Mỹ - Iran: Viễn cảnh một cuộc đối đầu quân sự?

Thứ Tư, 24/04/2019, 16:57
Tình hình khu vực Trung Đông một lần nữa nóng lên khi phía Iran chỉ ra những dấu hiệu cho thấy Israel và Mỹ muốn chuẩn bị chiến tranh với Iran. Chưa rõ thực hư thế nào nhưng lời cảnh báo cho thấy còn rất lâu nữa khu vực Trung Đông mới thoát khỏi vòng xoáy xung đột, bạo lực và những tính toán chiến lược của các quốc gia trong và ngoài khu vực này.

Nguy cơ có thật

Tổng thống Iran Hassan Rouhani mới đây đã kêu gọi các nước ở khắp khu vực Trung Đông đoàn kết chống lại Mỹ. Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm ngày thành lập quân đội ở Tehran hôm 18-4, Tổng thống Rouhani khẳng định các lực lượng vũ trang Iran không phải là mối đe dọa với bất kỳ quốc gia nào trong khu vực.

Lời qua tiếng lại cùng những động thái cứng rắn giữa Iran và bên kia là Mỹ và Israel đã khiến giới quan sát lo ngại về một cuộc chiến tranh với quy mô xung đột không hề nhỏ có thể xảy ra. Để đáp lại những đe dọa từ phái Mỹ và Israel, gần đây Iran cũng đã tổ chức một cuộc tập trận quy mô lớn mang tên “Bayt al-Maqdis”, có nghĩa là Thánh đường, là tên mà những người Hồi giáo trước đây đặt cho Jerusalem.

Nhiều dấu hiệu cho thấy Mỹ và Israel chuẩn bị cho một chiến lược Trung Đông mới.

Ở những khu vực gần Syria, Iran tiếp tục đào hào xung quanh để đối phó với Lực lượng không quân Israel (IAF) khi mà mới chỉ tuần trước, các máy bay chiến đấu không quân Israel một lần nữa sử dụng không phận Liban ném bom một nhà máy sản xuất tên lửa của Iran ở thành phố Masyaf thuộc tỉnh Hama.

Các nguồn tin tình báo cho biết, thời gian gần đây Iran cũng đã thành công trong việc thuê một hải cảng ở tỉnh Latakia (Syria) hiện được Quds (Đơn vị đặc nhiệm) thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) sử dụng để vận chuyển những chuyến hàng bí mật từ Iran sang Syria qua Địa Trung Hải.

Giới chuyên gia quân sự Israel cho rằng đây chỉ là vấn đề thời gian trước khi Iran triển khai một hạm đội hải quân tại cảng này và sử dụng các tàu chiến và tàu ngầm được trang bị tên lửa dẫn đường trong một cuộc chiến tranh tương lai với Israel. Israel hiểu rằng một cuộc đối đầu với Iran trong tương lai và các tổ chức vũ trang thân Iran nhiều khả năng sẽ là một cuộc chiến tranh tên lửa.

Năm ngoái, Chỉ huy Lực lượng Quds Qassem Soleimani nói rằng, Iran là một siêu cường khi bước vào một cuộc xung đột bất đối xứng và cảnh báo Mỹ không nên phát động một cuộc chiến tranh với nước này. Iran hiểu rõ quân đội Iran và IRGC không phải là đối thủ của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) hay quân đội Mỹ trong một cuộc chiến tranh thông thường và đây là lý do Iran đang nỗ lực cải thiện kho vũ khí tầm xa của mình, đồng thời xây dựng các cơ sở cho các tên lửa tầm ngắn và tầm trung ở Liban và Syria.

Về phía Israel, viễn cảnh về một cuộc chiến tranh tên lửa đa mặt trận với hàng trăm quả tên lửa có thể phóng đến Israel mỗi ngày đã dẫn tới sự hợp tác chặt chẽ giữa quân đội Israel và Mỹ. Và rất có thể một trong những nguyên nhân mà chính quyền Tổng thống D.Trump đang cố gắng bóp nghẹt Iran bằng các biện pháp trừng phạt mạnh tay. Mà mới đây nhất là việc chính quyền Mỹ đưa IRGC vào danh sách các tổ chức khủng bố. Rõ ràng, với Iran, đây là “lời tuyên chiến với nước này”.

Người dân Iran biểu tình chống lại các chính sách của Mỹ đối với nước này. Ảnh: Haaretz.

Quyết định của Tổng thống Trump đã dẫn tới gia tăng căng thẳng và các mối đe dọa của Iran đối với quân đội Mỹ ở cả Iraq và Syria, trong khi đó Thủ tướng Israel Benyamin Netanyahu nói rõ ông ủng hộ động thái này của Mỹ chống lại IRGC.

Một dấu hiệu khác của cuộc chiến rất có thể sẽ cận kề trong thời gian không lâu nữa là Israel đang phối hợp với Mỹ để kiềm chế Iran là cuộc tập trận phòng thủ tên lửa được tổ chức ở Israel gần đây. Mỹ đã mang hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tới Israel, nơi nó được tích hợp với các hệ thống phòng thủ tên lửa đa tầng của Israel, chẳng hạn như hệ thống tên lửa đánh chặn Arrow.

Các nguồn tin từ quân đội Israel cho biết hệ thống THAAD với 230 nhân viên điều khiển được đặt tại căn cứ Nevatim ở miền Nam Israel, có khả năng nhanh chóng triển khai chiến đấu và hỗ trợ rất tốt cho các lực lượng của đồng minh và đối tác trên chiến trường. Bên cạnh hệ thống THAAD, quân đội Mỹ cũng sẽ sử dụng hệ thống Aegis trên các tàu hải quân để giúp Israel tự bảo vệ mình trong một cuộc chiến tranh tên lửa có thể nhìn thấy trước.

Ông Yair Ramati - cựu Giám đốc Tổ chức Phòng thủ Tên lửa (IMDO) cho rằng hệ thống tên lửa đánh chặn Aegis sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ Israel trong một cuộc chiến tranh như vậy.

Hai đồng minh Israel và Mỹ cũng sẽ tiến hành một cuộc diễn tập phòng thủ tên lửa khác trong mùa hè này khi quân đội Israel đưa các sỹ quan tới Alaska để thử nghiệm phiên bản mới của hệ thống Arrow 3 mà đã được ngành công nghiệp hàng không Israel và Boeing triển khai tại Mỹ. Hệ thống Arrow 3 có khả năng bắn các mục tiêu đang bay với tốc độ siêu thanh bởi vì nó được trang bị những cảm biến có độ chính xác cao và khả năng đánh chặn cực kỳ mau lẹ.

Thêm một dấu hiệu khác cho thấy Mỹ đang thực sự nghiêm túc khi những căng thẳng hiện nay với Iran sẽ tăng lên và có khả năng dẫn tới một cuộc xung đột vũ trang mới ở Trung Đông là việc mới đây Mỹ triển khai các máy bay chiến đấu F-35 tại căn cứ không quân al-Dhafra của Các tiểu Vương quốc Arập thống nhất (UAE).

Các cuộc tập trận chung giữa quân đội Israel và Mỹ sẽ là sự chuẩn bị tốt cho “các thách thức thực tế”, Tướng Ran Kochav thuộc đơn vị phòng thủ tên lửa của Israel nói.

Để biện minh cho hành động quân sự

Câu hỏi đặt ra là có phải Mỹ muốn tạo thật nhiều cớ để gia tăng kiềm chế sức mạnh của Iran? Báo cáo mới đây của Chính quyền Tổng thống Trump về việc tuân thủ quốc tế đối với các hiệp định kiểm soát vũ khí đã gây tranh cãi giữa các cơ quan tình báo Mỹ và một vài quan chức Bộ Ngoại giao do lo ngại rằng tài liệu này bị chính trị hóa cũng như thiên kiến về các đánh giá đối với Iran là một ví dụ điển hình.

Các nhà phân tích cho rằng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang gia tăng kiềm chế sức mạnh của Iran tại Trung Đông, điều này đã làm dấy lên lo ngại rằng chính quyền của ông muốn lật đổ chính quyền Tehran hoặc đặt nền móng để biện minh cho hành động quân sự.

Cuộc tranh cãi giữa các quan chức Mỹ dấy lên khi cách đây một tuần Bộ Ngoại giao đăng tải trên trang web của Bộ, và sau đó gỡ xuống, một phiên bản được giải mật báo cáo hàng năm gửi đến Quốc hội, đánh giá việc tuân thủ các thỏa thuận kiểm soát vũ khí mà các nguồn tin coi là sai lệnh đối với Iran.

Iran đang chuẩn bị cho những tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Ảnh: The National.

Việc công bố báo cáo diễn ra sau khi Chính quyền của Tổng thống Trump chính thức liệt Các lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo, đơn vị bán quân sự và tình báo đối ngoại tinh nhuệ của Iran vào diện "một tổ chức khủng bố nước ngoài".

Washington cũng đã gia tăng các biện pháp trừng phạt kinh tế cứng rắn đối với Iran. Chính quyền Trump cũng đang tiến hành một chiến dịch tuyên truyền, kể cả trên mạng xã hội, nhằm thúc đẩy sự phẫn nộ lan rộng đối với Chính phủ Iran.

Một số nguồn tin cho biết báo cáo tái xuất hiện mà không có lời giải thích nào khiến họ lo ngại rằng có phải chính quyền đang dựng nên hình ảnh Iran xấu nhất có thể hay không, giống như Chính quyền của Tổng thống George Bush sử dụng thông tin tình báo giả và cường điệu để biện minh cho cuộc xâm lược Iraq năm 2003.     

Một cựu quan chức Mỹ bày tỏ tin tưởng rằng báo cáo được sử dụng để tạo lợi thế cho quan điểm của Chính quyền Trump về Iran hơn là phản ánh thông tin thu thập được bởi các cơ quan tình báo và những đánh giá của các chuyên gia của Bộ Ngoại giao về thông tin đó.

Hans Kristensen, chuyên gia về hạt nhân thuộc Hiệp hội các nhà khoa học Mỹ có trụ sở tại Washington nói: "Điều tồi tệ nhất sẽ là chúng ta đang thấy biểu hiện của sự chính trị hóa các thông tin tình báo để phục vụ mục đích của các quan chức cấp cao trong chính quyền. Chúng ta đã chứng kiến điều đó trong quá khứ, với cuộc chiến tranh Iraq. Đây là dấu hiệu cảnh báo tiềm tàng".

Cuộc chiến chưa hồi kết

Một câu hỏi cần được làm rõ là liệu cuộc chiến mới không hồi kết mà ông Trump muốn hướng tới có thực sự là muốn dùng Iran để "thay đổi nguyên trạng" Trung Đông? Về việc Washington liệt IRGC vào danh sách các tổ chức khủng bố, chuyên gia phân tích Amélie Chelly cho rằng ông Trump có lý do để “quan tâm đặc biệt” đến IRGC và muốn thay đổi nguyên trạng để lấy lại thế thượng phong.

Liệu chiến tranh Mỹ - Iran có thể xảy ra? Chuyên gia Annick Cizel cho rằng tại Iran, không có dấu hiệu chế độ sẽ sụp đổ trong ngắn hạn. Đây chính là nguy cơ khuyến khích phe hiếu chiến tại Mỹ "năng nổ" hơn. Hơn ai hết, Iran ý thức rõ việc cần phải thận trọng. Và rõ ràng cả Iran và Mỹ đều thận trọng với "lằn ranh đỏ" của chính mình. Muốn hiểu rõ nguy cơ chiến tranh có xảy ra hay không, cần hiểu rõ chiến lược mới của Chính quyền Mỹ đối với Iran.

Quân đội Iran đang được đặt trong tình trạng sẵn sàng cao. Ảnh: The Times.

Hiện nay, giới phân tích đang không ngừng tranh luận về chiến lược Iran của Chính quyền Trump. Có phân tích cho rằng chính quyền của ông Trump không có chiến lược đối với Iran, chỉ có sách lược đối với Iran, bị ảnh hưởng bởi vấn đề thương mại khiến cho chiến lược của Mỹ trong vấn đề Iran thiếu tư duy chiến lược có hệ thống và lâu dài.

Cũng có phân tích cho rằng tuy chính sách Iran của Chính quyền Trump thiếu tính ổn định nhưng vẫn hình thành một chiến lược tăng cường kiềm chế Iran. Còn có phân tích cho rằng cùng với việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, chiến lược Iran của Chính quyền Trump đang trở lại thời kỳ Bush. Tóm lại, chiến lược Iran của Chính quyền Trump đang có sự thay đổi rõ rệt, đi sâu phân tích những thay đổi này rất quan trọng cho việc nắm bắt tình hình chính trị ở Trung Đông.

Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2017, chính quyền ông Trump luôn phải đối mặt với một vấn đề nan giải trong việc xử lý vấn đề Iran, đó chính là liệu có nên tiếp tục chiến lược Iran của thời kỳ B.Obama là thuyết phục Iran thay đổi hành vi. Ý tưởng chiến lược này nói chung là tốt, nhưng thực tế không hiệu quả. Ở cấp độ khu vực, Iran đã mở rộng đáng kể tầm ảnh hưởng tại Iraq, Syria, Liban và Yemen.

Ngược lại, các nước lớn trong khu vực như Saudi Arabia, lại không ngừng sa vào tranh chấp nội bộ. Mỹ lo lắng, nếu tình hình này kéo dài, Iran rất có khả năng giành được quyền bá chủ khu vực. Thứ hai, chiến lược này làm suy yếu tầm ảnh hưởng của Mỹ trong việc sắp xếp lại trật tự khu vực thu hẹp tầm ảnh hưởng chiến lược của Mỹ.

Không chỉ vậy, sự sụp đổ của IS đã để lại khoảng trống quyền lực mới cho Syria và Iraq. Để ngăn chặn Iran có cơ hội thiết lập hành lang địa chính trị Shiite xuyên suốt Địa Trung Hải, Mỹ cần phải khẩn trương có chiến lược mới để giành lại khoảng trống quyền lực.

Rõ ràng, theo quan điểm của Chính quyền ông Trump, chiến lược đối với Iran “tương đối mềm” của Obama không những không giảm bớt sự thù địch của Iran đối với Mỹ, ngược lại còn dẫn đến sự bành trướng khu vực của Iran, phá vỡ hệ thống đồng minh của Mỹ, làm giảm sức ảnh hưởng của Mỹ.

Nhìn vào khuynh hướng ngăn chặn, chiến lược đối với Iran của Mỹ có 4 sự lựa chọn: Một là thay đổi chế độ, sử dụng mọi thủ đoạn để lật đổ chính quyền Iran; Hai là chiến lược đẩy lùi, xoay chuyển những ưu thế và thành quả mà Iran giành được trước đó trong việc bành trướng khu vực; Ba là kiềm chế từ xa, duy trì cân bằng cán cân quyền lực giữa Iran với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực, từ ngoài khu vực ngăn chặn Iran có được ưu thế cạnh tranh; Bốn là chiến lược lui về sau, rút khỏi tranh chấp bằng phương thức bảo toàn tối đa lợi ích, sau này tìm biện pháp đối phó hiệu quả hơn.

Nhìn vào khuynh hướng tiếp xúc, Mỹ cũng có 4 sự lựa chọn: một là chiến lược răn đe, sử dụng quân sự và kinh tế để đe dọa Iran, khiến nước này phải nhượng bộ ở mức tối đa; Hai là thực hiện tiếp xúc, đối thoại một cách cẩn trọng và thiết thực với Iran, thông qua hợp tác và giao dịch trong giới hạn để tìm hiểu và gây ảnh hưởng cho đối thủ; Ba là mở rộng tiếp xúc, tăng cường đối thoại, giao dịch và hợp tác, thay đổi phương thức hành động và định hướng chính sách của Iran; Bốn là chiến lược xoa dịu, thông qua hợp tác nhiều hơn hoặc nhượng bộ để lấy lòng đối thủ cạnh tranh.

Hoa Huyền
.
.