"Mỏ vàng" tình báo trong lòng Thái Bình Dương
- Brexit và tương lai cộng đồng tình báo Anh
- Ngôi sao điện ảnh Đức là điệp viên của tình báo Xôviết
- Con trai ông Trump bị ủy ban tình báo "gọi tên"
Dưới đáy biển hiện vẫn còn hàng trăm, thậm chí hàng ngàn mảnh vỡ của chiếc tiêm kích tàng hình thế hệ 5, trong đó có các bộ phận trọng yếu chứa nhiều công nghệ quân sự tối mật...
Nỗ lực tìm kiếm không suôn sẻ
Máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 F-35A của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản (JASDF) đóng quân tại căn cứ Misawa, Đông Bắc Nhật Bản bất ngờ biến mất khỏi màn hình radar chỉ 25 phút sau khi cất cánh thực hiện huấn luyện bay đêm trên Thái Bình Dương ngày 9-4. Chiếc F-35A mất tích khi đang bay cùng 3 phi cơ khác ngoài khơi tỉnh Aomori, cách căn cứ Misawa 135 km về phía Đông.
Chiếc F-35A này do phi công 41 tuổi, thiếu tá Akinori Hosomi có kinh nghiệm hàng ngàn giờ bay điều khiển. Theo RT, chiếc F-35A bị rơi cũng chính là máy bay F-35 đầu tiên được Nhật Bản tự lắp ráp và xuất xưởng bởi tập đoàn Mitsubishi ngày 6-6-2017 nhờ được Mỹ bàn giao dây chuyền và linh kiện.
Chiếc F-35A mang số hiệu 79-8705 này lâu nay luôn xuất hiện như niềm tự hào của lực lượng không quân Nhật.
Ngay sau vụ mất tích, Nhật Bản xác nhận chiếc máy bay đã gặp sự cố rồi rơi xuống vùng biển quốc tế trên Thái Bình Dương. Không rõ sự cố mà chiếc F-35A cùng phi công gặp phải là gì, song phía Nhật Bản nói họ không nhận được bất cứ tín hiệu cấp cứu nào.
Điều này khiến nỗ lực tìm kiếm gặp rất nhiều khó khăn, khi lực lượng tìm kiếm không thể xác nhận vị trí chính xác của chiếc máy bay cũng như tìm hiểu sơ bộ nguyên nhân vụ việc.
Chiếc F-35A đầu tiên của Nhật Bản ra mắt năm 2017. Ảnh: Nikkei. |
Hơn một tháng qua, Nhật Bản và Mỹ đều đã điều đến vùng biển Thái Bình Dương nhưng thiết bị tiên tiến nhất với nỗ lực tìm kiếm viên phi công và thu thập xác chiếc máy bay F-35A. Trong số này, Tokyo triển khai 3 tàu chiến và một tàu cảnh sát biển còn Mỹ triển khai đồng thời máy bay tuần thám biển P-8A Poseidon, một oanh tạc cơ B-52H rồi cả máy bay do thám U-2.
Theo ước tính của các chuyên gia, giàn máy bay và tàu mặt nước của Nhật Bản và Mỹ đã quần thảo một khu vực rộng hàng chục ngàn km2 trên biển. Tuy nhiên, kết quả họ đạt được chưa tương xứng với nỗ lực. Hôm 29-5, các nhà tìm kiếm mới phát hiện phần cánh và mảnh vỡ động cơ. Họ kì vọng phần thân chính và các mảnh vỡ khác cũng như thi thể của phi công sẽ sớm được phát hiện. Tuy nhiên, lại một tuần nữa đã trôi qua và vẫn chưa có thêm phần nào của máy bay được tìm thấy.
Hồi đầu tháng 5, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya từng nói rằng, lực lượng cứu hộ đã phát hiện ra hộp đen trên chiếc F-35 nhưng bộ phận này bị hỏng nặng, thiết bị lưu dữ liệu trên hộp đen không rõ vì lí do gì đã biến mất, khiến các nhà điều tra Nhật và Mỹ không thể thu thập thêm thông tin gì về chiếc F-35.
Giới chuyên gia hàng không bình luận, với vận tốc bay hành trình trên 1000km/h, chiếc F-35 có thể đã va chạm vào mặt biển ở vận tốc lớn rồi vỡ vụn, khiến các mảnh vỡ văng rất xa rồi trôi dạt tới các khu vực xa xôi. Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng, do khu vực tiêm kích F-35A gặp nạn có độ sâu lên tới 1.500m nên công tác tìm kiếm xác máy bay được cho là sẽ tiếp tục thử thách sự kiên nhẫn của Mỹ-Nhật.
"Mỏ vàng" tình báo trong lòng Thái Bình Dương
Ngược lại khoảng thời gian cách đây 13 năm, khi thế hệ máy bay F-35 lần đầu xuất hiện trước công chúng vào năm 2006, nhà thầu quốc phòng Mỹ Lockheed Martin luôn tự hào F-35 sẽ là cỗ máy quân sự hiện đại bậc nhất thế kỉ 21, giúp Mỹ và các đồng minh thực sự "thống trị bầu trời".
Chiếc F-35A mang số hiệu 79-8705 trước khi cất cánh đi làm nhiệm vụ. Ảnh: Nikkei. |
Lockheed khẳng định, ngoài những tính năng tác chiến và tàng hình giống như người anh em F-22, chiếc F-35 trở nên khác biệt nhờ khả năng kết nối mạng khác cùng bộ cảm biến dung hợp và hệ thống liên lạc bảo mật tuyệt đối.
Hơn một thập niên qua, chương trình sản xuất siêu tiêm kích F-35 liên tục phá vỡ kỉ lục về khoản ngân sách dành cho nó.
Đến nay, F-35 được coi là một trong những dự án quân sự đắt nhất trong lịch sử thế giới, với tổng chi phí dự kiến vượt quá ngưỡng 1.500 tỷ USD, tức gấp 32 lần chi quốc phòng thường niên của Nga (năm 2018 là 46 tỷ USD). Dù nhiều phi đội đã được Mỹ đưa vào biên chế, dự án này vẫn chưa hoàn tất quá trình phát triển, khi nhiều máy bay xuất xưởng gặp các vấn đề kỹ thuật.
Tuy vậy, điều không thể phủ nhận là chiếc máy bay này hiện là một trong 3 mẫu chiến đấu cơ hiện đại nhất thế giới, đứng cạnh một đại diện khác của Mỹ là máy bay F-22 Raptor (Mỹ coi mẫu máy bay này là tuyệt mật, cấm xuất khẩu) cùng một đại diện đến từ Nga mang tên Su-57.
Vì những lí do đó, năm 2011, Nhật Bản quyết định đặt mua liền lúc 42 tiêm kích F-35A để thay thế cho các phi đội F-4EJ đã lạc hậu trong biên chế quân đội. Nhân chuyến thăm đến Nhật Bản của Tổng thống Mỹ Donald Trump cách đây không lâu, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lại chính thức thông báo mua thêm 105 tiêm kích F-35, trong đó có 65 máy bay F-35A và 40 máy bay F-35B để vận hành trên hai tàu sân bay hoán cải từ khu trục hạm trực thăng lớp Izumo.
Động thái này giúp Nhật trở thành nước sở hữu số tiêm kích F-35 nhiều thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ, với tổng cộng 147 chiếc. Quy mô của phi đội F-35 mà Nhật Bản sắp sở hữu theo đó sẽ nhiều gần gấp đôi phi đội tiêm kích thế hệ 5 Su-57 của Nga, và chắc chắn lớn hơn nhiều so với phi đội máy bay chiến đấu của các nước trong khực Đông Bắc Á.
Trong một bài bình luận cách đây không lâu, tờ SCMP nhận định dàn máy bay F-35 chính là một phần quan trọng trong nỗ lực của Nhật Bản nhằm nâng cao năng lực quân sự của Nhật Bản để đáp ứng với cục diện nhiều biến đổi ở Đông Á và đặc biệt với tình trạng hiện đại hóa quân đội nhanh chóng của Trung Quốc.
Rõ ràng, việc Nhật Bản sở hữu một phi đội bay hùng hậu như vậy chắc chắn sẽ đặt ra không ít thách thức cho Bắc Kinh. Dù quân đội Trung Quốc đã đưa vào biên chế nhiều tiêm kích tàng hình J-20 và giành ưu thế trong cuộc đua tự sản xuất chiến đấu cơ thế hệ 5, song ngành hàng không quân sự của nước này vẫn gặp hàng loạt vấn đề với các dự án mới.
Với Nga, Nhật Bản tuy không phải đối thủ trực tiếp, song Moscow cũng không vui vẻ gì khi các nước đồng minh của Mỹ lần lượt triển khai hàng trăm chiếc F-35 ngay sát biên giới, nhất là khi những máy bay loại này được trang bị tên lửa có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo ở giai đoạn đầu, theo đó có thể ảnh hưởng đến năng lực răn đe hạt nhân của Moscow.
Trong bối cảnh đó, việc xác chiếc F-35A nằm đâu đó dưới đáy Thái Bình Dương được các chuyên gia mô tả là trông giống một "mỏ vàng" với các cơ quan tình báo nước ngoài muốn tìm hiểu công nghệ tàng hình Mỹ. Riêng với Trung Quốc và Nga, khao khát này còn lớn hơn bởi chúng có thể giúp hai nước nâng cấp vũ khí phòng thủ hoặc nghiên cứu công nghệ hiện đại mà người Mỹ dày công phát triển.
Bóng dáng một cuộc chạy đua ngầm?
Lật lại vụ rơi máy bay của Nhật Bản, việc máy bay F-35 mang trong mình vô số thiết bị điện tử tinh vi biến mất quá lâu tại địa điểm không xa bờ biển Nhật Bản, khi đã huy động gần như tất cả nỗ lực để tìm kiếm, bị một số chuyên gia nhận định là không bình thường, bởi theo thông lệ thì nó phải được tìm thấy trong một khoảng thời gian ngắn. Giả thiết được đặt ra lúc này đó là liệu có phải Trung Quốc hoặc Nga đã âm thầm triển khai hoạt động tìm kiếm chiếc F-35 trước cả Mỹ và Nhật Bản hay không?
Dòng máy bay F-35 khác biệt nhờ khả năng kết nối và tác chiến theo nhóm. Ảnh: USAF. |
Trên tờ Business Insider, các chuyên gia đã nhắc tới khả năng Nga và Trung Quốc có thể đã xem xét, hoặc đã sử dụng các tàu ngầm trong nỗ lực tiếp cận máy bay F-35A của Nhật Bản. Một số nhà phân tích khác thì cho rằng các bộ phận của radar và các cảm biến khác của máy bay F-35 Nhật là mục tiêu chính để thu thập cho các cuộc thử nghiệm đảo ngược của Bắc Kinh và Moscow.
Trên Thái Bình Dương, ngoài Mỹ thì Nga đang là nước có ưu thế lớn nhất khi sở hữu hạm đội tàu ngầm có khả năng ẩn mình và hoạt động ở độ sâu cực lớn. Người Nga rõ ràng không muốn gặp rắc rối với Mỹ hay Nhật Bản khi tính đến việc trục vớt nguyên phần thân nặng nhiều tấn của máy bay F-35A, nhưng họ rõ ràng có thể triển khai phương tiện đến khu vực để tìm kiếm những mảnh vỡ nhỏ, nhưng chứa nhiều công nghệ hiện đại.
Trung Quốc, tuy không có những công nghệ tương tự, song họ cũng đã kịp sở hữu một cơ sở hạ tầng với hệ thống cảm biến tối tân, đủ để không bỏ lọt bất cứ sự kiện nào trong khu vực. Bởi vậy, các chuyên gia cho rằng không thể loại trừ khả năng những biên đội tàu ngầm cỡ nhỏ của Trung Quốc bằng cách nào đó đã tiếp cận được vị trí chiếc F-35A của Nhật Bản để nghiên cứu...
Đến nay, chưa có nước nào lên tiếng về khả năng nói trên. Các quan chức Mỹ và Nhật Bản thì phủ nhận những thông tin như vậy. Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan trấn an các nước mua F-35 của Mỹ rằng, không có bất cứ thứ gì từ chiếc F-35A bị rơi vào tay Nga hoặc Trung Quốc. Song, nguy cơ đánh mất bí mật quân sự vẫn khiến Mỹ và Nhật Bản làm mọi cách để sớm định vị xác máy bay và ngăn các nước tiếp cận chiếc F-35.
Giới quan sát nói rằng Mỹ dường như đã triển khai thêm các trinh sát cơ và tàu đến khu vực. Trong khi đó, Tham mưu trưởng Lực lượng phòng vệ Nhật Bản Koji Yamazaki tuyên bố sẽ cử phương tiện theo dõi sát sao sự di chuyển của tàu bè các nước láng giềng. Ông cho biết "mọi nỗ lực cần thiết" đang được thực thi để bảo vệ chiếc F-35.
Mặc dù vậy, Tom Moore, cựu thành viên Ủy ban Đối Ngoại Thượng viện Mỹ, vẫn nhận định: "Không có cái giá nào là quá cao trong thế giới này đối với Nga và Trung Quốc nếu họ phải trả để có được chiếc máy bay mất tích của Nhật Bản".
Trên tờ Nikkei, các chuyên gia Nhật Bản thậm chí so sánh những gì đang diễn ra với máy bay F-35A của nước này ở Thái Bình Dương giống như một sự kiện cách đây 51 năm, khi Mỹ bất chấp phản ứng của Liên Xô để tiến hành trục vớt tàu ngầm hạt nhân K-129 mất tích trên Thái Bình Dương.
Năm 1968, chiếc K-129 hiện đại nhất thế giới của Moscow đã biến mất không dấu vết trên biển sau chuyến hoạt động dài ngày. Phía Liên Xô nỗ lực tìm kiếm trong 2 tháng liên tục nhưng bất thành, còn Mỹ lại bí mật xác định được con tàu bị đắm tại một vị trí cách quần đảo Hawaii hơn 2.400 km về phía Tây Bắc. Washington liền lập kế hoạch trục vớt con tàu cùng các đầu đạn hạt nhân và tài liệu mật mà nó mang theo.
Sau 7 năm ròng rã cùng một chiến dịch nguỵ trang chưa từng có, Mỹ đã trục vớt thành công con tàu và tiếp cận được những công nghệ tân tiến nhất trên tàu ngầm Liên Xô để hiện đại hoá đội tàu ngầm hạt nhân. Chiến dịch trên luôn được CIA mô tả là một thành công tình báo vĩ đại thời Chiến tranh Lạnh, giúp Mỹ chiếm ưu thế hơn hẳn Liên Xô trong trường hợp nổ ra một cuộc xung đột trên biển.