 giờ 15 phút thứ sáu ngày 29-10.

Ben Barka đã tới Orly lúc 9 giờ sáng ngày 29-10-1965. Cuối buổi sáng, ông ta gặp một lưu học sinh người Maroc 28 tuổi tên là Thami El-Azemouri. Khoảng giữa trưa, khi Ben Barka và Azemouri đang trong nhà hàng Lipp nổi tiếng tại Đại lộ Saint-Germain thì bị hai người xưng là cảnh sát kéo đi. Hai cảnh sát đã chất vấn họ ngay trên vỉa hè trước cửa rạp hát. El-Azemouri sau đó được thả, còn Ben Barka bị đẩy lên ô tô đi mất. Từ đó không ai nhìn thấy Ben Barka nữa.

Sau 50 năm, tháng 3-2015, bài phóng sự điều tra của hai phóng viên Israel Ronen Bergman và Shlomo Nakdimon của tờ Yediot Aharonot cho biết, vào ngày 29-10-1965, trời mưa ảm đạm ở Paris, một vài người đào một cái hố rồi vất xuống đó một người đàn ông bị siết cổ chết trước đó ít lâu. Người đó chính là Ben Barka trong vụ án mất tích nửa thế kỷ.

Cũng theo tiết lộ của hai phóng viên, Ben Barka được đưa đến một căn hộ. Ông bị Đại tá Ahmed Dlimi và các thủ hạ tra tấn dã man bằng cách châm thuốc lá, chích điện và trấn nước nhiều giờ liền. Sau thời gian thẩm vấn dài, Ahmed Dlimi gọi cho các đồng nghiệp Israel từ căn hộ và thông báo: "Tôi không muốn… nhưng ông ta đã chết". Thi thể của Ben Barka sau đó được đem đi chôn trong rừng Saint-Germain, rồi bị tiêu hủy bằng acide. 

Cái chết của Ben Barka đã gây ra khủng hoảng chính trị nghiêm trọng tại Israel, đồng thời gây tổn hại cho mối quan hệ giữa Pháp và Maroc cũng như giữa Pháp và Israel. Tổng thống Pháp, Tướng De Gaulle đã yêu cầu Vua Hassan II giao cho Bộ trưởng Bộ Nội vụ Mohamed Oufkir và Ahmed Dlimi song Quốc vương Maroc không đồng ý. Ngoài ra, Tướng De Gaulle cũng ra lệnh trục xuất các đại diện của Mossad ở Pháp về nước và chính thức đóng cửa chi nhánh cơ quan tình báo Israel tại Paris.

Cho đến nay, tại Maroc, vụ án Ben Barka vẫn chưa được làm sáng tỏ, song "bóng ma Ben Barka" vẫn là nỗi ám ảnh trong quan hệ giữa Maroc và Pháp.

Phương Linh (tổng hợp)
.
.